Friday, April 14, 2023

QUAN HỆ VIỆT - MỸ SẼ KHÔNG CÓ THAY ĐỔI LỚN (HIếu Chân / Người Việt)

 



Quan hệ Việt-Mỹ sẽ không thay đổi lớn

Hiếu Chân/Người Việt

April 14, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/quan-he-viet-my-se-khong-thay-doi-lon/

 

Ngoại Trưởng Antony Blinken của Mỹ đang có chuyến thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 10 hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Chuyến công du của ông làm dấy lên một cuộc đồn đoán sôi nổi về triển vọng hai nước sẽ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược, tương xứng với quy mô giao dịch thương mại và đáp ứng mối lo ngại của cả hai bên về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng sẽ chưa có một triển vọng nâng cấp như vậy.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/BL-Quan-He-My-Viet-1536x1024.jpg

Ngoại Trưởng Antony Blinken vẫy tay chào ngay khi máy bay chở ông đáp xuống phi trường Nội Bài ở Hà Nội, hôm 14 Tháng Tư. (Hình: Nhac Nguyen//AFP via Getty Images)

 

Ông Blinken từng đến Việt Nam năm 2016 với tư cách thứ trưởng ngoại giao trong chính quyền Barack Obama, còn kỳ này ông đến Hà Nội lần đầu tiên trong cương vị ngoại trưởng. Chuyến đi của ông Blinken diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng Thống Joe Biden điện đàm với nhà lãnh đạo thực tế của Việt Nam, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó hai bên cam kết hợp tác để giải quyết các thách thức khu vực và bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).

 

Theo lịch trình, trong thời gian ở Việt Nam, ông Blinken sẽ gặp và thảo luận với các quan chức cao cấp của Việt Nam, tham dự lễ động thổ xây dựng đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội. Giới quan sát cho rằng, chuyến đi của ông Blinken là một bước tiến trong kế hoạch “nâng cấp quan hệ” hai nước lên mức đối tác chiến lược – điều mà Hoa Kỳ liên tục yêu cầu và Việt Nam luôn né tránh. Chuyến đi cũng có thể nhằm sắp xếp cho một chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Biden, dự tính vào Tháng Năm, hoặc chuyến thăm của ông Trọng đến Tòa Bạch Ốc có thể vào Tháng Bảy. Vấn đề “nâng cấp quan hệ” Việt Mỹ lên mức đối tác chiến lược có thể được quyết định và công bố trong các chuyến thăm viếng cấp nguyên thủ quốc gia như vậy và chuyến đi Hà Nội của ông Blinken là nhằm đúc kết cho sự kiện hết sức quan trọng đó.

 

Để hiểu ý nghĩa quan trọng của yêu cầu “nâng cấp quan hệ,” nên xem lại thang bậc về ngoại giao của Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện – cấp cao nhất về quan hệ ngoại giao – với bốn nước, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Nam Hàn; quan hệ đối tác chiến lược – cấp thấp hơn – với Nhật và 12 quốc gia khác; và quan hệ đối tác toàn diện – cấp thấp hơn nữa – với 13 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Thực tế, Việt Nam coi Mỹ là một đối tác chỉ ngang hàng với… Miến Điện hoặc Venezuela, thấp hơn Malaysia hoặc New Zealand và kém xa các “đối tác chiến lược toàn diện” như Nga hoặc Trung Quốc.

 

Quan hệ ngoại giao theo thang bậc như vậy chi phối cách ứng xử của Việt Nam trên trường quốc tế. Khi Tổng Thống Vladimir Putin của Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine, Việt Nam từ chối lên án hành vi đó vì Nga là “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, cung cấp vũ khí cho quân đội Việt Nam và hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam đã năm lần bỏ phiếu có lợi cho Nga tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, không đứng về phía Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ tự do lên án chiến tranh và đòi Nga phải rút ra khỏi Ukraine.

 

Cũng do Hoa Kỳ chưa phải là “đối tác chiến lược” của Việt Nam nên khi Phó Tổng Thống Kamala Harris đến Hà Nội vào Tháng Tám, 2021 bà chỉ được đón tiếp và hội đàm với các ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước khi ấy, và ông Phạm Minh Chính, thủ tướng – mà không gặp ông Nguyễn Phú Trọng. Phải là nguyên thủ quốc gia một nước “đối tác chiến lược toàn diện” thì mới được cả bốn nhân vật “tứ trụ” của chế độ đón tiếp. Đây không chỉ là nghi thức lễ tân mà thể hiện quan điểm đối ngoại của nước chủ nhà.

 

                                                        ***

 

Cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng với Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương làm cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đánh giá cao vị trí chiến lược và vai trò địa chính trị của Việt Nam và tìm cách lôi kéo Việt Nam khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Các chính phủ Hoa Kỳ từ Obama đến nay liên tục nhắc lại yêu cầu “nâng cấp quan hệ” lên mức chiến lược, nhưng đáp lại, lần nào các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ hứa hươu hứa vượn mà không có hành động thực tế. Hôm 23 Tháng Ba vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters, liệu Việt Nam đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Mỹ trong năm nay hay chưa, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam chỉ ỡm ờ nói, điều đó sẽ xảy ra “khi thời điểm thích hợp” mà không nói rõ thế nào là thích hợp hoặc thời điểm đó là khi nào.

 

Chúng tôi cho rằng, sẽ không bao giờ có một thời điểm thích hợp như vậy, kể cả trong chuyến công du của Ngoại Trưởng Blinken hiện nay hay các cuộc viếng thăm của các ông Nguyễn Phú Trọng, Joe Biden trong tương lai vì Việt Nam chưa mạnh dạn bứt ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và thực hiện dân chủ hóa đất nước.

 

Chắc chắn Trung Quốc coi sự nâng cấp quan hệ Việt Mỹ là mối đe dọa đến ảnh hưởng của họ và có biện pháp trả đũa. Mối lo sợ hành động thù địch của Trung Quốc vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington là yếu tố quyết định việc Hà Nội chần chừ trước đề nghị của Washington.

 

Việt Nam hiện không chỉ bị Trung Quốc chèn ép trên Biển Đông mà còn bị phụ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phương Bắc cả về chính trị lẫn kinh tế. Trung Quốc cung cấp hầu hết nguyên liệu, máy móc để các công ty ở Việt Nam làm hàng hóa xuất cảng sang Hoa Kỳ và các nước khác. Chỉ cần Bắc Kinh ngăn chặn việc kinh doanh với Việt Nam một số mặt hàng nào đó, như họ đã từng làm với Na Uy, Philippines, Úc, Nam Hàn và Nhật thì nền kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ ngay tức khắc, hàng chục triệu người sẽ mất việc làm. Bằng mọi giá, Hà Nội luôn cố tránh làm phật lòng Bắc Kinh và không gì làm Trung Quốc tức giận hơn là Việt Nam kết thân với Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc.

 

Ngoại giao của Việt Nam do đảng Cộng Sản độc quyền quyết định và từ “mật nghị” Thành Đô năm 1990 đến nay, đảng Cộng Sản Việt Nam luôn dựa vào đảng Cộng Sản Trung Quốc đàn anh, coi đó là yếu tố quyết định sự tồn vong của chính họ. Không có áp lực bên ngoài nào có thể chia rẽ hai đảng này, và họ là hai trong vài đảng cộng sản ít ỏi còn sót lại trên thế giới, nắm quyền cai trị ở hai quốc gia láng giềng có thể chế chính trị, cơ cấu xã hội giống hệt nhau, cùng cộng sinh để tồn tại trước áp lực đòi dân chủ của thời đại.

 

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận định “quan hệ Việt-Mỹ được xây dựng trên nền tảng lòng tin và khát vọng chung cùng vượt qua những tàn tích của chiến tranh,” cho rằng “Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác mạnh mẽ và đang lớn mạnh, cùng chia sẻ mục tiêu một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở, kết nối, thịnh vượng, kiên cường và hòa bình.” Nhưng thực tế đảng Cộng Sản Việt Nam không hề có lòng tin vào người Mỹ. Họ luôn cảm thấy bất an, luôn bị ám ảnh rằng một “thế lực thù địch” nào đó được Mỹ bí mật ủng hộ đang “diễn biến hòa bình” để truất quyền lãnh đạo của đảng. Việc nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp khốc liệt những tiếng nói phản kháng, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng của người dân Việt Nam hiện nay có phần là biểu hiện của tâm trạng bất an, hoang tưởng đó.

 

                                                             ***

Phụ thuộc Trung Quốc nhưng biết lòng dân không thuận theo sự cưỡng ép của Bắc Kinh. Không tin ở Washington nhưng sức hút của Mỹ quá lớn, Việt Nam buộc phải nỗ lực thực thi một chính sách đu dây tế nhị giữa hai cường quốc – một vị thế đến nay Hà Nội khá thành công và hưởng lợi rất nhiều.

 

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn đánh giá cao giá trị địa chính trị của Việt Nam, tin rằng người Mỹ cần Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc nên liên tục từ khước những yêu cầu nâng cấp quan hệ với Mỹ. Việt Nam thậm chí còn có những hành động trái với suy đoán thông thường chẳng hạn như tuyên phạt 6 năm tù giam nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng chỉ một ngày trước chuyến thăm của ông Blinken như muốn gửi một tín hiệu rằng Hà Nội sẽ không nhân nhượng những yêu sách tự do, nhân quyền của Mỹ.

 

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn có vẻ không muốn làm Washington mích lòng, nên cho cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên và gia đình sang Mỹ tị nạn vài giờ trước khi ông Blinken đáp máy bay xuống phi trường Nội Bài.

 

Trong hai năm đầu của chính quyền Biden, Washington tỏ ra khá ưu ái với Hà Nội bằng việc đưa Việt Nam vào diện đối tác hàng đầu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cử nhiều quan chức cao cấp nhất đến Hà Nội và viện trợ rất hào phóng cho Việt Nam về y tế, môi trường lẫn quân sự. Nhưng sự kiên nhẫn của Washington dường như đang cạn dần và nhiều nhà phân tích đã chỉ ra tính chất ảo tưởng trong ý đồ của Washington kéo Việt Nam ra xa Trung Quốc. “Không mợ thì chợ vẫn đông,” sau khi mở rộng hợp tác quân sự với Philippines gần đây có thể người Mỹ sẽ không còn đặt ưu tiên cho việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam nữa.

 

Nếu Việt Nam bỏ lỡ cơ hội một lần nữa thì có thể chuyến viếng thăm Hà Nội của Ngoại Trưởng Blinken hiện nay sẽ chỉ là một chuyến “ghé ngang” trên đường đến Tokyo dự hội nghị bộ trưởng các nước công nghiệp phát triển G7 mà không mang lại triển vọng thay đổi có ý nghĩa nào nào trong quan hệ giữa hai nước. [đ.d.]





No comments: