Saturday, April 8, 2023

IRAN - SAUDI ARABIA XÍCH LẠI GẦN NHAU : BƯỚC TIẾN LỚN CỦA TRUNG QUỐC Ở TRUNG ĐÔNG (Thu Hằng / RFI)

 



Iran - Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau : Bước tiến lớn của Trung Quốc ở Trung Đông

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 07/04/2023 - 13:54

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230407-iran-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-x%C3%AA-%C3%BAt-x%C3%ADch-l%E1%BA%A1i-g%E1%BA%A7n-nhau-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ti%E1%BA%BFn-l%E1%BB%9Bn-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-%E1%BB%9F-trung-%C4%91%C3%B4ng

 

Ngày 06/04/2023, trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban châu Âu Ursula von der Leyen, ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) đã tiếp hai đồng nhiệm Iran và Ả Rập Xê Út để tiếp tục thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù ở Trung Đông. Dù ngẫu nhiên hay chủ ý về thời điểm, Bắc Kinh vào lúc này trở thành tâm điểm thế giới. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/e169092c-d538-11ed-8013-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23096563866466.webp 

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian (T), đồng nhiệm Ả Rập Xê Ut Faisal bin Farhan Al Saud (P) và ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang), tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/04/2023. AP - Ding Lin

 

Trung Quốc đóng vai trò nhà kiến tạo hòa bình 

 

Ngành ngoại giao Trung Quốc chau chuốt hình ảnh ba ngoại trưởng bắt tay nhau và ông Tần Cương đứng ở giữa. Rồi ngoại trưởng Trung Quốc ngồi giữa trong bữa tiệc chiêu đãi hai khách mời đến Bắc Kinh để cụ thể hóa thỏa thuận được ký ngày 10/03. Riyad và Teheran tuyên bố « sẵn sàng loại bỏ mọi trở ngại để mở rộng hợp tác », tái khởi động những thỏa thuận an ninh và kinh tế được ký cách đây hơn 20 năm. 

 

Từ nay đến tháng 05, Iran và Ả Rập Xê Út sẽ mở lại đại sứ quán ở Riyad và Teheran, cùng với lãnh sự quán ở Jeddah và Mashhad. Tiếp theo là nối lại các đường bay trực tiếp, mở rộng đối tượng cấp visa, tổ chức công du cho các phái đoàn chính thức… Một hành động có ý nghĩa biểu tượng cao khác là vua Salman đã mời tổng thống Iran công du Ả Rập Xê Út dù chưa có ngày cụ thể. Hai nước cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. 

 

Việc nối lại quan hệ song phương được lãnh đạo ngoại giao hai nước lạc quan đánh giá là điều tốt cho « an ninh và ổn định » ở Trung Đông và có thể tác động đến nhiều cuộc xung đột trong vùng, từ Syria đến Yemen, nơi hai nước yểm trợ các phe phái đối lập, Syria có thể trở lại Liên Đoàn Ả Rập tại hội nghị thượng đỉnh được Ả Rập Xê Út tổ chức vào tháng 05. Nhìn rộng hơn, ảnh hưởng của Trung Quốc lại có thể giúp Nga củng cố vị thế trong vùng vì Matxcơva là đồng minh vững chắc của chế độ Damas, cũng như của Teheran. 

 

Với kịch bản như vậy, Trung Quốc có thể tự nhận là một nhân tố địa chính trị hàng đầu, là nhà kiến tạo hòa bình cho vùng Trung Đông. Điều này đã được người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định ngày 06/04 khi nhấn mạnh Bắc Kinh « sẽ làm việc với các nước trong vùng để thực hiện những sáng kiến này, để cổ vũ cho an ninh, ổn định và phát triển » ở Trung Đông. 

 

Trước đây, vai trò của Trung Quốc thường giới hạn ở mức đối tác thương mại vì là nhà nhập khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc lần đầu tiên Trung Quốc can thiệp vào khu vực địa chính trị này đánh dấu « sự thay đổi triệt để về lập trường », theo phân tích của ông Didier Billion, trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS, với nhật báo Công giáo Pháp La Croix. « Từ giờ, Trung Quốc nằm trong số nước lớn về chính trị và ngày càng không thể thiếu Trung Quốc trong những tiến trình này »

 

Trung Quốc thế chỗ Mỹ trong tiến trình Trung Đông dời xa phương Tây 

 

Tiếp theo, Trung Quốc đã đẩy vai trò của Washington xuống hàng thứ hai trong khu vực vẫn được coi là vùng ảnh hưởng của Mỹ. Chuyến công du Riyad của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12/2022 và gặp nhiều lãnh đạo các nước Ả Rập không chỉ hé mở những tham vọng của Trung Quốc mà còn cho thấy hình ảnh tốt đẹp mà nước này được hưởng ở Trung Đông. Vẫn theo chuyên gia Pháp, ở Trung Đông, « tiến trình dời xa phương Tây là một thực tế cụ thể. Trong khi Trung Quốc lại không bị xem là một nước tư bản và đã tranh thủ điều đó ».

 

Cuộc điều tra thường niên năm 2022 của Arab News Survey cho biết 78% thanh niên trong thế giới Ả Rập coi Trung Quốc là một nước đồng minh, trong khi tỉ lệ đối với Mỹ chỉ là 63%. 

Ả Rập Xê Út từng từ chối lời đề nghị của tổng thống Mỹ Joe Biden tăng sản lượng dầu lửa để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, nhưng lại chấp nhận để Bắc Kinh làm trung gian hòa giải với Teheran. Điều này cũng cho thấy vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong thực tế và những biến chuyển trong khu vực. Ông Didier Billion cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc « không còn chấp nhận những quy định ngoại giao quốc tế do Mỹ ấn định nữa ». Bắc Kinh đã khai thác thành công khoảng trống mà Mỹ để lại ở Trung Đông. 

 

Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út và Iran đều là những cường quốc trong vùng và có những tham vọng, lợi ích trái ngược nhau. Dù có bước đầu mang tính đột phá lịch sử nhưng việc hai nước xích lại gần nhau đế mức nào sẽ còn còn phụ thuộc vào trọng lượng chính trị của Bắc Kinh. 

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TRUNG QUỐC - Ả RẬP XÊ ÚT - IRAN

Tại Bắc Kinh, Ả Rập Xê Út–Iran thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao

 

PHÂN TÍCH

Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung, Ả Rập Xê Út chọn đứng về phía Bắc Kinh ?

 

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Quan hệ Teheran - Riyad: Trung Quốc bước đầu khẳng định tham vọng cường quốc hàng đầu





No comments: