Eric
Schmidt: Muốn vượt trội Trung Quốc, Mỹ phải đi đầu trong sáng tạo
19/04/2023
Những bộ óc như Schmidt, Gates, Jobs v.v… chỉ có thể
hiện hữu ở những nước như Mỹ hoặc trong các thể chế tự do dân chủ. Những nhân
tài như Jack Ma, số phận ra sao ở Trung Quốc chắc phần lớn chúng ta cũng đã biết.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-a1e7-08db3f764d7a_w1023_r1_s.jpg
Schmidt biện luận: ‘Để giành chiến thắng
trong cuộc thi định hình thế kỷ này, công việc như thường lệ sẽ không hiệu quả.
Thay vào đó, chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải vượt qua các xung động quan liêu cứng nhắc
của mình..."
Sau gần 14 tháng xâm lược Ukraine, nước Nga của Putin vẫn chưa hoàn
thành cái mà họ gọi là “Hoạt động Quân sự Đặc biệt” (Special
Military Operation). Với ngân
sách quốc phòng gấp 10 lần, và quân đội gần gấp 5 lần, Putin vẫn chưa
đạt được mục tiêu chính trị hay quân sự tại Ukraine. Tinh thần dũng cảm kiên cường
của quân dân Ukraine, khả năng tài tình của giới lãnh đạo chính trị, đứng đầu
là Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, và sự yểm trợ hết mình của Tây phương, đứng
đầu là Hoa Kỳ, là những yếu tố quan yếu. Nhưng trên mặt trận
chiến đấu, khả năng biết khai dụng kỹ thuật tân tiến của quân đội Ukraine mang
tính cách quyết định cho kết cuộc hiện nay. Từ dữ liệu quan yếu của quốc
gia được tích trữ trên Cloud, đến vận dụng vệ tinh Starlink và SpaceX để duy trì
nối kết với thế giới, cho đến khai dụng những máy bay không người lái để vừa
ngăn chặn vừa chủ động tấn công vào quân đội Nga, Ukraine có thể tiếp tục duy
trì cuộc đấu tranh bất tương xứng này trên đường dài, nếu Tây phương không bỏ
rơi họ.
Viết trên Foreign Affairs cho số tháng Ba/Tư này,
Eric Schmidt biện luận rằng quân dân Ukraine đã vận dụng quyền lực sáng tạo đổi
mới (innovation power). Nó là một thế lực mới trong
chính trị quốc tế. Nó củng cố cho quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm. Riêng về
trí tuệ nhân tạo (TTNT), sự phát triển của nó ‘không chỉ mở khóa các lĩnh vực
khám phá khoa học mới; nó cũng đẩy nhanh quá trình đó’, giúp cho các kỹ sư và
khoa học gia khám phá ra các công nghệ mạnh mẽ hơn, qua đó tái định hình lại thế
giới trong quá trình này. Với Schmidt, khả năng sáng tạo nhanh hơn và tốt hơn,
nền tảng cho mọi sự phát triển về quyền lực quân sự, kinh tế và văn hóa, sẽ quyết
định kết quả của cuộc giao tranh quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mặc dầu Mỹ
đang dẫn đầu Trung Quốc trong một số lĩnh vực, nếu tiếp tục như hiện nay thì đừng
mong kết quả sẽ như vậy mãi.
Schmidt biện luận: ‘Để giành chiến thắng
trong cuộc thi định hình thế kỷ này, công việc như thường lệ sẽ không hiệu quả.
Thay vào đó, chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải vượt qua các xung động quan liêu cứng nhắc
của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới, và đầu tư vào các công cụ và
tài năng cần thiết để khởi động chu kỳ tiến bộ công nghệ. Nó cần cam kết thúc đẩy
đổi mới để phục vụ đất nước và phục vụ nền dân chủ. Bị đe dọa (ở đây) không gì
khác hơn là tương lai của các xã hội tự do, thị trường mở, chính phủ dân chủ và
trật tự thế giới rộng lớn hơn.’
Trong bài viết này, Schmidt đưa ra nhiều ý tưởng sâu sắc, và với kinh
nghiệm, chuyên môn, khả năng vượt trội và tầm nhìn xa nhưng thiết thực, rất
đáng để tất cả những ai quan tâm cùng suy nghĩ.
Trước khi nói thêm về những ý tưởng của Schmidt, chắc
cũng cần giới thiệu về Schmidt một chút. Có thể nói Schmidt đứng chung với những tên tuổi
hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực công nghệ, như Bill Gates và Steve
Jobs. Eric
Schmidt từng là Giám đốc Điều hành CEO của Google từ năm 2001 đến 2011,
Chủ tịch Điều hành Google từ năm 2011 đến 2015, và từ năm 2015 đến 2017 sau khi
đổi tên sang Alphabet, và Cố vấn Kỹ thuật từ năm 2017 đến 2020. Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ Ash Carter là người đã mời Schmidt làm tư vấn cho bộ quốc phòng.
Schmidt cũng đóng nhiều vai trò khác nhau, từ Chủ nhiệm Dự án Nghiên cứu Cạnh
tranh Đặc biệt, cho đến Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo. Đầu
tháng Tư vừa qua, Schmidt đã tham dự cuộc Đối thoại Sydney do Viện Chính sách
Chiến lược Úc (APSI) tổ chức. Người đứng đầu Bộ Nội vụ Úc Secretary
Michael Pezzullo đã phỏng
vấn và điều hợp phần nói chuyện rất thú vị này với Schmidt. Nội dung
đã được tóm
tắt để dễ dàng theo dõi trên trang mạng của APSI có tên “Cuộc chạy
đua sống còn về công nghệ tiên tiến”. Những trao đổi giữa những bộ óc
chuyên môn hàng đầu về công nghệ và chiến lược giúp cho chúng ta hiểu thêm về
tình hình hiện nay và viễn cảnh tương lai.
Trở lại bài trên Foreign Affairs, Schmidt đánh giá
rằng TTNT là quan yếu trong cuộc chạy đua quyền lực sáng tạo trong mọi lĩnh vực.
Sau TTNT hay Artificial Intelligence/AI thì công nghệ mạnh hơn nữa là
Artificial General Intelligence/AGI, tức Trí tuệ Tổng quát Nhân tạo (TTTQNT).
Nghĩa là khả năng có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ tinh thần nào mà con người
có thể làm và hơn thế nữa. Sự phát triển của TTTQNT còn vài thập niên nữa nhưng
khi đạt được, khả năng của nó là vô hạn, và quốc gia nào đạt được trước sẽ có
ưu điểm lớn. Schmidt đưa ra một số ý niệm quan trọng sau đây về vấn đề đổi mới/sáng
tạo trong công nghệ để duy trì ưu thế trong cuộc đua định hình trật tự thế giới.
Một, quy trình đổi mới sáng tạo (innovation) đã thay đổi
nhiều, và ngày càng nhanh hơn. Sáng tạo dựa trên một vòng lặp phát minh, áp dụng
và thích ứng, là một chu trình phản hồi thúc đẩy nhiều đổi mới hơn nữa. Nếu bất
kỳ mối liên kết nào trong chuỗi quy trình này bị phá vỡ, thì khả năng đổi mới
hiệu quả của một quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Trước đây muốn đi đầu về phát minh
mới nào, nó đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu. Nhưng giờ đây ưu thế cấu trúc này
ngày càng giảm, một phần vì nhờ vào nghiên cứu học thuật dễ tiếp cận hơn và sự
gia tăng của phần mềm nguồn mở (open-source software), vì thế các công nghệ giờ
đây lan tỏa nhanh hơn trên khắp thế giới. Chẳng hạn, Mỹ đi đầu về công nghệ 4G,
nhưng rồi Trung Quốc bắt kịp (ở đây Schmidt bỏ qua công nghệ bị đánh cắp hay
không tôn trọng bản quyền trí tuệ của Trung Quốc).
Hai, cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ
là giữa hai nhà nước mà cũng chính là giữa hai hệ thống. Hệ thống của Trung Quốc
là chính phủ thúc đẩy cạnh tranh trong nước và tài trợ cho những người thắng cuộc
với tư cách là “nhà vô địch quốc gia”. Các công ty của Trung Quốc đóng hai vai,
tối đa hóa thành công thương mại và thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Trung
Quốc. Đây là lý do mà Mỹ và Tây phương rất e ngại đối với Huawei hay Tiktok, chẳng
hạn. Mô hình của Mỹ thì dựa vào một nhóm các tác nhân tư nhân khác nhau. Chính
phủ liên bang tài trợ cho khoa học cơ bản nhưng phần lớn để lại sự sáng tạo và
thương mại hóa cho thị trường. Lâu nay, cả ba chính phủ, công nghệ và học
thuật là nguồn sáng tạo chính của Hoa Kỳ. Sự phối hợp này đã thúc đẩy nhiều
đột phá về công nghệ, từ cuộc đổ bộ lên mặt trăng cho đến Internet. Nhưng sau
Chiến tranh Lạnh, chính sách Mỹ đã thay đổi nhiều, và lý do Washington miễn cưỡng
tài trợ cho khoa học là vì tính cấu trúc chính trị tại Mỹ. Dù sao, nhìn thấy được
tầm quan trọng trong việc kích hoạt tương tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân
và học thuật, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật CHIPS and Science Act, và chỉ đạo
tài trợ 200 tỷ đô la cho Nghiên cứu và Phát triển khoa học trong mười năm tới.
Ba, tập trung vào thương mại hóa công nghệ và thu dụng
nhân tài. Schmidt nhấn mạnh đầu tư vào tương lai phải mang ý nghĩa là ‘Mọi công
nghệ mới, từ trí tuệ nhân tạo đến điện toán lượng tử đến sinh học tổng hợp, đều
phải được theo đuổi với mục tiêu thương mại hóa rõ ràng.’ Và quan trọng nhất là
trọng nhân tài. Với mức sống xứng đáng và cơ hội dồi dào Mỹ đã thu hút được hầu
hết những bộ óc AI thông minh nhất thế giới, với hơn một nửa đến từ ngoài nước
Mỹ. Nếu Hoa Kỳ không tiếp tục chính sách trọng dụng nhân tài này thì sẽ mất đi
ưu thế sáng tạo của mình. Schmidt biện luận rằng giống như Manhattan Project (tức
dự án chế tạo bom nguyên tử bắt đầu hoạt động từ năm 1942) được lãnh đạo phần lớn
bởi những người tị nạn và di cư từ châu Âu, bước đột phá công nghệ tiếp theo của
Mỹ gần như chắc chắn sẽ dựa vào những người nhập cư.
Ngoài ra Schmidt cũng đưa ra những phân tích sâu sắc về chính sách quốc
phòng của Mỹ, nhất là những bất cập hay tốn kém hiện nay. Chẳng hạn, xây dựng một
chiến hạm rất tốn kém, 10 tỷ đô la và mất 10 năm, nhưng có thể bị tên lửa chống
hạm siêu thanh tối tân YJ-21 của Trung Quốc một ngày nào đó đánh chìm. Schmidt
biện luận rằng quân đội Hoa Kỳ cũng phải học cách tích hợp các công nghệ mới
vào quy trình mua sắm, kế hoạch chiến đấu và chiến tranh. Trong bốn năm làm chủ
tịch Ban Sáng tạo Quốc phòng, Schmidt đã rất ngạc nhiên về mức độ khó thực hiện,
mà một trở ngại lớn là quy trình mua sắm nặng nề của Lầu Năm Góc: các hệ thống
vũ khí lớn phải mất hơn mười năm để thiết kế, phát triển và triển khai. Trong
khi đó, bên công nghệ sản xuất sản phẩm mới do tư nhân thực hiện thì khác, cho
nên chính phủ Mỹ phải làm sao chế tạo hỏa tiễn như bên công ty chế tạo xe điện,
phải tìm cách sáng tạo nhanh gấp 10 lần và ít tốn kém hơn nhiều.
Schmidt nhận định muốn vượt trội Trung Quốc, hay tránh được những cuộc
tấn công về an ninh trên mạng, Mỹ phải đi đầu trong lĩnh vực sáng tạo. Thử
thách đối với Hoa Kỳ là các quan chức chính phủ được khuyến khích để tránh rủi
ro và tập trung vào ngắn hạn, khiến đất nước thường xuyên đầu tư dưới mức vào
các công nghệ của tương lai. Schmidt khẳng định rằng những nguyên tắc đã xác định
lối sống ở Hoa Kỳ, bao gồm tự do, chủ nghĩa tư bản, nỗ lực cá nhân, là những
nguyên tắc đúng đắn trong quá khứ và vẫn là như vậy trong tương lai. Những giá
trị cơ bản này là nền tảng của một hệ sinh thái sáng tạo. Schmidt kết luận ‘Câu
thần chú cũ của Silicon Valley đúng không chỉ trong ngành công nghiệp mà còn
trong địa chính trị: đổi mới hoặc chết.’
Những bộ óc như Schmidt, Gates, Jobs v.v… chỉ có thể hiện hữu ở những
nước như Mỹ hoặc trong các thể chế tự do dân chủ. Những nhân tài như Jack Ma, số
phận ra sao ở Trung Quốc chắc phần lớn chúng ta cũng đã biết. Không những tài
giỏi trong lĩnh vực công nghệ, những người như Schmidt được trọng dụng trong
lĩnh vực như an ninh quốc phòng khi đất nước cần đến. Họ hoàn toàn có tự do
trong tư tưởng, không bị ràng buộc bởi chính kiến, và mục đích của họ là làm
sao đưa ra hướng đi và giải pháp tối hảo trong những tình huống phức tạp nhất
có thể. Nhân tài sẽ được tuyển chọn và trọng dụng dựa trên giá trị đích thực họ
mang đến. Khi họ không còn đóng góp hiệu quả họ phải ra đi. Đây là những khác
biệt sâu sắc giữa hai hệ thống dân chủ và cường quyền.
No comments:
Post a Comment