Bình luận của Nguyễn Lê Vi
2023.04.24
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/boys-r-not-scared-04242023122607.html
Không có thống
kê cụ thể, nhưng theo báo cáo từ các tổ chức hỗ trợ cộng đồng sống chung với
HIV thì trẻ em trai bị xâm hại tình dục nhiều hơn những gì được biết trên truyền
thông đại chúng rất nhiều. Đặc biệt, nó tập trung ở nhóm trẻ LGBT.
Một buổi học về tình dục
cho học sinh ở trường trung học Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, năm 2020 (minh họa). AFP
Trong các diễn đàn chung hay các hội nghị tổng
kết hoạt động phòng chống HIV, rất nhiều nhóm hỗ trợ cộng đồng trên cả nước đã
phải kêu lên xót xa về tình trạng nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa.
Khoảng bốn năm trước, những trường hợp phát hiện
có HIV khi chỉ mới 15 tuổi còn là hiếm hoi. Nhưng đến năm ngoái, với vụ con quỷ
ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam bị bắt vì chuyên dụ dỗ trẻ em trai để quan hệ
tình dục hoặc cưỡng hiếp, dư luận được biết có những bé trai đã có quan hệ tình
dục lần đầu khi mới 12, 13 tuổi. Thậm chí có thể nhỏ hơn.
Nhưng không ít cha mẹ vẫn thờ ơ với tình trạng
này vì quan niệm“con trai thì mất gì mà sợ”.
Hươu muốn chạy, không phải lỗi tại hươu
Trẻ em trai thuộc nhóm LGBT nhỏ tuổi thường bị
xâm hại tình dục ở độ tuổi cấp hai (tuổi dậy thì) và bắt đầu có tò mò, khám phá
về cơ thể. Người xâm hại các em, như trong nhiều vụ án trong quá khứ - có thể
là thầy giáo trong trường vì những người này thường xuyên tiếp xúc và hiểu rõ về
tâm lý, xu hướng tính dục của các em. Nhưng phổ biến hơn cả là những bạn tình
mà các em chỉ gặp một vài lần trên con đường tìm hiểu bản dạng giới và xu hướng
tính dục trong khi không có sự hướng dẫn đúng đắn.
Nếu một bé gái mười mấy tuổi theo đàn ông vào
nhà nghỉ khách sạn, ít nhiều thế nào cũng có người lưu ý, để tâm quan sát và
tìm hiểu mối quan hệ. Nhưng ông chú dắt vài chú bé về nhà, vào khách sạn, ra
công viên, hồ bơi, phòng tập gym, sauna, rạp chiếu phim, hay thậm chí WC công cộng
trong các trung tâm thương mại lớn… thì hầu như không ai để ý cả. Thế mà đó lại
chính là cách thức mà hoạt động này diễn ra.
Các chú bé lưng vẫn đeo cặp sách, mặc đồng phục
học sinh rõ bảng tên trường đang theo sau một người đàn ông tuổi chú bác bước
ra khỏi trung tâm thương mại có thể chính là đang rời đi sau một vụ xâm hại
tình dục chớp nhoáng.
Cho dù có sự đồng thuận từ phía trẻ em (người
dưới 16 tuổi) trong những mối quan hệ tình dục này thì với tính chất đặc biệt của
tội phạm đối với trẻ em, đó vẫn là xâm hại tình dục trẻ em và phải bị trừng phạt.
Nhưng do đặc điểm của cộng đồng LGBT giấu rất
kín các mối quan hệ như vậy với người ngoài cộng đồng (đặc biệt giấu kín với
cha mẹ, người thân) cộng với sự đồng tình của chính nạn nhân nên thường nó
không bị phát hiện sớm. Thậm chí tỷ lệ phản kháng và tố cáo khi hành vi xâm hại
đi kèm với bạo lực cũng thấp hơn hẳn so với nhóm các bé gái bị xâm hại.
Do pháp luật Việt Nam chưa thực sự thừa nhận
quyền của người LGBT, cùng với thói quen kỳ thị bắt nguồn từ sự thiếu kiến thức-
đặc biệt ở các vùng quê, nhiều nạn nhân nhỏ tuổi khi bị xâm hại tình dục đã tìm
mọi cách giấu kín. Các em sợ bị nhận ra là có xu hướng tính dục đồng giới, bị
chế nhạo, chửi rủa “hư sớm”, “con nít mới nứt mắt đã làm chuyện quan hệ bậy bạ”.
Nhất là khi các em lại còn tham gia quan hệ tình dục tập thể. Các em sợ sệt cho
bản thân, cho gia đình, cho cả họ hàng. Ở quê, nơi các mối quan hệ thường đóng
kín trong chòm xóm, họ hàng… , dư luận rất nặng. Cha mẹ có thể đuổi con cái
LGBT ra khỏi nhà vì cho rằng đó là lối sống biến thái, bệnh hoạn.
Các em học sinh thắp nến
tại một chương trình vận động hiểu biết về HIV/AIDS ở Hà Nội hôm 27/11/2011 (minh
họa). Reuters
.
Những miếng mồi thối rữa phủ mật
Cạnh đó, nhóm LGBT thường không muốn các vấn đề
của cộng đồng mình bị đem ra công khai trong xã hội, mà như đã nói - mà hệ thống
pháp luật vẫn thiên về các vấn đề của nhóm dị tính. Họ sợ cộng đồng mình vốn đã
bị kỳ thị nên nếu xã hội biết rõ về những tệ nạn xảy ra trong giới thì sẽ còn bị
kỳ thị hơn.
Nhưng nhu cầu tìm hiểu và thực hành tính dục lại
là bản năng của con người. Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc tìm và thỏa mãn
nhu cầu tình dục với lứa tuổi dậy thì dễ dàng gấp bội lần so với các thế hệ trước.
Chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng kết bạn (thực
chất là tìm bạn tình) dành riêng cho cộng đồng LGBT, các chú bé đã có thể được
rất nhiều người đồng giới lớn tuổi vây quanh.
Ứng dụng cho phép ẩn danh và sử dụng hình ảnh
tùy ý nên nhiều người không sợ bị phát hiện hành vi này.
Trên ứng dụng này cũng có rất nhiều tư vấn
viên của các tổ chức hỗ trợ cộng đồng chống HIV. Vì công việc, họ cố tập tành để
có thể hình đẹp, gìn giữ ngoại hình bắt mắt để thu hút các em trai trẻ và nhỏ
chú ý đến mình, từ đó tiếp cận làm quen và tư vấn phòng/điều trị bệnh. Nhưng
các con quỷ ấu dâm cũng dùng cách này, và nhiều kẻ dùng hình ảnh giả, lý lịch
giả mạo toàn bộ.
Con quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở huyện Duy
Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị phát hiện đã dụ dỗ, cưỡng hiếp và cố tình lây nhiễm
HIV cho sáu trẻ LGBT bằng các hoạt động trên ứng dụng này. Các nạn nhân nhỏ nhất
mới 12, 13 tuổi, lớn nhất chỉ 15 tuổi. Cường dùng các hình ảnh trai đẹp, sáu
múi, lối sống giàu có… để tiếp cận và tỏ ra đồng cảm với những bé trai đang lần
đầu dùng mạng xã hội. Hắn hứa hẹn làm anh em kết nghĩa, tri âm tri kỷ, chở đi
chơi bằng xe hơi riêng, hứa cho tiền, card điện thoại, tiền ăn, tiền mua sắm…
Sau khi con mồi đồng ý gặp, hắn dụ vào nhà nghỉ dùng Popper hít để kích thích
và khóa trái cửa cưỡng ép, hãm hiếp.
Huỳnh Đắc Cường đã bị bắt vì các hành vi trên.
Nhưng nếu người xâm hại không dùng bạo lực, không lây nhiễm HIV và các bệnh lây
qua quan hệ tình dục khác (bằng cách dùng bao cao su) mà chỉ dụ dỗ sử dụng chất
kích thích, đồng thời rất chiều chuộng và khiến các bé cảm thấy “an toàn” thì vụ
việc sẽ gần như không bao giờ bị lộ. Đặc biệt nếu thủ phạm có ngoại hình dễ
nhìn và bề ngoài sạch sẽ.
Trong cộng đồng người đồng tính nam từng lan
truyền khá nhiều cái tên đồng tính nam đẹp trai, có nghề nghiệp ổn định, thậm
chí “sang trọng”, bề ngoài rất lịch lãm trí thức, nhưng lại cố tình lây nhiễm
HIV cho nhiều người kể cả trẻ em, qua quan hệ tình dục.
Với nhóm trẻ em đường phố, do kiến thức và thực
tế cuộc sống vỉa hè nên nhiều em vốn đã xem bán thân là một nghề nghiệp để kiếm
tiền. Quan niệm này không phụ thuộc vào việc em có thuộc nhóm LGBT hay không.
Nhiều năm trước, một tổ chức phi chính phủ
chuyên cứu giúp trẻ em gái bị xâm hại tình dục đã trực tiếp điều tra và phát hiện
các đường dây môi giới mại dâm với trẻ em trai. Một người trong tổ chức này thủ
vai “thương gia đứng giàu có, người Singapore gốc Việt” đã rất dễ dàng bắt được
mối, thậm chí có thể rủ hẳn một đám trẻ em trai bán dâm tập thể ngay trong
khách sạn, nhà nghỉ.
Ngày càng nhiều người nước ngoài đến du lịch,
sinh sống (ngắn hoặc dài hạn) ở Việt Nam. Họ thuê nhà riêng hoặc chung cư, có
khi treo bảng dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em. Nhưng việc làm tốt này cũng đã
từng bị sử dụng làm vỏ bọc cho hoạt động xâm hại tình dục với trẻ.
So với bé gái, bé trai bị xâm hại cũng khó
phát hiện hơn do các tổn thương thường dễ che giấu hơn.
Vì thế, xác định nạn nhân bị xâm hại tình dục
là trẻ em trai khó khăn hơn gấp bội so với các vụ án tương tự mà nạn nhân là trẻ
em gái.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ riêng
trong 10 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện hơn 9.000 ca nhiễm HIV mới. Đường lây
chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn và trở thành đường lây chính qua các
năm. Hiện tỷ lệ này lên tới 80%. Tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm người dưới 30 tuổi
ngày càng tăng, hiện đã chiếm hơn 50%.
Con số trên còn thấp hơn thực tế. Vì đó chỉ là
thống kê được khi trẻ đã chịu đi xét nghiệm. Còn số trẻ đã quan hệ tình dục với
người có HIV sau đó giấu biệt nhân thân và tung tích thì không thể tính được.
Qua tư vấn cộng đồng, các nhóm hỗ trợ đều biết điều này. Nhưng ngoài việc cố sức
tìm, an ủi, động viên các em đi xét nghiệm để điều trị bệnh… họ cũng không thể
làm gì khác.
-------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment