Việt
Nam buộc phải sửa đổi chính sách visa để thu hút du khách
Thanh Phương
- RFI
Đăng ngày: 03/04/2023 - 13:56
Bộ Du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến 2025,
ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn, đón 18 triệu lượt khách quốc tế
và đến 2030 sẽ nâng con số này lên 35 triệu. Nhưng hiện giờ, tuy Việt Nam đã mở
cửa trở lại cách đây khoảng hơn một năm sau một thời gian dài đóng cửa vì
Covid-19, số du khách ngoại quốc vẫn chưa nhiều, chủ yếu là do hạn chế về cấp
visa. Cho nên Việt Nam sẽ buộc phải sửa đổi chính sách visa để thu hút du
khách.
Ảnh tư liệu: Du khách Trung Quốc trên đường phố Hà Nội, Việt Nam, ngày
01/12/2016. AP - Tran Van Minh
Hội chợ Du lịch Quốc tế Paris trong tháng 3 vừa
qua (16-19/03/2023) lẽ ra là một cơ hội quan trọng để quảng bá cho du lịch Việt
Nam, nhưng chỉ có một công ty duy nhất của ngành du lịch Việt Nam có mặt tại hội
chợ này, đó là hãng La Palanche Voyages, chuyên tổ chức các tour du lịch cho
khách nói tiếng Pháp đến Việt Nam cũng như đến các nước láng giềng Lào, Cam Bốt,
Miến Điện.
Trả lời RFI tại Hội chợ, giám đốc của La Palanche Voyages Nguyễn Xuân Hải giải thích vì sao số du khách quốc tế nói chung, và du khách Pháp nói
riêng, đến Việt Nam vẫn chưa nhiều:
“Lý do đầu tiên mà tôi nghĩ là lý do chủ đạo đó là
giá vé máy bay bây giờ rất cao, so với cả trước dịch, giá vé máy bay tăng gấp
rưỡi. Lần đầu tiên tôi phải trả đến 1.200 euro để bay qua đây, trong khi trước
đây tôi chỉ phải trả khoảng từ 700 đến 800 thôi.
Bản thân chúng tôi là những người làm du lịch mà còn
phải trả như vậy, những người khác không tìm được cách thì chắc là phải trả giá
cao hơn. Ngay vào tháng đầu tiên mà chúng tôi bắt đầu có khách, tức là
tháng 4 năm ngoái, đã có những khách phải trả đến hơn 2.000 euro để mua vé máy
bay.
Lý do thứ hai, các anh ở đây chắc cũng nghe nói là
chính phủ chuẩn bị tăng số ngày được miễn visa và tăng số quốc gia được miễn
visa, nhưng việc đó các nước xung quanh như Lào, Cam Bốt, Thái Lan đã làm từ
lâu rồi! Ngay từ khi các nước này mở cửa lại, du khách thay vì phải xin visa
hay làm các thủ tục này nọ thì người ta cứ việc lên máy bay và tới điểm đến.
Còn ví dụ như đối với người Pháp, Việt Nam chỉ miễn visa có 15 ngày, thì người
ta tự hỏi là thay vì đến Việt Nam, tại sao lại không đến Thái Lan chẳng hạn?”
Theo quy định hiện hành, visa du lịch có thời
hạn không quá 3 tháng và thời gian tạm trú ở Việt Nam không được quá 30 ngày. Hết
thời hạn này, khách du lịch muốn tiếp tục ở lại thì phải gia hạn thêm thời hạn
tạm trú. Ngoài ra, Việt Nam đang cấp thị thực điện tử ( e-visa ) cho công dân
80 nước, nhưng visa điện tử chỉ được cấp cho 30 ngày và nhập cảnh một lần, cho
nên khách đến Việt Nam không thể sang thăm một nước khác trong vùng rồi quay trở
lại Việt Nam. Hiện giờ, Việt Nam đã miễn visa cho công dân từ 13 quốc gia,
trong đó có 11 nước châu Âu, nhưng thời hạn miễn visa chỉ là 15 ngày, trong khi
có rất nhiều khách muốn du lịch ở Việt Nam đến 3, 4 tuần, hoặc hơn nữa.
Giám đốc công
ty La Palanche Nguyễn Xuân Hải cũng ghi nhận những bất
cập trong các thủ tục cấp visa du lịch ở Việt Nam hiện nay:
“Trang web visa điện tử của Việt Nam hiện giờ không
tiện lợi cho khách, mà lại chỉ bằng tiếng Anh, như thế là đã thiệt thòi cho
khách Pháp rồi. Tôi có nhiều khách, mà nói thẳng ra đó là những người nhiều tiền,
nhưng là người lớn tuổi, có thể là tiếng Anh của họ kém, cho nên gặp trang web
tiếng Anh là thua luôn. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai là visa điện tử chỉ cho nhập cảnh một lần mà
không được gia hạn. Ngay từ tháng 5 năm ngoái, tôi có khách ở Việt Nam trên 30
ngày, người ta có hỏi ý kiến tôi, thì tôi đến phòng quản lý xuất nhập cảnh để
xin gia hạn cho người ta, nhưng không được vì lúc ấy không có quy định như vậy.
Thế là tôi phải đề nghị khách một phương án: đi hết miền bắc Việt Nam, rồi khi
đi đến miền trung thì chạy sang Lào rồi chạy về trong ngày, để có thêm được 15
ngày miễn visa. Tự nhiên khách phải trả thêm tiền để chạy từ Việt Nam sang Lào,
trả tiền visa rồi quay lại Việt Nam!”
Để thúc đẩy đà phục hồi của du lịch, bộ Du Lịch
Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội…
đã nhiều lần kiến nghị nâng thời hạn miễn visa lên 30 ngày.
Sau một thời gian chần chừ, cuối cùng, chính
phủ Việt Nam vừa chính thức có tờ trình gởi Quốc Hội đề xuất một số chính sách
mới về quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo
Báo Điện tử Chính phủ hôm qua, 02/04/2023, chính phủ muốn đưa các chính sách
này vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), “để làm
cơ sở triển khai thực hiện”. Có lẽ ý định của chính phủ Việt Nam là sẽ thực
hiện ngay chính sách cởi mở về visa để tranh thủ được mùa cao điểm du lịch năm
2023.
Cụ thể, chính phủ đề nghị cấp visa điện tử cho
công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ, nâng thời hạn visa điện tử từ không
quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, đồng thời
nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh được miễn thị thực từ 15 ngày lên 45
ngày.
Chính phủ Việt Nam đưa ra những đề xuất như
trên mặc dù họ nhìn nhận việc thực hiện có thể đặt ra một số khó khăn trong
công tác quản lý người nước ngoài, nhưng họ cho biết sẽ chỉ đạo bộ Công An
“tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài để bảo đảm an ninh quốc
gia, trật tự, an toàn xã hội”.
Những thay đổi này là vô cùng cấp thiết bởi vì
so với các nước láng giềng như Thái Lan, ngành du lịch Việt Nam có nguy
cơ “xuất phát trước, nhưng về đích sau”. Vào năm 2019, Việt Nam đã
đón được 18 triệu lượt khách, một con số được xem là kỷ lục, nhưng cũng trong
cùng năm đó thì Thái Lan đã đón đến 40 triệu lượt khách. Năm 2023, Việt Nam đặt
mục tiêu 8 triệu thì Thái Lan sẽ đón 25 triệu. Năm 2030 Việt Nam dự kiến đón 35
triệu lượt khách, nhưng Thái Lan thì chỉ cần đến năm 2027 dự kiến sẽ thu hút đến
80 triệu khách.
Lợi ích của việc kéo dài thời hạn miễn thị thực
nhập cảnh đã được thấy rõ tại đảo Phú Quốc. Đảo này thu hút ngày càng nhiều du
khách quốc tế không phải chỉ vì cảnh đẹp, mà còn vì Phú Quốc có một chính sách
visa rất thoáng: Kể từ ngày 01/07/2020, nếu Phú Quốc là điểm đến đầu tiên thì
du khách quốc tế sẽ được miễn visa Việt Nam trong 30 ngày, dù là người nước
ngoài hay người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài. Nói một cách đơn giản, tất cả
du khách từ nước ngoài không cần xin visa Việt Nam nếu họ ở lại Phú Quốc không
quá 30 ngày.
Miễn thị thực Phú Quốc cũng được áp dụng cho
những du khách nhập cảnh Phú Quốc qua các sân bay quốc tế Việt Nam khác như sân
bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, v.v. và không rời khỏi khu vực quá cảnh.
Nhờ chính sách visa thoải mái như vậy mà đảo
Phú Quốc chỉ trong hai tháng đầu năm 2023 đã đón được đến 139.000 du khách nước
ngoài trên tổng số 935.000 du khách, theo số liệu của Sở Du lịch Tiền Giang
Trước mắt, các công ty du lịch đang ráo riết
tuyển dụng nhân sự và tu bổ các khách sạn, nhà hàng để đón du khách Trung Quốc,
bởi vì kể từ ngày 15/03, Trung Quốc đưa Việt Nam vào “danh sách thí điểm mở cửa
du lịch theo đoàn”. Khách từ Trung Quốc vẫn là một nguồn khách quốc tế chủ
yếu, với 5,5 triệu người đến Việt Nam trong năm 2019.
Trải qua 3 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch
Covid-19 và vắng mặt hoàn toàn khách Trung Quốc, nhiều cơ sở đã phải đóng cửa
hoặc giảm bớt chất lượng dịch vụ để hạ thấp chi phí. Năm nay, theo dự báo của
ngân hàng HSBC, Việt Nam có thể đón tiếp từ 3 đến 4,5 triệu khách Trung Quốc.
Nhưng vấn đề là sau mấy năm bị đại dịch
Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang gặp một vấn đề lớn, đó là thiếu nhân
công, do nhiều người đã phải bỏ sang làm các nghề khác, theo như ghi nhận của giám đốc công ty La Palanche Nguyễn Xuân Hải:
“ Theo quan sát từ công ty của tôi, số lượng khách đến
Việt Nam chỉ được khoảng một nửa so với cùng kỳ trước dịch, mà lại chia thành
những đoàn nhỏ. Trước đây các hãng ở Pháp bán được đoàn lớn vì giá vé máy bay tốt,
nhưng bây giờ là các đoàn nhỏ: gia đình, bạn bè, các cặp... Cho nên cần số xe
hướng dẫn nhiều hơn rất nhiều vì chia nhỏ ra, dẫn đến tình trạng thiếu rất nhiều
nhân sự du lịch ở Việt Nam. Nhất là sau dịch thì có rất nhiều người đã chuyển
sang làm nghề khác, tương đối ổn định rồi, bây giờ họ đợi khi nào du lịch thật
sự ổn định thì mới quay lại”.
No comments:
Post a Comment