Friday, April 21, 2023

TẠI ĐÂY “VÀO ĐỜI” ĐÃ RA ĐỜI (Lưu Trọng Văn)

 



TẠI ĐÂY “VÀO ĐỜI” ĐÃ RA ĐỜI  

Lưu Trọng Văn

19-4-2023  20:41     

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0u9bucgqLyjmFmJGwXfCaZedVR2F43zfzyQZ9FwfMHVWqJ7CDYzEGsSn5xBPqscAVl&id=100009457401127

 

Hồi nhỏ cha gã vài lần sai gã đến toà nhà 49 Trần Hưng Đạo này để đưa bản thảo cha gã viết gửi cho Nhà XB Văn học. Gã nhớ khi ấy toà nhà xuống cấp lắm, rêu khắp nơi và ẩm ướt. Sau này ai đó có mở quán bia ở khuôn viên, người vào ra nhộn nhạo. Bên cạnh toà nhà là ngôi biệt thự 51 sang, bề thế, đẹp nhất phố Tây nơi vua Bảo Đại ở năm 1945-1946 và các thị trưởng Hà Nội ở trước 1954. Còn đối diện với toà nhà là chỗ đi đái công cộng không cửa, mùi khai luôn nồng nặc.

 

Ít ai biết toà nhà này gắn với một sự kiện văn học một thời cùng một con người mà số phận đầy bi kịch.

 

Sự kiện ấy là cuốn tiểu thuyết Vào đời.

 

Con người ấy là nhà văn Hà Minh Tuân.

 

Nhà văn Hà Minh Tuân có một cuộc đời binh nghiệp rất hào hùng:

 

Ông sinh năm 1929. Quê Hưng Yên.

 

Năm 1943, 14 tuổi ông tham gia hoạt động bí mật trong phong trào Thanh niên Cứu quốc ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, 16 tuổi là đại đội trưởng vệ quốc quân, 18 tuổi là tiểu đoàn trưởng. Năm 1950, 21 tuổi ông là chính ủy Trung đoàn 209 anh hùng thuộc Sư đoàn 312, tham gia các chiến dịch ở trung du, Việt Bắc, Điện Biên Phủ. Năm 1954, 25 tuổi ông là Trưởng phòng cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Từ 1958 ông được điều về làm Giám đốc nhà xuất bản Văn học có trụ sở tại toà nhà 49 Trần Hưng Đạo này.

 

Tại toà nhà này ông đã viết cuốn tiểu thuyết “Vào đời” nói về sự thật của xã hội miền Bắc lúc đó. Ông phê phán sự tha hoá của những kẻ mạo danh cách mạng, ông bênh vực thân phận những người lao động nghèo bị ruồng bỏ bởi định kiến đạo đức giả.

 

Cuốn sách ông biết sẽ không thể được in ra nên ông đã làm cái việc liều lĩnh tự mình với tư cách giám đốc nhà xuất bản ký duyệt cho xuất bản cuốn sách.

 

Và “Vào đời” vừa chào đời từ toà nhà 49 Trần Hưng Đạo lập tức đã bị làn sóng đấu tố kịch liệt chưa từng có với một cuốn sách văn học.

 

Nhà văn Lại Nguyên Ân đã thống kê như sau.

 

- 23.6.1963, Cứu quốc, Nguyễn Xuân Bình : Chúng tôi không tán thành “cặp mắt” của ông Hà Minh Tuân trong cuốn “Vào đời”.

 

- 26.6.1963, Tiền phong, Thanh Bình: “Vào đời” một tác phẩm rất xấu.

 

- 28.6.1963, Tiền phong: “Vào đời” đã miêu tả lao động của thanh niên một cách tiêu cực và phiến diện.

 

- 28.6.1963, Văn nghệ, Trần Hữu Thung: Cách nhìn và thái độ đối với cuộc sống qua cuốn “Vào đời”.

 

- 29.6.1963, Nhân dân, Minh Tâm: “Vào đời” một cuốn tiểu thuyết có hại.

 

- 29.6.1963, Thủ đô Hà Nội, Lê Hồng Mai: Một cuốn sách lạc hậu và nhiễm độc.

 

- 30.6.1963, Tiền phong: Tuổi vào đời đọc cuốn “Vào đời”: Đặng Minh Hân, Nghĩa Đàn, Nghệ An (Cái xấu choán cái tốt, bóng đen trùm lên ánh sáng trong tác phẩm “Vào đời”); Nguyễn Việt Hùng, hòm thư 5856, Hà nội (Tác phẩm “Vào đời” trái ngược hẳn với cuộc sống lành mạnh, tươi vui của chúng tôi);

 

- 30.6.1963, Cứu quốc, Nguyễn Bắc: Nhân đọc “Vào đời” của Hà Minh Tuân: Một bức tranh về Hà Nội và cách nhìn của chúng ta.

 

- 03.7.1963, Tiền phong, Nguyễn Bình, nhà máy cơ khí Hà nội - Ý kiến của thanh niên công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội: Hà Minh Tuân đã mô tả lệch lạc bước vào đời của chúng tôi.

 

- 03.7.1963: buổi tối, tại trụ sở Hội nhà văn VN, 65 Nguyễn Du, Hanoi, một số nhà văn, trong đó có Nguyễn Tuân, Kim Lân, Huyền Kiêu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Vũ Tú Nam, Bùi Hiển, Thành Thế Vỹ, v.v… đã họp để góp ý phê phán cuốn ‘Vào đời’. Sau khi nghe tác giả Hà Minh Tuân trình bày, các nhà văn nói trên đã phê phán những tư tưởng sai lầm nghiêm trọng của cuốn truyện.

 

- 05.7.1963, Văn nghệ, Nguyễn Đình Thi: Cần phê bình rất nghiêm khắc quyển truyện ‘Vào đời’.

 

- 06.7.1963, Tiềnphong, Thanh Bình: Qua cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân: Nói về những “nhếch nhác, lệch lạc” của thế giới quan tiểu tư sản.

 

- 7.7.1963, Cứu quốc Phùng Bảo Kim : Không! Chúng ta không vào đời như vậy!

 

- 9.7.1963, Quân đội nhân dân, Nguyễn Thiều & Võ Xuân Viên: Vào đời của Hà Minh Tuân đã xuyên tạc bản chất truyền thống của quân đội.

 

- 9.7.1963, Lao động, Đặng Chính, công đoàn nhà máy tơ Nam Định: Bàn thêm với Hà Minh Tuân, tác giả “Vào đời”: Cần phải đánh bại những loại tư tưởng ngược dòng ấy!

 

- 12.7.1963, Văn nghệ, xã luận: Nâng cao hơn nữa tính đảng trong văn nghệ. Hoàng Trung Thông: Tư tưởng sai lầm nguy hại của cuốn truyện ‘Vào đời’.

 

- 13.7.1963, Nhân dân, Trần Hạnh, bộ đội, hòm thư 1230, Hà Nội (Ý kiến bạn đọc: “Vào đời” xuyên tạc sự thật của chế độ ta.

 

- 14.7.1963, Tiền phong, Nguyễn Thị Hồng Tuyến, nữ công nhân xưởng cơ khí, nhà máy cơ khí Hà Nội (Ý kiến một nữ thanh niên công nhân về cuốn “Vào đời”: Ông Hà Minh Tuân đã làm tổn thương đến danh dự chúng tôi.

 

- 14.7.1963, Cứu quốc Dân Hồng: Trong “Vào đời” hình ảnh anh bộ đội đã bị bôi một vết nhơ.

 

- 17.7.1963, Tiền phong, Nguyễn Thị Phương Hoa, phòng Kế hoạch, xưởng đóng tàu 3, Hải Phòng : Vào đời của ông Hà Minh Tuân chỉ là câu chuyện bịa đặt, xuyên tạc sự thật mà thôi.

Kim Thoa, 10 Hàng Bông, Hanoi: Những bài báo phê bình cuốn “Vào đời” đã giúp tôi lấy lại lòng tin và hiểu rõ cuốn sách đó hoàn toàn xuyên tạc sự thật.

 

- 18.7.1963, Quân đội nhân dân, Phương Tống, nông trường Mộc Châu: Lập trường tư tưởng tư sản phản động trong cuốn “Vào đời”.

 

- 19.7.1963, Tiền phong: Cần vạch trần hệ tư tưởng tư sản phản động trong cuốn tiểu thuyết ‘’Vào đời’.

 

Nguyễn Lương, cục vật liệu kiến thiết, Bộ Nội thương: Vào đời đã xuyên tạc hết sức bỉ ổi bản chất tốt đẹp của các quân nhân phục viên, chuyển ngành.

 

- 25.7.1963, Lao động, Nguyễn Anh Tài: Cần vạch ra thêm các loại tư tưởng xấu trắng trợn và cài ngầm trong cuốn “Vào đời”.

 

- 26.7.1963, Văn nghệ, Đông Hoài: Cuốn truyện ‘Vào đời’ đã chống chọi lại nhiều chủ trương chính sách hiện nay của Đảng. Dương Văn Hùng, Tô Minh Trung, Đào Phương, Nguyễn Thanh Dân, Lương Sĩ Cầm (Bạn đọc phê phán nghiêm khắc cuốn “Vào đời”);

 

- 27.7.1963, Lao động, Trần Dũng Tiến: Bàn thêm với tác giả cuốn “Vào đời”: Sai lầm của Hà Minh Tuân chủ yếu là sai lầm về quan điểm.

 

- Tháng 8.1963, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hồ Phương: Phải đấu tranh không khoan nhượng chống nội dung tư tưởng nguy hại của quyển truyện “Vào đời”.

 

- Tháng 8.1963, Tạp chí Văn học, Nguyễn Phan Ngọc: “Vào đời” một quyển truyện đầy rẫy tư tưởng tư sản phản động, một khuynh hướng nghệ thuật suy đồi.

 

Trung Ngôn: Sai lầm của Hà Minh Tuân trong quyển “Vào đời” là sai lầm về lập trường tư tưởng.

 

                                                          ***

 

Kết cục cuộc đời của người anh hùng chiến trận Hà Minh Tuân ra sao sau các cuộc đấu tố bề hội đồng này?

 

Hà minh Tuân phải viết kiểm điểm, sau đó bị cách chức Giám đốc nhà xuất bản Văn học, đi lao động cải tạo tại Nhà máy gỗ Hà Nội ở Bến Chương Dương, gần bãi sông Hồng. Công việc của ông là khuân gỗ dưới bến sông Hồng xếp lên xe hai bánh, kéo xe về, xếp gỗ vào kho nhà máy.

 

Nhưng sau Đổi mới, năm 1991, Vào đời được xoá án, in lại. Hà Minh Tuân được đọc lại những trang viết của mình mà không khỏi ngơ ngác buồn cười vì vẫn không hiểu nổi mình chỉ đụng chạm có tẹo thôi về cái xấu mà bị đánh tan nát, tơi bời:

 

“Bán thịt theo phiếu mà ưu tiên những món ngon cho người quen. Bán nước mắm thì pha nhiều nước muối và nước lá chuối. Nhiều hiệu ăn tiến bộ giật lùi, Phở vừa đắt lại vừa nhạt nhẽo”; (tr.126)

 

hoặc nhận xét về cái "trật tự mới» của thành phố Hà nội ngày nay:"Trong chợ, ngoài đường, loa phóng thanh nhức óc mà mấy ai nghe ? Có những chiều thứ bẩy, công an đứng hàng loạt ở đường phố Tràng tiền, cứ một chút, một chút lại huýt còi rinh lên khiến mọi người trên đường phố cảm thấy kém vui" (tr.327).

 

Một năm sau khi Vào đời được xoá án, in lại, Hà Minh Tuân qua đời cùng nụ cười mỉm: chỉ thế thôi mà cũng ầm ĩ, vui thật.

 

Không biết khi phục chế lại toà nhà 49 Trần Hưng Đạo thành một điểm Giao lưu Văn hoá, người ta có gắn một biển đồng nho nhỏ: Tại đây tiểu thuyết Vào đời đã ra đời.

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3507943009530911&set=pcb.3507941719531040

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3507943002864245&set=pcb.3507941719531040

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3507943046197574&set=pcb.3507941719531040

 

.

61 BÌNH LUẬN  





No comments: