Wednesday, April 26, 2023

NHẬN XÉT SƠ LƯỢC VỀ BỐI CẢNH SÀI GÒN TRONG PHIM 'THE SYMPATHIZER' ĐANG QUAY TẠI THÁI LAN (Đỗ Duy Ngọc, Facebook)

 



Nhận xét sơ lược về bối cảnh Sài Gòn trong phim ‘The Sympathizer’ đang quay tại Thái Lan

Đàn Chim Việt

22/04/2023

https://www.danchimviet.info/nhan-xet-so-luoc-ve-boi-canh-sai-gon-trong-phim-the-sympathizer-dang-quay-tai-thai-lan/04/2023/28609/

 

THE SYMPATHIZER, cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn gốc Việt được Hollywood chuyển thể thành loạt phim truyền hình và đang được quay ở Hat Yai, Thái Lan. Đây là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2016. Phim do Park Chan-Wook đạo diễn cùng với sự góp mặt của nam tài tử Robert Downey Jr. Phim có mặt diễn viên Kim Lý cũng là giám đốc sản xuất, ngoài ra còn có sự tham gia của nữ diễn viên Châu Á khác là Sandra Oh.

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/04/342491752_622893115990762_4615570745417398810_n.jpg

Hình cảnh đang quay phim lấy từ Facebook Anh Poly do người Thái chụp.

 

Tiểu thuyết có nhiều phân đoạn lấy bối cảnh ở Sài Gòn trước năm 1975. Nhân vật chính là điệp viên hai mang cộng sản di tản sang Los Angeles, có nhiệm vụ theo dõi nhóm người miền Nam Việt Nam. Do đó khi dựng thành phim phải dựng lại bối cảnh Sài Gòn trước năm 1975 và những ngày cuối tháng 4.75 ở thành phố này.

.

Rất tiếc, những người làm phim không chọn Việt Nam để lấy cảnh thật mà phải dựng cảnh ở Thái Lan. Có thể vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì lý do chính trị bởi nội dung của cuốn tiểu thuyết và nhà nước ta lắm thủ tục nhiêu khê khi các đoàn làm phim muốn lấy Việt Nam làm bối cảnh. Do vậy, những cảnh được dựng lại trong phim không thể hiện được Sài Gòn như nó đã có.

.

Bối cảnh mắc nhiều sai sót từ đường phố, bảng hiệu cho đến không khí của Sài Gòn trong thời điểm đó. Trong những tấm ảnh chụp khi đoàn làm phim đang thực hiện ở Hat Yai, Thái Lan, người ta tìm thấy rất nhiều lỗi trong bối cảnh. Đường Tự Do, một con đường sang trọng và đẹp đẽ ở Sài Gòn được tái hiện nhếch nhác. Chưa bao giờ đường Tự Do lại có những bao cát chống đạn sắp xếp ở trên đường sát lề như trong ảnh. Và bảng chỉ hướng các con đường Phạm Ngũ Lão, Gia Long và Nguyễn Phi Khanh lại cùng một hướng là không đúng sự thật. Cách treo bảng hiệu cũng trật lất và lại có bảng ghi bán Vật tư ảnh, cái từ vật tư này chỉ xuất hiện ở bảng hiệu ở miền Nam sau 1975, trước đó không hề có từ này trên các bảng hiệu.

.

Trong ngày 30.4.1975, nhiều đường phố Sài Gòn nhất là ở Tân Bình, Phú Nhuận có nhiều quân phục và vũ khí của quân đội Việt Nam Cộng Hoà bỏ lại trên đường phố nhưng không có lèo tèo và sắp xếp ngăn nắp một cách giả tạo như trong ảnh. Lúc đó là một đống hỗn độn kéo dài suốt một đoạn đường. Một quán cơm cũng được dựng trong phim, với bố trí và khung cảnh của quán, không thể gọi là quán cơm bình dân. Thức uống trong quán cũng chỉ thấy mấy chồng két nước ngọt Coke, trong khi đó Sài Gòn thường uống bia con cọp hoặc bia 33, nước ngọt thường là xá xị, loại rất phổ biến tại miền Nam Việt Nam do hãng BGI sản xuất, chứa trong chai thủy tinh, nhãn hiệu có hình con cọp nên còn gọi là “xá xị con cọp”. Hoặc là “xá xị con nai” của hãng Phương Toàn. Hồi đấy ít ai uống Coca Cola. Những năm 70, nữ sinh đi học thường không mặc áo dài có tà áo dài đến gót như trong ảnh mà chỉ mặc áo dài ngắn tà, đó là mode của các cô nữ sinh hồi ấy. Họ cũng không còn đội nón như thập niên 60 nữa mà đội mũ hoặc để đầu trần, tóc cũng để dài nhưng không là tất cả, có cô tóc tém, có cô để demi garçon, có người uốn tóc bum bê và rất ít người đi xe đạp vì thời điểm đó xe gắn máy 50cc của Nhật tràn ngập đường phố. Ngay chiếc xe taxi cũng không phải là chiếc taxi của Sài Gòn. Cái bảng ghi thức ăn trong quán ăn cũng không phải ngôn ngữ của Sài Gòn.

.

Trên đây chỉ là nhận xét vài nét sơ sài về bối cảnh phim thông qua những hình chụp, phim chưa hoàn tất nên cũng không dám có ý kiến chi nhiều, chỉ dám có vài ý nhỏ. Tiếc cho đoàn làm phim không có người cố vấn về bối cảnh có kiến thức về Sài Gòn để phim có không khí của Sài Gòn một thuở.

.

23.4.2023

Do Duy Ngoc (Facebook)





No comments: