Thursday, April 6, 2023

QUY ĐỊNH SẼ THU PHÍ VÀO PHỐ CỔ HỘI AN GÂY "BÃO" TRÊN MẠNG XÃ HỘI! (RFA)

 



Quy định sẽ thu phí vào phố cổ Hội An gây "bão" trên mạng xã hội!

RFA
2023.04.05

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fees-to-enter-hoi-an-ancient-town-should-or-not-04052023123259.html

 

Mọi du khách trong nước và quốc tế đến khu phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào. Giá vé cho khách quốc tế là 120.000 đồng/vé, khách nội địa là 80.000 đồng/vé, bắt đầu từ ngày 15 tháng 5 năm 2023.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fees-to-enter-hoi-an-ancient-town-should-or-not-04052023123259.html/@@images/e485ed47-b14e-4dd2-a7cb-9090f5bd512c.jpeg

Một du khách uống cà phê ở phố cổ Hội An. Ảnh chụp năm 2022.  AFP

 

Tờ VnEconomy hôm 5 tháng 4 dẫn lời ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An rằng: “Theo quyết định công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới thì toàn thể cảnh quan khu phố cổ là di sản chứ không phải chỉ riêng một di tích nào. Hơn nữa, nguồn thu từ việc bán vé tham quan phục vụ cho việc trùng tu di sản, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, phục vụ tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu cải tạo nhà. Do đó, tất cả du khách khi đến tham quan Hội An phải có trách nhiệm mua vé”

 

Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh thì cho rằng, việc thu phí tham quan là thích hợp, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ di sản và được UNESCO ủng hộ.

 

Tuy các lãnh đạo thành phố Hội An đã lên tiếng lý giải, công luận vẫn chưa đồng tình, cho đây là một cách tận thu, tạo hình ảnh xấu cho du lịch Việt Nam, bởi không ai phải trả tiền vé khi vào một thành phố cả, dù đó là phố cổ.

 

Nhà thơ Liêu Thái ở Đà Nẵng nói với RFA quan điểm của ông sáng 5 tháng 4 năm 2023:

 

“Theo tôi thì không nên thu phí cả người nước ngoài và người Việt, cả khách tour lẫn khách lẻ. Khi đi du lịch, du khách có thể bỏ ra cả chục, cả trăm triệu để tiêu xài. Họ đến để tiêu tiền, để xả stress, để tìm một cái không gian văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm. 80 ngàn không phải là số tiền lớn, thậm chí rất nhỏ trong chuyến đi của họ, nhưng khi mình quyết định thu tiền vào cổng nó cho thấy một thói quen, một văn hóa rất tủn mủn.

Ngoài ra, doanh thu của Hội An rất là cao, chưa kể tiền từ UNESCO, từ các quỹ bảo tồn…tích lũy từ mấy chục năm qua. Không đến nỗi thiếu tiền để phải thu như vậy.

Thu như vậy nó tận thu, bởi vì một thành phố du lịch có văn hóa thì người ta luôn luôn mở cửa thu hút khách, hấp dẫn khách bằng nhiều cách để khách tự bỏ tiền ra tiêu xài, chứ không phải chận họ lại thu tiền từ cửa. Điều đó chứng tỏ sự thất bại.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/000_32kc67v.jpg/@@images/db397d6d-d05f-44b4-aead-7dde75e3db44.jpeg

Một tiệm bán áo dài ở phố cổ Hội An. AFP

 

Báo cáo năm 2019 của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, mỗi năm đơn vị đã tiếp nhận, hợp tác với khá nhiều dự án, chương trình từ các chính phủ và tổ chức quốc tế như Quỹ Đại sứ Canada, Quỹ Đại sứ Hoa kỳ, Quỹ Công chúa Hà Lan, Quỹ JICA Nhật Bản, tổ chức DED và GIZ của Đức, Hội châu Á Hoa Kỳ, UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội…

 

Năm 1981, kiến trúc sư người Ba Lan, Kazimierz Kwiatkowski, tức Kazik, đến Hội An. Ông đã nỗ lực vận động chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo tồn, trùng tu đô thị cổ Hội An, đồng thời cố gắng giới thiệu những nét riêng biệt của Hội An ra thế giới. Quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ trình lên UNESCO cho đến khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới kéo dài gần 20 năm. Ông Kazik mất năm 1997. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999.

 

Nhà thơ Liêu Thái nói thêm:

 

“Nói cho cùng, nếu như nhà lãnh đạo, nhà quản lý của thành phố họ có lòng tự trọng thì họ phải suy nghĩ, phải tự hỏi mình đã làm được gì cho thành phố. Bởi vì thực tế, Hội An là một khu đô thị, khu cảng thị của người Bồ Đào Nha, người Trung Hoa và người Nhật Bản, đặc biệt là người Nhật Bản, xây dựng lên ở đời nhà Nguyễn. Và người ta biến một khu đất vắng vẻ thành một thương cảng sầm uất nhất của Việt Nam thời đó.

Đến năm 1975, thị xã Hội An trở thành một nơi hoang vắng. Người dân thì đi buôn ve chai, trồng khoai trồng rau. Không ai làm du lịch cả. Mãi đến những năm 90, kiến trúc sư Kazik đã đến Hội An để tìm hiểu và bỏ thời gian trình hồ sơ lên UNESCO để được công nhận đây là một di sản văn hóa thế giới. Hội An khởi sắc từ đó.

Có nghĩa rằng, xây dựng Hội An là người nước ngoài. Phục chế Hội An, thổi hồn trở lại cho Hội An phục sinh cũng là người nước ngoài. Như vậy thì người trong nước mình làm được gì ngoài cái việc ngồi thu tiền?”

 

Là một người dân Hội An, Nhà báo Minh Hải đồng tình với chuyện bán vé vào cửa, nhưng ông không đồng ý với cách xử lý của chính quyền nơi đây về mặt truyền thông. Ông nói với RFA sáng 5 tháng 4:

 

“Tại vì ở Hội An sau ba năm dịch không có du khách, cho nên khi hoạt động lại họ giảm 50 % giá vé. Bây giờ người ta thu lại là chuyện bình thường. Vấn đề là chính quyền họ yếu về xử lý truyền thông. Mười năm nay họ đã thu phí rồi. Nếu không có tiền đó thì làm sao họ có tiền để bảo tồn di sản cho mọi người tham quan?

Cái sai của chính quyền Hội An là đã không giải thích rõ. Không mời truyền thông cũng như các công ty du lịch, lữ hành đến làm việc để đưa ra một câu chuyện mới sau đại dịch COVID-19. Nếu có báo chí thì sẽ có những câu hỏi thì mọi chuyện sẽ được giải thích cặn kẽ. Chính quyền xử lý quá yếu kém.”

 

Ông Ly, chủ công ty du lịch Hội An Daily Tour cho biết, chuyện du khách phải mua vé vào tham quan khu phố cổ không phải bây giờ mới có, chỉ có điều du khách không biết vì nó nằm trong giá tour. Ông nói với RFA:

 

Từ xưa đến giờ đã thu rồi. Chẳng qua là mọi người không hiểu thôi, chứ vô tham quan phố cổ là phải mua vé. Bên tôi bán tour là đã bao gồm trong giá vé rồi. Nếu người trong nước đi bộ quanh quanh đó thì không phải mua vé, nhưng vào những điểm đến như chùa, nhà cổ hoặc bảo tàng thì phải mua vé.

Xưa giờ đã bán vé rồi. Các công ty lữ hành có trách nhiệm và nghĩa vụ mua vé. Mọi người không hiểu cho nên mọi người lên mạng xã hội nói nhiều thứ chứ nếu không mua vé thì tiền đâu để họ bảo tồn, duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh phố cổ?

Khách đoàn, khách lẻ gì muốn vào tham quan phố cổ, muốn hiểu các lịch sử của Hội An, muốn nghe được hết những di tích thì phải có hướng dẫn viên để họ giải thích. Muốn vậy phải mua vé thôi.”

 

Cơ quan chức năng, phía đồng thuận và phía phản đối biện pháp thu vé tham quan phố cổ Hội An đều có lý lẽ của họ. Cách thực hiện sao cho khôn khéo, hiệu quả tùy thuộc vào năng lực và thực tâm của nhà quản lý, cả ở cấp địa phương và trung ương, trong ngành công nghiệp "không khói' này tại Việt Nam. 

 





No comments: