Tập
Cận Bình tìm cách khai thác sự bất đồng của châu Âu bằng cách « tâng bốc »
Macron
Phan Minh - RFI
Đăng ngày: 12/04/2023 - 12:05
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kết thúc chuyến
công du Trung Quốc hôm 07/04/2023. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm
cách « tâng bốc » tổng thống Pháp với mục đích châu
Âu không áp dụng đường lối cứng rắn với Bắc Kinh giống như Hoa Kỳ. Tuần báo
Pháp L’Express hôm 09/04 có bài phân tích tổng kết chuyến đi của tổng thống
Macron. RFI xin giới thiệu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron
tại Quảng Châu, Trung Quốc ngày 07/04/2023. AP - Thibault Camus
Tập Cận Bình trải thảm đỏ đón Emmanuel Macron
trong vòng 3 ngày, thậm chí còn mời tổng thống Pháp dự tiệc trà, trong bầu
không khí thân mật, không câu nệ lễ tân, ở trước hồ nước có thảm thực vật nhiệt
đới bao quanh, tại dinh thự của tỉnh trưởng Quảng Đông, ở Quảng Châu - nơi cha
của nhà lãnh đạo Trung Quốc từng sống khi ông giữ chức tỉnh trưởng từ năm 1978
đến 1981. Tập Cận Bình nói với vị khách của mình như sau : « Tôi
rất vui vì chúng ta chia sẻ nhiều quan điểm giống nhau hoặc tương đồng về các vấn
đề liên quan đến Trung Quốc-Pháp, Trung Quốc-châu Âu, các vấn đề quốc tế và khu
vực. » Cũng hiếm khi nào báo chí Trung Quốc lại khen ngợi một
nguyên thủ quốc gia phương Tây như vậy.
Việc nối lại quan hệ với nền kinh tế lớn thứ
hai thế giới sau 3 năm diễn ra đại dịch Covid-19 khiến Bắc Kinh tự cô lập với
thế giới hiển nhiên là điều hữu ích. Các cố vấn ở điện Elysée giải thích rằng với
suy nghĩ duy ý thường có của mình, Emmanuel Macron hy vọng qua các cuộc thảo luận
kéo dài nhiều giờ với chủ nhà, sẽ làm thay đổi quan điểm của Trung Quốc về cuộc
chiến ở Ukraina. Mục tiêu của lãnh đạo Pháp là thuyết phục Bắc Kinh
không trở thành « bên tham chiến », qua việc cung cấp
vũ khí cho Nga. Điện Elysée cũng muốn gửi thông điệp tới Trung Quốc, để Bắc
Kinh có thể đóng góp giải pháp trong trường hợp một ngày nào đó không gian đàm
phán sẽ mở ra. Tương lai sẽ trả lời liệu rằng chuyến đi này của ông Macron có
khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn hay không.
Sự đoàn kết của châu Âu bị suy yếu
Giờ đây, Emmanuel Macron
đã ra về tay trắng sau chuyến đi của mình. Nhà lãnh đạo Pháp chưa nhận được bất kỳ cam kết
cụ thể nào từ chủ tịch Trung Quốc, người vẫn chưa lên án cuộc xâm lược Ukraina
của Nga. Mặt khác, ông Tập Cận Bình tái khẳng định rằng
trong cuộc chiến này, tất cả các bên đều có « những lo ngại chính
đáng về an ninh ». Lập trường không thay đổi này đã được dự đoán từ
trước : Tập Cận Bình đã sang Matxcơva vào tháng trước để củng cố mối quan hệ với « người
bạn » Vladimir Putin và đặt mình vào phe chống phương Tây. Không
có lý do gì để ông Tập ngay lập tức thay đổi đường lối chiến lược của mình, bất
chấp « chiến dịch quyến rũ » của Emmanuel
Macron.
Ngoài ra, sự đoàn kết của
châu Âu không được củng cố sau chuyến đi này của ông Macron. Mặc dù ban đầu, mục tiêu của tổng thống Pháp là thắt chặt sự đoàn kết
của châu Âu, với việc mời bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu,
tham gia vào một phần các hoạt động trong chuyến công du. Thách thức lớn nhất để
chiến lược này đạt được hiệu quả là thể hiện tính nhất quán trong các phát biểu.
Nhưng điều mà phía Trung Quốc thấy rõ nhất là sự khác biệt về giọng điệu giữa
hai nhà lãnh đạo châu Âu. Emmanuel
Macron muốn tránh xa cách tiếp cận được coi là « đối đầu » của
Hoa Kỳ, đã tỏ ra hòa dịu hơn nhiều so với bà Ursula
von der Leyen. Bà đã có một bài phát biểu rất gay gắt trước khi thực hiện chuyến
đi, tố cáo lập trường « cứng rắn có chủ đích xuất phát từ vị
trí chiến lược toàn cầu của Trung Quốc » và tiếp tục tỏ ra gay gắt
khi đặt chân đến Trung Quốc. Bà nhấn mạnh rằng nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho
Matxcơva, « thì điều đó sẽ làm tổn hại đáng kể đến mối quan hệ giữa
Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc ». Emmanuel
Macron chủ trương hoan nghênh kế hoạch hòa bình 12 điểm do Trung Quốc đề xuất - bị Ukraina và hầu hết các nước phương Tây bác bỏ - và kêu gọi Bắc
Kinh đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột này. Đồng thời không chấp nhận
bị lôi kéo vào vòng xoáy gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương
Tây.
Một điểm khác biệt đáng chú ý khác :
trong khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh đến việc phải « giảm
thiểu rủi ro » trong quan hệ với Bắc Kinh, thì Emmanuel Macron,
người được khoảng 50 lãnh đạo doanh nghiệp tháp tùng, lại không chia
sẻ quan điểm này, và dường
như tổng thống Pháp chủ yếu quan tâm đến việc củng cố quan hệ kinh tế
với Bắc Kinh.
Chính quyền Trung Quốc, vốn muốn đẩy mạnh quan
hệ song phương với các nước châu Âu nhằm gây ảnh hưởng lớn hơn, đã không bỏ lỡ
cơ hội khai thác những bất đồng này và thể hiện rõ sự lựa chọn của
mình. Emmanuel Macron đã được đón tiếp với những nghi thức long trọng của một
chuyến thăm cấp Nhà nước, không giống như bà Ursula von der Leyen, người
không phải là lãnh đạo một quốc gia, được tiếp đón một cách đơn
giản và không được mời tham gia các hoạt động chỉ giành riêng cho
quan hệ song phương trong chương trình nghị sự.
Đối với Tập
Cận Bình, người luôn tìm cách ngăn cản châu Âu bám theo lập trường của Mỹ
trong hồ sơ Bắc Kinh, câu thần chú của Macron về « tự chủ
chiến lược » của châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc là một « món
hời » ngoài mong đợi. Noah Barkin, nhà
phân tích tại nhóm Rhodium cho biết : « Tập Cận Bình coi
Macron là đồng minh trong nỗ lực chia rẽ Liên Âu và Hoa Kỳ, đồng thời chống lại
những nước châu Âu ủng hộ đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. »
Chủ tịch Trung Quốc và báo chí trong nước đều
nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Pháp phải tiếp tục chống lại tâm lý chiến
tranh lạnh và sự đối đầu của các khối. Tờ
Hoàn Cầu Thời Báo, trực thuộc đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã viết : « Giờ đây, vào thời điểm mà sự chia rẽ và thậm chí là sự
đối đầu đang cận kề, giá trị của tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Pháp càng lớn
hơn. » Tờ báo nhấn mạnh : « Ai cũng thấy rõ rằng trở
thành một chư hầu chiến lược của Washington là đi vào ngõ cụt. Biến mối quan hệ
Trung Quốc-Pháp trở thành cầu nối cho sự hợp tác Trung Quốc-châu Âu là việc có
lợi cho cả hai bên và cho cả thế giới. »
Thái độ của tổng thống
Macron đối với Bắc Kinh chắc chắn sẽ khiến Washington cảm thấy khó chịu, vào thời
điểm mà căng thẳng Trung-Mỹ đang ở mức rất cao khi Mỹ coi Trung Quốc là mối đe
dọa chiến lược chính của mình. Tuyên bố chung giữa Paris và Bắc Kinh vào cuối
chuyến công du dường như còn đổ thêm dầu vào lửa khi đề cập đến một « quan
hệ đối tác chiến lược toàn diện » và tầm nhìn về một « thế
giới đa cực » - điều mà Washington có thể suy diễn như một mong ước
về một thế giới không bị thống trị bởi Hoa Kỳ.
Chủ nhân điện Elysée cũng đã tỏ ra kín tiếng về
vấn đề Đài Loan, một trong những chủ đề tranh chấp chính giữa hai siêu cường thế
giới, vào thời điểm mà Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực quân sự đối với hòn
đảo. « Tôi không phải là Đài Loan hay là Hoa Kỳ. Là người khắc kỷ
kiên nghị, tôi chỉ có thể quan tâm giải quyết những vấn đề phụ thuộc vào
tôi », tổng thống Macron biện minh với các nhà báo.
Nhà phân tích Noah Barkin nhấn mạnh rằng vào
thời điểm mà Hoa Kỳ và Trung Quốc hầu như không còn giữ liên lạc, châu Âu có thể
đóng một vai trò chủ chốt trong việc gửi những thông điệp quan trọng tới Bắc
Kinh, đặc biệt là về vấn đề Ukraina. Nhưng châu Âu phải làm vậy một cách đoàn kết.
Điều đó có nghĩa là gửi thông điệp chung, sử dụng ảnh hưởng kinh tế của châu Âu
một cách hiệu quả và không nhầm lẫn giữa những lời tâng bốc và kết quả đạt được
thực sự. Theo ông Barkin, những lo ngại của Mỹ về sự chia rẽ của châu Âu đối với
chính sách áp dụng với Trung Quốc sẽ gia tăng sau chuyến đi này của tổng thống
Macron.
No comments:
Post a Comment