Cuộc
chạy đua công nghệ và nguy cơ chiến tranh
03/04/2023
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-chay-dua-cong-nghe-va-nguy-co-chien-tranh/7033868.html
Tập có dám chơi nước cờ liều thách thức và leo
thang chiến tranh với Mỹ khi điều kiện chưa đủ thì chưa rõ. Nhưng Tập cũng
không kiên nhẫn để chờ đến khi đủ điều kiện.
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-e11d-08db2b8bd496_w1023_r1_s.jpg
Điều rõ ràng
là Tập đang chuẩn bị Trung Quốc trong thế sẵn sàng chiến tranh và không giấu diếm
điều này.
Tổng thống Thái Anh Văn ghé Mỹ trong những
ngày qua làm gia tăng căng thẳng trong vùng Á châu Thái Bình Dương. Tuy nhiên
những tiếng ồn rồi sẽ xuống. Chuyến đi như thế chính nó cũng làm cho sự căng thẳng
giảm xuống, qua thời gian. Dù sao Đài Loan vẫn là điểm nóng, có thể là điểm
nóng nhất, trong bối cảnh căng thẳng leo thang này.
Tình hình thực tế là Bắc Kinh ngày càng hung
hăng hơn. Mới đây Tập tuyên
bố muốn xây dựng Trung Quốc thành bức tường vĩ đại bằng thép (great
wall of steel). Tập cũng khẳng định chống lại mọi thế lực ủng hộ Đài Loan độc lập
và can thiệp nước ngoài. Tập muốn Trung Quốc đóng một vai trò ảnh hưởng hơn
trên bình diện quốc tế. Kevin Rudd, trước khi qua Washington DC nhận lãnh vai
trò Đại sứ mới của Úc tại Mỹ, nhận
định rằng cung cách của Tập không bình thường, và trong 24 giờ qua
Rudd moi lục để tìm ra thời điểm mà một nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã
đích danh tấn công Hoa Kỳ.
Giấc mơ của Tập Cận Bình là xây dựng một nước
Trung Hoa mà sức mạnh ngang hàng hay trên Mỹ để không những không bị lấn ép mà
còn có khả năng ảnh hưởng và thiết lập một trật tự mới có lợi hơn cho Trung Quốc
hiện nay. Quyền lực mềm chỉ là tượng trưng, và thứ yếu, trong mắt Tập. Khi
Trung Quốc có đủ quyền lực cứng, Tập tự tin rằng không mấy ai còn kiềm chế hay
kiểm soát được, Bắc Kinh có thể tung hoành hơn trong bang giao quốc tế.
Tập đã thử nghiệm phương pháp xây dựng quyền lực
bên trong Trung Hoa. Quyền lực mềm chỉ để quảng cáo, và bất cứ điều gì cản trở
hay thách thức Tập đều được giải quyết bằng điểm yếu của con người. Tâm lý bất
an và sợ hãi, tuy là điểm yếu của người khác, chính là chìa khóa xây dựng thế lực
cho Tập. Stalin, Mao và giờ đây Tập đều hiểu rất rõ sức mạnh có thể được xây dựng
bằng việc vận dụng sự hiện hữu của kẻ thù, thật hay giả, trong hay ngoài nước.
Mỹ nói riêng hay Tây phương nói chung và thế lực phản động trong nước đều được
vận dụng trong chiêu bài chính trị. Trong văn hóa chính trị như thế, Tập là tay
chơi cờ chính trị bằng mạng sống hay xương máu của người khác.
Để đi xa hơn, viễn kiến và mục tiêu ưu tiên
hàng đầu của Tập phải xây dựng quyền lực cứng cho Trung Quốc mới là cách thực
tiễn hơn. Chính sách Made in China 2025 nằm trong viễn kiến
đó. Hình thành từ năm 2015, dựa trên thành quả đạt được từ khi mở cửa với thế
giới bên ngoài, Bắc Kinh chủ trương phát triển 10 công nghệ cao cấp mà trong đó
Trung Quốc là cơ sở sản xuất hàng đầu. Những công
nghệ này là xe điện hay xe sử dụng năng lượng mới khác, công nghệ
thông tin và viễn thông thế hệ tiếp theo, người máy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo
v.v… Những lĩnh vực khác bao gồm công nghệ nông nghiệp; kĩ thuật không gian; vật
liệu tổng hợp mới; thiết bị điện tiên tiến; thuốc sinh học mới; cơ sở hạ tầng
đường sắt cao cấp; và kỹ thuật hàng hải công nghệ cao.
Trước MIC 2025 thì Tập cũng đã tiến hành Vành
đai Con đường (BRI) kể từ năm 2013 khi Tập mới lên thay thế Hồ Cẩm
Đào. Tuy không thành công như dự đoán, và phần nào bị phản tác dụng bởi mưu “bẫy
nợ” bị vạch trần, Trung Quốc đã đạt được một số thành công trong việc vẽ lại bản
đồ thương mại trên toàn thế giới, trong đó một số quốc gia lấy Trung Quốc làm
trung tâm chứ không phải Mỹ hay châu Âu, theo chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ
David Sacks thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations).
Được nỗ lực thực hiện trong 8 năm qua, tính đến
nay Trung Quốc đã tiến
triển rất xa trong chiến lược MIC 2025. Vào năm 2007 khi công ty Apple
bắt đầu sản xuất iPhone, Trung Quốc được thế giới biết đến vì nhân công rẻ,
nhưng phần lớn các bộ phận được nhập cảng từ Đức, Nhật và Mỹ, trong khi Trung Quốc
chưa chế tạo gì đáng kể. Năm 2018, khi Apple cho ra đời iPhone X, tình thế đã
thay đổi sâu sắc. Các hãng Trung Quốc đã làm chủ được các công nghệ phức tạp,
và các công ty này có thể sản xuất sản phẩm tốt hơn so với các đối thủ châu Á
và châu Âu của họ. Ngay bây giờ giá trị của hãng xưởng Trung Quốc chiếm hơn 25%
giá trị gia tăng của thiết bị iPhone.
Một thí dụ thành công nổi bật khác là thiết bị
năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng
lượng mặt trời. Vào năm 2010 khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc chỉ định năng
lượng mặt trời là một “ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược”, kích hoạt
một loạt các khoản trợ cấp của chính phủ và thành lập doanh nghiệp, thì ngày
nay các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh hầu hết mọi phân khâu của chuỗi giá trị
năng lượng mặt trời. Các tấm pin mặt trời của Trung Quốc không chỉ rẻ nhất trên
thị trường mà chúng còn là hiệu quả nhất.
Dan Wang, viết trên Foreign Affairs, nhận định
rằng Trung Quốc đã chế ngự được tri thức quy trình (process knowledge) trong khả
năng sản xuất, và điều này đã giúp cho Trung Quốc có thể khai dụng nó ở tầm quy
mô, sẵn sàng cung cấp số lượng lớn cho toàn thế giới các sản phẩm công nghệ
cao. Đây là sức mạnh của Trung Quốc. Trong khi đó Mỹ đã đi đầu bao thập niên về
mọi mặt công nghệ, từ sáng tạo đến chế tạo và sản xuất hàng loạt, nhất là trong
suốt thời gian chuẩn bị cho Thế Chiến II và mãi đến khi Chiến tranh Lạnh kết
thúc. Nhưng thị trường nhân công rẻ đã làm cho nhiều công ty Mỹ quyết định rời
Mỹ sang sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc. Kể từ năm 2000 Mỹ đã mất khoảng 5 triệu
nhân công trong ngành sản xuất, dẫn đến hàng loạt tình trạng mất kỹ năng không
chỉ ở công nhân dây chuyền mà còn ở thợ máy, nhà quản lý và nhà thiết kế sản phẩm.
Wang nhận định rằng tình trạng ngày sẽ không giúp Mỹ thống lĩnh được các công
nghệ mới đang hình thành trên đường dài, nếu Mỹ không thay đổi chiến lược.
MIC 2025 là chiến lược trung hạn, 10 năm. Lãnh
đạo Bắc Kinh tính xa hơn, muốn chạy đua với Mỹ mà đích đến là 2049, tức khi Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa được 100 tuổi.
Vào đầu tháng 3 năm nay, Viện Chính sách Chiến
lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) công bố bản nghiên cứu có tên
công cụ Theo dõi Công nghệ Quan yếu (Critical Technology
Tracker). APSI đã dựa trên dữ kiện nghiên cứu, trong
đó có 10% ấn phẩm nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trong 5 năm qua về mỗi
công nghệ trong số 44 công nghệ được phân tích, và những dữ kiện khác.
APSI liệt
kê 44 công nghệ quan yếu mang tính nền tảng cho kinh tế, xã hội, an
ninh quốc gia, sản xuất năng lượng, y tế và an ninh khí hậu. APSI cho biết:
“Các công nghệ quan yếu đã làm nền tảng cho
kinh tế toàn cầu và xã hội của chúng ta. Từ bộ vi xử lý (microprocessor) tiết
kiệm năng lượng trong điện thoại thông minh đến an ninh cho phép mua sắm và
ngân hàng trực tuyến, những công nghệ này đều phổ biến và thiết yếu. Chúng đang
mở khóa sản xuất năng lượng xanh và hỗ trợ các đột phá y học. Chúng cũng là cơ
sở cho khả năng quân sự trên chiến trường, đang củng cố các kỹ thuật chiến
tranh hỗn hợp mới và có thể mang lại cho các cơ quan tình báo lợi thế lớn trước
các đối thủ.”
APSI cho biết cùng với việc theo dõi quốc gia
nào đang dẫn đầu, công cụ CTT nêu bật các tổ chức, chẳng hạn như trường đại học,
công ty hay phòng thí nghiệm nào đang dẫn đầu về công nghệ nào. Ví dụ, Đại học
Công nghệ Delft của Hà Lan có uy thế tối cao trong một số công nghệ lượng tử.
APSI đánh giá Trung
Quốc đã đi đầu 37 trên 44 công nghệ này, và 7 công nghệ còn lại do Mỹ dẫn đầu.
APSI nhận định đây là chuông cảnh tỉnh các quốc
gia có nền chính trị dân chủ. APSI cho rằng các nền dân chủ cần hiểu rõ khả
năng tổng hợp của mình, và khả năng tổng hợp với các nước thuộc khối hay vùng
khác. Nhưng khả năng tổng hợp dẫn đầu như vậy sẽ chỉ được thực hiện nếu có sự hợp
tác sâu sắc hơn giữa các đối tác và đồng minh, đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực
bao gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), tài năng và thương mại hóa, cũng
như các chiến lược tình báo tập trung hơn. Và cuối cùng, các chính phủ phải
dành nhiều không gian hơn cho các ý tưởng chính sách mới, lớn hơn và sáng tạo
hơn, bởi vì việc nâng cao hiệu quả hoạt động đòi hỏi không thể ít hơn thế.
Tuy Trung Quốc đang dẫn đầu 37 trên 44 quốc
gia về các công nghệ mới này, Trung Quốc vẫn cần thời gian dài để có đủ điều kiện
và tiềm năng hầu khai triển và biến nó thành sức mạnh vật chất. Và sau cùng là
quyền lực cứng. Để bắt kịp hay qua mặt Mỹ về quyền lực lại là chuyện khác.
Chuyên gia về Trung Quốc Michael Pillsbury đã từng đưa ra nhận định sâu sắc để cảnh tỉnh
giới ưu tú chính trị tại Mỹ là Trung Quốc đã chạy đua Marathon với Mỹ lâu rồi,
và dự tính vượt qua Mỹ năm 2049. Trung Quốc có vượt qua được Mỹ không, và khi
nào, ngay cả khi dẫn dầu các công nghệ quan yếu này? Như đã từng chia sẻ
trong một
bài trước đây, Lowy Institute kết luận sau một nghiên cứu sâu rộng rằng
Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt trội Mỹ về quyền lực.
Điều rõ ràng là Tập đang chuẩn
bị Trung Quốc trong thế sẵn sàng chiến tranh và không dấu diếm điều
này. Một số nhà
chuyên môn và chiến lược phân tích rằng thế giới nên để tâm đến tuyên
bố này của Tập. Úc, Anh và Mỹ đang gia tăng hợp tác quốc phòng qua AUKUS. Tập
đã sang Nga để tái
khẳng định tăng cường hợp tác không giới hạn với Putin của Nga. Khi
căng thẳng gia tăng và không quản lý chặt chẽ, sự leo thang về quân sự và vũ
khí có khả năng đưa đến “cuộc chiến tình cờ”, mà Rudd lo ngại có thể xảy ra.
Khi nào Tập Cận Bình của Trung Quốc sẵn sàng lấy
những quyết định có khả năng đưa đến chiến tranh lan rộng thì chưa rõ. Mấu chốt
vẫn là sự tính toán rủi ro, cơ hội, thời điểm, và mức đo lường tương quan quyền
lực của Trung Quốc với Mỹ và liên minh của Mỹ. Tức thế ta bạn thù. Có những
chuyên gia đánh giá thời gian đó là 3 năm, vì đến khoảng năm 2026, Trung Quốc có
thể sẵn sàng đối đầu để tiến chiếm Đài Loan, ngay cả khi họ biết Mỹ sẽ can thiệp,
và chiến tranh sẽ leo thang và lan rộng.
Trong lúc này cuộc chạy đua công nghệ mang
tính quyết định với các bên. Ba năm nữa Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ về quyền
lực cứng lẫn mềm. Tập có dám chơi nước cờ liều thách thức và leo thang chiến
tranh với Mỹ khi điều kiện chưa đủ thì chưa rõ. Nhưng Tập cũng không kiên nhẫn
để chờ đến khi đủ điều kiện. Đến 2030, 2040 hay 2049 thì đã qua thời của Tập rồi.
Lịch sử chiến tranh, dù là nội chiến, hay giữa các quốc gia, hay tầm thế giới,
cho thấy nguyên do xảy ra không phụ thuộc vào tương quan quyền lực. Trong khi
đó Tập muốn lịch sử Trung Quốc không chỉ ghi lại bao chức tước Chủ Tịch mọi thứ
trong thời kỳ cai trị của mình mà còn ghi công trạng đã lấy lại Đài Loan thống
nhất toàn Trung Quốc. Và sẵn sàng đối đầu lại cường quốc Mỹ để lấy lại niềm tự
hào cho Hán tộc.
Tư duy này là điều đáng lo ngại cho nhân loại.
No comments:
Post a Comment