Drone : Công cụ gây ảnh hưởng mới và hiệu quả của Thổ Nhĩ
Kỳ
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 17/04/2023 - 13:40
Các cuộc xung đột tại Libya, Thượng
Karabakh và ở Ukraina cho thấy rõ hiệu quả của drone tấn công TB2 Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Một
nghiên cứu do Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) thực hiện và tiết lộ riêng cho
nhật báo Công giáo La Croix gần đây cho thấy thiết bị quân sự này còn là một
công cụ hữu hiệu để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến lược kép công nghiệp và ngoại
giao, mở rộng ảnh hưởng sang châu Phi, Trung Á, Trung Đông và thậm chí ở cả
châu Âu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan làm lễ hạ thủy
tàu TCG Anadolu, tại Istanbul. Ảnh ngày 10/04/2023. © MURAT CETINMUHURDAR/PPO /
REUTERS
Thứ Hai, ngày 10/04/2023, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ làm lễ
khai trương rầm rộ tàu TCG Anadolu, dài 231 mét, rộng 32 mét, đặc biệt được thiết
kế để các loại drone chiến đấu có thể cất và hạ cánh, với sự chứng kiến của tổng
thống Recep Erdogan, đang trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống.
Ngoài chiến đấu cơ hạng nhẹ Hurjet, chiếc tàu này được trang bị các loại
drone TB2, TB3 và nhất là chiếc Kizilelma, drone tấn công động cơ phản lực tàng
hình đầu tiên do chính Thổ Nhĩ Kỳ phát triển, dưới sự chủ trì của Selçuk
Bayraktar, con rể của tổng thống Erdogan. Bên cạnh đó, không quân Thổ đang
trong giai đoạn thử nghiệm sơ khởi chiến đấu cơ tàng hình TF-X.
Theo giải thích của nhà nghiên cứu Léo Peria-Peigné, không giống như các
ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây, cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc
phòng Thổ Nhĩ Kỳ (BITD) đã phát triển cùng lúc chiến đấu cơ và drone. Thành
công có được như ngày hôm nay còn là kết quả của một chính sách tự chủ hóa nguồn
cung ứng quân sự được định hình từ 50 qua, mà việc Hoa Kỳ năm 1974 ban hành lệnh
cấm vận vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3 năm sau khi nước này chiếm đóng phía bắc
Cộng hòa Chypre là động lực chính.
Sự hiện diện và hiệu quả của drone TB2 tại các chiến trường Libya, Thượng
Karabakh hay Ukraina giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể chào mời một dòng sản phẩm đáp ứng
các tiêu chí cả về chất lượng và giá cả. Sản phẩm này có thể được ví như là một
đại sứ ngoại giao cho phép Ankara mở rộng thêm ảnh hưởng tại nhiều vùng lãnh thổ
khác. Nhiều nước châu Phi như Maroc, Ethiopia, hay Niger lần lượt trang bị
drone TB2 để giám sát biên giới. Tại Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng sự thoái lui
của Nga để trang bị quân sự cho các nước như Azerbaijan,
Kirghizstan,Turkmenistan và Kazakhstan.
Cũng theo phân tích của Léo Peria-Peigné, tác giả bài nghiên cứu, « chiến
lược xuất khẩu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng hình ảnh "hướng đi thứ
ba". Một hướng đi ít bị ràng buộc về mặt chính trị hơn so với hệ thống
phương Tây. Mua của Thổ Nhĩ Kỳ còn trung lập hơn là mua vũ khí từ Nga, Trung Quốc
hay Iran, nhưng đồng thời cũng bảo đảm được một mức độ chất lượng như mong muốn. »
Không những thế, drone còn là công cụ để Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn hay thúc đẩy
các mối quan hệ song phương, mà bằng chứng gần đây nhất là việc Các Tiểu Vương
Quốc Ả Rập Thống Nhất hồi tháng 9/2022 đã ký hợp đồng mua 120 chiếc drone TB2 nổi
tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện đúc kết một sự hòa giải giữa Ankara và Abu Dhabi.
Drone của Thổ Nhĩ Kỳ còn « tấn công » cả thị trường châu Âu,
khi Ba Lan đặt mua 24 chiếc TB2, còn Phần Lan cũng tỏ ý định mua để giám sát đường
biên giới với Nga sau khi được Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO.
Đương nhiên, người ta cũng không quên vai trò của drone Thổ Nhĩ Kỳ trên
chiến trường Ukraina. Việc Ankara cũng cấp drone cho Kiev nhưng không áp dụng
các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga cũng như là tiếp tục mua dầu khí
của Nga đang cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một thế cân bằng, có thể đóng vai trò
trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga – Ukraina.
No comments:
Post a Comment