Việt
Nam đón Blinken: Có bước ngoặt nào trong quan hệ hay không?
Bình luận của Trần Hưng Đạo
2023.04.14
Một Thông cáo báo chí, hoặc từ Washington hay từ Hà
Nội, mà cũng có thể từ cả hai thủ đô sẽ được tung ra vào ngày 16/4. Lúc bấy giờ,
giới phân tích và bình luận đủ cỡ, sẽ biết rõ hay chỉ mới dự đoán xem, có bước
ngoặt nào trong quan hệ Việt – Mỹ hay không?
___________
Ngoại trưởng Mỹ Antony
Blinken và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại Washington DC hôm 13/5/2022. AFP
.
Bối cảnh “khét lẹt” của chuyến thăm
Là nói bối cảnh “tiền xung đột” của bang giao
Trung – Mỹ trước thời thời điểm Blinken đến Hà Nội. Bộ Ngoại giao Trung Quốc
hôm 13/4 đã công bố lệnh trừng phạt Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ
Michael McCaul, vì đã đến thăm Đài Loan, cho rằng, ông McCaul đã phát đi
"tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới các thế lực ly khai đòi độc lập cho Đài
Loan" (1). Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc tiếp tục
"huấn luyện chiến đấu thực tế" xung quanh Đài Loan hôm thứ ba 11/4.
Truyền thông Bắc Kinh cho biết như vậy, một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố kết
thúc tập trận và cũng là lúc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chỉ trích Trung
Quốc về hành vi "vô trách nhiệm".
Trung Quốc bắt đầu tập trận hôm 8/4 khi bà
Thái trở về Đài Bắc sau cuộc gặp ở Los Angeles với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ
Kevin McCarthy. Mặc dù Trung Quốc cho hay vào tối 10/4 rằng, cuộc tập trận đã kết
thúc, truyền hình nhà nước vẫn nói về việc một số tàu chiến "tiếp tục thực
hiện huấn luyện chiến đấu thực tế ở vùng biển xung quanh Đài Loan để kiểm tra
khả năng tổ chức và chỉ huy các cấp cũng như hiệu quả chiến đấu của vũ khí, khí
tài" (2). Tuy nhiên, giới phân tích vẫn coi những hành động
nói trên chỉ là những “đòn gió”. Thời điểm hiện nay, đặc biệt là khi cao điểm
cuộc chiến tranh xâm lược của Putin ở Ukraine đang vào hồi bế tắc, Trung Quốc sẽ
suy tính kỹ hai ba lần trước khi động thủ đối với Đài Bắc.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố kết thúc tập trận
quanh đảo Đài Loan, Mỹ và Philippines lại khởi động cuộc tập trận chung lớn nhất
của hai nước trong vòng 30 năm qua. Theo Bloomberg, cuộc tập trận “Balikatan” của
quân đội Mỹ và Philippines, bắt đầu hôm 11/4, sẽ tập trung phát triển những chiến
dịch kiểm soát an ninh hàng hải và đổ bộ, đồng thời bao gồm các cuộc huấn luyện
bắn đạn thật. Đại sứ quán Mỹ ở Manila cho biết với sự tham gia của hơn 17.600
thành viên thuộc lực lượng vũ trang hai nước, cuộc tập trận Balikatan năm nay
có quy mô lớn gấp đôi so với năm 2022.
Quy mô của cuộc tập trận nói trên cũng thể hiện
nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục quan hệ với Philippines dưới thời Tổng thống
Ferdinand Marcos Jr. Cùng thời điểm diễn ra cuộc tập trận, Ngoại trưởng Mỹ
Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ có cuộc gặp với những
người đồng cấp Philippines tại thủ đô Washington nhằm củng cố mối quan hệ hợp
tác giữa hai nước tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (3).
Người ngồi ăn trong một nhà hàng ở Bắc Kinh trước màn hình lớn chiếu cuộc
tập trận gần Đài Loan của Chiến khu miền Nam thuộc quân đội Trung Quốc hôm
10/4/2023. Reuters
.
Động năng mới của Mỹ ở khu vực
Tổng thống Joe Biden đã tìm cách điều chỉnh lại
sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và
khôi phục mối quan hệ với Philippines kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
nhậm chức vào năm ngoái. Mặc dù Trung Quốc không được đề cập cụ thể khi công bố
thỏa thuận mới, nhưng cả hai nước đều lo lắng về các yêu sách ngày càng quyết
đoán của Bắc Kinh đối với một vùng rộng lớn ở Biển Đông, bao gồm các đảo và rạn
san hô mà Manila coi là của mình. Các tàu Trung Quốc thường xuyên bám theo các
tàu cá Philippines, thường xuyên chặn và buộc họ phải chuyển hướng ra khỏi các
khu vực tranh chấp.
Tổng thống Marcos từng nêu vấn đề trong cuộc gặp
với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu năm nay. Trong khi đó, Tổng thống
Biden đã tăng cường sự đảm bảo của Hoa Kỳ để bảo vệ cả Philippines lẫn Đài
Loan. Hoa Kỳ đã xác nhận sẽ chuyển hàng ngàn Thủy quân lục chiến có trụ sở tại
Nhật Bản đến một căn cứ vừa được kích hoạt lại trên đảo Guam. Động thái trực chỉ
này cũng được coi là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm phân tán các lực
lượng của Mỹ để giúp nước này đối phó tốt hơn với Trung Quốc trong trường hợp xảy
ra khủng hoảng (4).
Trung Quốc “nhắc nhở” Việt Nam
Trước thời điểm chuyên cơ của Ngoại trưởng Mỹ
đáp xuống sân bay Nội bài tối 14/4 (giờ Hà Nội), “Hoàn cầu thời báo” – anh em
sinh đôi của tờ “Nhân Dân Nhật Báo” (Cơ quan Ngôn luận của ĐCSTQ) – đã có bài
phân tích với đầu đề vòng vo: “Blinken's reported Vietnam visit 'will
not affect Hanoi's overall strategy due to inherent and structural concerns” (Chuyến
thăm Việt Nam được loan báo của Blinken sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược tổng
thể của Hà Nội bởi những quan ngại cố hữu và mang tính cấu trúc). Đưa
con ngoái ộp “diễn biến hòa bình” của Mỹ ra dọa chán hàng thập kỷ, nay Trung Quốc
lại chuyển sang lá bùa mới để “trù úm” Hà Nội. Điều mà báo Đảng Trung Quốc la lối
về “nỗi lo cố hữu và mang tình cấu trúc” của Hà Nội, thực chất là muốn khoét
sâu vết thương của cuộc xung đột mà Mỹ gọi là “chiến tranh Việt Nam”, còn Hà Nội
thì cho đó là “cuộc chống Mỹ cứu nước” (5).
Trước đó, dường như lo sợ các quan chức Việt
Nam quên mất cam kết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh cuối năm
ngoái, nên trong các cuộc điện đàm giữa tân Thủ tướng Lý Cường và tân Ngoại trưởng
Tần Cương với Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngày 4/4) và Ngoại trưởng Bùi Thanh
Sơn (ngày 28/3), các bên đều đồng thanh ca bài ca “đi cùng năm tháng” về “tình
hữu nghị truyền thống ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’ do Hồ Chủ tịch và Mao Chủ
tịch đích thân gây dựng và dày công vun đắp” (6).
Hy vọng lần này, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội
Hùng Ba sẽ không “lao ra chặn xe” của các quan chức Việt Nam tối 14/4 khi họ
trên đường lên phi trường quốc tế Nội Bài đón Blinken. Nhiều khả năng ông Hùng
Ba sẽ không “diễn lại” màn kịch “chặn xe” Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi ông
Chính chuẩn bị ra sân bay đón bà Phó Tổng thống Kamala Harris tháng 8/2021. Một
lần đạt kỷ lục Guinness về Ngoại giao quốc tế như thế là quá đủ cho cả Trung Quốc
lẫn Việt Nam! (7)
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại họp báo ở Hà Nội hôm
26/8/2021. AFP
.
Liệu chuyến thăm có là bước ngoặt?
Cách đây vài giờ đồng hồ, Văn phòng người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra một công bố (Fact Shee)”: “The United
States – Vietnam Relationship: Celebrating 10 Years of
Comprehensive Partnership and 28 Years of Diplomatic Relations” (Quan
hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: Kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện và 28 Năm Quan hệ
Ngoại giao). Theo đó, năm nay là thời điểm kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối
tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam do hai Tổng thống lúc bấy giờ
là Obama và Trương Tấn Sang khởi xướng vào năm 2013. Nhân dịp này, chúng tôi
mong muốn mở rộng quan hệ đối tác trong những năm tới. Được xây dựng trên nền tảng
của sự tin tưởng và mong muốn chung để vượt qua những di sản chiến tranh, quan
hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng kể từ
khi quan hệ song phương được thiết lập vào năm 1995.
Mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ
đã phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, giao lưu
nhân dân: quan hệ con người, khoa học và công nghệ, y tế, khí hậu, năng lượng,
giáo dục, nhân quyền, v.v. Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác mạnh mẽ
và đang phát triển, cùng chia sẻ mục tiêu về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái
Bình Dương cởi mở, kết nối, thịnh vượng, tự cường và hòa bình (8).
Xin nhớ cho, nội hàm “khu vực Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương cởi mở, kết nối, thịnh vượng, tự cường và hòa
bình” cho mãi đến gần đây vẫn là điều húy kỵ trong từ điển ngoại giao
của Hà Nội. Vì từ khái niệm một “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP), Trung
Quốc rất dễ suy ra Việt Nam có thể đang bị thu hút vào các kết nối tiểu đa
phương như QUAD (Bộ Tứ) hay AUKUS (một liên kết tiểu đa phương khác giữa Mỹ,
Anh và Úc). Thật ra Trung Quốc quá lo xa. Chừng nào Việt, Mỹ chưa chính thức
công bố nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược” thì cho đến khi
đó, những kết nối với các tiểu đa phương trong khu vực còn là câu chuyện “đường
xa sau này”.
Ngày 16/4 tới đây, chuyên cơ của Ngoại trưởng
Blinken sẽ rời Hà Nội, trực chỉ tới Karuizawa (Nhật Bản) để tham dự Hội nghị
Ngoại trưởng G7 và thảo luận với những người đồng cấp về phương hướng cho một
loạt vấn đề toàn cầu. Sau khi chuyển thông điệp của Tổng thống Biden cho Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Blinken sẽ mang trả lời của ông Trọng gửi ông
Biden. Một Thông cáo báo chí, hoặc từ Washington hay từ Hà Nội, mà cũng có thể
từ cả hai thủ đô sẽ được tung ra dịp ấy. Lúc bấy giờ giới phân tích và bình luận
đủ cỡ, từ những “Thông tấn xã Vỉa hè” đến các hãng tin lớn của quốc tế sẽ tha hồ
mổ sẻ, xem kịch bản nào sẽ diễn ra trong bang giao Việt – Mỹ trong những tuần tới,
tháng tới của năm 2023 này? Ông Biden thăm Hà Nội tháng 5 hay ông Trọng sẽ vượt
Đại Tây Dương qua Mỹ…? (9)
___________
Tham khảo:
1.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-trung-phat-mccaul/7048764.html
2.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-huan-luyen-sau-tap-tran/7045557.html
5.
https://www.globaltimes.cn/page/202304/1288748.shtml
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment