Ngoại giao : Pháp và Liên Âu giúp Trung Quốc củng cố vị
thế
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 08/04/2023 - 10:48
Kỳ vọng
Trung Quốc can thiệp để kết thúc chiến tranh Ukraina : Pháp và châu Âu ra
về tay không. Emmanuel Macron và Ursula von der Leyen củng cố
thêm uy tín của Tập Cận Bình trên bàn cờ ngoại giao quốc tế. Nga phản ứng gay gắt
về việc Phần Lan chính thức gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO
nhưng tránh mở thêm một mặt trận quân sự mới.
Chủ tịch Trung Quốc (giữa) tiếp tổng thống Pháp (trái) và chủ tịch Liên
Hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 06/04/2023 AP - Ludovic Marin
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời chủ tịch
Ủy Ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen cùng đi Trung Quốc từ ngày 5 đến
08/04/2023. Hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Pháp và Liên Âu muốn
thuyết phục Bắc Kinh can thiệp giải quyết chiến tranh Ukraina. Paris đồng thời
cảnh cáo trước mọi ý đồ cung cấp vũ khí cho Nga, bên đem quân đi xâm lược một
quốc gia có chủ quyền.
Tại Bắc Kinh, tổng thống Macron tuyên bố : « Trung
Quốc chính vì có quan hệ chặt chẽ với Nga và điều này đã được khẳng định lại
trong những ngày vừa qua, nên có thể đóng một vai trò quan trọng. Thành thử
không thể bỏ qua đối thoại với Bắc Kinh. Liên Âu không thể để cho một số quốc
gia trên châu lục này, mà ở đây là Nga, độc quyền đối thoại với Trung Quốc (…)
Trực tiếp đề cập đến xung đột (Ukraina), đến cuộc xâm lược do Nga tiến hành, đến
những gì đang xảy ra và hậu quả (…) là cách để thúc đẩy Trung Quốc cùng chia sẻ
trách nhiệm về hòa bình và ổn định ».
.
Ra về tay không ?
Tuy nhiên, theo giới quan
sát, tổng thống Macron đã « ra về tay không » : Tập
Cận Bình vẫn chỉ duy trì « kế hoạch 12 điểm vãn hồi hòa bình » cho
Ukraina với những tuyên bố chung chung. Bắc Kinh tránh lên án Matxcơva.
Hai chuyên gia về Trung Quốc của Pháp, Valérie
Niquet Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược và François Godement, Viện Montaigne cùng cho
rằng việc Bắc Kinh tiếp đón trọng thể tổng thống Pháp và đại diện của Liên Âu lần
này càng tăng thêm uy tín của ông Tập Cận Bình với công luận trong nước và trên
bàn cờ quốc tế. Trước tổng thống Macron và bà Von der Leyen, từ tổng thống Iran
đến nguyên thủ quốc gia Belarus, một chư hầu của Nga, hay ngoại trưởng Nhật Bản,
thủ tướng Đức, Tây Ban Nha… đều đã phải dừng chân tại Bắc Kinh.
Theo Valérie Niquet, « tiếp càng
nhiều lãnh đạo quốc tế càng có lợi cho ông Tập ». Về phần
François Godement, ông lưu ý Trung Quốc luôn nắm bắt cơ hội, khai thác nhược
điểm của đối phương và những rạn nứt trong hàng ngũ các nền dân chủ để thủ lợi.
Có thể ưu tiên của Tập Cận Bình khi tiếp tổng thống Macron và lãnh đạo Liên Âu
là làm thế nào để giữ Paris và Bruxelles không quá gần với Mỹ. Chung cuộc, chủ
tịch Trung Quốc đã tiễn khách ra về với tuyên bố : Hy vọng Kiev và
Matxcơva chóng đàm phán vãn hồi hòa bình !
.
Nga cay cú việc Phần Lan gia nhập NATO
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương kết nạp
thêm một thành viên mới : Phần Lan là quốc gia thứ 31 tham gia NATO.
Helsinki khép lại 30 năm trung lập về mặt quân sự. Cùng xin gia nhập liên minh
Bắc Đại Tây Dương một lượt với Phần Lan, Thụy Điển kém may mắn hơn, do
Stockhlom bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary gây khó dễ.
Trong buổi lễ kết nạp thêm thành viên mới ngày
04/04/2023 tại trụ sở NATO, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gián tiếp đả kích
Nga « điều duy nhất mà quốc tế có thể cảm ơn Vladimir Putin » là
với quyết định xâm chiếm Ukraina, NATO « đoàn kết hơn bao giờ hết » và
được mở rộng đến sát biên giới Nga.
Matxcơva đương nhiên đã tố cáo phương Tây đe dọa
trực tiếp « an ninh của nước Nga » do Phần Lan có đường
biên giới chung 1.300 km với Liên Bang Nga. Bộ trưởng Quốc Phòng Serguei
Choigou từng dọa sẽ có những « biện pháp đáp trả », như
là trang bị cho không quân Belarus đầu đạn hạt nhân. Riêng phát ngôn viên của
điện Kremlin, Dmitri Peskov có những tuyên bố vừa cứng rắn nhưng cũng đề phòng căng
thẳng leo thang. Dmitri Peskov giải thích trong cuộc họp báo hôm 04/04/2023 hai
trường hợp của Ukraina và Phần Lan khác nhau ở những điểm nào :
« Tình hình lại thêm nghiêm trọng. Mở rộng khối
NATO xâm phạm đến an ninh và lợi ích quốc gia của Liên Bang Nga. Matxcơva do vậy
sẽ bắt buộc phải có những biện pháp trả đũa về mặt chiến thuật và chiến lược vì
an ninh của chính mình.
Tình hình đối với Phần Lan, về cơ bản hoàn toàn khác
so với tại Ukraina. Phần Lan chưa bao giờ có lập trường chống lại nước Nga
và Nga cũng không có tranh chấp với Phần Lan. Trong trường hợp của
Ukraina, tình thế hoàn toàn trái ngược hẳn và đây là một mối nguy hiểm tiềm
tàng. Đó chính là lý do thúc đẩy Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt và vì sao
Nga cần phải đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương kết nạp
thêm thành viên mới chỉ có thể làm xấu quan hệ song phương giữa thành viên này
với nước Nga, bởi NATO là một tổ chức không thân thiện và thù nghịch với Nga vì
nhiều lẽ. Nhưng tôi xin nhắc lại Ukraina và Phần Lan là hai trường hợp rất khác
nhau, không thể so sánh hai quốc gia này được ».
.
Mỹ : Đảng Cộng Hòa, trăm người như một sau
lưng Trump
Nhìn sang Hoa Kỳ, sự kiện đáng chú ý nhất là vụ
cựu tổng thống Donald Trump phải trình diện tòa án Manhattan - New York, sau
khi ông chính thức bị truy tố hình sự với một bản cáo trạng gồm 34 tội danh.
Trong đó có « cáo buộc đã giả mạo giấy tờ kế toán » khi
chi trả tiền để ém nhẹm 3 vụ việc có thể gây khó khăn cho ông trước cuộc bầu cử
tháng 11/2016.
Trả lời đài RFI, nhà sử học chuyên nghiên cứu
về lịch sử Hoa Kỳ Corentin Sellin ghi nhận vụ án này trước mắt có lợi cho
Donald Trump do đã dập tắt mọi tiếng nói chỉ trích ông trong nội bộ đảng Cộng
Hòa :
«Trước mắt và trong ngắn hạn thì điều này rõ ràng là
có lợi cho Donald Trump. Chúng ta thấy là từ hôm 31/03/2023 với thông báo ông bị
truy tố hình sự, tất cả đảng Cộng Hòa đứng về phía ông, kể cả những người đang
chờ đợi để thay thế Trump. Ở mọi cấp và ngay cả những tiếng nói có uy tín nhất
như là thống đốc bang Florida, Ron DeSantis, tất cả mọi người đồng thanh bênh vực
Donald Trump trước lệnh truy tố mà họ coi là mang nặng màu sắc chính trị hơn là
về mặt pháp lý. Mọi người ủng hộ Trump vì muốn tránh bị mang tiếng không là một
đảng viên Cộng Hòa chân chính. Họ bắt buộc phải làm như vậy bởi vì tất cả cử
tri ủng hộ đảng này đều cho rằng Donald Trump đang bị áp bức vì lý do chính trị ».
.
Người Ý, nói tiếng Ý
Tại Roma, trong tuần, phó chủ tịch Hạ Viện Ý
Fabio Rampelli, đảng cực hữu Fratelli Italia đề xuất một dự luật cấm « pha
trộn » tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, trong các cơ quan
hành chính và trường học. Mục đích nhằm bảo vệ bản sắc của ngôn ngữ Ý. Hiềm nỗi,
lãnh đạo số 1 của đảng, đương kim thủ tướng Giorgia Meloni thường xuyên sử dụng
khẩu hiệu « Made In Italy » để khuyến khích người Ý dùng
hàng Ý.
Thông tín viên Anne Le Nir từ Roma giải thích
thêm về cuộc tranh luận đang sôi nổi ngay trong hàng ngũ đảng Fratelli Italia cầm
quyền và trên chính trường Ý :
« Dân biểu Fabio Rampelli chủ yếu nhắm tới các
cơ quan hành chính, các định chế và doanh nghiệp nhà nước và các hãng tư nhân.
Ông muốn ngừng sử dụng những từ ngữ trong tiếng Anh tại những nơi này để bảo vệ
ngôn ngữ của Dante, tức là tiếng Ý.
Dự luật Rampelli đề xuất ghi rõ là tại các trường công,
thầy cô giáo phải giảng bài bằng tiếng Ý, ngoại trừ một số lớp dành riêng cho học
sinh học tiếng nước ngoài. Thêm vào đó dân biểu này cũng chủ trương là trong tất
cả hội nghị và hoạt động quốc tế mở cửa cho công chúng vào tham gia, ban tổ chức
phải bảo đảm khâu dịch đuổi từ bất cứ ngôn ngữ nào sang tiếng Ý. Mọi vi phạm sẽ
bị phạt từ 5.000 đến 100.000 euro. Đảng đối lập cánh trung tả cho rằng số tiền
phạt lớn, như vậy lại càng khiến dự luật mà dân biểu Fabio Rampelli đề xuất
thêm lố bịch.
Riêng Academia Della Crusca, trường dậy sinh ngữ lâu
đời nhất trên thế giới thì đánh giá những các biện pháp trừng phạt sẽ vô ích và
trường dạy sinh ngữ này cho rằng rất dễ để tránh lạm dụng những cụm từ ngớ ngẩn
như là Green Economy khi muốn nói về các hoạt động kinh tế tôn trọng môi trường.
Chính quyền của thủ tướng Meloni thường xuyên sử dụng
cụm từ Made in Italy khi cần khuyến khích người Ý nên dùng những sản phẩm sản
xuất tại Ý ».
.
Pháp tăng điểm trong mắt du học sinh Trung Quốc
Quay trở lại Bắc Kinh : Căng thẳng Mỹ-Trung
làm thay đổi kế hoạch sang Hoa Kỳ du học của nhiều sinh viên Trung Quốc, phải
chăng nhờ vậy mà các trường đại học, trường thương mại và kỹ sư của Pháp có sức
thu hút cao hơn thường lệ ? Trước ngày tổng thống Pháp Emmanuel Macron
công du Trung Quốc, chương trình Campus France tổ chức hội chợ ở Bắc Kinh thu
hút chú ý sinh viên Trung Quốc.
Thông tín
viên Stéphane Lagarde gửi về phóng sự ngắn :
« "Đây là cái mũ bê-rê hả ? -Vâng đúng như
vậy". Một tình nguyện viên tại Campus France Bắc Kinh trả lời. Những chiếc
mũ bê-rê ba bàu xanh trắng đỏ bên cạnh tháp Eiffel, bánh mì và bánh croissant
(bánh sừng bò) do các nhà tài trợ mang đến và được trưng bày ở 38 gian triển
lãm để giới thiệu các trường Đại Học và các trường lớn của Pháp. Sinh viên đôi
khi đi cùng với phụ huynh đến tham quan.
Valentine Eurin điều phối chương trình Campus
Pháp-Trung Quốc cho biết : "Năm nay, các trường thương mại, trường kỹ
sư và trường dậy tiếng Pháp cho người nước ngoài, cũng như một số trường trong
các lĩnh vực nghệ thuật, đào tạo nhân viên phục vụ nhà hàng và khách sạn… tham
dự. Sinh hoạt này đã hoàn toàn được khởi động lại từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các
biện pháp triệt để chống Covid. Số lượng khách tham quan đông hơn nhiều so với
trước khủng hoảng y tế. Trước năm 2020, chúng tôi có khoảng chừng 3 cho đến 4
trăm trường tham dự, giờ đây tổng cộng có hơn 100 trường".
Từ lâu nay mới lại thấy số lượng người lui tới đông
như vây. Trên những tấm biển áp phích có ghi khẩu hiệu "hẹn gặp nhau trên
đất Pháp". Trong lúc các sinh viên xếp hàng đợi được tiếp, mọi người được
tặng quà và được mời tham gia 1 trò chơi, trả lời các câu hỏi. Roland
Dolais trong ban tổ chức chào hỏi sinh viên : "Bạn có 2 phút để trả lời
6 câu hỏi về thể thao, văn hóa, địa lý của Pháp nhé" : Tiền Pháp là franc hay
euro ? Biệt hiệu của ca sĩ Edith Piaf là Cô Gái Tóc Vàng, là Cô Bé Con,
hay Hoa Hồng ?
Roland ghi nhận sinh viên Trung Quốc thực sự hăng
hái, vào Chủ Nhật mà họ cũng cố gắng đến dự hội chợ, tìm kiếm thông tin về những
chuyên môn khác nhau được giảng dậy tại các trường Pháp sau tú tài. (…) Sang
Pháp du học : học sinh xếp hàng dài trước các trường lớn.
Lưu Hoa Ngân, đại diện cho trường Khoa Học Chính Trị
Paris giải thích căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung khiến sinh viên Trung Quốc
quan tâm nhiều hơn đến các trường đại học của châu Âu. Sau Thượng Hải, Thành
Đô, Bắc Kinh, tổng thống Macron sẽ dừng chân ở Quảng Đông. Đây là những chặng
mà 51 trường của Pháp tham gia chương trình Hội trợ mùa xuân của Campus
Pháp-Trung Quốc. Cuối tuần tới, hội chợ sẽ được tổ chức tại Đại Liên ở miền bắc
và Vũ Hán ở miền trung. Một sinh viên nói : hình ảnh của nước Pháp lúc này
là các cuộc biểu tình ».
No comments:
Post a Comment