Nhật
sẽ viện trợ quân sự phi sát thương cho các nước ‘cùng chí hướng’ trong khu vực
14/04/2023
Nhật Bản
đang lên kế hoạch thiết lập một khuôn khổ mới để cung cấp viện trợ quốc phòng
cho các quốc gia “có cùng chí hướng”, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng
làm nổi bật ý định của Tokyo đóng vai trò tích cực hơn trong an ninh khu vực giữa
ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.
https://gdb.voanews.com/45362B0F-4B61-45AD-979D-3E3AAA37DA84_w1023_r1_s.jpg
Nhật dùng
máy bay quân sự chở hàng cứu trợ nạn nhân động đất Indonesia. (ảnh chụp tại phi
trường Mutiara Sis Al-Jufri tại Palu, miền trung Sulawesi, Indonesia, ngày
6/10/2018)
Động thái của Tokyo nhằm thiết lập chương
trình Hỗ trợ An ninh Nước ngoài (OSA) là bước đi đầu tiên của Nhật Bản ra khỏi
những hạn chế của chính họ vốn cấm chính phủ sử dụng viện trợ quốc tế cho mục
đích quân sự.
OSA sẽ cung cấp vật liệu và thiết bị phi sát
thương, cũng như hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên nhu cầu an ninh của
các quốc gia nhận viện trợ.
Chương trình mới nhằm “tăng cường khả năng an
ninh và răn đe của các quốc gia có cùng chí hướng để ngăn chặn các nỗ lực đơn
phương muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói riêng và tạo ra một môi trường an ninh như Nhật
mong muốn,” một tuyên bố ngày 5/4 của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Nhật tìm kiếm vai trò lớn hơn
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu
Matsuno cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 5/4 rằng chương trình Hỗ trợ
Phát triển Hải ngoại (ODA) của Nhật Bản đã tài trợ cho các dự án đường sá, đập
và các dự án cơ sở hạ tầng dân sự khác trong nhiều thập niên.
Ông Lu Hsin-Chi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu
Nhật Bản và Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chung Hsing ở Đài Loan, tin rằng sáng
kiến mới cho thấy chính phủ Nhật Bản có ý định đóng một vai trò lớn hơn trong
việc đảm bảo an ninh khu vực và củng cố liên minh Mỹ-Nhật.
“Trung Quốc và Nga là những mối quan tâm chính
trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Là một đồng minh của Mỹ,
Nhật Bản đang cân nhắc điều đó khi xây dựng các chính sách quốc phòng của riêng
mình,” ông nói với VOA vào ngày 9/4. Ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga sẽ quyết định
tầm quan trọng của vai trò của Nhật Bản trong liên minh Mỹ-Nhật. Ảnh hưởng của
họ càng lớn, Nhật Bản sẽ càng quan trọng hơn”.
Một bước đột phá
Ông Wang Yen-Lin, trợ lý nghiên cứu tại Viện
Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh tại Đài Loan, nói trong nhiều thập niên, viện
trợ nước ngoài của Nhật Bản nhằm mục đích tạo ra một môi trường kinh tế thuận lợi
cho Nhật Bản.
“Khuôn khổ OSA mới báo hiệu một sự thay đổi nhằm
chú trọng hơn vào việc tạo ra các quy tắc an ninh và duy trì sự ổn định trong
khu vực. Đây là bước đột phá lớn nhất trong các chính sách quốc phòng của Nhật
Bản,” ông Wang nói với VOA ngày 9/4.
Điều 9 trong hiến pháp sau Thế chiến II của Nhật
quy định quốc đảo này sẽ “mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của
quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như một biện pháp giải quyết tranh
chấp quốc tế”.
Các hướng dẫn mới của OSA cho biết mọi hỗ trợ
quân sự sẽ chỉ được cung cấp trong các lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến bất
kỳ cuộc xung đột quốc tế nào và trong khuôn khổ Ba Nguyên tắc của Nhật Bản về
Chuyển giao Công nghệ và Thiết bị Quốc phòng.
Những điều này thực sự cấm Nhật Bản xuất khẩu
thiết bị quốc phòng sang các nước tham gia xung đột.
Nước tiếp nhận sẽ được radar, vệ tinh
Trong cuộc họp báo vào tuần trước, ông
Hirokazu nói với các phóng viên rằng những nước nhận đầu tiên có thể bao gồm
Philippines, Malaysia, Bangladesh hoặc Fiji. Nhật Bản có kế hoạch cung cấp cho
các nước này hệ thống thông tin liên lạc bằng radar và vệ tinh để giám sát lãnh
hải và không phận, theo Reuters.
Theo nhật báo Yomiuri Shimbun, Nhật Bản đang
xem xét cung cấp radar cho Philippines để giúp nước này giám sát hoạt động của
Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Lu, từ Đại học Chung Hsing, nói với VOA rằng
Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách “tiến hành các cuộc tập trận hoặc cung cấp
số lượng viện trợ lớn hơn cho các quốc gia khác.”
Ông chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào
các quốc gia ở Đông Nam Á và Đông Á trước tiên, sau đó là các quốc đảo Thái
Bình Dương trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Trung Quốc im lặng kể từ khi Nhật Bản công bố
kế hoạch thành lập chương trình OSA mới.
“Lĩnh vực duy nhất mà Trung Quốc có thể chỉ
trích Nhật Bản là vấn đề xung quanh Biển Đông. Bắc Kinh có thể lập luận rằng
khuôn khổ OSA mới có thể làm cho các tranh chấp chủ quyền trở nên khó hiểu
hơn,” ông Wang thuộc Viện Quốc phòng nói với VOA.
“Tuy nhiên, nếu đây là lập luận của Bắc Kinh
thì điều đó có nghĩa là Bắc Kinh thừa nhận có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông,
điều này mâu thuẫn với tuyên bố chính thức của họ rằng Trung Quốc có chủ quyền
lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông.”
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản không trả lời
ngay yêu cầu bình luận của VOA.
No comments:
Post a Comment