19/04/2023
Ủy
ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Mỹ vừa kêu gọi giới chức Việt Nam thả tự do
cho nhà báo độc lập Đường Văn Thái cũng như ngừng quấy nhiễu và bắt bớ những
người làm báo sống lưu vong.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-1460-08db40e4f9b8_w1023_r1_s.jpg
Nhà
báo và blogger Đường Văn Thái trong một đăng tải video trên tài khoản YouTube
cá nhân có tên "Thái Văn Đường". Việt Nam tuyên bố bắt giam ông Thái
khi "nhập cảnh trái phép" trong khi bạn bè nói ông bị mất tích ở
Bangkok cùng thời gian đó.
Truyền
thông Việt Nam hôm 16/4 đồng loạt đưa tin rằng công an Hà Tĩnh đã bắt giữ một
người có tên Đường Văn Thái vì “xâm nhập trái phép” qua biên giới trong khi
những bạn bè và đồng nghiệp của ông Thái đang tị nạn ở Thái Lan nói với VOA và
các cơ quan báo chí cũng như các tổ chức xã hội dân sự rằng ông bị mất tích
cùng thời gian đó ở Bangkok. Họ nghi ngờ ông Thái bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc
đưa về nước.
Ông
Thái, người thường đăng tải các video bình luận chỉ trích lãnh đạo Việt Nam cho
hơn 119.000 độc giả theo dõi trên YouTube, bị mất tích hôm
14/4 cùng ngày Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Việt Nam nơi ông nêu vấn đề
nhân quyền khi gặp gỡ các lãnh đạo cao nhất ở Hà Nội, trong đó có Thủ tướng
Phạm Minh Chính và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai
ngày sau đó, khi ngoại trưởng Mỹ đã rời Việt Nam, các báo mạng do nhà nước Việt
Nam quản lý công bố rằng nhà chức trách đã bắt giữ ông Thái.
“Các
giới chức Việt Nam phải thả tự do ngay lập tức cho nhà báo Đường Văn Thái và
công bố các thông tin chi tiết về việc bắt giữ ông”, ông Shawn Crispin, đại
diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á nói hôm 18/4 trong một tuyên
bố của tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí trên toàn cầu trong 40
năm qua.
Ông
Crispin cho rằng “Việt Nam có lịch sử nhắm mục tiêu vào các nhà báo sống lưu
vong” và kêu gọi các nhà chức trách Thái Lan “nên điều tra kỹ lưỡng và minh
bạch” về việc ông Thái “biến mất” ở Bangkok cũng như “đảm bảo rằng những người
viết báo không trở thành mục tiêu chỉ vì công việc họ làm”.
VOA
đã gửi lời đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Thái Lan và Cơ quan
Cảnh sát Nhập cư Thái Lan bình luận về những lời kêu gọi của CPJ.
Ông
Thái sang Thái Lan tị nạn từ năm 2019 và được Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc
về Người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn từ năm 2020. Bà Nancy Bui, một nhà
hoạt động nhân quyền và thiện nguyện trợ giúp người tị nạn ở Thái Lan, nói với
VOA hôm 17/4 rằng ông Thái mất
tích ngay sau khi có phỏng vấn tái định cư với UNHCR tại Bangkok. Bà
Nancy còn cho biết bà đã báo với UNHCR về việc mất tích của ông Thái, người
đang chờ xin cấp tị nạn ở nước thứ 3.
Văn
phòng UNHCR chưa trả lời đề nghị bình luận của VOA gửi qua email từ hôm 17/4.
Trên
kênh YouTube có tên “Thái Văn Đường”, ông Thái đưa ra bình luận mang tính chỉ
trích chính sách công thương của Việt Nam cũng như các lãnh đạo, gồm Thủ tướng
Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Công thương Nguyễn
Hồng Diên.
Trong
những đăng tải gần nhất trên kênh cá nhân, ông Thái kêu gọi phế truất bộ trưởng
công thương và cho rằng các cuốn sách của Tổng bí thư Trọng viết có nội dung
“ăn cắp, sao chép, cóp nhặt”.
Một
số tờ báo của nhà nước Việt Nam, gồm trang Công Thương, hôm 17/4 đưa ra các bài
viết có nội dung tương tự nhau, trong đó nói rằng người vừa bị công an Việt Nam
bắt giữ “trùng tên và địa chỉ quê quán với một YouTuber thường xuyên xuất hiện
trên mạng xã hội với tên gọi Thái Văn Đường”.
Các
bài viết, mà nội dung được cho là do Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản kiểm
duyệt, nói rằng “đối tượng Thái Văn Đường thường xuyên sử dụng mạng xã hội để
đưa ra những luận điệu, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tin đồn thất thiệt với
mục đích chống phá Đảng, Nhà nước”.
Người
Việt tị nạn chính trị ở Thái Lan nói với VOA hôm 18/4 rằng họ “hoang
mang, lo sợ” sau việc ông Thái bất ngờ mất tích ở Bangkok và sau đó bị
chính quyền Việt Nam tuyên bố bắt giam vì “nhập cảnh trái phép”.
Trước
đây, hồi năm 2019, nhà báo và blogger Trương Duy Nhất cũng được cho là
bị bắt cóc khi đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan và sau đó bị chính quyền
Việt Nam kết án 10 năm tù. Hai năm trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh, từng
là phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc giữa
ban ngày ở Berlin, theo cáo buộc của chính phủ Đức, và sau đó bị tòa án ở Hà
Nội kết án tù chung thân.
Thống
kê của CPJ cho thấy có 21 nhà báo đang
bị giam cầm ở Việt Nam tính đến 1/12/2022. Tổ chức có trụ sở ở New
York xếp Việt Nam trong số những nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới,
chỉ sau Trung Quốc và Myanmar.
No comments:
Post a Comment