Môn
Văn trong nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa
Môn Văn “nát”, có phải vì đã đổi tên
thành Ngữ văn?
Trong bài “Trả lại môn văn cho nhà trường phổ thông”, tác giả
Phạm Đình Trọng nêu quan điểm rằng “Phải học Ngữ Văn, không được học môn Văn,
thế giới tâm hồn mãi mãi khép kín”. Vì theo ông, “Văn và Ngữ Văn hoàn toàn khác
nhau, ở hai thang bậc, hai tầng nấc khác nhau. Văn là nghệ thuật. Ngữ Văn là
khoa học”. Và vì thế mà “Môn học cơ bản mở ra thế giới tâm hồn, làm giầu có,
sáng đẹp tâm hồn phải có tên gọi là Văn và chỉ tên Văn mà thôi”. Cũng theo tác
giả, vì “Không được học môn Văn [mà phải học ngữ văn] nên “những lớp người trẻ
bước vào đời xài điện thoại thông minh vẫn chỉ là hạng nửa người nửa thú”. Quan
điểm này của tác giả Phạm Đình Trọng nhận được nhiều sự đồng tình của của đông
đảo bạn đọc.
Tôi rất ngại bình luận, trước mắt chỉ xin điểm
qua tên gọi của môn học này trong một chương trình mà nhiều người vẫn lấy làm mẫu
mực: môn Quốc văn trong nền giáo dục VNCH.
Trong nền giáo dục ấy, ở cấp Tiểu học môn này
có tên là Việt ngữ (dạy: Ngữ vựng, Tập đọc, Học thuộc lòng, Chính tả, Văn phạm,
Tập viết, Tập làm văn). Việt ngữ của VNCH và Tiếng Việt bây giờ là cùng một
nghĩa.
Lên cấp Trung học (Đệ nhất và Đệ nhị) thì môn
này có tên Quốc văn. Dạy cái gì? Có phải chỉ dạy “văn” như tác giả Phạm Đình Trọng
quan niệm? “Trong chương trình Trung học cũng như chương trình Trung học tổng hợp,
môn Quốc văn tích hợp giữa 3 phân môn (Giảng văn, Luận văn, và Tiếng Việt) –
Trích sách “Giáo dục phổ thông miền Nam 1954 – 1975”. Diễn giải thêm một chút:
Giảng văn chính là phần đọc và phân tích, cảm nhận, bình luận… về tác phẩm văn
chương; Luận văn chính là Tập làm văn; còn Tiếng Việt vẫn là học về từ ngữ, cú
pháp – văn phạm… Tức, cũng y như bây giờ vậy, chỉ có điều in riêng ra thành 3
cuốn thì nay người ta in chung vào 1.
Nếu nói như tác giả Phảm Đình Trọng thì đáng
ra giáo dục VNCH cũng chỉ nên dạy một phân môn thôi, là Giảng văn, và loại 2
phân môn kia ra. Đáng tiếc, họ đã không làm như thế.
Ở trang 117 của sách đã dẫn trên, nêu rõ: “Trong chương trình môn Quốc văn, phần
chương trình có tính chất phổ thông gồm những môn học giúp học sinh sử dụng được
tiếng mẹ đẻ, thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cần thiết cho học sinh
trong khi đang học hay sau này ra đời. Ngoài ra, chương trình Quốc văn còn giúp
học sinh biết thưởng thức văn chương, phát huy khiếu thẩm mỹ và hiểu biết nền
văn hóa nước mình”. Xin để ý 2 chữ “ngoài
ra”, có nghĩa là nó không phải là mục tiêu chính của môn học, dù không thể thiếu.
Mục tiêu lớn nhất của môn Quốc văn trong nền giáo dục VNCH cũng vẫn là học được
và sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, tức tiếng Việt, cũng tức là “ngữ”.
Cũng xin lưu ý, đây là mục tiêu căn bản của mọi
nền giáo dục. Trên thế giới, cái môn mà hiện nay ta gọi là Ngữ văn, hay tác giả
Phạm Đình Trọng muốn chỉ gọi là Văn thôi, dù tên là gì thì các nước cũng cơ bản
dùng nó với nghĩa là một môn học tiếng mẹ đẻ. Nhưng tại sao lại luôn gắn với
tác phẩm văn chương? Vì không ở đâu mà tiếng nói dân tộc đạt đến trình độ mẫu mực
như trong các tác phẩm hay. Ở đây, tác phẩm văn chương là một phương tiện dạy
tiếng, bên cạnh những giá trị khác.
Còn văn chương thuần túy (nếu thật sự có cái gọi
là “thuần túy”, tách khỏi tiếng nói ấy), thì đó là một chuyện thuộc về thị hiếu
và năng khiếu thẩm mỹ, cũng như âm nhạc, hội họa, điêu khắc… Cái đó không thể
ép tất cả phải học đồng đều như nhau. Nhưng tiếng nói dân tộc thì khác, nó đòi
hỏi phải được dạy cho mọi học sinh để các em biết sử dụng và sử dụng hiệu quả
ngôn ngữ của dân tộc mình. Đây là mục tiêu cơ bản nhất của “môn Văn”, những mục
tiêu khác chỉ là kết hợp, bổ sung, “đi kèm”, và thực hiện theo hướng giáo dục
cá thể hóa theo thời gian.
Tóm lại, tên gọi Ngữ văn không có gì sai, cũng
không có gì mới cả, nó xưa như môn…Quốc văn vậy. Lại thêm nữa, sở dĩ “môn Văn”
luôn dạy cả “ngữ” là bởi không có văn nào có thể nằm ngoài ngữ. Không rành ngữ,
không thạo ngữ thì không cách gì có thể cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn
chương. Cho nên mới có chuyện tại sao phải học tiếng Việt trước khi học văn, và
khi học văn rồi thì phải luôn song hành với việc học tiếng Việt. Mọi nền giáo dục
khác đều thế cả. Học Truyện Kiều chẳng phải là học một tuyệt tác tiếng Việt đó
sao?
Đồng ý rằng môn Văn trong nhà trường hiện nay
cơ bản là hỏng. Nhưng vấn đề của nó không phải nằm ở việc đã thay đã đổi tên gọi
từ Văn thành Ngữ văn. Có chỉ ra đúng nguyên nhân thì mới chữa trị được, bằng
không lại vẫn tiền mất tật mang.
Như chúng ta đã biết, có
nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm trạng này của môn Văn, mà việc phân tích, mổ xẻ
thì vốn cũng đã quá nhiều. Chỉ xin điểm qua vài lý do quen thuộc, như: bị chính
trị hóa, lối học khoa cử, bệnh thành tích giả dối, lối dạy nhồi nhẹt, quốc nạn
văn mẫu, v.v.. Cũng xin lưu ý, môn Văn không phải là nạn nhân duy nhất trong
nhà trường, tất cả các môn đều chung số phận. Và cũng xin mở ngoặc, không chỉ
giáo dục đang lâm bệnh, mà mọi lĩnh vực khác cũng đều gặp tai nạn không kém phần
thảm khốc.
Bất cứ nền giáo dục nào
cũng thuộc về một khung khổ thể chế chính trị nhất định, giáo dục Việt Nam càng
không ngoại lệ. Cho nên, vấn đề của nền giáo dục nước ta không thể được giải
quyết chỉ trong nội bộ nền giáo dục. Nhất thiết phải có sự thay đổi từ thượng tầng,
thì những sửa chữa bên dưới (nếu có) mới mang lại hiệu quả. Bằng không, mọi cải
cách đều không đi tới đâu cả, ngoài việc chuẩn bị cho đợt cải cách tiếp theo.
.
======================================================
XEM THÊM
MỘT
NỀN GIÁO DỤC THA HÓA TẬN CÙNG
Trần Mạnh Hảo
April 4, 2023
https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/04/tran-manh-hao-mot-nen-giao-duc-tha-hoa.html
Một
chế độ tốt đẹp bao giờ cũng có một nền giáo dục tốt đẹp và ngược lại. Hiện nay,
nền giáo dục của nước ta không hề tốt đẹp, khi đã bỏ hẳn dạy môn Văn, là môn dạy
làm người.
Hầu hết cán bộ trong xã hội Việt Nam hiện nay
từ huyện, tỉnh đến Trung Ương nếu chỉ có đồng lương, dù là lương chủ tịch nước
cũng không thể cho con cái “tị nạn giáo dục” - tức là cho con du học ở các nước
tư bản giàu có như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Nhật, Singapore … được.
Thế mà lạ thay, hầu hết các vị lãnh đạo to nhất từ trung ương xuống tỉnh
huyện đều cho con đi du học bên Mỹ, mua nhà bên Mỹ, hoặc du học bên Anh, bên Đức,
bên Úc…Trong khi vẫn lớn tiếng lên án chủ nghĩa tư bản xấu xa đang giãy chết !
Mặt khác, chưa thấy vị lãnh đạo nào, ông quan to nào ở nước ta cho con du học
sang các thiên đường cộng sản như Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Venezuela
là sao, thưa các vị ?
Chính sự chọn lựa nền giáo dục của các nước tư
bản giàu có cho con sang du học, rồi mua nhà cho con, chuyển dần tài sản sang
các nước tư bản giãy chết của các ông to trong nước như ông cựu bí thư Hà Tĩnh
tên Cự …đã mách bảo chúng ta rằng Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật…có nền giáo dục
tốt đẹp nhất thế giới ! Và nói cho công bằng, xã hội của họ ưu việt hơn xã hội
ta.
Nhìn vào nền nền giáo dục của xã hội ta hôm
nay, trừ các ông to nhất ở cao quá không thấy, ai ai cũng biết nền giáo dục Việt
Nam đã xuống cấp tới mức không còn có thể xấu xa hơn nữa.
Một nền giáo dục bỏ hẳn dạy
môn văn hơn 20 năm nay để dạy một môn NGỮ VĂN đểu, một môn học thuần lý trí :
nghiên cứu quy luật khoa học khách quan của ngôn ngữ văn học. Bỏ dạy môn Văn -
một môn học của tâm hồn, của tình cảm rung động trước cái đẹp tiếng nói và chữ
viết con người. Cho phép chủ quan được tham gia bằng xúc cảm, bằng rung động
con tim trước cái hay cái đẹp của ngôn ngữ và hình tượng văn học. Bỏ hẳn tâm hồn
con em ta ra ngoài nền giáo dục là bộ giáo dục, là nhà nước, là đảng cầm quyền
đã bỏ hẳn tính nhân văn của giáo dục. Một nền giáo dục bị tha hóa tận cùng, xấu
xa tận cùng mới bỏ không dạy môn văn.
Một nền giáo dục mà ngay bộ trưởng giáo dục như
Nguyễn Thiện Nhân, Phùng Xuân Nhạ…cũng khai gian, khai láo học vị tiến sĩ, có
phải là nền giáo dục tốt không ?
Một nền giáo dục mà hầu hết học vị tiến sĩ là
học vị phong bì. Học hàm phó giáo sư và giáo sư cũng là học hàm phong bì, tức
là học vị và học hàm mua bằng tiền, thì có xấu xa hay tốt đẹp thưa quý vị ?
Một nền giáo dục dối trá toàn diện. Chính ông
Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định nền giáo dục chỉ chạy theo thành tích của ta là
nền giáo dục dối trá.
Một người ngọng, dứt khoát không được tuyển
vào ngành giáo dục. Trong khi bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người ngọng, phỏng có
nước nào như nước ta không ? Một nền giáo dục cho phép nữ sinh sư phạm chỉ được
làm điếm ba lần, làm điếm lần thứ tư là bị đuổi học, đuổi dạy… như một chỉ thị
của ông Phùng Xuân Nhạ, thì đó là nền giáo dục quá xấu xa.
Một nền giáo dục trao trọng trách soạn sách
giáo khoa văn, chủ biên sách giáo khoa văn cho các vị giáo sư quá dốt nát như :
Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Lộc, Trần Đình Sử, Nguyễn Minh Thuyết,
Đỗ Ngọc Thống… chắc chắn không phải là nền giáo dục tốt đẹp.
Một nền giáo dục cho nhà xuất bản Giáo Dục mỗi
năm soạn lại sách giáo khoa, in lại sách giáo khoa, in toàn các loại sách bậy bạ
đi kèm sách giáo khoa, bắt cha mẹ học sinh nghèo phải sạt nghiệp vì mua quá nhiều
sách đọc thêm, sách tham khảo…Nhà xuất bản Giáo Dục làm tiền một cách phi pháp,
khiến các em bé từ mẫu giáo phải oằn lưng cõng cả núi sách giáo khoa sách tham
khảo trên lưng. Một bộ Giáo dục & Đào tạo dùng nhà xuất bản của mình làm tiền
như một bộ đi buôn, không có nước nào làm khổ nhân dân mình như bộ Giáo dục Việt
Nam !
Có thể kể ra vô vàn tội lỗi của nền giáo dục,
của bộ Giáo dục Việt Nam đã phạm với nhân dân của mình. Có cảm tưởng như bộ này
lấy ngu dân làm mục đích giáo dục vậy !
Sài Gòn 04-04-2023
TRẦN MẠNH HẢO (Tựa bài do Thụy My đặt)
Publié par Thụy My RFI à 22:21
No comments:
Post a Comment