Wednesday, June 19, 2024

TRẦN HOÀI THU & BẰNG HỮU (Trần Doãn Nho/Người Việt)

 



Trần Hoài Thư và bằng hữu

Trần Doãn Nho/Người Việt

June 19, 2024

https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/tran-hoai-thu-va-bang-huu/

 

KENNEDALE, Texas (NV) – Trần Hoài Thư (1942-2024) bắt đầu sáng tác từ năm 1964. Nếu không kể khoảng hơn mười mấy năm chững lại sau 1975 vì bị bắt đi tù cải tạo (bốn năm), vượt biên, đi học lại và hội nhập với đời sống mới ở Hoa Kỳ, tính cho đến ngày qua đời (Tháng Năm, 2024), anh “dan díu” với văn chương trên dưới 50 năm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/VHNT-Tran-Hoai-Thu-bang-huu-1-1536x825.jpg

Tháng Mười Hai, 2013, thăm Trần Hoài Thư tại nhà. Từ trái, Đinh Cường, Trần Hoài Thư, Nguyễn Minh Nữu, Phạm Cao Hoàng. (Hình: Phạm Cao Hoàng)

 

Năm thập niên, anh vừa sáng tác vừa góp phần duy trì và phát triển văn học hải ngoại và đặc biệt nhất, phục hồi văn học miền Nam. Đó là một sự nghiệp lớn.

 

Anh ra đi, để lại một khoảng trống khó thể lấp đầy, đồng thời để lại một niềm tiếc thương sâu sắc trong văn giới, trong lòng bạn bè cũng như trong lòng những người yêu văn chương. Ngay từ lúc anh còn sinh thời, nhiều tác giả đã viết về anh, về văn chương anh cũng như về những đóng góp của anh đối với văn học.

 

Về tính cách con người Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, người bạn văn thân thiết từ thời trẻ của anh, ghi lại vài nét điển hình: “Người lính thám kích [Trần Hoài Thư] của Đại Đội 405 Sư Đoàn 22 Bộ Binh nghe thì dữ dằn lắm, nhưng hiền như Bụt. Ốm yếu. Gầy gò. Cận nặng (hình như 7 độ). Đôi kính cận lúc nào cũng có sợi dây thun quàng ra sau ót. Không bao giờ đội nón lưỡi trai (nón của lính). Chỉ có một cái nón rừng, cuốn lại vắt ở cầu vai áo hay nhét vào túi quần. Lang thang. Bất cần đời. Nhưng có một tấm lòng rộng rãi. Biết thương người. Hòa đồng với mọi người. Không phân biệt. Thường chơi với những người lính không có cấp bậc. Không phân biệt nhà thơ lớn nhà văn nhỏ. Đã cầm bút là chơi hết mình. Đó là Trần Hoài Thư mà tôi quen đã 50 năm nay. Không thay đổi. Mỗi lần nói đến chuyện văn chương là anh cười sảng khoái.” (Tình Bạn Với Trần Hoài Thư).

 

Bàn về văn chương và cách làm văn chương của Trần Hoài Thư, Cao Vị Khanh, một bạn văn thân thiết khác của anh, viết: “Vậy đó, không thông điệp, cũng chẳng tuyên ngôn. Anh nhắc lại một trận đánh, một vết thương, một cái chết, một cơn sợ hãi, một nỗi vui mừng, một niềm tuyệt vọng, một sự thật như nó là nó, không ngụy tráo cũng chẳng tuyên truyền. Có người muốn quên. Nhưng anh thì nhớ. Anh viết về cuộc chiến đã xảy ra mà anh đã tham dự, nhiều người đã biết cũng như còn rất nhiều người khác không biết mặc dù đã sống cận kề. Anh nói giùm bạn anh, những người trước đây không được phép nói và đến giờ không còn dịp nói nữa. (…) Anh viết dễ dàng mà không dễ dãi. Ðọc anh tôi cũng thấy sướng lây. Chữ nghĩa phóng ra ào ào như súng máy xổ thành tràng liên tu bất tận. Vậy mà rất trúng đích. Chữ chở nghĩa tận tình khiến người đọc cứ thấy mình trong cuộc. (…) Văn của anh trào ra như con lũ phá đập. (…) Nghĩ cho cùng thì viết lách cũng là trò chơi đoạn trường đó. Mà nhất là cái kiểu không thèm chơi chịu. Chơi hết mình. Chơi xả dàn. Chơi cạn vốn. Lính tráng, anh chơi kiểu lính rừng-tàn-núi-lở. Ðánh trận. Xung kích. Thương tích. Ðào ngũ. Nhậu nhẹt. Gái ghiếc. Văn chương, anh chơi kiểu văn chương bạt mạng. Viết văn. Làm thơ. In ấn. Trét keo. Dán bìa. Bưng gởi bốn phương. In thơ miễn phí cho người này. In sách giới thiệu cho người khác. Viết như mai không còn viết nữa. Làm thơ như thể sắp bị cướp mất giấy mực. Thấy mà mến mà phục mà cũng muốn hăng theo anh.” (Cho Dù Lịch Sử Đau Bầm Dập)

 

Không khác xa với những nhận định đầy cảm xúc của Cao Vị Khanh, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh nêu lên mấy nét căn bản trong thế giới văn, thơ viết về đời lính của Trần Hoài Thư: “Hình ảnh người lính đã theo chừng ấy giai đoạn trôi nổi với cuộc chiến, lúc nào cũng hào hùng, vĩ đại, nhưng cũng có những người lính rất tầm thường, đáng thương vì là nạn nhân của những thư hùng bạo lực, của những mưu đồ tranh chấp. Những người lính tầm thường hơn nhưng tâm tư phức tạp: có người vì lý tưởng, nhưng một cách thực tế họ đã chiến đấu vì tình đồng đội, vì nghĩa ‘thầy trò,’ vì màu cờ sắc áo của binh chủng. Những người lính của Trần Hoài Thư đặc biệt có tất cả các đặc tính vừa kể. Anh đã viết về những người lính có thật, những cái sống thực thường nhật, những cái anh đã sống; đã lăn lộn với bom đạn; anh đã sống cái tang thương của bom đạn, và anh đã đưa kinh nghiệm đó vào văn chương.” (“Trần Hoài Thư Thời Hải Ngoại,” tạp chí Ngôn Ngữ số Tháng Ba, 2023)

 

Trong lúc đó, nhà văn Ngô Thế Vinh dựng lại chân dung một Trần Hoài Thư toàn diện và sống động trong sinh hoạt văn chương cũng như trong đời thường qua một bài viết dài và công phu “Trần Hoài Thư và Ngọc Yến Với Con Chim Chằng Nghịch Và Nỗi Nhớ Quê” với nhiều tài liệu quý. Trong “Lời Dẫn Nhập,” anh viết: “Trần Hoài Thư là một tên tuổi có trong danh sách các tác giả của Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa, nhưng cũng để thấy rằng đây là một chân dung văn học rất khó viết, do đã có quá nhiều người viết về đủ mọi khía cạnh của Trần Hoài Thư. Hơn thế nữa cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hoài Thư quá phong phú nên với một bài viết dù chỉ là phác thảo cũng vẫn là một thiếu sót. Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một ‘đám cưới nhà binh’ của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954-1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào.”

 

Sau ngày Trần Hoài Thư ra đi, nhiều trang mạng đã thực hiện số đặc biệt tưởng nhớ Trần Hoài Thư.

 

Nhanh chóng, phong phú và được cập nhật liên tục là phần “Tưởng Niệm Nhà Văn/Nhà Thơ Trần Hoài Thư” trên trang “Văn Học Nghệ Thuật” do nhà thơ Phạm Cao Hoàng, cũng là người bạn văn thân thiết thời trẻ, thực hiện. Phần tưởng niệm này đăng tải hàng chục bút ký, tùy bút, nhận định, thơ, nhạc (phổ thơ) viết về Trần Hoài Thư và văn chương Trần Hoài Thư của hàng chục anh chị em nhà văn, nhà thơ, họa sĩ trong và ngoài nước. Xin tạm kể ra một số: Nguyễn Xuân Thiệp, Hoàng Xuân Sơn, Trần Mộng Tú, Đặng Tiến (Thái Nguyên), Nguyễn Thị Thanh Bình, Đặng Kim Côn, Lê Hân, Luân Hoán, Lữ Kiều, Nguyên Minh, Trần Doãn Nho, Đinh Trường Chinh, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Quang Chơn, Tô Thẩm Huy…

 

Giúp Trần Hoài Thư hoàn tất một trong những công việc quan trọng của việc ấn loát là đánh máy và sửa lỗi typo, nhà văn Ngọc Bút kể: “Tôi hào hứng làm việc ấy vì rất cảm kích những gì nhà văn Trần Hoài Thư (THT) làm cho 20 năm văn chương miền Nam. Tôi muốn góp một chút công sức nhỏ nhoi của mình vào công việc giữ gìn di sản đáng quý mà anh đang làm. Trước tôi đã có Nguyệt Mai làm việc này, giờ tôi giúp thêm một tay thì tốt cho anh THT thôi. Có những khi anh THT hay ai đó đánh máy bài viết rồi, và tôi chỉ sửa lỗi chính tả. Có khi tôi đánh máy và tự sửa lỗi luôn, cùng một lúc nhiều bài (như loạt bài của nhà văn Nguyễn Kim Phượng, ký giả Lô Răng, nhà văn hóa Nguyễn Nam Châu, cụ Vương Hồng Sển,…) hoặc nhiều chương của một truyện dài (như truyện ‘Nuôi Sẹo’ của Triều Sơn, ‘Hồn Hương’ của Nguyễn Mạnh Côn,…). Anh thường chụp các tài liệu rồi attach vào email gởi tôi, tôi download, đánh máy thành bản word rồi gởi lại anh cũng bằng cách attach vào email. Phải nói là tôi cũng được ‘lợi lộc’ khi làm công việc này, vì được dịp thưởng thức những áng văn thơ hay mà trước kia tôi không được đọc vì tôi còn bé xíu khi các tác phẩm này ra đời. Công việc với tôi rất thú vị, nhưng nhiều khi đoán hoài đoán mãi không ra ý tác giả ở một câu hay một cụm từ nào đó, vì bản chụp của bản in ngày xưa nhòe mực hoặc bị thiếu mất một góc trang hoặc thợ xếp chữ thời đó xếp lung tung! Có lúc tôi cũng đoán mò và đành tô màu vàng vào cụm từ đó rồi mở ngoặc nêu ý kiến hay ghi chú của mình bằng màu đỏ kế bên. Thơ Cung Trầm Tưởng thì còn đoán được dẫu có mờ hay lem luốc mực in, nhưng thơ Nh. Tay Ngàn thì thực sự là một thách thức. Nhưng cuối cùng thì cũng xong. Điều quan trọng và tuyệt vời nhất của tôi là được thưởng thức và thưởng thức… Tôi đã làm công việc này một cách cẩn trọng và tỉ mỉ từ 2015 cho đến ngày Thư Quán Bản Thảo trở thành giai phẩm sau số 100, chỉ với một lý do duy nhất là mến mộ tấm lòng và việc làm của anh THT. Tôi thực sự yêu thích công việc này.” (Chút Kỷ Niệm Với Thư Quán Bản Thảo Và Nhà Văn Trần Hoài Thư)

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/VHNT-Tran-Hoai-Thu-bang-huu-2-1536x1082.jpg

Tháng Sáu, 2024, thăm nhà Trần Hoài Thư. Nhà còn đó, mà người đã ra đi. Từ trái, Nguyễn Quang, Nguyễn Đình Hiếu, Phạm Văn Nhàn, Tô Thẩm Huy, Nguyễn Minh Nữu, Phạm Cao Hoàng. (Hình: Phạm Cao Hoàng)

 

Ngoài ra, nhiều nhà thơ trong và ngoài nước, đã tưởng niệm Trần Hoài Thư với những dòng thơ tha thiết. Xin được dẫn lại trích đoạn của vài tác giả.

 

Từ Lê Văn Trung, một cây bút đã từng có mặt trên Bách Khoa, Văn, Ý Thức, Thời Tập (Sài Gòn):

 

“Trần Hoài Thư! Trần Hoài Thư!
Rong chơi đi nhé cõi trời văn chương
Áo xưa đã sạch bụi đường
Rừng xưa mây trắng bay cùng hồn thơ
Em xưa cũng biệt sương mờ
Tình xưa bỏ lại đôi bờ nhân gian
Hoa xưa đôi cánh rụng vàng
Theo anh về giữa mênh mang đất trời”

 

Từ Thành Tôn, tác giả của tập thơ “Thắp Tình.” Có lẽ đây là bài thơ duy nhất nhà thơ này làm sau hàng chục năm gác bút, vì lý do riêng:

 

“Bạn đi, một khoảng trống
Biết ai người lấp đầy
Bài thơ làm nhung nhớ
Quyển sách chừng hao gầy
Chiếc bóng chao mờ ảo
Vách thư viện chập chờn
Bươi đống tro… đốt sách
Trang chữ vàng lộ ra”

 

Từ nhà văn Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, người đã đoạt giải “Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo (California) năm 2010:

 

“Bởi mang hồn Quí Sách
Nên nặng nghiệp Hoài Thư
Gánh quê hương ly loạn
Gánh chữ nghĩa mịt mù”

 

Và từ Cao Thoại Châu, tác giả nhiều bài thơ tình độc đáo trên tạp chí Văn (Sài Gòn) cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970:

 

“Ta thổn thức nhớ về ngày xưa ấy…
Thời tao loạn lên đường vào nghiệp lính
Để lại sân trường đàn chim nhỏ bơ vơ
Không làm thầy ta làm lính cũng vui
Là học trò trường Bộ Binh Thủ Đức
Bao kỷ niệm cùng Hoài Thư ngày cũ
Bạn hiền lành khoác áo lính như ta
Cũng thi sĩ tâm hồn hay bay bổng
Lính làm thơ, rất tình và rất lạ…”

 

Trần Hoài Thư, một đời cho văn chương và cho bạn bè! (Trần Doãn Nho) [qd]

 

 

 




No comments: