Putin
chuẩn bị chiến tranh từ 20 năm, Tập Cận Bình mơ đến 2027 chiếm Đài Loan
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 08/04/2023 - 19:51
Nghị sĩ châu Âu Raphaël Glucksmann tố cáo
trên L’Express, Vladimir Putin đã tiến hành chiến tranh đa diện chống
lại phương Tây từ hai thập niên, dựa vào hai yếu tố chính : năng lượng và
nước Đức. Tại châu Á, Bắc Kinh từ 74 năm qua luôn thèm muốn Đài Loan. L’Obs cho
rằng nếu Hoa Kỳ và các đồng minh không thành công trong việc răn đe Tập Cận
Bình thực hiện « Trung Hoa mộng », Đài Loan có thể trở thành tâm chấn
trong cuộc chiến giữa hai đại cường.
Trang bìa của L’Express tuần
này được dành cho nghị sĩ châu Âu Raphaël Glucksmann với dòng tựa « Putin
đã chuẩn bị cho cuộc chiến này từ 20 năm qua ». Trên L’Obs, hai
ông Tập Cận Bình và Joe Biden đối mặt nhau, ở giữa là bản đồ Đài Loan, tuần báo
chạy tít « Trung Quốc / Hoa Kỳ : Trận chiến Đài
Loan ». Hồ sơ của Courrier International nói về « Ấn
Độ, bước đi của người khổng lồ », Le Point giới thiệu nhà tâm lý
Caroline Goldman với những lời khuyên cho phụ huynh. Ở trang trong các tuần
báo, cuộc xâm lăng Ukraina và Đài Loan trước sự đe dọa của Trung Quốc vẫn là
hai đề tài nóng nhất.
.
Putin chuẩn bị chiến tranh từ 20 năm qua
Liên quan đến Nga, trong một tác phẩm vừa ra mắt,
nghị sĩ Raphaël Glucksmann thuộc đảng Place Publique (PP) thuật lại cách thức
Kremlin xâm nhập các nước dân chủ từ nhiều năm qua. Ông nhấn mạnh trên L’Express,
cần hiểu rằng cuộc chiến tranh ở Ukraina không phải bắt đầu từ ngày 24/02/2022,
cũng không phải từ 2014 khi Nga chiếm Crimée, nhưng rất lâu trước đó. Hơn nữa,
ít nhất từ hai thập niên qua, Vladimir Putin đã tiến hành một cuộc chiến tranh
đa diện chống lại phương Tây.
Tất cả các xung đột từ đầu thế kỷ 21 đều nằm
trong một cuộc đối đầu lớn, không chỉ về quân sự như ở Gruzia (2008), Syria
(2015), Ukraina (2022) mà còn bằng nhiều cách khác. Chẳng hạn can thiệp vào bầu
cử, thao túng dư luận thông qua « fake news » được phổ biến bằng đội
quân dư luận viên của Evgueni Prigojine trên mạng xã hội, tấn công tin học vào
bệnh viện trong thời kỳ đại dịch, tài trợ cho những phong trào chính trị thù địch
với châu Âu, chiến tranh năng lượng…chưa kể việc sách nhiễu, ám sát các nhà đối
lập Nga ở châu lục.
Sai lầm của phương Tây là không chú ý đến những
phát biểu thù địch của các nhà lãnh đạo Nga, trong khi Putin đã chuẩn bị cho cuộc
chiến từ 20 năm qua. Kế hoạch của ông ta dựa vào hai yếu tố chính : năng
lượng và nước Đức. Putin là đại tá KGB, đang làm việc tại Dresden ở Đông Đức
khi Liên Xô sụp đổ tháng 11/1989. Sau khi lên làm tổng thống, Putin đã nắm ngay
hệ thống năng lượng qua việc tống giam nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovski và giải
thể tập đoàn dầu lửa Ioukos ; tập trung vào tay phe cánh FSB. Từ đầu những
năm 2000, ông ta đã dùng năng lượng làm vũ khí, mà mục tiêu chính là Đức.
.
Đức, mục tiêu chính trong cuộc chiến năng lượng của
Kremlin
Tại sao lại là nước Đức ? Đó là quốc gia
mà Putin biết rõ nhất, đặc biệt lại có trong tay một con ách chủ bài là
Matthias Warnig, cựu nhân viên mật vụ Stasi của Đông Đức. Warnig giao du rất rộng
với giới kinh doanh, ra vào các bộ, ngành như đi chợ. Với sự giúp sức của thủ
tướng Dân chủ Xã hội Gerhard Schröder, Putin và Warnig đã thay đổi hoàn toàn bản
đồ năng lượng châu Âu.
Schröder quyết định ngưng dùng nguyên tử lực,
và khi bị ngành kỹ nghệ phản ứng, đã hứa thay bằng khí đốt Nga giá rẻ. Ông ta
còn bác bỏ việc xây dựng các cảng khí mê-tan giúp Đức nhập khẩu khí hóa lỏng
(GNL) từ các nước khác. Để đất nước mình bị lệ thuộc hẳn vào Matxcơva, năm 2005
Schröder ủng hộ việc xây đường ống Nord Stream đưa khí đốt từ Nga đến Đức,
tránh đi qua Ba Lan và Ukraina, làm thiệt hại cho hai nước này. Chưa hết, sau
khi Nga xâm lăng Ukraina, phó thủ tướng Robert Habeck (đảng Xanh) bàng hoàng
phát hiện dự trữ khí đốt chiến lược của nước Đức hầu như trống rỗng.
Đó là vì cùng với việc lăng-xê Nord Stream 2
năm 2015, Angela Merkel còn giao phó việc quản lý dự trữ chiến lược của Đức cho
tập đoàn Nga Gazprom ! Như một sự tình cờ, lượng khí này đã bị hút đi
trong những tháng trước cuộc xâm lăng Ukraina : thay vì phải trữ 70 % nhu
cầu, chỉ còn 5 %. Ý định cấm vận dầu khí Nga của Nghị Viện Châu Âu sau đó trở
thành bất khả vì Đức không còn khí đốt. Trong sáu tháng đầu của cuộc chiến, phải
tiếp tục mua dầu khí của Nga, khoảng 800 triệu euro một ngày, coi như tài trợ
cho cuộc xâm lược của Kremlin.
.
Những cựu lãnh đạo phương Tây « lobby »
cho Sa hoàng Putin
Cuộc chiến tranh không bom đạn của Vladimir
Putin ngoài sự tiếp tay của truyền thông chuyên đưa tin giả như RT,
Sputnik ; còn huy động được những « kẻ ngốc hữu dụng » cực hữu
và cực tả, một số khuôn mặt tinh hoa chính trị và kinh tế.
Ba tháng sau khi thất cử trước bà Merkel, Schröder được Gazprom tuyển mộ, và
đến nay ông ta là cựu lãnh đạo châu Âu duy nhất không chịu từ bỏ chức vụ béo bở
trong các tập đoàn Nga. Những nhân vật khác như cựu thủ tướng Pháp François Fillon, cựu
thủ tướng Phần Lan Esko Aho, cựu ngoại trưởng Áo Karin
Kneisll…hoặc bị áp lực mạnh, hoặc còn đôi chút liêm sỉ,
đã từ chức sau khi Nga xâm lăng Ukraina.
Nghị sĩ Raphaël
Glucksmann còn đặt nghi vấn về cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, phải
chăng Matxcơva đã gặp hên khi đầu tư hú họa vào một số tên tuổi ? Không ít
lần các đại gia có liên quan đến Nga ra tay giúp đỡ khi công việc làm ăn của
ông Trump gặp khó khăn, và khi nghe tin ông đắc cử tổng thống, các đại biểu Quốc
Hội Nga đã vỗ tay mừng rỡ. Tác giả đặt câu hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Donald
Trump đang ở Nhà Trắng khi quân Nga kéo vào Kiev ?
.
Bầu cử tổng thống Mỹ, chiếc phao cứu sinh ?
L’Obs nói về « Thách
thức Mỹ của Putin ». Cách đây vài tháng, với những ai dự báo chiến
tranh Ukraina sẽ kéo dài, họ nghĩ về mùa hè 2023 sau những cuộc tấn công mùa
xuân của cả hai bên. Nay người ta phải tính bằng năm, với một thời điểm quan trọng
đối với Vladimir Putin : cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024.
Nếu sáng suốt, tổng thống Nga phải hiểu rằng
quân của ông ta không thể đánh bại được quân đội Ukraina đang được vũ trang tốt
hơn và chiến đấu khôn ngoan hơn. Đặc biệt tại Bakhmut, quân Nga cùng với những
tân binh được bổ sung cho Wagner làm bia đỡ đạn, mất đến 1.000 lính một ngày,
cao hơn số thiệt hại của Ukraina rất nhiều. Trông cậy vào sự giúp đỡ của Trung
Quốc chăng ? Mỹ đã cảnh cáo Bắc Kinh không nên cung cấp vũ khí sát thương
cho Matxcơva.
Putin chỉ còn hy vọng sự ủng hộ của phương Tây
giảm bớt. Sự kiện cựu tổng thống Donald Trump phải ra tòa, và vẫn còn không ít
người ủng hộ ông, có thể là điểm yếu trong hồ sơ chiến tranh Ukraina. Kremlin vẫn
còn những phương tiện mờ ám để tác động lên những tranh luận chính trị ở Hoa Kỳ.
Những người Cộng Hòa vốn đang chia rẽ, liệu có thể tránh được chiếc bẫy này hay
không ?
.
Ukraina gia nhập EU : Ngoài kinh tế, quân sự còn
là đạo lý
Le Point cho
rằng « Nên chuẩn bị cho việc Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu
Âu ». Theo tác giả Luc de Barochez, Ukraina là quốc gia châu Âu
duy nhất mà người dân phải đổ máu, với lòng can đảm vô song, để bảo vệ ý hướng
tham gia vào Liên hiệp và có được mô hình xã hội kiểu phương Tây. Chỉ riêng lý
do này thôi, kết nạp Ukraina gia nhập là một hành động đạo lý.
Tháng Sáu này sẽ tròn một năm Liên Hiệp Châu
Âu (EU) chấp nhận tư cách ứng cử viên của Kiev, hiện có đến 92 % người dân
Ukraina muốn được gia nhập, tăng 25 điểm so với trước chiến tranh. Tổng thống
Volodymyr Zelensky biết rằng nếu đàm phán, sẽ phải có những nhượng bộ với Nga,
và việc được vào EU chứng tỏ với nhân dân và quân đội rằng họ không chiến đấu
vô ích.
Đối với EU, việc mở rộng là một bước nhảy vào
vô định. Ukraina sẽ trở thành quốc gia thành viên có diện tích lớn nhất, dân số
đứng thứ năm, nông nghiệp thuộc loại hàng đầu, nhưng cũng nghèo nhất, chưa kể nạn
tham nhũng từ thời trước, và gánh nặng tái thiết. Vả lại nếu đón nhận Ukraina,
khó thể từ chối những nước như Bắc Macedonia đã chờ đợi gần 20 năm !
Nhưng như nhà chính trị học Ivan Krastev đã
nói, « hội nhập một nước đang chiến tranh cỡ như Ukraina hầu như bất
khả, tuy nhiên điều bất khả duy nhất là không cho gia nhập ». Hãy
hình dung một Ukraina kinh tế suy sụp vì cuộc chiến và người dân thất vọng khi
EU từ chối, hậu quả sẽ rất lớn. Trên thực tế, có thêm Ukraina, châu Âu tự túc
được thực phẩm, ít lệ thuộc lao động nhập cư, và nhất là có được một quân đội
thiện chiến. Courrier International kể thêm : Ukraina có
hệ thống đường sắt có chiều dài gần 20.000 kilomet, đứng thứ ba châu Âu ;
25 phi trường quốc tế ; đất đen phì nhiêu chiếm 1/3 diện tích thế giới…
.
Trung Quốc dòm ngó Đài Loan từ hơn 70 năm
Nếu cuộc xâm lăng Ukraina đã được Putin chuẩn
bị từ lâu, thì Đài Loan là đảo quốc mà Bắc Kinh luôn thèm muốn từ 74 năm
qua. L’Obs nhận thấy, lo ngại chiến tranh sắp nổ ra tại điểm
nóng nhất châu Á, Washington và Đài Bắc tìm mọi cách để ngăn cản Tập Cận Bình đổ
quân sang. Không một tuần lễ nào mà không có những tuyên bố của một chỉ huy hải
quân Mỹ về Đài Loan, còn tổng thống Joe Biden đã bốn lần nhắc nhở, Hoa Kỳ sẽ
can thiệp nếu hòn đảo bị xâm lăng. Người Mỹ đã từng cảnh báo việc Nga tấn công
Ukraina vào đầu năm 2022 nhưng không thành công, phải chăng lịch sử sắp lặp lại ?
Dân biểu Vương Định Vũ (Wang Ting Yu), chủ tịch
Ủy ban Quốc phòng Quốc Hội Đài Loan tin là mọi người ở Washington đều ý thức rằng
không thể để cho Đài Loan trở thành Ukraina thứ hai. Tháng 10/2022, chính Tập Cận
Bình đã đề ra mục tiêu đánh chiếm Đài Loan vào năm 2027, nhân kỷ niệm 100 năm
thành lập Giải phóng quân, để trở thành siêu cường duy nhất trong khu vực. Nếu
Hoa Kỳ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…và có thể NATO không thành công
trong việc răn đe « người cầm lái vĩ đại » mới thực hiện « Trung
Hoa mộng » của ông ta, Đài Loan có nguy cơ trở thành tâm chấn trong một cuộc
chiến giữa hai đại cường nguyên tử.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu Yun), Viện Nghiên cứu Quốc
phòng và An ninh Quốc gia (INDSR) xác nhận, đồ thị phát triển của Trung Quốc từ
khi được vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1999 rất giống Đức quốc xã
thập niên 30 : GDP càng tăng thì chi tiêu quân sự càng bùng nổ. Đài Bắc
nay phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng, kéo dài thời gian quân dịch và thay đổi
chiến lược.
Chuyên gia này giải thích, đóng một chiến hạm
phải mất hai năm, nhưng một hỏa tiễn chống hạm hay phòng không chỉ mất hai ngày
rưỡi, và chỉ cần 6 hỏa tiễn là đủ đánh đắm một chiến hạm đắt giá. Thế nên Đài
Loan bắt đầu sản xuất hỏa tiễn và drone. Đó là « chiến tranh bất đối xứng »
của người yếu thế trước kẻ mạnh hơn. Bên cạnh đó là việc đào tạo các nhóm nhân
dân tự vệ : những người tình nguyện học cách băng bó, xoa bóp tim, dập lửa
do đạn pháo gây ra…
.
Mối nguy tiềm tàng từ bên trong
Đài Loan không phải là quốc gia duy nhất từ
nhiều thập niên qua phải sống dưới sự đe dọa của một láng giềng hung hăng. Hàn
Quốc mà thủ đô chỉ cách người anh em thù địch không đầy 100 kilomet, hay Tây Đức
trước kia cũng vậy. Nhưng vấn đề là Quốc dân đảng (KMT) vẫn đóng một vai trò phức
tạp từ 50 năm qua. Trong thời kỳ khủng bố trắng, đảng của Tưởng Giới Thạch đã
sát hại trên 20.000 người dân. Tội ác này vẫn không bị trừng trị, thậm chí ứng
cử viên Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng còn được bầu làm tổng thống (2008-2016).
Ông ta tiếp tục tuyên truyền về « bản sắc Trung Hoa » tuy người đại lục
chỉ chiếm 10 %.
Những YouTuber thân Bắc Kinh từ sáng đến tối
gieo rắc ý tưởng Đài Loan và Trung Quốc là anh em, không nên chọc giận Bắc
Kinh…Các hoạt động thao túng này có nguy cơ làm ưu thế nghiêng về Quốc dân đảng
trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 1/2024. Dân biểu La Trí Chánh (Lo Chih
Cheng), giáo sư về quan hệ quốc tế lưu ý về chiến lược « bất chiến tự
nhiên thành » của Trung Quốc. Điều đáng lo là trước khi Đài Loan được dân
chủ hóa, quân đội là cánh tay nối dài của Quốc dân đảng, lãnh đạo thông qua các
chính ủy như ở Hoa lục. Trong số các sĩ quan cao cấp nhất, vẫn còn những người
« đại lục » thế hệ thứ hai.
Tuy những người cao tuổi nhất sắp về hưu,
nhưng những xì-căng-đan gián điệp thường xuyên xảy ra trong quân đội. Có những
tướng lãnh hưu trí, được Trung Quốc đối đãi như ông hoàng, bị cáo buộc cung cấp
thông tin cho « người anh em ». Thế nên Washington ngần ngại không
chuyển giao một số vũ khí tân tiến hay một số thông tin tình báo cho Đài Bắc.
Hiện nay đảng Dân Tiến được cho là sẽ chiến thắng cử, nhưng nếu ứng cử viên
phía thân Trung Quốc trở thành tổng thống thì không biết tình hình sẽ ra sao.
.
Tàn sát cư dân để chiếm được Đài Loan và « lưu
xú vạn niên » ?
Trả lời phỏng vấn của L’Obs, nhà
chính trị học Quách Dục Nhân (Kuo Yujen) nêu ra những điểm mạnh và điểm yếu của
Đài Loan. Trước hết về địa lý, có đến 70 % diện tích của đảo quốc là núi non,
trái ngược với những đồng bằng rộng lớn của Ukraina ; và tách biệt với Hoa
lục bằng một eo biển rộng tới 180 kilomet. Tất cả các quân nhân đều biết rằng
khả năng đổ bộ là khó thực hiện nhất. Phía đông là những bãi đá lởm chởm, phía
tây nước cạn. Phía bắc tiếp giáp với Biển Hoa Đông, nơi lực lượng viễn chinh Mỹ
kiểm soát từ căn cứ Okinawa, còn phía nam nhìn ra Biển Đông, nơi nhiều nước
láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc.
Tất cả những vùng biển bao quanh Đài Loan đều
là những con đường hàng hải quan trọng. Ngay cả khi muốn dọa dẫm trong dịp bà
Nancy Pelosi đến Đài Bắc mùa hè năm ngoái, lưu thông tại đây vẫn bình thường vì
thường là những tàu hàng khổng lồ có khi đến 100.000 tấn, muốn chận lại phải mất
cả ngày. Trên không, 90 % phi cơ từ Mỹ bay ngang không phận Đài Loan. Ngay cả chỉ
phong tỏa nhẹ, làm thế nào có thể buộc hàng ngàn tàu thủy, máy bay của cả thế
giới phải vâng lời ?
Còn nếu Bắc Kinh chọn cách oanh tạc vào đô thị
để gây hoảng loạn và buộc chính phủ đầu hàng, sẽ là một trận chiến phi nhân, tệ
hơn cả Ukraina. Trong bốn ngày đầu của cuộc xâm lăng, Matxcơva đã bắn đi 394 hỏa
tiễn, sát hại 4.000 người Ukraina. Với cùng số lượng tên lửa, số người chết sẽ
khủng khiếp vì Đài Loan đứng thứ ba về mật độ dân số trên thế giới, tập trung ở
vùng duyên hải. Tất nhiên Tập Cận Bình không quan tâm đến việc bị thế giới lên
án, nhưng rất đáng lo khi « lưu danh thiên cổ » theo cách này.
No comments:
Post a Comment