Quảng
Ninh: Rác trôi giạt trên mặt biển vịnh Hạ Long, gom xong lại đầy
An
Vui - Saigon Nhỏ
17 tháng 4, 2023
Vịnh Hạ Long, một thắng
cảnh nổi tiếng ở Quảng Ninh đang bị hủy hoại vì rác.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/17.4.23_Anh-4.jpg
Phao xốp trôi cùng rác
các loại từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản phủ trắng nhiều khu vực núi đá thuộc
vùng biển vịnh Hạ Long – Ảnh: TP.Hạ Long cung cấp.
ZingNews ngày
17 Tháng Tư 2023 đưa tin sau khi có văn bản của Trung tâm Di Sản Thế Giới
(UNESCO) phản hồi về tình trạng rác trôi nổi trên mặt biển vịnh Hạ Long khiến
du khách có trải nghiệm tồi tệ, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ninh buộc phải huy động
lực lượng cùng dân gom rác trên biển.
Trong công văn mới nhất, Ủy ban tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TP.Hạ Long phối
hợp cùng với Ban quản lý vịnh Hạ Long tăng cường nhân lực và nguồn lực thực hiện
gom vớt rác và các loại phao xốp trôi nổi trên biển, bảo đảm trước ngày 28
Tháng Tư 2023 phải làm sạch mặt biển, chuẩn bị phục vụ mùa du lịch Hè 2023.
Vài tháng gần đây, khu vực biển vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long thuộc
tỉnh Quảng Ninh xuất hiện rác lềnh bềnh đầy trên mặt biển, xâm nhập vào vùng
lõi của di sản vịnh Hạ Long.
Nhiều du khách và người dân phản ảnh rác bủa vây khắp các điểm tham
quan ở vịnh Hạ Long. Chia sẻ với ZingNews, ông N.V.T. (chủ
tàu đưa đón khách tham quan vịnh Hạ Long), cho biết rác trôi nổi trên mặt biển
vịnh Hạ Long bắt đầu từ cuối Tháng Ba 2023 và từ đầu Tháng Tư đến nay, rác dầy
đặc trên mặt biển…. khiến du khách phàn nàn dữ dội. Nhân viên trên tàu phải
mang vợt ra vớt rác để chở vào bờ, một phần làm đẹp lòng khách, phần khác sợ
rác cuốn vào chân vịt gây hư hỏng tàu.
Khi kiểm tra mặt biển vịnh Hạ Long ngày 16 Tháng Tư 2023, nhìn thấy rất
nhiều bè mảng hỏng, phao xốp… từ các bè nuôi trồng thủy sản trái phép trên biển
vừa tháo dỡ, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch Ủy ban tỉnh Quảng Ninh, thừa nhận
với ZingNews: quan chức địa phương chỉ quan tâm đến hoàn
thành việc tháo dỡ, di dời số lượng lớn các bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển
trái phép nhưng lại không hướng dẫn, không kiểm tra, không giám sát, mặc cho
người dân tự làm, dẫn đến việc rác từ các nhà bè vẫn trôi nổi trên biển. Từ
đây, ông Huy yêu cầu tất cả các địa phương phải có trách nhiệm vớt rác ngay từ
nguồn, ngăn rác phát tán ra môi trường, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động
tháo dỡ bè của người dân, không để rác từ bè trôi nổi trên biển, buộc họ phải
thay phao xốp bằng vật liệu HDPE theo đúng chỉ thị của tỉnh và di chuyển bè
nuôi thủy sản vào đúng vùng đã được quy hoạch.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/17.4.23_Anh-5.jpg
Hàng tấn rác thải trên
vịnh được thu gom mỗi ngày để trả lại cảnh quan tươi đẹp cho vịnh Hạ Long – Ảnh:
TP Hạ Long cung cấp.
Ngay sau lễ phát động, TP. Hạ Long đã huy động 8 tàu, gần 20 xuồng, đò
với hơn 100 nhân viên để tiến hành vớt rác từ hòn Dầm Bắc đến khu vực hang Hồ Động
Tiên, Núi Lượt, Chân Voi, Tùng Lâm. Sau khi vớt lên tàu, toàn bộ rác được đưa
vào bờ để xử lý theo quy định.
Không phải mới bây giờ, liên tục từ năm 2017 đến 2022, truyền thông
trong nước đã báo động về tình trạng rác trôi nổi trên mặt biển vịnh Hạ
Long. Lao Động ngày 18 Tháng Bảy 2019 đã nêu con số: Mỗi ngày
vịnh Hạ Long vớt 6 – 7 tấn rác, vớt xong lại đầy. Mỗi năm ban quản lý vịnh Hạ
Long chi 10 tỷ đồng (trị giá $431,872 thời điểm đó) để vớt rác trên vịnh. Phóng
sự của VOV ngày 27 Tháng Tư 2020 với tựa đề “Kỳ quan vịnh Hạ
Long có thể bị hủy hoại vì rác” cho biết: Mỗi ngày có 5 – 6 tấn rác trên vịnh Hạ
Long được vớt lên, nhưng cứ vớt xong lại đầy, đa số là rác nhựa (túi và chai lọ)
và thùng xốp. Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, lượng rác gom được
trên vịnh Hạ Long và khu vực biển ven bờ năm 2018 là 815 tấn, 6 tháng đầu năm
2019 là 573 tấn. Số tiền phải chi để thu gom rác mỗi năm hơn 10 tỷ đồng (tức
hơn $429,941 thời điểm đó).
Tờ báo này cũng cho biết: Nhiệm vụ gom rác chính ở các điểm tham quan vịnh
là công ty Cây Xanh Công Viên Quảng Ninh, có đội tàu 20 chiếc với 50 nhân lực
trải đều trên 20km2 (7.72 square miles) chỉ đáp ứng được một phần
nhỏ, vì vùng lõi vịnh Hạ Long hơn 400km2 (154.4 square miles).
Tàu to gom rác nổi, còn những con thuyền nan nhỏ chia cho mỗi công nhân một chiếc
tự chèo, tìm gỡ từng cái túi nylon mắc trên vách đá….Những ngày sau cơn mưa,
bão hoặc những ngày lễ lớn, du khách đông thì lượng rác vọt lên nhiều hơn ngày
thường, khoảng trưa các tàu của công ty cùng cập bến cá Bạch Đằng nặng trĩu
khoang nhưng không phải đầy cá mà đầy rác!
Rác trên mặt biển vịnh Hạ Long đến từ các nguồn: Rác từ du khách thải
trực tiếp xuống biển; rác từ các khu vực dân cư, đô thị ven bờ; rác từ bãi biển;
rác từ hàng ngàn tàu đánh cá thường xuyên hoạt động và neo đậu; rác từ các bè
nuôi trồng thủy sản quanh vịnh Hạ Long; rác từ các tàu vận tải thường xuyên ra
vào.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/17.4.23_Anh-6.jpg
Gia đình du khách
Camden đến từ New Zealand đang tham gia vớt rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long – Ảnh:
VOV.
VOV cũng
ghi nhận ý kiến của vài du khách ngoại quốc, như gia đình ông Camden – quốc tịch
New Zealand. Nhìn thấy rác lềnh bềnh, thậm chí cô con gái nhỏ của ông Camden đã
nhanh nhẹn lấy vợt vớt rác lên thuyền, Camden than phiền: “Ở New Zealand chúng
tôi không thấy nhiều rác nổi thế này, lần đầu tiên chứng kiến nên tôi khá ngạc
nhiên. Nơi đây rất đẹp, nếu các bạn dọn rác sạch sẽ hơn thì còn đẹp hơn nữa”.
Còn ông Craig Lau, du khách đến từ Hong Kong, tỏ ra băn khoăn: “Vịnh Hạ Long rất
tuyệt vời. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi chúng tôi thấy rất nhiều rác nổi trên
mặt nước. Những chiếc túi nhựa giữa khung cảnh xinh đẹp này làm trải nghiệm của
tôi trở nên khá tệ. Mà rác nhựa gây nguy hại cho các sinh vật biển thì ai cũng
biết rồi. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều phải góp phần để không biến vịnh Hạ
Long thành một nơi bị ô nhiễm bởi rác nhựa, một kỳ quan bị hủy hoại do chính
con người”.
Nhìn hình ảnh gom rác trên mặt biển vịnh Hạ Long từ
năm 2019 đến nay dường như không có gì thay đổi. Rác vẫn nhiều, người gom vẫn
than vất vả, vừa gom xong rác lại đầy. Gần 5 năm trôi qua, tình hình xả rác xuống
biển ở vịnh Hạ Long vẫn chưa cải thiện. Nếu không ngăn chặn được tận gốc việc xả
rác xuống biển thì nhà cầm quyền Quảng Ninh có chi nhiều tiền hơn nữa để gom
rác cũng chả giải quyết được vấn đề.
Ngành du lịch Việt Nam ở hầu hết mọi nơi đang “ăn vào vốn tự có” mà mẹ
thiên nhiên ban tặng, nhưng lại không biết cách gìn giữ và bảo tồn cảnh quan
thì sẽ tự hại chính mình thôi.
No comments:
Post a Comment