Trí tuệ nhân tạo sẽ cách mạng
hóa ngoại giao như thế nào?
Andrew Moore - Foreign Policy
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/04/14/tri-tue-nhan-tao-se-cach-mang-hoa-ngoai-giao-nhu-the-nao/
Từ ChatGPT đến điện toán lượng tử, các công nghệ mới
nổi sẽ cung cấp các công cụ mới để kiến tạo hòa bình.
Đã hơn một năm kể từ khi Nga tiến hành xâm lược
Ukraine, có rất ít dấu hiệu cho thấy xung đột sẽ sớm kết thúc. Thành công của
Ukraine trên chiến trường đã được hỗ trợ bởi việc sử dụng sáng tạo các công nghệ
mới, từ máy bay không người lái đến các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) mã nguồn
mở. Nhưng sau cùng thì, cuộc chiến ở Ukraine – giống như bất kỳ cuộc chiến nào
khác – sẽ kết thúc bằng đàm phán. Và dù cuộc xung đột đã thúc đẩy những cách tiếp
cận mới đối với chiến tranh, thì các phương pháp ngoại giao vẫn đang bị mắc kẹt
ở thế kỷ 19.
Tuy nhiên, ngay cả ngoại giao – một trong những
nghề lâu đời nhất trên thế giới – cũng không thể chống lại làn sóng đổi mới.
Các cách tiếp cận mới có thể đến từ các phong trào toàn cầu, chẳng hạn như Sáng
kiến Hiệp ước Hòa bình (Peace Treaty Initiative), nhằm tái định nghĩa các động
lực kiến tạo hòa bình. Nhưng phần lớn thay đổi sẽ đến từ việc áp dụng và điều
chỉnh các công nghệ mới.
Với những tiến bộ trong các lĩnh vực như trí
tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, internet vạn vật, và sổ cái phân tán, các
công nghệ mới nổi ngày nay sẽ cung cấp nhiều công cụ và kỹ thuật kiến tạo hòa
bình mới, có thể tác động đến tất cả các bước trong quy trình – từ những ngày đầu
tiên của đàm phán, cho đến việc giám sát và thực thi các thỏa thuận.
Dù những căn phòng đầy đủ tiện nghi của Cung
điện Coburg ở Vienna hay Khách sạn Tổng thống Wilson ở Geneva vẫn sẽ là bối cảnh
cho nhiều cuộc thảo luận ngoại giao cấp cao, nhưng cách các bên tiến hành đàm
phán chắc chắn sẽ thay đổi trong những năm tới. Một ví dụ đơn giản là nhu cầu
thông dịch viên trực tiếp. Các ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự động – như “kính dịch
thuật” của Google – có thể giúp các cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ và cắt giảm
thời lượng dành cho việc phiên dịch.
Một số công cụ sẽ giúp tăng tốc độ đàm phán,
trong khi những công cụ khác giúp các nhà ngoại giao thu thập nhiều thông tin
hơn trước khi đàm phán. Như Nathaniel Fick, tân đại sứ về chính sách kỹ thuật số
và không gian mạng của Mỹ, gần đây đã nhận xét rằng, các báo cáo từ ChatGPT “gần
theo kịp về mặt chất lượng” với những báo cáo do nhân viên của ông chuẩn bị.
Khi các mô hình ngôn ngữ lớn được cải thiện, AI sẽ có thể tìm kiếm và tóm tắt
thông tin nhanh hơn hẳn so với một nhóm các nhân viên, giúp các nhà ngoại giao
chuẩn bị tốt hơn khi tham gia đàm phán.
Dù các hệ thống này cần sự giám sát của con
người ở một mức độ nào đó, nhưng các đồng minh có thể cùng nhau so sánh và tận
dụng các hệ thống AI tương ứng của họ. Khi ngày càng có nhiều bên phát triển AI
của riêng mình, chúng ta có thể chứng kiến “bot đàm phán” (hagglebots) – chương
trình máy tính có khả năng xác định các thỏa thuận tối ưu dựa trên một loạt các
đánh đổi và lợi ích – đóng vai trò chính trên bàn đàm phán. Các hệ thống AI
tinh vi hơn thậm chí một ngày nào đó có thể đạt đến trình độ trí tuệ nhân tạo tổng
hợp. Những hệ thống như vậy có thể nâng cao hiểu biết của chúng ta về công nghệ,
cho phép AI trở thành một tác nhân độc lập trong các cam kết quốc tế hơn là một
công cụ đơn thuần.
Khi các cuộc đàm phán bắt đầu, các bên có thể
sử dụng AI để hỗ trợ đoàn của họ, cung cấp lời khuyên dựa trên dữ liệu thời
gian thực xuyên suốt quá trình thảo luận. Cố vấn Nhận thức về Thương mại
(Cognitive Trade Advisor) của IBM đã hỗ trợ các nhà đàm phán bằng cách trả lời
câu hỏi về các hiệp ước thương mại mà nếu không có công nghệ hỗ trợ thì có thể
mất vài ngày hoặc vài tuần để trả lời.
Các công nghệ mới cũng cho phép các quốc gia tổng
hợp ý kiến công dân dễ dàng hơn theo thời gian thực. Hơn 10 năm trước,
Indonesia đã đi tiên phong khi giới thiệu một nền tảng có tên UKP4, cho phép
người dân gửi khiếu nại hàng ngày về bất cứ điều gì, từ cơ sở hạ tầng bị hư hỏng
đến giáo viên vắng mặt. Dù công nghệ có thể bị lạm dụng để thao túng và bóp méo
thông tin, nhưng trí tuệ nhân tạo cũng có thể đóng vai trò là công cụ giúp xác
định những hành vi sai trái này, tạo ra một cuộc đấu tranh không ngừng trong cuộc
chạy đua vũ trang giữa AI tốt và AI xấu.
Các hệ thống thông minh cũng có thể giúp các
nhà đàm phán kiểm tra các lập trường và kịch bản khác nhau chỉ trong vài phút.
Trong vòng đàm phán hạt nhân Iran đầu tiên, một nhóm thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã
xây dựng một bản sao của cơ sở hạt nhân của Iran để kiểm tra mọi khả năng làm
giàu và phát triển hạt nhân của nước này. Trong tương lai, một hệ thống AI sẽ
có thể chạy thử các kịch bản và thử nghiệm ảo nhanh hơn, với chi phí thấp hơn
nhiều.
Khi tôi còn làm việc trong nhóm của Ngoại trưởng
Mỹ John Kerry, đàm phán Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) vào năm 2014
và 2015, các nhà ngoại giao sẽ gặp nhau theo nhiều hình thức – từ các cuộc họp
toàn thể lớn, đến các phiên họp riêng – cố gắng khám phá ý định đằng sau lập
trường của mỗi bên và tìm ra những khác biệt dù là nhỏ nhất giữa các nhà đàm
phán riêng lẻ. Dù theo truyền thống nó được xem là bí mật của cộng đồng gián điệp,
máy tính giờ đây có thể hỗ trợ nỗ lực này, xác định những biểu hiện và cảm xúc
khác nhau bằng cách phân tích video quay lại cảnh đàm phán. Ngay cả khi ngoại
giao vẫn là một nghệ thuật, nó sẽ ngày càng dựa vào khoa học.
Khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận, họ cần
giành được sự ủng hộ từ tổng hành dinh ở thủ đô và lãnh đạo quốc gia, từ đó tạo
ra nhu cầu liên lạc được bảo mật. Các nhà đàm phán từ lâu đã phải đối mặt với
nguy cơ gián điệp và bị rò rỉ thông tin, và ngày càng phải đối mặt với nguy cơ
bị chặn các cuộc gọi và xâm phạm an ninh mạng.
Công nghệ mới vừa có thể bảo mật thông tin
liên lạc, vừa có thể khiến thông tin đó gặp nguy hiểm. Đáng chú ý nhất, các máy
tính lượng tử mạnh mẽ nhiều khả năng một ngày nào đó sẽ có thể bẻ khóa thông
tin đã được mã hóa. Làn sóng phẫn nộ theo sau những tiết lộ của WikiLeaks sẽ chẳng
là gì so với sự hỗn loạn xảy ra khi các cơ quan tình báo nước ngoài giải mã
hàng nghìn bức điện ngoại giao mật.
Đến nay, nhiều cơ quan tình báo có lẽ đã chặn
được và lưu trữ nhiều bức điện ngoại giao với hy vọng giải mã chúng khi họ
phát triển các khả năng công nghệ cần thiết. Đáp lại, các quốc gia đã phát triển
các kỹ thuật mới để đảm bảo tính bảo mật của thông tin liên lạc ngoại giao
thông qua mã hóa hậu lượng tử. Trong một ví dụ minh họa vào tháng 12/2022, Tổng
thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi bức điện được bảo mật lượng tử đầu tiên của
cơ quan ngoại giao Pháp.
Sau khi các bên công bố thỏa thuận, công nghệ
vẫn có thể đóng vai trò đảm bảo thỏa thuận đó được triển khai. Khi JCPOA có hiệu
lực vào tháng 1/2016, Mỹ gặp khó khăn trong việc giải phóng khối tài sản của
Iran bị đóng băng sau cuộc cách mạng – các ngân hàng vẫn ngại chuyển tiền vì sợ
vi phạm lệnh trừng phạt. Cuối cùng, chính phủ Mỹ đã giao 1,7 tỷ đô la tiền mặt
cho Iran, vận chuyển 400 triệu đô la đến Tehran qua Thụy Sĩ.
Công nghệ sổ cái phân tán có khả năng đảm bảo
các bên nhận được tiền bồi thường một cách minh bạch và có thể được sử dụng để
chuyển tiền một cách công khai, trong khi vẫn giữ nguyên các biện pháp trừng phạt
cho các mục đích khác. Hiện tại, blockchain đang cho thấy triển vọng trong nhiều
ứng dụng khác nhau, một trong số đó là chuyển thông tin an toàn ra khỏi
Ukraine. Hợp tác với công ty doanh nghiệp xã hội Hala Systems, một phòng thí
nghiệm tại Đại học Stanford đã sử dụng blockchain để ghi lại các tội ác chiến
tranh của Nga, đảm bảo rằng bằng chứng gốc về tội ác chiến tranh không thể bị
chỉnh sửa.
Sau quá trình đàm phán và triển khai, giám sát
là chìa khóa để đảm bảo một thỏa thuận sẽ có hiệu lực. Năm 2015, Iran đã đồng ý
với một chế độ giám sát nghiêm ngặt chưa từng có. Như Kerry đã giải thích vào
thời điểm đó, “Chương trình hạt nhân của Iran sẽ mãi mãi là đối tượng của các
cuộc thanh tra thường xuyên.” Trong tương lai, internet vạn vật – khả năng kết
nối các vật dụng thường ngày với internet – có thể giúp việc kiểm tra này hiệu
quả hơn rất nhiều bằng cách tạo ra nhiều điểm dữ liệu mới. Ví dụ, các nhóm tại
Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos đã sử dụng AI để phát hiện dấu vết của các
vụ thử hạt nhân bằng cách dựa vào dữ liệu từ các mạng cảm biến quốc tế.
Viễn thám cũng có thể đóng một vai trò trong
việc đảm bảo các bên tuân thủ các cam kết của họ. Ví dụ, hình ảnh không gian địa
lý nguồn mở – từng là lĩnh vực độc quyền của các cơ quan tình báo – đã được một
nhóm tại Stanford sử dụng để giám sát hoạt động tại cơ sở hạt nhân của Iran ở
Natanz. Khi cảm biến lượng tử phát triển hơn, những kẻ có ý đồ xấu sẽ ngày càng
khó ngụy trang các hoạt động của mình. Các cảm biến lượng tử đã được chứng minh
có đủ khả năng lập bản đồ các đường hầm dưới lòng đất và xác định hoạt động địa
chấn. Tất nhiên, những ứng dụng này còn khá xa vời. Đối với bất kỳ cuộc đàm
phán nào trong tương lai gần, giám sát vẫn phải dựa vào các phương pháp truyền
thống hơn. Nhưng hứa hẹn của những công nghệ mới này là rất lớn.
Dù cách thức tiến hành chiến tranh của chúng
ta đã phát triển, nhưng cách thức kiến tạo hòa bình vẫn chưa đạt được những bước
tiến tương tự. Tình hình của Ukraine đã chỉ ra tầm quan trọng của việc ứng dụng
những công nghệ mới ở chiến trường. Thành công trên bàn đàm phán cũng sẽ có một
phần không nhỏ đến từ đổi mới công nghệ.
--------------------------------
Andrew Moore là trưởng cố
vấn của cựu CEO Google, Eric Schmidt. Ông cũng đã làm việc hơn một thập niên tại
Bộ Ngoại giao Mỹ, từng hỗ trợ các cuộc đàm phán Mỹ-Iran với tư cách là trợ lý đặc
biệt trong Ban Thư ký Điều hành của Bộ Ngoại giao từ năm 2014 đến năm 2016.
Nguồn: Andrew Moore, “How AI Could Revolutionize Diplomacy,” Foreign
Policy, 21/03/2023
No comments:
Post a Comment