Tân
Hiệp Phát – một ví dụ về ‘phát’ (kỳ 1)
12/04/2023
https://www.voatiengviet.com/a/tan-hiep-phat-mot-vi-du-ve-phat-(ky-1)/7047093.html
Khoan
bàn đến chuyện cha con ông Trần Quý Thanh bị khởi tố vì “lạm dụng tín nhiệm
chiếm đoạt tài sản” là đúng hay sai. Các tình tiết do Công an Việt Nam cung cấp
và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang thi nhau khai thác cho
thấy một điểm rất đáng chú ý...
https://gdb.voanews.com/8E73CE59-911E-44A1-B2CC-3533340CF0BB_w1023_r1_s.jpg
Cung cách quản trị - điều hành tại Việt Nam đã biến bất động sản thành
lĩnh vực tạo ra siêu lợi nhuận khiến những doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát cũng
không đành lòng đứng ngoài và hậu quả giống như đang thấy không chỉ có Tân Hiệp
Phát là nạn nhân... (Ảnh: Nguyễn Văn Châu)
Kỳ 1
Cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng
xã hội đang sôi sùng sục trước sự kiện cha con ông chủ Tân Hiệp Phát bị khởi tố
vì “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vào lúc này, ông Trần Quý
Thanh (Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát) và trưởng nữ - bà Trần Uyên Phương (Phó Tổng
giám đốc Tân Hiệp Phát) đã bị tạm giam. Ngoài bà Trần Ngọc Bích – thứ nữ (một
Phó Tổng giám đốc khác của Tân Hiệp Phát) được tại ngoại hậu tra, gia đình ông
Thanh chỉ còn cậu con trai út chưa phải là bị can ...
Khoan bàn về vụ án là lý do khiến cha con ông
Thanh bị khởi tố. Kẻ viết bài này chỉ muốn dùng trường hợp Tân Hiệp Phát như ví
dụ mới nhất, dễ hình dung dung nhất về thực trạng “phát triển” ở Việt
Nam mà hậu quả đang tác động đến từng người...
***
Theo nhiều nguồn khác nhau thì tiền thân của
Tân Hiệp Phát là xưởng sản xuất nước giải khát Bến Thành, thành lập năm 1994, đến
1999 xưởng này được nâng lên thành Nhà máy nước giải khát Bến Thành, ngoài sản
xuất nước ngọt, còn sản xuất thêm sữa đậu nành đóng chai, bia tươi, bia hơi,
bia chai, rồi thêm nước tăng lực, các loại trà giải nhiệt,... Theo thời gian,
Nhà máy nước giải khát Bến Thành, hay Công ty Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt
Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa trong lĩnh vực nước giải khát tại Việt Nam với
một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2017, Hiệp hội Bia – Rượu –
Nước giải khát Việt Nam từng công bố một thống kê mà theo đó, Tân Hiệp Phát chiếm
22,5% thị phần nước giải khát (xếp thứ ba), sau Pepsi (22,7% thị phần – đứng thứ
hai) và CocaCola (41,3% thị phần – đứng thứ nhất). Vào lúc này, Tân Hiệp Phát
có bốn nhà máy rải đều từ Bắc vào Nam (Hà Nam, Quảng Nam, Bình Dương, Hậu
Giang), giá trị tài sản được ước đoán có thể đến hàng tỉ Mỹ kim (1).
Vì sao gần như toàn bộ thành viên trong gia
đình của chủ một doanh nghiệp như thế lại dính vào “lạm dụng tín nhiệm chiếm
đoạt tài sản”? Câu trả lời là vì lợi nhuận từ sản xuất – kinh doanh thuần
túy không những không bằng mà còn thua xa lợi nhuận từ đầu tư vào bất động sản.
Công an Việt Nam khởi tố ba cha con ông Trần Quý Thanh vì họ cho một số cá
nhân, doanh nghiệp vay tiền. Những cá nhân, doanh nghiệp này vay tiền của cha
con ông Thanh để có thể tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Tài sản mà
phía hỏi vay thế chấp cho cha con ông Thanh cũng là bất động sản. Do giá bất động
sản tăng không ngừng - giá trị tài sản thế chấp tăng thêm cả ngàn tỉ, phía vay
tự nguyện trả cả vốn lẫn lãi để được nhận lại tài sản thế chấp nhưng phía cho
vay không đồng ý. Tranh chấp phát sinh vì cha con ông Thanh cho rằng phía hỏi
vay đã chuyển nhượng dự án, còn một số cá nhân, doanh nghiệp từng hỏi vay tiền
từ cha con ông Thanh thì tố cáo họ đã bị ép buộc lập hợp đồng chuyển nhượng giả (2)...
Khoan bàn đến chuyện cha con ông Trần Quý
Thanh bị khởi tố vì “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là đúng hay
sai. Các tình tiết do Công an Việt Nam cung cấp và hệ thống truyền thông chính
thức tại Việt Nam đang thi nhau khai thác cho thấy một điểm rất đáng chú ý, đó
là ngay cả những doanh nhân được xem là thành đạt như cha con ông Trần Quý
Thanh cũng không thể chuyên chú, tập trung vào sản xuất – kinh doanh trong lĩnh
vực vốn vẫn được xem như sở trường của họ.
Cung cách quản trị - điều hành tại Việt Nam đã
biến bất động sản thành lĩnh vực tạo ra siêu lợi nhuận khiến những doanh nghiệp
như Tân Hiệp Phát cũng không đành lòng đứng ngoài và hậu quả giống như đang thấy
không chỉ có Tân Hiệp Phát là nạn nhân...
***
Tháng 2 năm ngoái, ông Mai Quốc Bình – một
doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy (Thế giới Giấy – Sachifarm)
viết những dòng bên dưới và đưa lên trang facebook của ông với tựa là “Trò
mèo diễn hoài”...
Hay ho gì với mấy cái trò này? Hôm nay thì ca sĩ
khoe bán đất, ngày mai diễn viên khoe kiếm tỷ đồng nhờ đất, ngày mốt lại có ông
doanh nhân khoe mua đất ngàn tỷ... Đất thành phố hóa kim cương, đất ruộng lên
giá, đất đồi nhảy dựng, đất thổ cư nông thôn bỏng tay… Ngồi quán café doanh
nhân nói về đất, dân văn phòng lăn vào đất, ông xe ôm ra rả đất, bà trà đá cũng
râm ran đất… Họ nói về cách làm giàu nhanh từ đất, các chiêu trò đất, người này
kiếm được mấy trăm mấy tỷ từ đất. Sự phi lý của thị trường bất động sản (BĐS)
làm cho cộng đồng doanh nhân nản chí, muốn bỏ hết công việc để đâm đầu vào đất.
Ngày xưa ông bà ta nói “Cạp đất mà ăn” là để chửi những người lười học, nhác
làm, siêng ăn. Thiên hạ chửi “Đồ đầu đất” là để nói những người chậm chạp, ngớ
ngẩn, ngu ngơ. Thế nhưng, thời nay “Cạp đất mà ăn”, “Đồ đầu đất” lại là mốt, là
trào lưu thời thượng mà ai cũng muốn “đu trend”.
Bản thân tôi cũng được hưởng lợi phần nào từ sự phi
lý nói trên của thị trường BĐS. Kiếm được tiền đương nhiên là vui, nhưng xung
quanh đó lại thấy buồn, thấy lo. Buồn vì đất nước chúng ta đang có một nền kinh
tế vận hành bằng hoạt động đầu cơ què quặt, người trước ăn của người sau; Lo vì
người người, nhà nhà đổ tiền vào đầu cơ thay vì đổ tiền vào đầu tư, sản xuất
kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Biết
làm sao được, bản thân tôi và rất nhiều doanh nhân bên cạnh mấy năm nay kinh
doanh thông thường đa số lỗ, cuối năm toàn phải bán đất để lo tết cho đội ngũ.
Ai cũng muốn có miếng đất dự phòng để lỡ có chuyện gì...
Bạn tôi kinh doanh lĩnh vực nhà hàng hơn mười năm, từng
nổi đình nổi đám một thời khi nằm trong Forbes30 VN. Mấy năm nay trên facebook
của hắn chỉ thấy đất Saigon rồi Phú Quốc, hết Phú Quốc lại Bình Thuận, xong đất
rồi lại tiền kỹ thuật số.
Thằng bạn cùng quê, anh em thân tình chơi với nhau từ
thời sinh viên. Nó kinh doanh dịch vụ du lịch và vé máy bay doanh thu hàng trăm
tỷ mỗi năm nhưng gần mười năm ở Saigon chỉ có căn chung cư nho nhỏ để chui ra
chui vào. Về quê mua đất bán cát, môi giới, dắt khách gần một năm nay có được cả
chục tỷ.
Anh bạn chuyên về truyền thông, agency, xuất bản
sách gần chục năm có được ít của để dành, trong một lần đi chơi cùng với tôi và
vài người bạn. Hứng thú quá về vác tiền đi mua đất bán cát. Sau vài lần bị bẻ cọc
đâm ra nghiền. Tuần trước anh nói với tôi “Qua tháng anh mở cty môi giới BĐS.
Làm đất sáu tháng gấp mười lần làm truyền thông, marketing sáu năm”.
Một anh bạn nữa là chuyên gia đào tạo có tiếng,
tháng nào cũng có vài ba khóa học kiếm được kha khá. Khoảng nửa năm nay anh
hoàn toàn không dạy nữa mà chuyển qua luyện bài “Tình cây và đất” suốt ngày. Cuối
tuần rồi anh nói qua tháng anh dạy một khóa cuối cùng thay cho lời cảm ơn gần
mười năm gắn bó rồi bỏ nghề. Giờ anh là “thằng đầu đất” nên anh sắp “mất dạy” rồi.
Một năm làm đất bằng ba năm đi dạy.
Anh trai tôi dạy trường chuyên của tỉnh, một cái trường
mà bất kỳ bạn học sinh nào cũng muốn bước vào, năm nào cũng có học sinh đạt giải
quốc tế nhưng vẫn phải “ăn cá gỗ”. Bĩ cực quá, hai năm nay nửa ngày đi dạy, nửa
ngày đi cò đất. Nhờ vậy mà giờ cơm có thịt; Đứa em họ của tôi cũng ở tỉnh đó và
làm trong quân ngũ, cũng có vài cái gạch, cái sao. Thế nhưng cuộc sống của nó lại
là “đất ngày ba bữa”.
Các mối quan hệ quen biết xung quanh tôi những người
có xuất thân từ BĐS nhiều vô kể nhưng những người tay ngang vào BĐS cũng đếm
không xuể. Kể ra chắc được cuốn sách dày 200 trang. Nếu những người đó họ
chuyên tâm vào công việc của mình thì sẽ tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm, mỗi
năm đào tạo ra được hàng chục ngàn con người chất lượng, giàu trí tuệ cho đất
nước. Rất tiếc khi đứng trước áp lực của cuộc sống với câu hỏi “THAY ĐỔI HAY LÀ
CHẾT?” thì họ phải lựa chọn thứ KIẾM ĐƯỢC TIỀN chứ không phải chọn cái hào hoa
bóng bẩy. Dù bất kỳ ai, ở bất kỳ hoàn cảnh nào muốn người khác giúp mình thì
mình phải tự cứu lấy mình trước, muốn giúp thiên hạ thì phải giúp mình trước
nên khó trách họ được.
Làm môi giới BĐS hay làm giàu từ BĐS không xấu.
Nhưng mọi nguồn lực tốt nhất lại mang đổ vào BĐS thì rất đáng lo. Nếu chúng ta
dùng một phần tiền nhàn rỗi đầu tư/ đầu cơ vào đó thì không quá nghiêm trọng. Nếu
không có biện pháp hợp lý cho BĐS thì có lẽ tương lai con em chúng ta phần lớn
sẽ sống bằng nghề đầu cơ. Lúc đó chắc là một cuộn giấy vệ sinh sản xuất ra
trong giá thành sẽ 70% phí thuê đất và 30% là nguyên phụ liệu và nhân công. Một
quả sầu riêng xuất vườn sẽ là 60% tiền thuê đất và 40% tiền phân bón, thuốc
thang và nhân công. Nếu siết, có lẽ bản thân tôi cũng sẽ bị ho sặc sụa nhưng đổi
lại nếu VN chúng ta có những doanh nghiệp vươn mình khắp nơi như Samsung, LG,
Huyndai… của Hàn Quốc; CP, Saim Cement, Thai Corp, BJC… của Thái Lan thì cũng cảm
thấy sung sướng và có thêm động lực mà chiến đấu vươn mình thành công ty tỉ
đô. Thấy cộng đồng doanh nhân xung quanh mình bỏ bê đi buôn đất hết mà nản
thật sự. Không biết có ai như tui không nữa (3)?
***
Ông Bình không phải là người đầu tiên cũng chẳng
phải là người cuối cùng đưa ra cảnh báo về tình trạng đất không chỉ được xem
như “phao cứu sinh” mà còn là mục tiêu tối thượng của nhiều người, nhiều
giới, kể cả chính quyền. Đất đã trở thành một trong những nguồn thu quan trọng
nhất của quốc gia – năm 2022, tuy chính quyền Việt Nam đã miễn giảm, giãn hoãn
thu tiền thuê đất nhưng nguồn thu từ đất vẫn lên tối 270,13 ngàn tỉ, xấp xỉ 21%
tổng thu nội địa (4).
Khi nguồn thu chính của một chính quyền vẫn chỉ
khoanh lại trong phạm vi khai thác – bán tài nguyên (bao gồm cả đất đai, dầu
thô), tiếp nhận đầu tư ngoại quốc – gia công cho ngoại quốc rồi xuất cảng để
thu các loại thuế, sản xuất nếu không phụ thuộc vào ngoại quốc thì èo uột, teo
tóp, tăng trưởng chỉ là nỗ lực nâng các con số bất chấp nội lực, dân sinh thế
nào, thực trang kinh tế - xã hội ra sao thì chính quyền đó có giỏi, có đáng được
khen không và tương lai của xứ sở đó sẽ là gì?
(Còn tiếp)
------------
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/vi-sao-cha-con-ong-chu-tan-hiep-phat-bi-bat-20230411154447385.htm
(4) https://vneconomy.vn/nguon-thu-tu-dat-dat-hon-270-nghin-ty-dong.htm
***
Tân
Hiệp Phát – một ví dụ về ‘phát’ (kỳ 2)
13/04/2023
https://www.voatiengviet.com/a/tan-hiep-phat-mot-vi-du-ve-phat-(ky-2)/7047016.html
Không chỉ có nhiều cá nhân mơ sẽ nhờ... may mắn
mà... “phát”. Nhiều doanh nhân cũng mơ như vậy. Đâu phải tự nhiên mà tên của
nhiều doanh nghiệp có chữ “phát”.
https://gdb.voanews.com/013b0000-0aff-0242-ec82-08daaad7552a_w1023_r1_s.png
Tuy thường
nhắc nhau “thoát Trung” nhưng không hiểu tại sao rất nhiều người Việt lại tin
“8” là con số may mắn chỉ vì phát âm số tám bằng... Hoa ngữ giống như...
“phát”.
Ở kỳ trước, kẻ viết bài này đã đề cập đến nhận
thức, cung cách cách quản trị - điều hành quốc gia khiến tiến trình phát triển
trở thành lệch lạc, tài nguyên cạn kiệt, kinh tế - xã hội lụn bại, nội lực thất
tán và Tân Hiệp Phát – một doanh nghiệp sừng sỏ trong lĩnh vực sản xuất nước giải
khát cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản - là ví dụ mới nhất, rõ nhất.
Trong kỳ này xin đề cập đến một khía cạnh khác cũng liên quan đến nhận thức,
cung cách quản trị - điều hành quốc gia và xin tiếp tục dùng Tân Hiệp Phát làm
ví dụ...
***
Hồi đầu tháng này, hệ thống truyền thông chính
thức tại Việt Nam đồng loạt loan báo, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai đã quyết định
tạm đình chỉ công tác của ông Phạm Thanh Xuân, Trung tá, Phó Công an xã Sông Nhạn,
huyện Cẩm Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều tra về sai phạm của ông
Xuân (1). Thiên hạ hẳn sẽ ngơ ngác không hiểu tại sao lực lượng bảo
vệ - thực thi pháp luật lại phải mở hẳn một cuộc điều tra để làm rõ thực – hư về...
sai phạm liên quan đến... “số” loại... “siêu đẹp”?!
Theo báo giới Việt Nam, Trung tá Xuân là người
phụ trách thủ tục đăng ký, bấm chọn số cho biển kiểm soát xe hai bánh gắn máy tại
xã Sông Nhạn và viên trung tá này có dấu hiện cố tình làm sai... “quy trình”.
Sáng 29/3/2023, có một cặp vợ chống đã nhận được bốn biển kiểm soát xe hai bánh
gắn máy với các con số được cho là... “siêu đẹp” (60B6-888.89,
60B6-888.86, 60B6-888.88, 60B6-888.68) từ hoạt động “bấm số” tại Công an
xã Xuân Nhạn.
Bởi bốn biển đăng ký xe hai bánh gắn máy
quá... “đẹp” nên công chúng thắc mắc,... Công an tỉnh Đồng Nai phải cấp
tốc niêm phong hồ sơ, máy móc ở trụ sở Công an xã Sông Nhạn rồi thông báo cho
hai cục thuộc Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh mạng và phòng chống
tội phạm công nghệ cao) cử nhân sự... phối hợp điều tra. Bước đầu, cặp vợ chồng
“may mắn” đến đáng ngờ cho biết họ không trực tiếp “bấm số” mà nhờ
một cửa hàng chuyên kinh doanh xe hai bánh gắn máy bấm giùm.
Có một điểm đáng lưu ý, tổng số tiền cặp vợ chồng
vừa đề cập bỏ ra mua cả bốn chiếc xe hai bánh gắn máy cả mới lẫn đã sử dụng để
tham gia “bấm số” chỉ có 1,2 tỉ đồng nhưng sau khi trúng được số... “siêu
đẹp”, họ chỉ mới bán chiếc có biển kiểm soát là 60B6-888.88 đã thu về số tiền
là... 1,5 tỉ đồng (gấp bốn đến năm lần giá trị thật của xe trên thị trường –
giá thị trường chỉ dao động trong khoảng từ 300 triệu đến 400 triệu/chiếc tùy
loại và đã sử dụng hay chưa)...
***
Vì nhiều lý do, càng ngày càng nhiều người Việt
mơ sẽ nhờ... may mắn mà... “phát” đủ thứ: Phát tài, phát lộc, thăng quan
– tiến chức... Tuy thường nhắc nhau “thoát Trung” nhưng không hiểu tại
sao rất nhiều người Việt lại tin “8” là con số may mắn chỉ vì phát âm số
tám bằng... Hoa ngữ giống như... “phát”. Tám trở thành... số đẹp và nếu
đó là một dãy số thì càng nhiều số “8” dãy số ấy càng đẹp, thậm chí... “siêu
đẹp”. Ngược với số “8” là một số con số mà nếu phát âm bằng...
Hoa ngữ thì đồng nghĩa với chết chóc, rủi ro.
Đáng ngạc nhiên là niềm tin có tính chất...
dân gian, vốn thiếu cơ sở khoa học và rất khác với phần lớn nhân loại ấy lại được
hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nâng lên thành một thứ... “tiêu chuẩn”
không chỉ xác định... “đẳng cấp công dân” mà còn giống như chính thừa thừa
nhận sẽ được các thế lực siêu hình... phò trợ. Cách nay hai năm, Thủ tướng ban
hành một văn bản lập quy xác định phải tổ chức đấu giá các số điện thoại đẹp
theo quan niệm... dân gian (2).
Đến cuối năm vừa rồi, tại kỳ họp thứ tư, các đại
biểu của Quốc hội khóa 15 đã dành ra vài ngày chỉ để thảo luận về “Nghị quyết
Thí điểm đấu giá biển số ô tô” nhằm “bảo đảm thuận lợi, minh bạch, tăng
nguồn thu cho ngân sách nhà nước” (3)! Chẳng lẽ về nội trị và
ngoại giao Việt Nam đã đạt đến mức các đại biểu Quốc hội không còn cần phải bận
tâm tới “quốc thái, dân an”, thành ra có thể dồn tâm lực, trí lực vào việc
tranh luận nhằm xác định thế nào là... “số đẹp” và tổ chức bán ra
sao (3)?
***
Không chỉ có nhiều cá nhân mơ sẽ nhờ... may mắn
mà... “phát”. Nhiều doanh nhân cũng mơ như vậy. Đâu phải tự nhiên mà tên
của nhiều doanh nghiệp có chữ “phát”. Chỉ mơ “phát” hoặc thủ đắc
những con số mà khi phát âm theo... Hoa ngữ sẽ gần giống như... “phát”
liệu có đủ để... “phát”? Sau Vạn Thịnh Phát giờ là Tân
Hiệp Phát (hậu thân của Nhà máy nước giải khát Bến Thành). Cứ
ngẫm ắt sẽ thấy làm sao có thể “phát” kể cả khi được hỗ trợ bằng Quyết định
của Thủ tướng hay Nghị quyết của Quốc hội!
---------------
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/trung-ta-lien-quan-vu-bien-so-sieu-dep-bi-dinh-chi-cong-tac-4588307.html
(2) https://tuoitre.vn/con-lo-la-dau-gia-sim-so-dep-20211219085342474.htm
No comments:
Post a Comment