Saturday, April 22, 2023

SÚNG - VÒNG LẨN QUẨN CỦA NƯỚC MỸ (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Súng – vòng lẩn quẩn của nước Mỹ

Hiếu Chân/Người Việt

April 21, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/sung-vong-lan-quan-cua-nuoc-my/

 

Chết vì súng đạn đã thành chuyện thường ngày ở Mỹ. Nhưng tuần qua, những vụ bắn giết hết sức vô nghĩa chỉ vì nạn nhân vào nhầm nhà, mở nhầm cửa, gây chấn động cả nước, khiến ai cũng phải tự đặt câu hỏi: Tại sao như vậy và làm thế nào để chấm dứt sự phi lý đó?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/BL-Sung-Vong-Lan-Quan-1536x1024.jpg

Trẻ em tham dự một cuộc vận động chống súng, được tổ chức gần đại học Vanderbilt University, Nashville, Tennessee, hôm 18 Tháng Tư. Hôm 27 Tháng Ba, một tay súng 28 tuổi bắn chết ba người lớn và ba trẻ em trong trường tiểu học The Covenant School trong thành phố này để chứng minh “người tâm thần vẫn mua được súng.” (Hình minh họa: Jason Kempin/Getty Images)

 

Tối Thứ Năm, 13 Tháng Tư, tại Kansas City, Missouri, em Ralph Yarl, một học sinh 16 tuổi, bị bắn khi đi nhầm địa chỉ, thay vì đến ngôi nhà đường 115th Northeast Terrace để đón hai đứa em sinh đôi, em bấm chuông cửa ngôi nhà đường 115th Northeast Street. Chủ nhà, ông Andrew D. Lester, 84 tuổi, bắn xuyên qua cửa kính, vào đầu và vào tay em vì tưởng em muốn đột nhập vào nhà. Ông Lester bị cáo buộc tội tấn công cấp độ một, trọng tội cấp độ A, và có thể bị chung thân nếu bị kết tội. Ông Lester cũng bị buộc tội hành động tội phạm có vũ trang với hình phạt tối đa là 15 năm tù.

 

Hai ngày sau, tại một vùng quê tiểu bang New York gần giáp tiểu bang Vermont, cô Kaylin Gillis bị bắn chết vì rẽ nhầm vào ngõ (driveway) nhà ông Kevin Monahan. Đoàn xe của cô đang đến nhà một người bạn để dự tiệc nhưng đêm tối, lạ đường, rẽ nhầm ngõ, sau đó quay xe trở ra. Chủ nhà Monahan, 65 tuổi, xuất hiện trên hiên nhà, bắn hai phát súng, giết chết cô Gillis. Ông Monahan bị truy tố tội sát nhân cấp độ hai.

 

Sáng sớm Thứ Ba, 18 Tháng Tư, trong một bãi đậu xe siêu thị gần thủ phủ Austin, Texas, hai thiếu nữ là hoạt náo viên (cheerleader) bị bắn trọng thương khi một trong hai cô – tên là Heather Roth – mở nhầm cửa xe của người khác mà cô tưởng là xe của mình. Cô Roth đã xin lỗi người thanh niên đang ngồi trong xe nhưng anh này – Pedro Tello Rodriguez Jr., 25 tuổi – bước ra và nổ súng bắn vào hai cô gái, một cô bị trọng thương – cô Payton Washington – được trực thăng đưa tới bệnh viện. Hung thủ Rodriguez bị bắt.

 

Sang Thứ Tư, 19 Tháng Tư, tại tiểu bang North Carolina, một bé gái 6 tuổi, cha mẹ bé, và một người hàng xóm bị bắn do trong khi chơi đùa, quả bóng rổ của bé lăn vào sân nhà hàng xóm và cô bé chạy sang nhặt. Người hàng xóm xấu tính Robert Louis Singletary, 24 tuổi, đã xả một băng đạn, làm trọng thương cô bé và cha em cùng một ông hàng xóm. Hung thủ Singletary ra đầu thú và bị truy tố bốn tội âm mưu giết người, hai tội tấn công bằng vũ khí sát thương, và một tội tàng trữ vũ khí dù từng bị kết tội đại hình.

 

Và mới Thứ Năm, 20 Tháng Tư, ở Hartford, thủ phủ Connecticut, sát thủ ngồi trên xe vừa phóng nhanh qua phố vừa xả đạn vào người đi đường làm bị thương ba thanh thiếu niên đồng thời giết chết cô bé Secret Pierce, 12 tuổi, học sinh lớp bảy. Cô bé ngồi trong chiếc xe đang đậu bỗng chốc trở thành nạn nhân thứ bảy bị giết bằng súng trong năm nay ở thành phố nhỏ này.

 

Những vụ bạo lực súng đạn kể trên được chú ý vì xảy ra nối tiếp nhau và gây phẫn nộ nhiều nơi, nhưng còn vô số những vụ khác không được truyền thông tường thuật. Hồi Tháng Bảy, 2021, một người đàn ông ở Tennessee bắn hai nhân viên kéo dây cáp của một hãng viễn thông đi lạc vào đất của ông. Hồi Tháng Sáu năm ngoái, một người đàn ông ở Virginia bị bắt sau khi nổ súng vào ba thiếu niên đi lạc đường, chạy xe vào ngõ nhà…

 

Lỗi lầm của các nạn nhân trong các trường hợp kể trên ai cũng có thể gặp phải. Và không lỗi nào trầm trọng đến mức phải giải quyết bằng súng đạn. Nhưng ở một đất nước được trang bị vũ khí tận răng, một lỗi lầm nhỏ cũng có thể phải trả bằng mạng sống.

 

Không có con số thống kê chính xác về số người bị thương, bị giết do những lầm lỗi nhỏ nhặt như vậy, nhưng những cái chết vô nghĩa vì súng đạn đã trở thành chuyện bình thường ở một đất nước có gần 49,000 người chết vì súng đạn mỗi năm, theo số liệu của CDC. Còn theo dự án nghiên cứu độc lập Small Arms Survey ở Thụy Sĩ, được nhật báo Người Việt dẫn lại, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có số lượng súng dân sự nhiều hơn dân số: Cứ 100 người Mỹ thì có khoảng 120 khẩu súng.

 

Có lẽ Mỹ cũng là quốc gia duy nhất cho phép mọi người dân được trang bị vũ khí một cách dễ dàng nên đã tạo ra một tình huống trong đó những công dân bình thường, không được đào tạo hay huấn luyện về súng đạn, lại được trao phương tiện kết thúc mạng sống của người khác một cách nhanh chóng.

 

Cái vòng luẩn quẩn là ở chỗ có quá nhiều súng và sở hữu súng dễ dàng đã vẽ nên bức tranh về một xã hội đầy bạo lực rồi để tồn tại trong xã hội bạo lực đó người ta cần phải có súng! Chính bạo lực súng đạn do luật súng lỏng lẻo thúc đẩy nỗi sợ hãi dẫn tới gia tăng mua súng, rồi nhiều súng lại sinh ra bạo lực súng đạn.

 

Nhiều người Mỹ, nhất là những người Cộng Hòa, quan niệm rằng người giết người chứ không phải súng giết người nên súng không phải là thủ phạm. Họ chỉ ra rằng hầu hết những người sở hữu súng là công dân tuân thủ luật pháp, cần có súng để tự vệ, người mua súng với ý định gây tội ác chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Nhưng thực tế khi xã hội có quá nhiều súng thì bạo lực súng đạn cũng tràn lan tương ứng. Một cơn nóng giận vô cớ, một vụ cãi vã trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp có thể sẽ gây xô xát sứt đầu mẻ trán, nhưng nếu có khẩu súng trong tay thì dễ có án mạng.

 

Súng cũng giúp người ta dễ dàng tìm tới cái chết. Số liệu của tổ chức Gun Violence Archive cho biết, từ đầu năm nay đến ngày 21 Tháng Tư, cả nước có 12,830 chết vì súng, trong đó 7,326 người tự tử bằng súng, nhiều gấp rưỡi số người bị giết (5,504 người). Cùng thời gian này, có 168 vụ xả súng hàng loạt (mass-shooting) và 16 vụ giết người hàng loạt (mass-murder), tức là những vụ bạo lực súng đạn làm chết từ bốn người trở lên. Có những vụ gây chấn động cả nước như vụ ba học sinh và ba giáo viên trường Covenant ở Nashville, Tennessee, bị bắn chết hôm 27 Tháng Ba. Trẻ em và thiếu niên cũng không tránh được bạo lực súng đạn, với 535 em chết và gần 1,300 em bị thương.

 

Nhưng cho đến nay, những nỗ lực hạn chế tình trạng súng đạn tràn lan hầu như đều bị bế tắc. Nhiều người cho rằng, quyền sở hữu súng của người dân Mỹ đã được “hiến định” trong Tu Chính Án 2 nên không ai có thể thay đổi hoặc hủy bỏ quyền tự do thiêng liêng đó. Khổ nỗi, tu chính án này ra đời cách đây đã 232 năm, vào lúc nước Mỹ còn hoang vu và súng ống hết sức thô sơ, bắn từng phát một, chưa có khả năng giết người nhiều và nhanh như thời đại điện tử hiện nay.

 

Thay vì “tu chính” Tu Chính Án 2 cho phù hợp với một xã hội văn minh, hiện đại, nhiều tiểu bang lại mở rộng quyền “giữ và mang súng” tới mức tối đa. Texas và Florida chẳng hạn, cho phép mang súng công khai hoặc giấu súng trong người mà không cần giấy phép.

 

Một đạo luật khác, được ban hành và thực thi ở hơn 30 tiểu bang, gọi là “Stand Your Ground” cho phép chủ tài sản dùng súng đạn chống lại những kẻ bị coi là xâm nhập trái phép. Theo luật này, bất cứ ai cũng có quyền bắn khi cảm thấy tài sản hoặc tính mạng của mình bị đe dọa. Đạo luật này đang được luật sư của các nghi can trong các vụ nổ súng ở Kansas và New York kể trên viện dẫn để biện hộ cho hành vi bắn người vào nhầm nhà của ông Lester và ông Monahan dù các biện lý nói rằng họ thấy không có lý do gì hai người này phải nổ súng gây ra cái chết của cô Gillis hoặc làm trọng thương em Ralph Yarl, và các nạn nhân này không có hành vi gây nguy hiểm nào! Các nghiên cứu rộng lớn cho thấy đạo luật này chẳng những không có ích lợi gì mà còn làm gia tăng bạo lực súng đạn.

 

Khi một sai sót nhỏ như gõ nhầm cửa, vào nhầm nhà cũng phải trả giá bằng mạng sống thì xã hội quả thật bất an và đáng lo ngại. [đ.d.]





No comments: