Đồng
minh của Ukraina họp tại Đức bàn cách tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev
Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 21/04/2023 - 13:19
Đại diện khoảng 50 đồng minh của Ukraina trong cuộc
chiến chống Nga đã tề tựu về căn cứ không quân Ramstein của Mỹ tại Đức vào hôm
nay, 21/04/2023, để phối hợp tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev. Cuộc họp lần
thứ 11 của các thành viên trong Nhóm Tiếp Xúc về Quốc Phòng do Hoa Kỳ thành lập,
mở ra trong bối cảnh tổng thống Ukraina Zelensky một lần nữa đã thúc giục đồng
minh cung cấp thêm cho Kiev các loại chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa.
Toàn cảnh cuộc họp của
Nhóm Tiếp Xúc về Quốc Phòng Ukraina tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, Đức,
ngày 21/04/2023. REUTERS - HEIKO BECKER
Phát biểu khai mạc cuộc họp, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng
định, hậu thuẫn mà cộng đồng quốc tế dành cho Ukraina “vẫn mạnh mẽ” và
các đồng minh của Kiev “đoàn kết hơn bao giờ hết” trong việc ủng hộ “các
lực lượng vì tự do” ở Ukraina.
Ông đồng thời xác định ba vấn đề then chốt mà các đồng minh của Ukraina
sẽ tập trung lần này: “Phòng không, đạn dược và các phương tiện hỗ trợ”.
Vào hôm qua, chính tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các
đồng minh phương Tây gửi thêm máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa để giúp nước
ông đẩy lùi quân Nga. Tổng thống Ukraina đã trực tiếp đưa ra yêu cầu với tổng
thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, đã ghé thăm Kiev trước khi đến Ramstein tham
gia cuộc họp.
Ông Zelensky đã yêu cầu NATO giúp "xóa bỏ tâm lý miễn cưỡng"
của một số quốc gia thành viên trong việc cung cấp cho Ukraina tên lửa tầm xa,
chiến đấu cơ và xe tăng hiện đại.
Cho đến nay, các thành viên NATO đã viện trợ cho Ukraina một số máy bay
chiến đấu thời Liên Xô, nhưng chưa chịu cấp máy bay hiện đại như loại F-16 của
Mỹ, bất chấp yêu cầu của Ukraina.
Nhiều nước phương Tây ủng hộ Ukraina cũng có thái độ miễn cưỡng viện trợ
tên lửa tầm xa vì lo ngại rằng Kiev có thể dùng loại vũ khí này vào việc tấn
công các mục tiêu bên trong nước Nga.
Tái khẳng định hậu thuẫn của NATO
Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, tổng thư ký NATO
Jens Stoltenberg đã tái khẳng định với tổng thống Zelensky hậu thuẫn toàn diện
của khối 31 nước trong Liên Minh đối với Ukraina trong cuộc chiến chống lại
Nga.
“Chỉ
riêng sự hiện diện của ông Jens Stoltenberg ở Ukraina đã là một tín hiệu mạnh mẽ.
Việc tổ chức chuyến thăm của tổng thư ký NATO tới một vùng đang xảy ra xung đột
là một vấn đề đau đầu về an ninh quân sự, nhưng trên hết, sau 14 tháng chiến
tranh, đó là một cách khẳng định một sự ủng hộ lâu dài thực thụ, và sẽ rất lâu
dài, vì lẽ ông Stoltenberg đã đi xa đến mức nêu lên triển vọng Ukraina gia nhập
NATO.
Ông nói
nguyên văn như sau : “NATO sát cánh cùng Ukraina; chúng tôi ở bên các bạn
hôm nay và sẽ sát cánh bên các bạn ngày mai khi các bạn xây dựng lại một tương
lai tốt đẹp hơn cho người dân Ukraina. Phải nói rõ ràng là Ukraina có một vị
trí xứng đáng trong đại gia đình khối Châu Âu-Đại Tây Dương, Ukraina có một vị
trí xứng đáng trong NATO và khi thời điểm đến - sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ giúp
các bạn biến điều này thành hiện thực”.
Ông
Jens Stoltenberg không đưa ra bất kỳ cam kết nào, nhưng nhấn mạnh rằng Thượng Đỉnh
NATO vào tháng 7 tại Vilnius (Litva) sẽ là cơ hội tranh luận tiếp tục về việc
Ukraina gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Theo ông, tất cả các thành viên của khối đều đồng ý về việc kết nạp
Ukraina trong tương lai, và chỉ riêng việc NATO chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh
tới đây ở Litva đã thể hiện thái độ thách thức của khối đối với Nga.
G7 có khả năng cấm xuất khẩu gần như là hoàn toàn
sang Nga
Liên quan đến Nga, hãng tin Nhật Bản Kyodo vào hôm qua đã trích dẫn các
nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết là các quốc gia thuộc Nhóm G7 đang xem
xét một lệnh cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn sang Nga.
Hãng tin Mỹ Bloomberg trước đó một hôm cũng tiết lộ việc Hoa Kỳ và các
đồng minh của Ukraina đang xem xét "một lệnh cấm thẳng thừng đối với hầu hết
các mặt hàng xuất khẩu sang Nga". Các quan chức từ các quốc gia G7 đang thảo
luận vấn đề này trước cuộc họp thượng đỉnh tại Nhật Bản vào tháng 5 sắp tới.
Khi được hỏi về tiết lộ của hãng Bloomberg, chánh văn phòng nội các Nhật
Bản Hirokazu Matsuno cho biết chính phủ đã biết về điều đó nhưng không bình luận
về các cuộc trao đổi giữa các nước G7 và các quốc gia có cùng quan điểm về các
biện pháp trừng phạt có thể có thêm đối với Nga.
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Chiến
tranh Ukraina: Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự mới cho Kiev
Liên
Hiệp Châu Âu sẽ cấp hai tỷ euro đạn dược cho Ukraina
Xe
tăng phương Tây đã đến Ukraina, Putin lại dùng ngoáo ộp nguyên tử
No comments:
Post a Comment