Những dòng sông vĩnh viễn đổi thay
Thu Quỳnh - Boxit VN
Posted
on 31/05/2024 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=88847
Có
một kịch bản chung không thể đảo ngược ở tất cả các con sông, dù chúng có mặt ở
bất cứ nơi nào, đó là nếu đã xây đập thủy điện và khai thác cát quá mức, tất yếu
sẽ cạn kiệt phù sa dẫn tới biến dạng sông, xói lở hạ du, hạ thấp lòng dẫn, rút
chân đồng bằng…
Không
ai mường tượng hết những gì sẽ xảy ra, bởi mọi chuyện giờ mới chỉ bắt đầu.
Ông
Vũ Thanh Thuận, hạt phó hạt đê điều Hải Hậu đứng bên bờ biển trước đây là khu
du lịch Thịnh Long, Hải Hậu đã bị sóng đánh sập. Ảnh: Hoàng Việt.
“Hồi
tôi mới về công tác thì các bãi này còn rất rộng, có những điểm chiều rộng cả
km, nhưng giờ đã mất sạch”, ông Vũ Thanh Thuận, Hạt phó Hạt Đê điều Hải Hậu,
nhìn ra dải bờ biển kể trong tiếng sóng vỗ dưới chân kè nhà thờ đổ Trái tim
Chúa của giáo xứ Xương Điền, xã Hải Lý, điểm được kè để giữ lại chứng tích của
những trận xói lở. “Sóng đánh vào làm nứt chân đê, đất cát dần trôi ra, đê bị hở
hàm ếch, xong bị sập dần từng đoạn”.
“Trước
năm 1995, lở dần bãi ngoài đê, đê có dấu hiệu bị dọa vỡ ở nhiều điểm, chính quyền
đã vận động dân di dời vào phía trong và bắt đầu đắp tuyến đê số hai ở sâu bên
trong để dự phòng”, ông Thuận nhớ lại. Cuộc di chuyển kéo dài trong chục năm
theo tốc độ ăn vào của biển, một số hộ chuyển sâu vào phía trong đê số hai, một
số hộ không còn đất để chuyển vào đã bỏ đi miền Nam.
Kể
từ thời điểm đó, con đê gắn liền với quá trình quai đê lấn biển hình thành nên
vùng đất Hải Hậu, trụ suốt mười năm trong tình trạng từng đoạn bị sóng đánh nứt
chân và dọa vỡ, cho đến cơn bão số 7 năm 2005. Những cột nước cao không có bãi
phù sa chặn bớt đã kéo đi cả đê và những căn nhà cuối cùng còn trụ lại ở trong
con đê. 20 năm đã trôi qua mà ký ức kinh hoàng vẫn còn đọng lại. “Sóng đập vào
nhà, nước tràn qua mái, cát dưới nền sụt xuống, đá quật lên, con tôi gãy chân
không chạy nổi nữa, anh nó phải ròng dây ra cõng vào. Trong vòng có hai tiếng
sóng đánh đổ vào khoét đất đi như một con sông”, bà Miến, một người dân xã Hải
Lý nói. Gia đình bà cùng hơn 20 hộ cuối cùng trụ lại ở xung quanh nhà thờ này
rút cục đã chìm vào biển nước.
Cơn cuồng
nộ của nước đã nuốt mất những ngôi làng biển, nơi cư ngụ của cư dân vạn chài và
những bờ bãi trong bảy xã ven biển từ Thịnh Long đến Hải Lý, vùng được sông Hồng
bồi đắp hình thành mấy trăm năm trước.
Cơn
cuồng nộ của nước dần nuốt mất những ngôi làng biển, nơi cư ngụ của cư dân vạn
chài và những bờ bãi trong bảy xã ven biển từ Thịnh Long đến Hải Lý, vùng được
sông Hồng bồi đắp hình thành mấy trăm năm trước. Cách ngôi nhà thờ đổ vài trăm
mét, hai ngôi nhà thờ khác của giáo xứ Xương Điền sừng sững hơn một thế kỷ, vốn
nằm sâu trong đất liền, sụp xuống không còn dấu tích.
20
năm bám trụ ở đây, ông Đông, bà Miến, những
người nông dân suốt đời chỉ mong ổn định, đã lùi nhà bốn lần theo tốc độ tiến
vào của biển. Làm nghề trông giữ thuyền bè gần bốn chục năm qua ở bờ biển này,
ông bà không thể lý giải nguyên nhân sâu xa cho việc “biển ăn mất 15 mét mỗi
năm”. Họ chỉ biết là còn bãi ở ngoài đê thì chắn được sóng biển và mất cát chắc
chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy.
Cát,
bờ bãi ở cửa biển này đã đi đâu?
Những
đồng bằng bị rút chân
Chuyện
xảy trong vòng 20 năm trở lại đây của Hải Hậu, Nam Định ở đồng bằng sông Hồng
cũng là chuyện xảy ra ở vùng hạ du của nhiều con sông khác của Việt Nam. Cũng
như ông Đông bà Miến, không người dân miền biển nào lý giải được nguyên nhân. Họ
không ngờ rằng việc biển ăn vào đất liền có liên quan đến những hạt phù sa nhỏ
bé đổ từ thượng nguồn.
Các
vùng ven biển vẫn chịu tác động xâm thực của sóng, gió biển xói vào nhưng trong
cơ chế cân bằng của tự nhiên, lượng phù sa giúp giữ vùng cửa biển, TS. Nguyễn
Hào Quang, Phòng Động lực trầm tích ven biển và cửa sông, Viện Nghiên cứu cảng
và sân bay, Yokosuka, Nhật Bản, giải thích. Vốn dĩ, những huyện như Hải Hậu,
Nam Định, hay Tiền Hải, Thái Bình vẫn được phù sa bồi đắp hàng năm. Ở cửa Ba Lạt
(giao giữa Giao Thủy và Tiền Hải), mỗi năm phù sa vẫn mở mang thêm bãi bồi lấn
ra biển hơn 100
mét1, bồi tụ với tốc độ 117 ha/năm trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1990.
Nhưng nay cơ chế cân bằng ấy đã mất khi “sông Hồng đã giảm hơn
91% lượng phù sa2 đổ về”, TS. Nguyễn Hào Quang cho biết.
Tình
trạng của sông Hồng xấu đi từng năm nhưng ít được quan tâm. Người ta cũng không
biết những bãi bồi bãi cát cũng là một con đê khác ở vòng ngoài cho đồng bằng.
9% trầm tích ít ỏi còn lại của sông Hồng “chỉ còn nuôi được vài khu vực nhỏ ven
các cửa sông, vẫn có vài chỗ có xu hướng bồi tụ, nhưng xu hướng chủ đạo là xói
lở”, anh nói.
Không
ai hiểu rõ điều đó hơn những người làm công tác đê điều. “Hồi còn bãi ngoài đê
nước đánh lên thì cột nước thấp, gần như không có sóng cao lên. Khi mất bãi thì
cột nước cao, sóng càng lớn thì đánh áp lực lớn. Vỡ đê”, 40 năm ngày nào cũng
đi kiểm tra từng đoạn đê Hải Hậu, thuộc con đê như lòng bàn tay giúp ông Thuận
lý giải cặn kẽ hơn về thảm họa ám ảnh cả miền Bắc năm 2005. Chỗ nào “có bãi, có
cây chắn sóng thì [đê] không bị vỡ”. Kể từ sau thảm họa đó, các bãi nằm dọc đường
bờ biển dài ba chục cây số của huyện Hải Hậu, kéo từ xã Thịnh Long ở phía Nam về
xã Hải Lý ở phía Bắc bị sóng gặm vào dần, nay đã chìm trong biển nước. Gót
Tràng ở xã Thịnh Long, nơi hình thành một chóp nhọn nhô ra trên bản đồ không
còn một dấu tích. Sát Hải Hậu, huyện Giao Thủy, vùng đất được
hình thành từ ba trăm năm trước sau sự kiện sông Hồng đổi dòng mở ra cửa biển
Ba Lạt (Ba Lạt phá hội) và bồi đắp lên nay bị biển ăn vào. Có lẽ nào quá khứ vẫn
đang song hành cùng hiện tại, với những biến động bất thường của dòng sông?
Có
lẽ, ai cũng nhớ đến cái tên sông Hồng, hồng bởi chính lượng phù sa màu mỡ theo
nước về bồi đắp đồng bằng. Theo ước tính của nhiều nghiên cứu khác nhau, lượng
phù sa trung bình khoảng 110 - 120 triệu tấn
trên nǎm, tức
là xấp xỉ 1,5 kg phù sa trên một mét khối nước, TS. Nguyễn Hào Quang cho
biết. Sau hơn bốn nghìn
năm mải miết bồi đắp hình thành nên châu thổ này, đến giờ số phận của dòng sông
đã thay đổi. Chỉ trong vòng 60 năm trở lại đây, quãng thời gian quá ngắn ngủi
so với tuổi đời của mình, dòng sông đã cạn kiệt phù sa. Vào giai đoạn trước năm
1988, lượng phù sa đổ về được đo đạc tại trạm Sơn Tây khoảng 115 triệu tấn/năm;
giai đoạn 1989-2008, suy giảm hơn 57%; từ 2008 đến 2021, lượng phù sa đổ về chỉ
còn 10 triệu tấn/ năm, suy giảm xấp xỉ 80%; và hiện nay, lượng phù sa đã giảm
91%. Những mốc thời gian này tương ứng với thời điểm xây dựng thủy điện Hòa
Bình và 8 đập thủy điện lớn trên 0,1 triệu km3 khác
về sau trên cả địa phận Việt Nam và Trung Quốc (Việt Nam 7 thủy điện, Trung Quốc
2 3). Oái oăm thay, mạng lưới sông ngòi nuôi nấng đồng bằng,
mang lại tiềm
năng thủy điện lớn và là mỏ cát tưởng như không bao giờ vơi cạn lại
là căn nguyên khiến đồng bằng bị rút chân từng ngày.
Oái oăm
thay, mạng lưới sông ngòi nuôi nấng đồng bằng, mang lại tiềm
năng thủy điện lớn và là mỏ cát tưởng như không bao giờ vơi cạn lại
là căn nguyên khiến đồng bằng bị rút chân từng ngày.
Mặc
dù thủy điện chặn làm lượng bùn cát về hạ du liên tục giảm, nhưng
khối lượng cát khai thác trên hệ thống sông Hồng - Thái
Bình trung bình mỗi
ngày 4 một tăng lên! Trong
giai đoạn 2001 - 2005 là 16,67 triệu m3/năm;
giai đoạn 2006 - 2010 là 29,61 triệu m3/năm;
giai đoạn 2011 - 2015 là 34,78 triệu m3/năm.
So với giai đoạn trước năm 2000, lượng khai thác
cát hằng năm từ năm 2017 đã gấp 5 lần, xu hướng khai thác cát ngày càng tăng chứ
không giảm, do
nhu cầu xây dựng tăng cao.
Ảnh
chụp từ trên cao đoạn sông Hồng dẫn nước vào cống Ngô Đồng, thị trấn Ngô Đồng,
Giao Thủy, Nam Định. Ảnh: Hoàng Việt.
Cát
cuối cùng đã cạn kiệt. Các nhà khoa học tính
toán, trong điều kiện tự nhiên (được coi là cân bằng) lượng bùn cát từ
thượng du sông Hồng mỗi năm là 120 triệu tấn (khoảng 60 triệu m3),
lượng cát có thể khai thác là 7,9 triệu m3, còn lại là chuyển ra biển.
Hiện tại, lượng bùn cát đến hạ du chỉ còn khoảng 5 triệu m3, trong
khi đó lượng cát khai thác hằng năm gấp 7 lần số bùn cát đổ về.
35
triệu m3 cát khai thác hằng năm ở sông Hồng, tương đương lượng
cát được khai thác ở sông Cửu Long mỗi năm – điều khiến các nhà khoa học tính
toán và cảnh báo nếu giữ nguyên tốc độ khai thác thì dòng Cửu Long chỉ
còn 10
năm nữa là hết cát.
Còn
sông Hồng? Chưa có dự báo. Và tất cả mới chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi các
nhà khoa học chỉ ước tính được phần khối lượng cát được khai thác có phép,
trong khi còn có một khối lượng lớn cát bị khai thác trái phép đến nay không có
số liệu thống kê.
Những
gì diễn ra ở sông Hồng khiến giới khoa học lo lắng. Sự cân bằng sông đang ngày
một bị phá vỡ. TS. Nguyễn Hào Quang giải thích, trạng thái cân bằng này có được
nhờ hai loại trầm tích chảy trên con sông là trầm tích lơ lửng (hay phù sa lơ lửng)
ở trong nước và trầm tích sát đáy. Khi trầm tích lơ lửng bị các thủy điện chặn
lại, giảm ngưỡng cân bằng của nó với lượng trầm tích sát đáy, ngay cả khi lưu
lượng dòng chảy không đổi, thì lượng trầm tích sát đáy bị dòng chảy nạo vét nhiều
hơn để bù lại lượng phù sa bị mất – một cơ chế cân bằng động. Phải đến khi phù
sa mất đi do thủy điện và khai thác cát, trạng thái cân bằng này không còn nữa,người
ta mới đo đạc và phát hiện ra những vết rạch dưới lòng sông, lòng dẫn sông hạ
thấp nghiêm trọng. Điều diễn ra ở sông Cửu Long, sông Hồng hay mọi con sông
khác đều giống hệt nhau.
Việc
đo đạc chập các mặt cắt trên sông Hồng cho thấy lòng dẫn bị hạ thấp ở mức đáng
báo động. Trên luồng chính của sông, tại trạm Yên Bái – vùng thượng du, từ năm
2005 đến 2022, lòng sông đã thay đổi đáy sông hạ với tốc độ 5 cm/ năm. Tại trạm
Sơn Tây trên dòng chính của sông Hồng, lòng sông bị hạ đáy với tốc độ 15 cm/
năm. Đặc biệt, tại trạm Vụ Quang trên sông Lô, một chi lưu của sông Hồng, lòng
dẫn bị sâu với tốc độ 80 cm/ năm; riêng từ 2006 đến 2021, nền đáy ở đây giảm 11
mét.
Đo
đạc của các nhóm khác ở quanh Hà Nội, lòng dẫn sông Hồng cũng bị hạ thấp nghiêm
trọng: hạ 5-8
m 5 tùy từng mặt cắt đo đạc. Các nhà khoa học nhận thấy việc
biến đổi lòng dẫn sông có liên
quan 6 trực tiếp tới hoạt động khai thác cát – các
vị trí có biến đổi lòng dẫn lớn là những điểm khai thác cát với lượng lớn. Đoạn
sông nào cũng bị hạ đáy, từ năm 2001 đến
2009, trên sông Hồng tại mặt cắt Sơn Tây đã hạ thấp 2,0 mét; từ năm
2000 đến 2013 sông Thái Bình có những đoạn hạ thấp 1,73 mét, các chi lưu khác
như sông Đuống hạ thấp 3,27 mét, sông Văn Úc (Hải Phòng) hạ thấp 1,38 mét.
Để
cân bằng với lượng cát mất đi, lòng sông cũng tự xói vào hai bên thân mình, từ
năm 2009 đến 2018, riêng lòng dẫn sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Hà Nội ngày
càng thấp và mở rộng, với tốc độ trung bình lòng dẫn chính mở rộng 10 - 20
m/năm, và đáy sông bị xói sâu 0,2 -0,5 m/năm.
Sự
mất cân bằng này cũng xảy ra ở sông Cửu Long7 và thậm chí có thể
còn gây ra những hiểm nguy nhiều hơn các điểm sạt lở dọc con sông mà chúng ta vẫn
nhìn thấy bằng mắt thường.
“Trước
đây người ta thường nhắc đến chỗ này sạt lở, chỗ kia sạt lở, nhưng thật ra gần
đây phát hiện ra những hố sâu dưới lòng sông mới nguy hiểm hơn. Sạt lở mới chỉ
là bề nổi thôi”, TS Văn Phạm Đăng Trí, Đại học Cần Thơ giải thích về cơ chế này
trong một lần trả lời phỏng vấn chúng tôi vào năm 2023. “Điều nguy hiểm ở chỗ,
mặc dù mình gây ra nguyên nhân sạt lở đó nhưng không nhìn thấy, nguyên nhân ấy
có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng mà chúng ta cứ lo giải quyết bề mặt, ví
dụ như chỉ tập trung gia cố bờ kè chẳng hạn. Nếu chúng ta chỉ gia cố bờ kè mà
lòng sông bị hổng rồi thì nó kéo cả vạt bờ xuống là bình thường”.
Các
đường bờ biển qua các năm 1975, 1984, 1999, 2010, 2017 ở Nam Định. Nguồn:
TS Nguyễn Hào Quang.
Các
đường bờ biển qua các năm 2011, 2012, 2014 cho thấy sóng biển liên tục ăn vào bờ
biển Cửa Đại, Hội An. Nguồn: Báo cáo của JICA [11].
Một
kịch bản tương tự cũng diễn ra trên sông Vu Gia - Thu
Bồn, hệ thống sông lớn tiêu biểu ở miền Trung, đã giảm 57,3% 8 lượng
phù sa. Từ năm 2010 đến năm 2021, cao trình đường đáy sâu nhất giảm tại hai trạm
đo lần lượt là 1,8 m và 3,9 m. Đường đáy giảm nghĩa là mực nước giảm tương ứng
21,1% và 44,3% tại hai trạm đo ấy, dự
báo9 sẽ gây thiếu nước, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp ở vùng
hạ lưu sông. Cửa Đại, nơi sông Vu Gia - Thu
Bồn đổ ra biển ở thành phố Hội An cũng bị sạt lở nghiêm trọng tới mức hai trong
ba bãi tắm chính của thành phố đã phải đóng cửa suốt từ 2015.
Không
chỉ những điển hình kể trên, các con sông khác10chảy
qua các tỉnh miền Trung có lẽ cũng không ngoại lệ và suy giảm tải lượng phù sa ở
các mức độ khác nhau, khi các báo cáo11 cũng
cho thấy hệ thống thủy điện xây trên khắp các sông và khai thác cát đã trở
thành vấn nạn mà các chính quyền địa phương không thể thống kê chính xác số lượng
cát được khai thác vì nạn khai thác cát lậu ngày càng trầm trọng.
Cuộc
chơi có tổng bằng không
“Ngăn
thác dữ, ta bắt sông làm điện”12 là một phần của trò chơi có tổng
bằng không – khi chúng ta lấy ở đầu này thì ở đầu còn lại sẽ mất đi. Trị thủy,
chung sống bền vững với các dòng sông, cốt lõi của hệ sinh thái đồng bằng, cái
nôi nuôi dưỡng sự hưng thịnh của các nền kinh tế, vốn là vấn đề đau đầu của tất
cả các triều đại trong suốt chiều dài lịch sử, thì
nay vẫn vậy,nhưng
phải tính thêm các yếu tố bất thường do chính con người gây ra. Phát triển hồ
chứa ở thượng nguồn mang lại lợi ích lớn về điện năng, cấp nước và phòng chống
lũ nhưng cũng làm thay đổi chế độ dòng chảy trên sông, làm mất cân bằng bùn cát
dẫn đến hạ thấp đáy sông, xói lở bờ, gây hạ thấp mực nước và ảnh hưởng đến hệ
sinh thái ở hạ du. Từ chỗ có vô vàn lợi ích, những dòng sông giờ lại gắn liền với
vô vàn rủi ro khiến không chỉ các tỉnh hạ du phải xoay sở mà cần đến cả chiến
lược quốc gia để ứng phó. Số phận của dòng sông cũng là số phận của đồng bằng.
Nhìn
nhận nhiều yếu tố tác động cùng một lúc, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên
và Môi trường, đánh giá, trong các yếu tố trên, nhân tai vẫn là chủ yếu, vì các
bằng chứng cho thấy tác động của suy giảm phù sa do thủy điện và khai thác cát
đến vùng hạ lưu đã quá rõ ràng. Hệ quả trực tiếp mà những người làm công tác thủy
nông ở vùng hạ lưu thấm thía nhất điều này khi phải cố co kéo để đảm bảo an
ninh nguồn nước.
“Toàn
bộ hệ thống lấy nước tưới cho nội đồng dọc theo triền sông Hồng của Công ty
trong đầu tháng ba hầu như không thể mở được”, anh Nguyễn Quốc Toản, Phó giám đốc
Công ty Thủy nông Xuân Thủy cho biết. Suốt mùa khô ở miền Bắc, để canh nước vào
đồng ruộng cho vụ Đông Xuân, những người trực cống phải đo nước liên tục và
canh, cả hệ thống 20 cống của Xuân Thủy, ngay cả cống cách cửa biển hơn 30 km
cũng bị mặn lên tới 12‰ (gấp bốn lần ngưỡng cho phép là 4‰), mỗi lần mở
cũng “chỉ tính bằng tiếng”. Xuân Thủy chỉ là một trong ba công ty thủy nông chịu
tác động của vùng triều ở phía Nam của tỉnh Nam Định. Không mở được cống, không
có nước tưới cho nội đồng, cũng đồng nghĩa là không thể tiêu nước thải trong suốt
thời gian ấy trong khi chỉ “một hai ngày không tưới không tiêu thì đã ô nhiễm rồi”,
anh Toản cho biết.
Cống
Ngô Đồng, một trong 20 cống của hệ thống thủy nông Xuân Thủy, hầu như không thể
lấy nước trong đầu tháng 3. Ảnh: Hoàng Việt.
Dù
chung số phận, so với đồng bằng sông Cửu Long, nếu có may mắn hơn thì vùng hạ
lưu sông Hồng có thể “cầu cứu” Tập đoàn Điện lực Việt Nam xả lũ vào thời điểm đổ
ải hoặc tưới dưỡng cứu hạn mặn. Việc điều tiết này cũng đầy khó
khăn13, do đặc thù địa lý và tiểu khí hậu, mỗi tỉnh dọc sông Hồng sẽ lấy
nước đổ ải và tưới dưỡng vào một thời điểm khác nhau nên cần xả dài ngày, nhiều
đợt. Hơn nữa, các trạm thủy nông, thủy văn đều được thiết kế với cao trình khi
dòng sông vẫn bình thường, nhưng đến nay tình trạng hạ đáy sông quá nghiêm trọng,
nên nhiều trạm thủy nông cũng vẫn không thể lấy được nước hoặc lấy được nhưng rất
ít ỏi, kể cả khi thủy điện đã phát hết công suất.
Giờ
đây ngành nông nghiệp đang phải chạy đuổi theo những hệ quả của việc suy thoái
và biến dạng lòng sông, và những người khởi động cuộc chạy tiếp sức ấy là những
người làm đê điều.
Trong
12 năm xả nước từ 2011 đến 2022, tổng thời gian duy trì mực nước sông Hồng tại
trạm thủy văn Hà Nội đạt tới cao trình tối thiểu để các cống dọc sông Hồng có
thể lấy nước trong các đợt xả nước tập trung càng ngày càng thấp, thậm chí nhiều
năm đe dọa đến an ninh nguồn nước ở hạ du. Trong những năm gần đây kể cả khi
các thủy điện đã xả hết công suất, thì thời gian đạt mực nước tối
thiểu14ngày càng thấp, thậm chí năm 2021 lấy được nửa giờ, năm 2020
không đạt một giờ nào.
Giờ đây
ngành nông nghiệp đang phải chạy đuổi theo những hệ quả của việc suy thoái và
biến dạng lòng sông, mỗi phân ngành của ngành nông nghiệp, từ công tác đê điều,
thủy lợi cho tới điều tiết mùa vụ trồng trọt là một đầu mối của cuộc chạy tiếp
sức mà đầu mối nào cũng cần tới nguồn ngân sách khổng lồ. Và những người khởi động
cuộc chạy tiếp sức ấy là những người làm đê điều.
Kể
từ khi các vành đai sông, biển bị sạt lở, các địa phương nơi những dòng sông chảy
qua đã đổ không biết bao nhiêu sức người sức của để gìn giữ hệ thống đê sông,
đê biển khỏi xói lở. “Từ tỉnh đến huyện, xã đều tập trung vào sạt lở bờ sông bờ
biển, vì nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây mất an toàn
cho phát triển kinh tế xã hội ven các tuyến đê”, anh Nguyễn Mạnh Trung, chi cục
phó Chi cục Thủy lợi Nam Định cho biết. Báo cáo do Sở Nông nghiệp tỉnh cung cấp,
chỉ tính riêng ba năm 2020-2023 gần đây, riêng kinh phí gia cố đê, gồm cả kinh
phí đã chi và chờ bố trí đã lên tới gần 1000 tỷ đồng,
chỉ đủ để “vá” gia cố hơn ba chục đoạn, mỗi đoạn từ vài trăm mét đến 1-2 km.
Nhưng không chỉ Nam Định, các tỉnh có kè sông và kè biển đều chịu chung gánh nặng
này.
Kè
chắn sóng để bảo vệ đê ở ven biển huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Hoàng Việt
Dãy
kè và nhà hàng ở bãi biển Thịnh Long, Hải Hậu đã bị sóng đánh sập. Ảnh: Hoàng
Việt
Với
những người làm thủy nông, khi canh từng giờ ở từng cống để lấy nước vào mùa hạn
mặn vẫn không thể lấy nước, trong quy hoạch của ngành thủy lợi, họ đã kiến nghị
“kết hợp trạm bơm ở các cống này. Nếu tình hình kéo dài thì phải đầu tư như thế,
nhưng để đầu tư thì nguồn vốn lớn lắm”, anh Toản cho biết. Mọi giải pháp công
trình đều vô cùng tốn kém, đơn cử, với Công ty Xuân Thủy, chỉ đầu tư làm một cống
vào năm 2019 cần tới 40 tỷ đồng (gần bằng
kinh phí của cả công ty này trong một năm, chỉ đủ để bảo dưỡng), và buộc phải cần
ngân sách nhà nước rót. Hãy hình dung đến hệ thống những cống thủy lợi thủy
nông, bơm tưới dọc theo sông Hồng vốn được thiết kế theo cao trình cũ của sông
Hồng trước khi bị hạ đáy, đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đều cần phải cải
tạo.
Không
thể tránh khỏi xu thế hạ thấp mực nước trên các dòng sông. Dự báo trong thời
gian tới mức độ hạ thấp đáy sông Hồng tiếp tục tăng 0,5 - 1
mét, sông Mã, sông Cả tăng 0,8 - 1
mét, sông Vu Gia - Thu Bồn hạ thấp ở mức thấp hơn, nhưng
cũng lên đến 0,5 – 0,8
mét, theo báo cáo tổng hợp phục vụ Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi
thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Để có nước cho hạ du các con sông, quy hoạch
thủy lợi đã phải đưa ra một loại giải pháp, từ nâng cấp cải tạo hệ thống thủy lợi
cho đến xây mới các đập dâng, ưu tiên các sông có khó khăn về giải pháp điều tiết
nguồn nước, diễn biến hạ thấp đáy sông, mực nước sông phức tạp và nguy cơ xâm
nhập mặn cao như sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia-Thu Bồn… Gần đây nhất,
Bộ NN&PTNT đã đề xuất xây hai đập dâng để cứu lấy vùng hạ du sông Hồng, một
giải pháp “lợi thì có lợi” nhưng vẫn còn tranh cãi về việc có đi kèm hệ lụy giữ
lại lượng phù sa ít ỏi đổ về phía cuối nguồn hay không.
Một
tương lai bất định
“Từ
20 năm trước tới giờ tôi đã phát biểu tại nhiều hội thảo, hội nghị và nhiều diễn
đàn khác, kể cả trên báo chí [về tác động của mất phù sa tới hạ nguồn]”, PGS.TS
Vũ Thanh Ca, cho biết. Nhưng có lẽ phải đến gần đây, với các bằng chứng đầy đủ
hơn, các nhà quản lý mới có thể hình dung rõ hơn về tác động môi trường và xã hội
của điều đó. Mặc dù để hiểu tường tận hơn về những hệ quả môi trường và giải
pháp khắc phục cũng như giúp các địa phương, các vùng dự báo thì cần có đánh
giá liên ngành, liên vùng, ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Tại
sao người ta mất nhiều thời gian đến thế để thấy được một hiện trạng mất mát ấy
của các đồng bằng châu thổ?
Lẽ
thường, không phải ngày một ngày hai để giới khoa học đo lường ngay điều đó.
“Nhóm chúng tôi phân tích dữ liệu đo liên tục theo ngày trong hơn 60 năm, từ
năm 1958”, TS. Nguyễn Hào Quang trả lời về dòng dữ liệu đo đạc tại các trạm dọc
sông Hồng mà anh và các cộng sự theo dõi để hiểu về những biến đổi của dòng
sông Hồng hiện nay. Cũng chừng ấy năm các nhà khoa học cũng mới đánh giá được
các tác động của thủy điện và khai thác cát lên sông Cửu Long và từ nhiều kết
quả nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau đưa ra được các báo cáo đánh giá,
các kịch bản dự báo cho đồng bằng này.
Để
tái tạo lại hai bãi chính đã xói lở từ năm 2015, Hội An phải phun cát tạo bãi
và làm kè giữ cát ở bên dưới. Ảnh: Thu Quỳnh.
Ít
ai ngờ rằng bãi biển Thịnh Long ở Hải Hậu, một trong những bãi biển sầm uất nhất,
là một trong những lợi thế du lịch của Nam Định, nay
từng dãy nhà hàng khách sạn đã bị biển lấy đi, bãi cát dài nay không còn một dấu
tích. Ít ai ngờ trong lịch sử phát triển của mình, đến ngày Hội An phải lấy “của
Ceasar trả lại cho Ceasar” – hút cát chỗ này để trả lại chỗ khác. Để Hội An giữ
lại hai bãi cát là tài nguyên du lịch quý giá của thành phố bị xói lở phải đóng
cửa suốt gần chục năm qua, một trong hạng mục quan trọng là “nạo vét luồng cửa
sông mang về phun cát tái tạo lại hai bãi cát chính”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó
chủ tịch UBND TP Hội An cho biết. Giải pháp này, là một phần của chương trình bảo
vệ bờ biển Cửa Đại lên tới 1.500 tỷ (để so sánh,
con số này gấp một lần rưỡi thu ngân sách của Hội An năm 2023), cũng chỉ là học
hỏi và đền bù lại cơ chế cân bằng của tự nhiên, vì trước đây ở nơi này sóng và
gió mùa đông sẽ đẩy cát đi và mùa hè sẽ bồi lại. Tuy thế, không phải “đền bồi”
một lần là xong mà năm nào cũng sẽ phải tiếp tục phun cát, vì dự kiến hằng năm
sóng vẫn sẽ kéo đi 10% lượng cát của bãi. Làm các loại kè phá sóng, chắn sóng,
kè cách bờ, kè giữ phù sa… với nguồn ngân sách khổng lồ, để giữ bờ bãi, tất cả
các tỉnh đều loay hoay chống đỡ với những thay đổi phức tạp của các dòng sông
và cửa biển.
Không
gì có thể thay thế được tự nhiên, nên cần giữ những “bờ biển sống”, giữ lấy các
vùng rừng ngập mặn ven biển để làm “bẫy trầm tích” giữ lại từng hạt phù sa ít ỏi
còn đổ ra cửa sông.
Sự
phát triển của các vùng đất dọc sông, ven biển, vốn đã được đánh giá là chịu ảnh
hưởng của thiên tai - biến đổi khí hậu,
nay cũng cần đánh giá kỹ lưỡng hơn những tác động do chính con người gây ra. Và
còn rất nhiều tác động khác như đa dạng sinh học15,16 dọc
theo con sông, những vùng đất ngập nước, thảm thực vật rừng ngập mặn, và môi
trường sống ven biển, cũng như các hệ sinh thái biển ở vùng cửa sông… mà người
ta chưa thể tính hết.
Giờ
thì nhiều nước đã xem xét lại17 tác
động của thủy điện và khai thác cát với sự sống còn của các dòng sông, thậm chí
có hàng nghìn con đập cũ đã được dỡ bỏ để giải phóng phù sa.
TS.
Nguyễn Hào Quang cũng cho biết, thực ra với các
con đập đã xây dựng, trên thế giới cũng vẫn có cách khắc phục bằng cách thiết kế
lại các con đập đã có để cho lượng phù sa chảy được. Dù đây là một giải pháp hứa
hẹn nhưng lại đòi hỏi chi phí thiết kế và cải tạo rất lớn.
Trong
khi chưa thể sửa thiết kế các đập, chúng ta có thể hy vọng gì vào cơ chế xả phù
sa để giảm xói lở hạ lưu?
PGS.TS
Vũ Thanh Ca cho biết, đối với các con sông liên quốc gia thì luật pháp quốc tế
chỉ có giá trị khuyến cáo chứ không có giá trị bắt buộc. Vì vậy, việc hợp tác
giữa các quốc gia trên lưu vực sông là tự nguyện và mới chỉ dừng ở việc chia sẻ
nguồn nước. Về bùn cát, hiện nay chưa có quy định pháp luật nào cụ thể và cũng
chưa có trường hợp nào quốc gia thượng nguồn dừng xây dựng hồ chứa hoặc điều tiết
hồ chứa để giảm xói lở cho hạ lưu.
Về
lâu dài, “cần xây dựng các chiến lược thích ứng với mực nước biển dâng cao kết
hợp lún ven biển”, TS. Nguyễn Hào Quang khuyến nghị. Không gì có thể thay thế
được tự nhiên, nên cần giữ những “bờ biển sống”, phục hồi môi trường sống của động/
thực vật, trồng thực vật bản địa và phục hồi cồn cát, giữ lấy các vùng rừng ngập
mặn ven biển để làm “bẫy trầm tích” giữ lại từng hạt phù sa ít ỏi còn đổ ra cửa
sông.
TS.
Nguyễn Hào Quang cũng khuyến nghị các phương án quản lý dựa vào tự nhiên
(nature-based solutions), ví dụ trồng rừng ngập mặn, thay đổi sinh kế sống dựa
vào rừng ngập mặn thay vì nông nghiệp trồng lúa và hoa màu như hiện nay; không
quy hoạch xây dựng các khu đô thị kinh tế trọng điểm ven biển, nơi có nguy cơ
tai biến môi trường cao như xói lở, xâm nhập mặn… Việc xây dựng các khu kinh tế,
khu du lịch ở các vùng cửa sông cửa biển đang chịu tác động của xói lở, hoặc thậm
chí phá bỏ rừng ngập mặn hay các bãi bồi, bãi cát vùng cửa biển là mạo hiểm. Thậm
chí, chỉ khai thác ven bờ cũng có thể gây hệ lụy vào vùng đất bên trong, khai
thác cát ở ven biển “thực chất là “rút chân” đồng bằng. Sóng sẽ moi cát ven bờ
để bù lại, lập lại trạng thái cân bằng mới. Trạng thái cân bằng này có nghĩa là
biển sẽ tiến vào bờ, tức là lại làm gia tăng xói lở”, PGS.TS Vũ Thanh Ca giải
thích thêm.
Khi
chúng tôi trở về từ cửa biển Hải Hậu, những cơn mưa đầu hạ đã về, các tỉnh đã đỡ
căng thẳng phần nào chuyện an ninh nguồn nước. Nhưng khi dòng sông no nước mà lại
đói phù sa,mối
lo xói lở lại bắt đầu.
—-
Bài viết được thực hiện với hỗ trợ từ Mạng lưới báo chí Trái đất của
Internews.
Chú
thích
1 https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0341816223004058
2 https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1570644323000679
3 Tổng cộng 9 đập thủy điện lớn có dung tích trên 0.1 km3 xây dựng
cả phần lãnh thổ Trung Quốc (Nansha năm 2008 và Madushan năm 2010), và Việt Nam
(Thác Bà năm 1971, Hòa Bình năm 1988, Tuyên Quang năm 2008, Sơn La năm 2010, Bản
Chát năm 2013, Huội Quảng năm 2015, và Lai Châu năm 2016).
Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, phía thượng nguồn Trung Quốc liên tục xây mới thủy
điện trên thượng nguồn các sông Đà, sông Lô và sông Thao, khai thác mạnh mẽ nguồn
tài nguyên nước ở thượng nguồn và đang dự kiến xây dựng thêm nhiều hồ chứa mới
trong những năm tới. Có một số thống kê khác nhau nhưng có lẽ chưa đầy đủ, chẳng
hạn có thông tin 33 đập.
5 https://vawr.org.vn/Upload/BaibaoKH/nguyen-huu-hue-53-2019.pdf
7 Cả hai dòng sông đang kiệt quệ, chỉ có điểm khác là may mắn,
dòng Cửu Long rộng lớn hơn vẫn còn phù sa đổ về nhiều hơn so với sông Hồng, khi
lượng phù sa bị thủy điện chặn lại và khai thác cát lấy đi rơi vào khoảng 74%
(trước đó, Cửu Long cũng chở nhiều phù sa hơn, với khoảng hơn 140 -160 triệu tấn
phù sa mỗi năm). Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0169555X19305021
8 https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/38216700/
9 https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0048969718306491?via%3Dihub
10 https://www.vawr.org.vn/images/file/PGS_TS_%20Nguyen%20Thanh%20Hung.pdf
11 https://openjicareport.jica.go.jp/pdf/12319059.pdf
12 “Bạt núi đồi ta moi đất tìm gang/ Ngăn thác lũ ta bắt sông
làm điện”, Trên đường thiên lý, Tố Hữu.
13 https://vjol.info.vn/index.php/vawr/article/download/50825/41686/
14 Báo cáo tổng hợp phục vụ Quy hoạch Phòng chống thiên tai và
Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
15 https://www.nature.com/articles/s41598-023-35665-9
17 https://www.pnas.org/doi/full/10.1073/pnas.1809426115
T.Q.
Nguồn: Tia
Sáng
No comments:
Post a Comment