Tuesday, April 11, 2023

THẤY GÌ TỪ CUỘC TẬP TRẬN MỚI ĐÂY CỦA TRUNG QUỐC GẦN ĐÀI LOAN? (Reuters)

 



NỘI DUNG :

Thấy gì từ cuộc tập trận mới đây của Trung Quốc gần Đài Loan?

Reuters

.

Cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan

Đặng Sơn Duân

 

======================================

.

.

Thấy gì từ cuộc tập trận mới đây của Trung Quốc gần Đài Loan?

Reuters

12/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/thay-gi-tu-cuoc-tap-tran-moi-day-cua-trung-quoc-gan-dai-loan/7046301.html

 

Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc gần Đài Loan cho thấy Bắc Kinh nghiêm túc trong việc có thể cắt đứt hòn đảo dân chủ trong một cuộc xung đột, theo giới phân tích, trong khi Bắc Kinh nói rằng các tàu sân bay của họ có thể “phá vỡ” hệ thống phòng thủ của Đài Loan từ phía đông.

 

https://gdb.voanews.com/6F8A7328-3896-45A8-8105-86813CD80792_w1023_r1_s.jpg

Máy bay phản lực chiến đấu J-15 của Trung Quốc cất cánh từ Tàu sân bay Liêu Ninh tại Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc.

 

Mặc dù các cuộc tập trận kéo dài ba ngày, kết thúc vào hôm 10/4, không căng thẳng như những cuộc tập trận diễn ra vào tháng 8 năm ngoái để phản đối chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc, nhưng Trung Quốc đã sử dụng chúng để chứng tỏ khả năng của mình trên không và trên biển - cả hai lĩnh vực mà họ đều cần phải kiểm soát nếu tìm cách phong tỏa Đài Loan.

 

Dưới đây là những điểm chính rút ra từ các cuộc tập trận.

 

1) Hoạt động của tàu sân bay

 

Nhiều nhà phân tích ghi nhận các máy bay phản lực bay khỏi hàng không mẫu hạm Sơn Đông, chiếm vị trí phía đông Đài Loan, cách đảo Miyajima của Nhật Bản khoảng 230 km về phía nam.

 

Ông Zhao Xiaozhuo, một đại tá cấp cao và nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Quân sự Quân đội Giải phóng Nhân dân, nói với Tân Hoa Xã rằng sự hiện diện của tàu sân bay ở đó có nghĩa là Trung Quốc “có thể phá vỡ cái gọi là lá chắn phía đông của Đài Loan”.

 

Theo giới phân tích, Bắc Kinh không thể vận hành các tàu sân bay mà không bị trừng phạt trong khu vực đó trong một cuộc xung đột, đặc biệt nếu các quốc gia thân thiện với Đài Loan có liên quan, nhưng nói thêm rằng Đài Loan sẽ tự mình đấu tranh để đối phó với mối đe dọa như vậy.

 

Ông Chieh Chung, một nhà nghiên cứu quân sự tại tổ chức nghiên cứu mang tên Sáng hội Chính sách Quốc gia có trụ sở tại Đài Bắc, nói trong trường hợp bị tấn công, Đài Loan có thể sẽ rút khí tài quân sự từ phía tây về các căn cứ ở phía đông vốn được che chắn bởi các ngọn núi cao của hòn đảo và các đường hầm dưới lòng đất.

 

Nhưng một cuộc tấn công có phối hợp hơn, không bị kiềm chế từ phía đông có nghĩa là “toàn bộ tình hình sẽ trở nên rất bất lợi,” ông nói.

 

2) Ngăn chặn sự giúp đỡ của nước ngoài

 

Các video về cuộc tập trận do Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc công bố cho thấy các tàu và máy bay của họ đã tới phạm vi 24 hải lý của Đài Loan trên tất cả các mặt của hòn đảo.

 

Mục đích của các cuộc tập trận này là để chứng tỏ rằng họ có thể bao vây Đài Loan trong một cuộc phong tỏa và ngăn chặn các thế lực nước ngoài can thiệp, ông Zhao nói.

 

Điều đó sẽ rất quan trọng nếu một cuộc xung đột nổ ra.

 

“Một cuộc xâm lược của Trung Quốc sẽ đòi hỏi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực hiện các hoạt động chống can thiệp chung nhắm vào Mỹ, mà Bắc Kinh tin rằng gần như chắc chắn sẽ can thiệp, và bây giờ có thể là với các đồng minh như Úc và Nhật Bản, thậm chí có thể là Philippines,” ông Derek Grossman một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation nói.

 

Mặc dù Hoa Kỳ từ lâu đã theo chính sách “mơ hồ chiến lược” về việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan hay không, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói ông sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan.

 

3) Nhắm mục tiêu chính xác

 

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng cho biết họ đã thực hiện các mô phỏng ảo cho thấy lực lượng của họ có thể thực hiện các cuộc tấn công phi đạn nhắm vào Đài Loan như thế nào.

 

Ông Zhang Chi, một đại tá cấp cao và phụ tá giáo sư tại Đại học Quốc phòng, nói với Tân Hoa Xã rằng các cuộc tấn công chính xác mô phỏng có nghĩa là Trung Quốc có thể loại bỏ các nhà lãnh đạo Đài Loan trong chiến dịch “Zhanshou”, có nghĩa là “chặt đầu”. Theo cách nói của quân đội phương Tây, các cuộc tấn công như vậy được gọi là “các cuộc tấn công chặt đầu”.

 

Các cuộc tập trận mới nhất này là một phản ứng đối với cuộc gặp gần đây ở California giữa đương kim Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy với Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, người mà Trung Quốc coi là một phần tử ly khai.

 

4) Nhật Bản trong tình trạng báo động

 

Ông Bonji Ohara, thành viên cao cấp tại Sáng hội Hòa bình Sasakawa và là cựu tùy viên quân sự tại Tòa đại sứ Nhật Bản ở Trung Quốc, cho biết việc Trung Quốc tập trung vào các vùng biển phía đông Đài Loan đặc biệt đáng lo ngại đối với Nhật Bản.

 

“Các hòn đảo phía tây nam của Nhật Bản có thể nằm trong khu vực phong tỏa,” ông Ohara nói. “Câu hỏi làm thế nào để phá vỡ nó một lần nữa được đặt ra với Nhật Bản. Việc này cũng nhắc nhở Nhật Bản rằng việc phong tỏa có thể cắt đứt các tuyến đường biển vận chuyển dầu thô và thực phẩm đến Nhật, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản.”

 

Quân đội Nhật Bản nói trong một cuộc họp báo ngày 11/4 rằng họ đang đánh giá các cuộc diễn tập của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, nhưng mô tả chúng là “không nghi ngờ gì nữa, là một cuộc huấn luyện nghiêm túc.”

 

============================.

.

.

Cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan

Đặng Sơn Duân

11/04/2023

https://baotiengdan.com/2023/04/11/cuoc-tap-tran-cua-trung-quoc-xung-quanh-dai-loan/

 

Hình ảnh vệ tinh ngày 10.4 cho thấy các nhiều tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan bám sát và đối đầu nhau ở khu vực ranh giới của vùng tiếp giáp lãnh hải, ít nhất tại 5 địa điểm ở phía bắc, phía tây, tây nam và phía đông Đài Loan.

 

1. Cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan

 

Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc đã thông báo kết thúc đợt tập trận kéo dài ba ngày ở các vùng biển xung quanh Đài Loan vào chiều tối 10.4.

 

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết vẫn còn 9 tàu chiến và 26 máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động ở các khu vực xung quanh Đài Loan tính đến sáng 11.4.

 

Ngày cuối cùng của cuộc tập trận chứng kiến số lượng kỷ lục máy bay Trung Quốc hoạt động gần Đài Loan, với tổng cộng 91 lượt máy bay được ghi nhận.

 

Về hải quân, hình ảnh vệ tinh ngày 10.4 cho thấy có nhiều tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan bám sát và đối đầu nhau ở khu vực ranh giới của vùng tiếp giáp lãnh hải, ít nhất tại 5 địa điểm ở phía bắc, phía tây, tây nam và phía đông Đài Loan.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/D1.webp

Ảnh: Đặng Sơn Duân

 

Đáng chú ý, trong 2 ngày 9 và 10.4, máy bay tiêm kích J-15 trên tàu sân bay Sơn Đông đã tham gia tập trận, với 15 lượt cất cánh vào hôm qua.

 

Trước đây, tiêm kích J-15 từng hoạt động ở khu vực đông và đông nam Đài Loan, trong các đợt huấn luyện của tàu Liêu Ninh. Nhưng đây là lần đầu tiên J-15 được ghi nhận xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, cũng như là lần đầu tiên chúng tham gia vào đợt tập trận sẵn sàng chiến đấu nhằm uy hiếp Đài Loan.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/D2.jpeg

Ảnh vệ tinh

 

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 10.4 cho biết tàu Sơn Đông hoạt động ở vị trí cách Đài Loan khoảng 400 km về phía đông vào ngày 9.4.

 

Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ đang hiện diện ở phía nam quần đảo Okinawa. Tín hiệu từ máy bay C-2A cho thấy tàu này đã xích về phía tây vào sáng 11.4.

 

Một vài quan sát về cuộc tập trận

 

– Ngoại trừ thông báo bắn đạn thật ở các khu vực nhỏ dọc bờ biển, Trung Quốc không tổ chức bắn tên lửa trong đợt này. (Để bù đắp, Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ đã có sáng kiến tổ chức sản xuất một đoạn hoạt họa mô tả cảnh tên lửa ồ ạt dội xuống các khu vực ở Đài Loan).

 

– Các lực lượng pháo binh của lục quân và lực lượng tên lửa có tham gia nhưng chỉ là tập trận triển khai sẵn sàng chiến đấu, khác với cuộc tập trận vào tháng 8 năm ngoái, khi Trung Quốc bắn hàng loạt tên lửa đạn đạo vào các vùng biển xung quanh Đài Loan.

 

– Nếu như lực lượng tên lửa là át chủ bài của đợt tập trận trước thì nay vai trò này dành cho không quân và hải quân, với sự tham gia của số lượng lớn và đa dạng chủng loại máy bay quân sự, cũng như sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay. Các máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ đã tiến hành các cuộc tấn công giả lập vào các mục tiêu then chốt của Đài Loan.

 

– Có thể thấy nếu như mục đích chủ yếu của đợt tập trận trước đây là răn đe và uy hiếp với các đợt phóng tên lửa, rốc két rầm rộ, thì qua đợt tập trận này Trung Quốc thao dượt khả năng phong tỏa, bao vây và tấn công Đài Loan.

 

– Tuy số lượng còn ít nhưng sự xuất hiện của phi đội tiêm kích tàu sân bay cho thấy Trung Quốc đang dần hướng tới mục tiêu sở hữu năng lực phát động tấn công từ bên mạn phía đông của Đài Loan. Từ đó, cho phép họ uy hiếp các căn cứ không quân ở phía đông Đài Loan, vốn vẫn được cho là khá an toàn trước đây. Năng lực này sẽ ngày càng gia tăng khi Trung Quốc tiếp tục đóng thêm các tàu sân bay trong tương lai.

 

– Trong đợt tập trận này, Đài Loan vẫn quyết tâm ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc xâm nhập vào vùng tiếp giáp lãnh hải (kéo dài 12 hải lý tính từ lãnh hải) và khá thành công.

Tuy nhiên, với chiến lược bình thường hóa hành vi gây hấn và tằm ăn dâu, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ xâm nhập vào vùng tiếp giáp trong các đợt tập trận quy mô kế tiếp, sau khi đã bình thường hóa việc triển khai máy bay vào ADIZ cũng như triển khai tàu chiến và máy bay vượt qua đường trung tuyến ở eo biển. Trung Quốc có khả năng làm được việc này nếu họ triển khai số lượng tàu áp đảo từ các hạm đội.

 

2. Các tin tức khác

 

– Ngày 10.4, tàu khu trục USS Milius của Mỹ đã tiến cuộc tuần tra tự do hàng hải, áp sát Đá Vành Khăn mà Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh vệ tinh sáng cùng ngày cho thấy một tàu hộ vệ Trung Quốc bám theo tàu USS Milius khi cả hai ở vị trí cách Vành Khăn khoảng 66 km và cách Đá Ba Đầu khoảng hơn 30km.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/D3.jpeg

Ảnh vệ tinh

 

– Ngày 11.4, Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc tập trận kéo dài đến ngày 28.4, với sự tham gia của hơn 17.000 quân nhân hai nước.

 

– Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10.4 xác nhận Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong chuyến công du kéo dài từ ngày 11 đến 18.4, với các chặng dừng chân ở Anh, Ireland và Nhật Bản. Thông tin này trước đó đã được thượng nghị sĩ Jeff Merkley tiết lộ trong chuyến thăm Việt Nam đang diễn ra. Dự kiến ông Blinken sẽ thăm Việt Nam từ 14 đến 16.

 

– Trong thời gian ở Việt Nam, ông Merkley cũng tiết lộ Mỹ sẽ chuyển giao cho phía Việt Nam chiếc tàu tuần dương lớp Hamilton thứ ba. Nhiều khả năng đây sẽ là chiếc USCGC Mellon (WHEC-717).

 

 



No comments: