Tuesday, June 11, 2024

HUY ĐỨC / KỲ 3 (Nguyễn Thông)

 



Huy Đức (kỳ 3)  

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

10-6-2024  21:19  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0mg46zSvKpUz11XMcsucTsYE2CRZwYAXfahYVsTTZRdVLHtb1uD377sCXzTU5VADYl&id=100024722048900

   

Với ai chả biết, chứ riêng tôi, sự khoe mình là bạn của Huy Đức, có chơi với y, thì đó là trò lố, cú mượn lông công, dựa hơi mượn tiếng, chả hay ho. Mình chẳng là chi so với Huy Đức, dù thỉnh thoảng gặp nhau. Bạn danh tiếng của Huy Đức có hàng trăm hàng nghìn khắp trong nam ngoài bắc, mình là cái thá gì mà định chen vào chốn ấy.

 

Tôi vào đời bằng nghề dạy học. Dạy mãi đến… phát chán. Thực ra thập niên 80 có người này người kia rủ đi làm báo (báo Tuổi Trẻ, báo Tin Sáng) nhưng “lòng trẻ còn như cây lụa trắng”, quyết không bỏ nghề. Thời ấy, thỉnh thoảng người ta phát trên loa bài hát của cụ Nguyễn Văn Quỳ “Yêu đời bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu/Đời phơi phới vui, vui sách thơm thơm mùi giấy mới”. Năm 1982, tôi nói với anh Hồ Quang Hy làm ở báo Tuổi Trẻ khi anh rủ đào ngũ, em yêu nghề dạy lắm, em không đi đâu.

 

Người tính không bằng trời tính. Tới năm 1992 đói vàng mặt, tôi đành bỏ nghề đi làm thuê cho một công ty Hồng Kông. Năm 1996, công ty chuyển tới Thủ Đức, tôi đầu quân về báo Thanh Niên, chính thức tòng sự nghề báo, cái nghề đã đem cho mình nhiều niềm vui nỗi buồn. Giá như tôi nghe lời bác Hy thì còn về Tuổi Trẻ trước cả Huy Đức.

 

Thập niên 80, cái tên Huy Đức đã sớm vang. Bạn đọc trầm trồ những bài phóng sự, ghi chép, phỏng vấn của y. Nói không quá đáng, cái tên Huy Đức trở thành thứ thương hiệu của báo Tuổi Trẻ, hút người đọc. Đám dạy học chúng tôi cũng có chút ít chữ nghĩa, đọc những bài của Huy Đức, nể lăn. Thầy Nguyễn Văn Vy, thầy Nguyễn Thế Hùng đều học khóa 16 khoa văn Tổng hợp Hà Nội còn nắc nỏm thằng này tài, quá tài. Thày Hùng kể tài nhất là nó đi bộ đội về rồi chen ngang vào nghề báo chứ không tốt nghiệp đại học đại hiếc gì. Hình như cho tới giờ, Huy Đức vẫn không có mảnh thẻ tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng nào trong nước để lận lưng. Còn chuyện y tu nghiệp ở Mỹ, tự học tiếng Anh dùng được làu làu lại là chuyện khác.

 

Năm 1996, sau kỳ nghỉ lễ 30.4 tôi bắt đầu làm báo Thanh Niên, lính của anh Phan Bá Chức trưởng ban văn nghệ. Lụi hụi mò mẫm trên đoạn đường đoạn đời mới, nhiều lúc khó, nản, nghĩ tới “tấm gương” Huy Đức. Thầy Vy vẫn còn bám nghề dạy có lần động viên, thằng Huy Đức nó đéo học gì mà còn làm được, làm giỏi, sao mày phải nản. Lại vịn câu khuyên (chứ không phải thơ) mà đứng dậy.

 

Một hôm, không nhớ cụ thể ngày tháng nào, nửa cuối năm 96, tại 248 Cống Quỳnh quận 1, phía căn phòng nóng như lò nung của Ban Kinh tế xã hội do cụ Huỳnh Ngọc Chênh cầm trịch lao xao ồn ào như cái chợ vỡ. Cả cơ quan chỉ có hai chiếc máy điều hòa nhiệt độ, một cho phòng ban biên tập, một cho phòng ban cụ Chênh. Nó kêu hơn máy xay thóc, đứng nói chuyện gần nó cứ phải hét vào tai nhau. Vậy mà đám người kia còn át cả tiếng máy, chắc có sự chi ghê gớm lắm. Cụ Thế Vũ thư ký tòa soạn khều tôi (lúc này tôi đã chuyển qua Ban Thư ký), bảo sang xem có chuyện gì. Hóa ra cụ Chênh có lính mới, chẳng phải ai khác, mà chính là Huy Đức tên tuổi đã lẫy lừng. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

140 BÌNH LUẬN   

 

 

                                                      *****

 

Huy Đức (kỳ 2)

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

9-6-2024  07:05    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0RWrHFT64rb6aveE5VeM5a3UxGpGkVbkB3hDZpsUVU638RP4zXhGt5qN7WxQjhpxBl&id=100024722048900

 

Điều may mắn, tôi viết và đăng bài “Huy Đức” kỳ 1 lên khi tin tức về anh ấy rất mù mờ, hư hư thực thực, nửa tin nửa ngờ sau cái tút ngắn gọn của siêu tin Lê Nguyễn Hương Trà. Trà đồng nghiệp nhưng tôi không dám so mình với cổ, nhất là tài kiếm tin. Ngang ngửa với Trà, trong các nhà báo thực sự có nhẽ chỉ Huy Đức. Lạ, cứ mỗi lần đọc tút của Trà, tôi lại liên tưởng tới cô bé Hương Trà 11 - 12 tuổi, hát bài “Chú ếch con” với dàn giao hưởng thiếu nhi Ý hồi thập niên 90. Đều thông minh, láu lỉnh, hơn người.

 

Nói may, bởi viết về đương sự Osin sau khi công an bố cáo lý do bắt sẽ dễ bị “quy” là ăn theo, té nước theo mưa, dựa dẫm người nổi tiếng, đu trent, liều... Sau khi đọc Trà tối 1.6, thầm nghĩ có khi Trà nhầm (dù vẫn biết Trà không bao giờ nhầm) chứ bắt ai lại bắt Huy Đức. Bắt Osin thì người nào cũng có thể bị bắt, bởi làm điều tốt. Lại vẩn vơ, hay không phải vậy, mà y đi đâu đó không nói cho bạn bè gia đình biết.

 

Chiều nay 9.6, đọc được bài, nhà cháu cho là hay tuyệt, hay không thể tả, của phụ nữ, cô giáo Nguyễn Thị Tịnh Thy, nói về Huy Đức. Đám đàn ông nên cảm thấy xấu hổ trước cô Thy. Sao lại có người tài giỏi, đức tâm, bản lĩnh, sâu sắc đến thế. Có nghe nói cô người Huế, bà xã của một nhà báo một tờ báo to. Ai muốn đọc, vào đây, https://www.facebook.com/tinhthy.nguyenthi/posts/1548906842506623.

 

Có nhẽ cô giáo Thy nói hết rồi, tôi chả cần thêm gì “nghiêm trọng” nữa, vậy chỉ rủ rỉ rù rì kể lại những chuyện về Huy Đức Osin mà chính mình biết, mình là “người trong cuộc” trải qua thôi.

 

Một sáng tháng 11.2014, chị Nguyễn Thế Thanh nhắn tôi có rảnh thì ghé chung cư Vĩnh Viễn, quận 10 chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm buổi trao nhà cho bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà. Gì chứ tham gia vào việc nghĩa của chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa do Osin Huy Đức chủ trương thì chả có chi phải chần chừ nấn ná. Tôi thu xếp tới, bác Duy đã ở đấy rồi, có cả chị Thế Thanh, anh Huy Đức, bác Đỗ Thái Bình, bác chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nhà báo Viễn Sự… Phải kể ra như thế bởi đó là những con người dũng cảm lúc bấy giờ. Khi tôi đến tầng trệt chung cư, nhác thấy từ lối vào cho tới cầu thang khá nhiều người vẻ rất nghiêm cẩn, mặt khó đăm đăm, nhìn soi mói, hỏi đi đâu, có phải lên chỗ Nhịp cầu Hoàng Sa trao nhà cho bà Thà không. Tôi đoán ngay họ là ai, họ đang làm nhiệm vụ. Dính vào họ rất phiền phức. Nhưng các anh chị ấy cứ đến, bất chấp sự phiền. Bác Duy thắp hương trên bàn thờ trung tá hy sinh bảo vệ Hoàng Sa rất kính cẩn, lần lượt các bác Lâm, Bình, chị Thanh, Osin, Viễn Sự…Bác Duy bảo tôi, em ạ, Huy Đức nó làm được những việc thế này là quý lắm, quý vô cùng, không mấy ai được như nó đâu, dám làm như nó đâu. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

 

 

28 BÌNH LUẬN    

 

 

                                                         *****

 

Huy Đức  

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

6 tháng 6, 2024  lúc 05:46  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid08F4nnNuQvTFaAWa5wC8Q48PQVuNw7CGvfNLAxBHnqUFUwP1r1zZJEec4QH157jTFl&id=100024722048900

 

 Thoạt kỳ thủy, phải nói ngay, tôi viết bài này theo suy nghĩ, cảm nhận của tôi về một người đã quen/chơi mấy chục năm. Sự không đồng điệu với người khác chắc chắn có, thậm chí nhiều. Chả hạn tôi cũng quen một anh đồng nghiệp tòng sự bên đài VOV (báo nói), cũng từng không ít lần trò chuyện, y bảo sao lúc nào nói tới San vẩu chỉ thấy ông khen, nó có gì mà khen. Tôi không cãi, bách nhân bách tính, cãi làm gì.

 

Huy Đức, tức Trương Huy San (tên cúng cơm, hồi xưa tên thật của người nào đó, nhất là tên theo giấy khai sinh, thì gọi là tên cúng cơm, chứ không phải để chỉ người đã chết), tức Osin - một biệt ngữ lừng danh, thậm chí nổi tiếng hơn cả bút danh làm nghề và tên thật.

 

Những người/kẻ ghét Huy Đức cũng không thiếu, vì lý do nào đó, họ đặt cho đương sự cái tên xấu để thỏa bụng thù hằn của mình, chẳng hạn San hô, Đức vẩu. Tất nhiên, người bị đặt tên chả vì thế mà kém cỏi đi.

 

Nhưng gì thì gì, Huy Đức là một nhà báo, ký giả tài năng, thậm chí không ít người cho rằng làm báo giỏi nhất xứ này. Kể ra tìm một nhà báo giỏi nước ta thời hiện đại cũng không khó, kiểu như Thép Mới, Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Sơn Tùng, Trần Đình Vân, Xuân Ba, Trần Đức Chính (Lý Sinh Sự), Hữu Ước…, tinh dững đấng bậc, nhưng hình như sự so cứ khập khiễng sao sao ấy, bởi cái giỏi, tài năng của những vị đó xét cho cùng vẫn là dạng “chim hót trong lồng”, múa tay trong bị, kiểu như “anh muốn đảng gọi anh đến nơi/hội ý về cuộc sống/điều động anh vào bộ tâm hồn quần chúng/giúp trung ương xây dựng những con người” (Lê Đạt). Vùng vẫy mấy cũng không thoát được đảng, vòng kim cô, chỉ như gã Tôn Ngộ Không phò Đường Tăng mà thôi.

 

Huy Đức thì khác. Chả riêng tôi nhận xét vậy. Tuy trưởng thành trong cái lò chung ấy, nhưng Huy Đức đã vụt thoát được khỏi những trói buộc, ngay cả những lúc bị trói buộc kiềm chế nhất, để tạo ra chỗ đứng riêng mình, không lẫn với ai, chung bàn với ai. Và cao hơn. Rõ nhất là tác phẩm để đời “Bên thắng cuộc”. Ngay cái tên gọi cho bộ đôi tác phẩm gồm 2 phần “Giải phóng” và “Quyền bính” này đã trở thành thứ thuật ngữ, từ ngữ phổ thông cô đọng hàm súc trong tiếng Việt hiện đại. “Bên thắng cuộc” là từ được dùng để nói về lịch sử, con người, đất nước, phe phái, chế độ, bi hài kịch, những lộ liễu và ẩn sâu… từng xảy ra ở nước ta. Trộm nghĩ, các nhà ngôn ngữ, sau này có làm từ điển tiếng Việt, kiểu như từ điển Oxford hoặc từ điển La Rousse luôn được bổ sung từ ngữ mới, nên có hẳn mục từ “bên thắng cuộc” và biên rõ người tạo ra nó là nhà báo Huy Đức. Cũng như cụm từ “vang bóng một thời”, cứ nhắc tới là thiên hạ nghĩ ngay đến nhà văn Nguyễn Tuân vậy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

 

.

195 BÌNH LUẬN  

 

 

===========================================

.

HUY ĐỨC, ANH CHẾT CŨNG ĐƯỢC RỒI!

Nguyễn Thị Tịnh Thy

8-6-2024  22:46     

https://www.facebook.com/tinhthy.nguyenthi/posts/pfbid02qNsN4dwkejS6m8FdX7DQzWsbqvaXcBPHC18Ftdkp44xyUCMWwJrfiiacxWwvbqkXl

 

Văn là người. Người xưa đã nói thế, không sai! Những gì ta viết, kể cả cái comment ngăn ngắn, cũng chính là con người của ta.

 

Huy Đức viết báo, viết sách “Bên thắng cuộc”; tất cả những chữ nghĩa ở đó, là chính con người anh: trí tuệ, trách nhiệm, chính trực, can đảm, dấn thân, vô uý và chấp nhận hy sinh.

Huy Đức khởi xướng chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” - xây nhà và trợ giúp cho các cựu binh Hoàng Sa và Trường Sa, bất kể họ ở phía nào.

 

Huy Đức thực hiện chương trình trồng rừng VARS, cả vạn cây xanh đã đứng vững trên đất, thành rừng.

 

Cho đến bây giờ, “Bên thắng cuộc” là bộ sách về lịch sử Việt Nam sau 1975 do một cá nhân thực hiện với nhiều thông tin chân thật, thái độ khách quan và công bằng nhất. Đây là bộ sách đầu tiên không thuộc quan sử (sử do nhà nước chủ trì) mà thuộc tư sử (sử do cá nhân tự viết) trình hiện diện mạo đất nước từ năm 1975 đến cuối thập niên 1990, với tất cả những điều được - mất, thành tựu và sai lầm, bằng quan điểm viết sử kinh điển có từ xưa: “Thuật nhi bất tác” - chép sử chứ không sáng tác lịch sử, không tô hồng hay bôi đen hiện thực, không bị chi phối bởi quyền lực và quyền lợi.

 

Ba chữ “Bên thắng cuộc” là bản quyền của Huy Đức. Bất kỳ ai, để lại cho đời một định danh, một thuật ngữ, thành ngữ, điển cố,… là có thể xác định được tên tuổi của mình với thiên hạ. Chỉ riêng nhan đề của bộ sách này, Huy Đức đã ghi tên tuổi của mình vào lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam hiện đại.

 

Sau này, có thể có những cuốn sách lịch sử chân xác hơn, đầy đủ hơn, sống động hơn, hấp dẫn hơn “Bên thắng cuộc”. Nhưng “Bên thắng cuộc” của Huy Đức vẫn là một dấu mốc quan trọng cắm vào hành trình lịch sử của dân tộc, vì nó bước qua lời nguyền, khai sơn phá thạch cho sử Việt Nam sau 1975 vốn đóng băng với quan điểm viết sử là viết về thần tượng,

thành tựu và chiến công. Bằng trách nhiệm và cái dũng của người dám “viết dưới giá treo cổ”, sử của Huy Đức không chỉ có thắng lợi, mà còn là sử ký của sai lầm và mất mát, sử của những sự thật “chết người”. Kể cả sách và báo, anh dám viết những điều mà nhiều người không dám đọc, không dám đối diện, không dám thừa nhận; dù biết như thế, anh khó mà yên ổn. Tuy vậy, anh đã sử dụng cái quyền đầy hiểm nguy của người cầm bút - quyền chọn lựa viết sự thật và bày tỏ chính kiến của mình.

 

Khi nào thì một người cầm bút có thể yên tâm mà chết đi? Đó là khi anh ta viết được một tác phẩm để đời. Huy Đức có những bài báo để đời, có bộ sách để đời. Anh chết cũng được rồi!

 

Đời người, chỉ cần trồng một cái cây đã là đáng quý, Huy Đức trồng một rừng cây. Anh chết cũng được rồi!

 

Nếu Huy Đức chết đi, ba chữ “Bên thắng cuộc” vẫn trường tồn, trường thọ; rừng cây anh trồng dẫu gặp thiên tai nhân hoạ, vẫn còn ít nhất là vài cây phương trưởng; những bài chính luận sắc sảo và bộ sách đồ sộ “Bên thắng cuộc” của anh dẫu gặp thị phi, vẫn có thể khai tâm trí cho một số người trên hành trình theo đuổi tự do và dân chủ đầy gian nan của dân tộc. Chỉ cần như thế thôi, thì đừng nói đến tạm giữ, khởi tố, bắt giam, tù đày; mà ngay cả bây giờ, nếu anh chết đi, thì đã không lãng phí một đời. Sự đời, đôi khi án phạt lại là xác tín, là vòng nguyệt quế cho nhân cách của một con người. Người yêu anh lẫn ghét anh, đều không làm được như anh. Trong ván cờ người, ván cờ đời, ván cờ đạo nghĩa, anh là “Bên thắng cuộc”.

 

Một đời người, có bao nhiêu đâu, mà anh làm được nhiều việc đến thế. Chữ nghĩa cũng chừng ấy thôi, mà anh viết được những điều có sức nặng ngàn cân. Trước sau, vẫn luôn thấy anh “yêu đất nước này cay đắng”, anh đau đáu với dân tộc này, anh chọn con đường chông gai với tất cả trách nhiệm của một công dân - một trí thức - một người cầm bút.

Nếu chết khi chưa làm được gì cho sự nghiệp và lý tưởng mà mình theo đuổi thì mới đáng tiếc, còn anh, những việc lớn anh đã làm được rất nhiều, hết sức hết lòng rồi, thì chết lúc nào chẳng được. Lập thân, lập nghiệp, lập ngôn – tam lập đó anh đã làm xong, làm một cách xuất sắc, thì tai ách của cuộc đời cũng có hề chi. Phải không anh?!

 

(Nguyễn Thị Tịnh Thy)

 

*****

 

Hình bìa sách “Bên thắng cuộc”, lấy từ trang new mandala

 

 

 

 




No comments: