Nhân
tài, nhân tai và đâu mới là chính phạm?
23/04/2023
https://www.voatiengviet.com/a/nhan-tai-nhan-tai-va-dau-moi-la-chinh-pham-/7062627.html
Rõ ràng ông Tuấn không oan khi để doanh nghiệp lũng
đoạn khiến chi phí khám bệnh – chữa bệnh bị đẩy lên, vượt khỏi tầm với của nhiều
người nhưng chắc chắn ông không phải là chính phạm.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-8164-08db3f4a5fc0_w1023_r1_s.jpg
Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ra tòa hôm
17/4/2023.
Chuyện ông Nguyễn Quang Tuấn - Bác sĩ, Giáo
sư, Tiến sĩ y khoa, Đại biểu Quốc hội – bị truy tố và vừa bị tòa án phạt ba năm
tù vì “vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (1)
đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Việt ngữ tuần
này...
Trong khi nhiều người xem ông Tuấn như một “nhân
tài”, bày tỏ sự thương cảm vì ông vướng vòng lao lý do... “cơ chế”
thì nhiều người khác không tán thành và xem ông như một loại “nhân tai”.
Phan Châu
Thành cho rằng: Cái gì sai thì đổ
cho “cơ chế”, khi nâng giá lên gấp đôi, lấy đi cơ hội chữa trị của bao
nhiêu người nghèo thì cũng là “cơ chế” chăng? Có bao nhiêu người
trong chúng ta nghĩ rằng thứ “cơ chế” ấy từ đâu ra? Từ chính những con người
mà ai trong chúng ta cũng góp phần tạo ra chứ từ đâu! Không ai bắt được bản
thân chúng ta xuống vũng bùn, nếu cá nhân không tham lam, không độc ác. Do đó nếu
mỗi người chúng ta không tự nhìn nhận vấn đề, tự hạn chế sự tham lam, độc ác của
bản thân thì ai sẽ làm? Đức độ là cái gốc của con người, không phải tài năng.
Người không có gốc thì tài năng đến đâu cũng không đem được giá trị gì tử tế,
mà không có sự tử tế, cứu một mạng người nhưng lại giết hàng chục người thì giải
quyết vấn đề gì? Hay người nghèo khổ không phải là người? Thế thì làm gì
còn “nhân tính”? Vấn đề ở chỗ đó (2).
Tương tự, Chu
Mộng Long nhấn mạnh: Thật ngây ngô khi có nhiều
trí thức tỏ ra tiếc nuối cho tài năng Nguyễn Quang Tuấn bị sa lưới pháp luật. Một
tài năng được đi du học ở nước ngoài, được đánh giá như là... nếu không có ông
ta, nhiều người sẽ chết vì tim mạch! Nhiều người còn chiêu tuyết cho tài năng,
rằng thì là, làm quan trong “cơ chế” này ai cũng phải tham nhũng. “Cơ chế” mà họ
nói không chỉ là “cơ chế” chung mà cụ thể ở đây là “cơ chế” thầu trang thiết bị
y tế. Bề ngoài những lời tiếc nuối, những lập luận chiêu tuyết tưởng có lý,
nhưng cảm tính đến vô lý.
Ông Long chất vấn: Đi du học thì sao? Kim Jong Un chẳng phải du học ở
nước dân chủ để trở về Triều Tiên thành nhà độc tài? Vô số con ông cháu cha đi
du học về làm gì ngoài kế thừa bố mẹ chúng, không làm quan thì cũng làm đại gia
bằng cách phá nát đất nước này? Theo tôi, với thành phần đó, bất tài thì tham
lam trắng trợn, nếu có tài năng thì thành lưu manh và tham lam trá hình với
nhãn hiệu nhân văn, nhân đạo. Đằng nào cũng phá hoại hơn là có ích!.. Nhớ một lần,
ngồi nói chuyện với thầy cũ của tôi. Tôi khoe ông bạn đồng môn đã lên sếp và
khen anh ta hiền. Cũng là học trò của thầy nhưng thầy cười rất mỉa mai: “Nó đã
leo lên đến đó thì nó không hiền đâu em!” Có nghĩa là những người này đã tham từ
gốc bằng con đường chạy quan chứ không phải do làm quan mới tham. Người ta đã
tham ngay từ khi chưa làm quan chứ không phải làm quan rồi mới tham. Tôi không
tin có cái gọi là “tha hóa quyền lực”... Tóm lại, phải như thế nào mới được cất
nhắc, bổ nhiệm. “Như thế nào” ấy không thể là phẩm chất đạo đức tốt và tài
năng xuất chúng. Với tôi, quan nào vào lò cũng đều đáng ghét. Không thương
tiếc được! Tài năng như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát,... mắc tội chống triều đình
thối nát phải gặp họa tru di thì mới đáng chiêu tuyết, chứ đủ bằng chứng tham
lam vô độ thì có oan đâu mà chiêu tuyết (3)?
***
Cũng có người trong ngành – một bác sĩ - sau
khi phản bác những điều mà facebooker này cho là ngộ nhận về ông Nguyễn Quang
Tuấn (ông Tuấn là bác sĩ giỏi nhưng không phải là thượng thặng, không phải là bị
bắt làm quản lý mà phấn đấu để làm quản lý, trong quản lý đã làm được một số
chuyện cần ghi nhận – ví dụ sắp đặt lại hoạt động để nhân viên y tế không phải
nhận phong bì của bệnh nhân nên không ít người ghét), Quan Thế Dân dẫn
lại một nhận định đã từng nêu ra trên VnExpress: Dù muốn dù không, vận
hành bệnh viện phải theo các quy luật kinh tế. Phải hòa vốn để tồn tại. Phải có
lãi để tăng trưởng. Giá khám chữa bệnh hiện nay ở bệnh viện được thừa nhận là
chưa bao gồm đủ các chi phí. Vậy tại sao hệ thống y tế không sụp đổ. Vì nó đang
gắng gượng trụ được bằng các nguồn lực khác như sau: Một là nguồn kinh phí của
nhà nước cấp để chi lương, chi đầu tư, hỗ trợ thuế... Thứ hai là chi phí mà người
bệnh phải trả, mà phần ngầm có khi chiếm đến 50% tổng chi phí khám chữa bệnh, gồm
tiền trả thêm cho các dịch vụ, tiền mua thuốc ngoài... Nguồn lực thứ ba là tệ nạn
tham nhũng. Chính tham nhũng là một cách giải quyết tự phát những bất hợp lý của
vận hành bệnh viện. Tôi không ủng hộ lấy một cái sai này để giải quyết một cái
sai khác, nhưng hiện tượng tham nhũng diện rộng trong ngành y đang phản ánh một
vấn đề có tính quy luật. Như vậy, nếu cắt đi một trong ba nguồn lực trên thì y
tế hiện nay sẽ sụp đổ (4)...
Thanh Hằng – một nhà báo có nhiều năm đeo bám mảng y tế - kể thêm một số chuyện
nhân sự kiện ông Tuấn bị đưa ra xét xử và có lẽ những chuyện này sẽ giúp hình
dung dễ hơn về bối cảnh: Giữa năm ngoái, khi các bệnh viện đều rơi
vào tình cảnh thiếu thuốc, Giám đốc một bệnh viện tâm sự với chúng
tôi - Thực ra năm nào cũng thiếu thuốc và vật tư vì không ai dự tính được
có bao nhiêu người ốm vì bệnh này, vì bệnh kia, trong tháng này, trong tháng
kia, để có thể mua thuốc và vật tư tiêu hao cho phù hợp. Nếu mua nhiều mà không
có bệnh nhân thì lại đền ốm. Còn mua ít thì thiếu, lại khổ bệnh nhân, bệnh viện
cũng không hoạt động được. Dân lại kêu như vạc như vừa qua. Vì thế, bệnh viện
phải tìm cách xoay xở. Hầu như các bệnh viện đều phải vay của các
doanh nghiệp để dùng cho bệnh nhân. Vì có phải muốn mua là mua được ngay
đâu, do quy trình đấu thầu rất lâu, có khi nửa năm với chập chùng quy định. Vay
của doanh nghiệp rồi thì phải trả. Nhưng trả bằng cách nào? Chỉ còn cách tạo
điều kiện cho họ trúng thầu để xoá nợ, chứ không thì lấy gì trả? Cũng phải chỗ
thân quen mới được doanh nghiệp cho vay trước. Toàn tiền tỷ với trăm tỷ.
Riêng tính lãi một năm đã đủ ốm. Mà tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã cho
vay trúng thầu thì bệnh viện sẽ rơi vào “cài thầu” và vi phạm pháp luật.
Tôi nghĩ, Bệnh viện của anh Tuấn “Tim” cũng na
ná. Khi thiếu thuốc, vật tư y tế thì vay mượn, rồi tạo điều kiện cho
doanh nghiệp để trả nợ. Do đó, chỗ này, luật sư của anh Tuấn nói chính
xác: “Năm 2017, công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện Tim Hà Nội gặp
khó khăn vì vật tư, hóa chất đã hết, trong khi kết quả đấu thầu tập trung của
UBND Hà Nội chưa có. Trước tình hình khẩn cấp, Liên ngành Sở Y tế - Tài
chính cũng báo cáo UBND Hà Nội với tinh thần không được để xảy ra tình trạng
thiếu vật tư, hóa chất chữa bệnh cho nhân dân, nên đề nghị thành phố cho
phép các bệnh viện trên được mua sắm vật tư, hóa chất theo hình thức chỉ định
thầu khẩn cấp, sau đó đã được UBND Hà Nội ra quyết định chấp thuận. Bệnh viện
xin được mua sắm khẩn cấp theo hình thức chỉ định thầu rút gọn là cấp thiết, là
có thật, không phải lý do để hợp thức việc thanh toán vật tư, hóa chất đã mượn
trước. Về hưởng lợi thì anh Tuấn “Tim” được tặng quà là 10.000 USD, hộp xì gà,
chai rượu, không phải là thỏa thuận ăn chia”.
Về giá cả thì không chỉ Bệnh viện Tim Hà Nội mà
các bệnh viện khác như Bạch Mai trước đây cũng thế, không thể biết được
giá nhập khẩu ở hải quan để biết là giá cao hay thấp, chưa kể, vật tư, thiết bị
y tế rất đặc thù và chuyên dụng, nên cùng sản phẩm nhưng ở các nước khác nhau,
chất lượng cũng khác nhau. Không thể cứ đồ rẻ là mua để dùng được. Ví dụ điển
hình nhất mà báo chí đã đăng là dùng dao mổ rẻ, cứa ba lần mới rách da, trong
khi dao xịn thì chỉ một lần là được. Nhận thức này ai cũng biết. Đến chính người
nghèo khi đi bệnh viện cũng không muốn/dám dùng đồ rẻ để chữa bệnh, nên
thường đề nghị bác sĩ dùng thuốc tốt để mau khỏi bệnh, chứ chả ai bảo bác sĩ
dùng thuốc rẻ tiền hay đồ rẻ tiền cho mình! Một bác sĩ đầu ngành nói với
tôi: Em cứ ra hiệu thuốc tư nhân sẽ thấy: Thuốc nội giá chỉ bằng 1/2 thuốc biệt
dược cùng loại và hiệu quả điều trị thế nào chỉ bác sĩ chuyên khoa đó mới hiểu.
Trong khi hiệu quả điều trị thấp không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế (vì dùng kéo
dài, nằm viện lâu, bao chi phí kèm theo) mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người
bệnh. Vậy mà để cho những người không chuyên môn phán xét đắt rẻ và hiệu quả điều
trị thì thật là …
Còn sai phạm trong đấu thầu thì Bệnh viện Tim
Hà Nội cũng chỉ là một trong nhiều bệnh viện khác giữa “ma trận” văn bản
pháp quy về lĩnh vực đấu thầu, có khi vừa chồng chéo vừa mâu thuẫn. Tôi đã có
chùm bài phản ánh những bất cập trong quản lý nhà nước về y tế “Thiếu thuốc,
bác sĩ bỏ việc và vai trò quản lý nhà nước” phản ánh bất cập này, chỉ ra đó là
nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư trong bệnh viện công. Chính vì nhiều
bệnh viện bị “sờ gáy”, nên sau đó, các bệnh viện đã mặc kệ tình trạng
thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, chả vay mượn nữa. Đương nhiên, người
bệnh lãnh đủ. Sau dịch, tiếng “khóc than” của nhiều bệnh viện về những
bất hợp lý của các quy định trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
không chỉ kéo lùi lịch sử ngành y, mà còn có thể đưa nhiều lãnh đạo bệnh viện
vào tù, đã thấu đến tai chính phủ. Thế rồi, đầu tháng 3 vừa qua, chính phủ
liên tiếp ra hai văn bản mang tính sống còn với ngành y tế, là Nghị định số
07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày
8/11/2021 quy định về định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, số lưu hành
trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải
pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã ra Thông tư
06 huỷ bỏ quy định giá trần kế hoạch và vài hôm trước, ra tiếp Thông tư 08 bãi
bỏ Thông tư về đấu thầu trang thiết bị y tế. Tiếc là những người như anh
Tuấn “tim” đã “sinh nhầm thế kỷ”, khi nhiều quy định về đấu thầu thuốc, đấu thầu
thiết bị y tế được bãi bỏ sau khi anh đã bị bắt... Tôi đưa thông tin lên
đây, chỉ muốn chia sẻ một góc nhìn về những người trong ngành y không may phải
ra toà. Họ có sai và cũng có chỗ, như luật sư của anh Tuấn nói, là ở thế “tiến thoái lưỡng nan” (5).
***
Rõ ràng ông Tuấn không oan khi để doanh nghiệp
lũng đoạn khiến chi phí khám bệnh – chữa bệnh bị đẩy lên, vượt khỏi tầm với của
nhiều người nhưng chắc chắn ông không phải là chính phạm. Đối với những người lấy
làm tiếc khi ông Tuấn không làm chuyên môn mà chuyển sang quản lý, Thái Hạo nêu thắc mắc: Nếu
ông Tuấn, một giáo sư đầu ngành, “chỉ làm chuyên môn” nhưng dưới sự điều hành của
một giám đốc vừa tham vừa dốt thì ông có thể thi triển tài năng của mình không?
Hãy nhìn vào “phong trào” rầm rộ bỏ bệnh viện của y – bác sĩ trong thời gian
qua thì hiểu, rằng không ai có thể chỉ hoàn toàn làm chuyên môn trong cái cơ chế
này.
Song cũng theo Thái
Hạo: Nếu ông Tuấn không tham thì đã chẳng
phải tù tội. Nhưng, một cơ chế mà chuyện vi phạm hay không chỉ phụ thuộc vào đạo
đức cá nhân thì không ông Tuấn này cũng là ông Tuấn khác thôi. Hơn hết, nó phá
hủy cả hệ thống mà người gánh tất cả và cuối cùng vẫn là bệnh nhân và người dân
nói chung. 50 tỉ đồng mà ông Tuấn làm “thất thoát” là tiền của chúng mình cả đấy.
Và có ai dám chắc, bỏ tù ông Tuấn rồi thì người kế nhiệm ông sẽ không tiếp tục
tiêu và phá tiền của chúng ta, nếu chống tham nhũng vẫn chỉ là “tìm – diệt” mà
không thay đổi cái gốc? Thái Hạo nhấn mạnh: Ông Tuấn đáng chê trách nhưng cũng đừng quên câu
nói của Chí Phèo: Ai cho tao lương thiện (6)?
Sau đó, Thái
Hạo giải thích thêm: Chí ban đầu vốn
không phải là một thằng nát rượu, Chí hiền như đất, Chí có ước mơ bình dị mà
lương thiện, Chí chăm chỉ làm việc, Chí không phải kẻ lưu manh. Lúc còn trai
tráng, trước sự quyến rũ của bà Ba, Chí chỉ thấy nhục nhã chứ không sung sướng
gì. Nhưng rồi Chí tha hóa, từ một người lương thiện, Chí trở nên lưu manh, rồi
thành quỷ dữ, sau bảy – tám năm bị quyền lực của Bá Kiến (kẻ đại diện cho nền
cai trị) đẩy vào tù.
Ừ thì đấy là nông dân thất học, nhưng còn Hộ, còn Thứ,
cũng của Nam Cao, thì sao? Tất cả đều tha hóa. Một kẻ nhân hậu có tài và có
khát vọng cao đẹp chỉ muốn tạo lập một sự nghiệp để đời, nhưng rồi miếng ăn và
sự tàn nhẫn của xã hội đã đẩy Hộ trượt dài. Hắn đã viết những thứ văn chương nhạt
nhẽo bất lương để kiếm tiền nuôi miệng và cứu vợ con. Rồi từ một người lấy tình
thương làm lẽ sống, hắn trở nên vũ phu, hắn đánh vợ đuổi con, hắn thành một con
thú dữ. Nam Cao cảnh cáo chúng ta cách đây gần một thế kỷ về sự hủy hoại
con người bởi một chế độ/xã hội bất công và vô luân. Và Chí Phèo trở thành cái
loa phát ngôn cho ông.
Những người có đầu óc lành mạnh đều hiểu được cái
chân lý ấy. Hãy đọc Nguyễn Huy Thiệp những năm 1980 thì rõ thêm, sự tha hóa đã
ăn vào tận sâu vào bọn tiến sĩ và tầng lớp có học nói chung. Trong Tướng về
hưu, một cô vợ bác sĩ khoa sản mang thai nhi về nuôi chó becgie kinh doanh trước
mặt một ông chồng ươn hèn là nhà vật lý nổi tiếng. Trong cái thế giới “không có
vua” ấy, người ta chỉ thấy một bầy người gồm đủ cả đồ tể đến trí thức, nhưng sống
như súc vật, “Ai đồng ý bố chết thì giơ tay”.
Hãy nhìn vào lịch sử Việt Nam suốt gần một thế kỷ
qua. Những Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường có phải là những trí tuệ sáng chói
của dân tộc ta? Những Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm..., có phải
là những tài năng lớn của dân tộc ta? Một Nhân văn - Giai phẩm đủ giết chết cả
một thế hệ tài hoa và khí phách bậc nhất. Ai đã đánh họ? Chính những cây bút lừng
lẫy như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi,... đã hạ thủ dưới sự chỉ đạo của bề
trên. Cả hai thế hệ ưu tú ấy đã bị hủy hoại theo những cách không giống nhau, một
là con mồi và một là đồ tể.
Hãy nhìn rộng ra, ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới mà
chuyên chế/độc tài ngự trị, ở đó lụi bại, đặc biệt là nhân tính. Sự lụi bại
không chỉ thô thiển như việc tham nhũng, nó có muôn ngàn lối khác nhau: Hoặc là
trở nên lưu manh tha hóa, hoặc là trở nên độc ác tàn nhẫn, hoặc là hèn đi, hoặc
vô cảm, zombie... Xã hội cũng giống như một bàn cờ, ở đó giá trị của mỗi cá
nhân luôn phụ thuộc vào cái cấu trúc (thế cờ) của cả bàn cờ ấy. Việc dịch chuyển
bất kỳ một quân cờ nào cũng sẽ lập tức làm thay đổi giá trị của tất cả. Một thế
cờ tốt nhất chính là một thiết chế xã hội mà tất cả những quân cờ đều phát huy
được ý nghĩa và sức mạnh của mình. Trong hiểu biết cơ bản này, không kẻ ngu ngốc
nào lại cố đi tìm cách thay một quân cờ gỗ bằng một quân cờ kim cương để hi vọng
rằng mình sẽ chiến thắng trong cuộc đấu.
Tại sao nhân tài đổ về nước Mỹ còn chất
xám thì chảy khỏi Việt Nam? Tại sao chúng ta không có phát minh sáng chế, tại
sao chúng ta không có thành tựu khoa học kỹ thuật, tại sao chúng ta nghèo nàn lạc
hậu, tại sao và tại sao? Ta hay nhắc câu của Tản Đà, “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ
con”, là vì sao? Con người ở đâu trên thế giới thì cũng cơ bản giống nhau,
không có chủng tộc nào ưu việt; những đất nước có một dân chúng khỏe khoắn, văn
minh, trí tuệ và trưởng thành là bởi họ được sống trong các thiết chế tiến bộ.
Cũng là một dân tộc đấy, tại sao Hàn Quốc và Triều Tiên lại khác nhau đến thế,
cả về mọi mặt của xã hội đến phẩm chất con người?
Bất cứ kẻ nào cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi
của mình, tất nhiên, điều ấy chẳng cần phí thời gian bàn cãi làm gì. Nhưng nếu
chỉ dừng lại ở đó và yên tâm rằng, bỏ tù hay rao giảng đạo đức là đủ thì bao
nhiêu cuộc cách mạng mà nhân loại đã đổ máu, tù đày, thống khổ, là vì cái gì?
Các nước dân chủ Anh, Pháp, Mỹ,... đâu phải từ trên trời rơi xuống, đó là thành
quả của những cuộc cách mạng gian nan và trường kỳ. Không ai biện minh cho Chí
Phèo cả, Chí Phèo đáng chết. Nhưng Bá Kiến còn đáng chết hơn. Và quan trọng là
điều này: Nếu không có Bá Kiến thì rất có thể sẽ không có Chí Phèo; nhưng một
khi đã có Bá Kiến thì chắc chắn Chí Phèo được sinh ra, không chỗ này thì chỗ
khác, không kẻ này thì kẻ kia. Không gì có thể bào chữa cho Hộ cả, nhưng nếu
không muốn có hàng triệu anh Hộ trong cuộc đời thì hãy thay đổi cái bàn cờ nơi
Hộ chỉ là một quân cờ. Việc mang anh ta ra giáo huấn hay đấu tố, được thôi,
nhưng chẳng có ý nghĩa gì hết cho những thằng Hộ khác trong hiện tại và cả
tương lai. Con người là một sản phẩm của hoàn cảnh, “ở bầu thì tròn ở ống
thì dài”, đó là chân lý. Thức ngộ cái chân lý ấy để làm gì? Không phải để buông
xuôi, cũng không phải để đi sửa từng trái trái dưa, mà là thay/phá cái khuôn.
Không lựa bầu hay ống nữa, phải để mỗi loài cây trái được phát triển tự nhiên trong
một môi trường rộng lớn, khoáng đạt và tự do để chúng phát huy hết vẻ đẹp và sự
hữu ích của mình.
Việc phê phán mỗi cá nhân hay phê phán dân chúng nói
chung chỉ có ý nghĩa chừng nào sự phê phán ấy nhằm đánh thức nơi mỗi người cái
ý thức cải tạo môi trường, cải tạo xã hội. Phan Châu Trinh đã dành cả đời để
làm công việc này. Ông không “chửi dân” một cách chung chung như chửi những những
kẻ xấu xa tồi tệ, ông chỉ ra cho họ thấy rằng, họ tệ như vậy là vì xã hội, và
muốn thay đổi cái xã hội ấy thì họ phải trở thành những công dân mang ý thức
công lợi để rồi cùng nhau thiết lập một thế cờ mới. Chỉ có như thế, đời họ, đời
con cháu họ mới được sống trong lẽ công bằng, tự do và tốt lành.
Nếu Phan Châu Trinh chỉ hô hào bỏ tù những kẻ làm
sai hay thuyết giáo “độc thiện kỳ thân” thì ông đã chẳng đáng được hậu thế nhắc
đến. Cái vĩ đại của ông là ở chỗ, không ngừng phê phán dân tộc mình, nhưng là để
họ gắng gỏi mà đứng dậy tự gánh vác lấy một cuộc đổi thay. Thảm hại thay, ngày
nay hậu duệ của ông đã không mấy ai còn nhớ đến điều ấy nữa, họ vẫn chỉ muốn đập
chết những con ruồi bẩn thỉu chứ không muốn dọn đống rác, vì dọn đống rác thì vất
vả và nguy hiểm, lại không có cơ hội nói đạo lý mà làm sang cho mình (7).
------------
Chú thích
No comments:
Post a Comment