Thursday, April 20, 2023

CHIẾN TRANH UKRAINE và "CHỦ NGHĨA CÓ LỢI" (Dũng Vũ)

 



Chiến tranh Ukraine và “Chủ nghĩa có lợi” (Phần 1)

Dũng Vũ

19/04/2023

https://baotiengdan.com/2023/04/19/chien-tranh-ukraine-va-chu-nghia-co-loi-phan-1/

 

Ngày 24-2-2022, quân đội Nga xâm lược Ukraine. Toàn thế giới bất ngờ nhìn thấy đất nước Ukraine tan hoang. Nạn nhân chính là thường dân. Khắp nơi, quân Nga đã bắn phá, thả bom bừa bãi vào nhà dân, bệnh viện, trường học, vườn trẻ. Đường sá, cầu cống, điện nước cũng bị tàn phá. Phụ nữ bị lính Nga hãm hiếp, thường dân bị sát hại nằm la liệt trên đường phố hay bị vùi lấp tạm bợ dưới những mồ chôn tập thể. Hàng triệu người Ukraine phải chạy lánh nạn khắp Âu châu.

 

Vì sao một đất nước yếu đuối, hiền hòa như Ukraine lại bị một nước Nga hùng mạnh có vũ khí tối tân và vũ khí nguyên tử ngang nhiên xâm lược?

 

Tổng thống Putin của Nga biện luận, phải tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm loại trừ một chính phủ quốc xã Ukraine, tay sai Tây phương đang đàn áp người nói tiếng Nga và diệt chủng dân Nga tại vùng Donbass, đặc biệt là bảo vệ các nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Luhansk và Donetsk nơi có nhiều dân Nga và người nói tiếng Nga sinh sống. Mặt khác phải bảo vệ nước Nga vì Tây phương muốn kết nạp Ukraine vào NATO, tiếp tục mở rộng về phía Đông để tiêu diệt Nga.

 

Tuy nhiên mọi lý do của Putin đều là lời nói dối (như đã được chứng minh qua bài Ukraine – Chấu chấu đá xe – đồng tác giả) [1]

 

Thế thì thực sự Putin muốn gì? Câu trả lời là, Putin muốn làm một điều có lợi cho nước Nga: Tái lập một cái gọi là “Nước Nga mới”. Nói ngắn gọn, Nga xâm lược Ukraine vì chủ nghĩa có lợi.

 

Chủ nghĩa có lợi là gì?

 

Xưa nay khái niệm “có lợi” được hiểu như một tính chất “hữu ích” khi làm một việc gì đó. Bản thân tính chất “có lợi” không hàm chứa tính tiêu cực, thế nhưng nó sẽ trở nên tiêu cực nếu vì lòng ích kỷ. Nguy hiểm nữa là hành động “có lợi ích kỷ” biến thành một tham vọng hay một xu hướng lan rộng như một chủ nghĩa, có thể gọi là chủ nghĩa có lợi (profitism, profitismus).

 

Nói ngắn gọn, chủ nghĩa có lợi là những hành động nhằm thỏa mãn những ham muốn có lợi cho phía mình một cách ích kỷ, bất chấp đạo đức.

 

Chủ nghĩa có lợi có mặt ở đâu?

 

Có ý kiến đánh đồng “chủ nghĩa có lợi” với sự hám lợi trong chủ nghĩa tư bản [2].

 

Không hẳn vậy.

 

Chủ nghĩa thực dân cũng chứa đầy lòng tham lợi nhuận. Vì chủ nghĩa có lợi mà các thế lực thực dân đã đi xâm chiếm những nước nhược tiểu, khai thác tài nguyên và bóc lột người bản xứ.

 

Cả chủ nghĩa cộng sản cũng chứa đầy lòng tham quyền lực. Vì chủ nghĩa có lợi, những nhà nước cộng sản dùng bạo lực để tranh giành quyền lực, quyền lãnh đạo. Sự hám quyền đã đẻ ra những nhà độc tài, đảng độc tài, thay vì cần làm điều có lợi cho người dân, đất nước thì ra sức dùng quyền lực để bảo vệ sự tồn tại và quyền lợi của mình, phe cánh mình và chế độ mình là chính. Từ đó gây ra biết bao sự thanh trừng trong nội bộ.

 

Chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa chủ hòa v.v… đều tựa vậy, đều sống nhờ chủ nghĩa có lợi.

 

Putin, Nga và chủ nghĩa có lợi

 

Putin đã tiến hành một cuộc chiến xâm lược nước láng giềng vì có lợi cho nước Nga.  nói cách khác, thực hiện “chủ nghĩa có lợi” xuyên qua sự bành trướng.

 

Putin thường mơ về một Đại Nga như trong quá khứ [3]. Ý đồ bành trướng cụ thể đầu tiên của Putin là tái lập một “Nước Nga Mới” (Novorossiya, New Russia) bao gồm bán đảo Crimea và vùng Đông Nam Ukraine, mà các Sa hoàng Nga đã kiểm soát được từ tay những thế lực suy tàn: Đế quốc Mông cổ “Kim Trướng hãn quốc”, người Hồi giáo Tatar/ Ottoman, đế chế Kyivan Rus và cả người Cossack (tổ tiên người Ukraine) [4]. Trong Thế chiến thứ hai, quân Đức quốc xã đã chiếm vùng này và phải trả lại cho Liên Xô sau khi thua trận. Thực ra các Sa hoàng chỉ cai quản vùng đất này trong vài chục năm ngắn ngủi (1764-1783 và 1796-1802) [5].

 

BẢN ĐỒ : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-23.png

               Nước Nga Mới (New Russia). Ảnh: wikipedia.org

 

Tham vọng bành trướng của Nga thật ra không mới. Trong lịch sử, Nga luôn muốn trở thành đế quốc bằng cách bành trướng. Không riêng bán đảo Crimea và vùng Đông Nam Ukraine mà nhiều nước yếu đuối quanh Nga cũng bị Sa hoàng chinh phục theo chiến lược “bóc vỏ cam” rồi sau này trở thành những nước chư hầu của Nga trong khối Liên bang Xô-viết: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan…

 

Nuớc Nga có lúc thịnh, lúc suy. Lúc thịnh thì đi xâm chiếm những nước nhược tiểu lân cận, lúc suy thì bị ngoại bang đô hộ, ức hiếp, nhất là Đức.

 

Hoàng tộc Nga trong những thế kỷ 16-20 có quan hệ họ hàng với người Đức. Những vị Sa hoàng của nước Nga đều mang dòng máu Đức. Nữ Sa hoàng Catherine I là người Đức, sinh ra nữ Sa hoàng II. Nữ Sa hoàng Catherine II sinh ra Sa hoàng Paul I. Hậu duệ tiếp nối là Sa hoàng Alexander I, II, III, … Rồi cuối cùng là Nikolai II, vị Sa hoàng cuối cùng của đế chế Nga. Người ta thường nói, người Đức cai trị người Nga là vì vậy.

 

Từ Thế chiến thứ nhất cho tới Thế chiến thứ hai, Nga là một nước yếu, thuờng bị Đức thao túng. Vì thù ghét người em họ của mình là Sa hoàng Nikolai II, đại đế Wilhelm II của Đức đã giúp Lenin làm cuộc Cách mạng tháng 10, lật đổ chế độ Sa hoàng. Sa hoàng Nikolai II bị quân Bolshevik của Lenin giết chết nhưng chính quyền “Cách mạng” của Lenin và Liên bang Xô viết luôn bị đế chế Đức chi phối.

 

Vì mặc cảm yếu kém, Stalin đã nuôi mộng biến nước Nga thành cường quốc để phục thù. Trước nhất là lo cho nước Nga, Stalin ra lệnh giải tán phong trào Quốc tế Cộng sản của Lenin và thay vào đó chính sách chỉ “xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong một nước” tức nước Nga [6].

 

Sau khi Lenin qua đời, Stalin lên nắm quyền, đã thẳng tay tiêu diệt gần hết người thân tín của Lenin. Riêng Trotsky, đồng chí thân tín nhất của Lenin, trốn thoát qua Mexico và thành lập nhóm Đệ Tứ Quốc Tế (Cộng sản) chống lại Stalin. Năm 1940, Trotsky bị mật vụ của Stalin giết chết.

 

Trước Thế chiến thứ hai, Stalin cố thân thiện với Hitler để tránh xung đột, đồng thời nỗ lực hợp tác, học hỏi kỹ thuật của người Mỹ để tự chế được vũ khí, cải tiến được xe máy cày thành xe tăng. Trong Thế chiến thứ hai, Nga bị Đức tấn công dữ dội. Nga liên minh với Mỹ, Anh, Pháp và cuối cùng thắng Đức tại mặt trận phía Đông năm 1945.

 

Ngày 8-5-1945, Đức đầu hàng. Quân đồng minh thắng trận, chia vùng để trị. Nước Đức bị chia đôi. Phe Tư bản (Mỹ, Anh, Pháp) giữ phần đất Tây Âu bao gồm cả Tây Đức và Tây Bá Linh. Phe Cộng sản giữ phần đất Đông Âu bao gồm cả Đông Đức và Đông Bá Linh.

 

Từ một vị thế yếu đuối, Nga trỗi dậy thành cường quốc Cộng sản Liên Xô và tiếp tục bành trướng ảnh hưởng bằng cách lôi kéo những nước thứ ba nhược tiểu với chiêu bài xóa bỏ trật tự thực dân, giành độc lập dân tộc, đấu tranh giai cấp, tiêu diệt chế độ tư bản bóc lột, xây dựng chế độ Xã hội chủ nghĩa “tốt đẹp” hơn.

 

Vì lo sợ làn sóng Cộng sản sẽ lan rộng khắp vùng Đông Nam Á và thu hẹp thế giới tự do, Mỹ đã cùng đồng minh nhảy vào Việt Nam ngăn chặn và chiến tranh Việt Nam bùng nổ.

 

Không những chống Tư bản, Nga còn chống Trung Quốc để độc quyền lãnh đạo khối Cộng sản. Trung Quốc một thời muốn nắm Việt Nam để bành trướng tại vùng Đông Nam Á nhưng vì yếu kém nên đã bị Nga loại trừ. Cùng là đồng chí Cộng sản với nhau, Nga và Trung Quốc trở thành kẻ thù “không đội trời chung”.

 

Thế nhưng không có gì tồn tài vĩnh viễn.

 

Ngày 26-12-1991 khối Cộng sản Liên Xô sụp đổ kéo theo hàng loạt các nước Xã hội chủ nghĩa khác; hiện chỉ còn lại 4 nước: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu Ba (Riêng Bắc Hàn, kể từ năm 1998, không còn được kể là nước theo chủ nghĩa Marx-Lenin).

 

Nga suy thì Trung Quốc thịnh. Nhờ ý muốn “Đổi mới” để tân canh đất nước, Đặng Tiểu Bình bắt tay với Mỹ, mở cửa giao thương với thế giới tự do và Trung Quốc trở nên giàu có. Lợi dụng kiểu “hợp tác chung” Joint-Venture với các công ty ngoại quốc, Trung Quốc dùng luật đòi chuyển giao công nghệ và mặt khác tìm cách đánh cắp.

 

Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra, Trung Quốc mà lấy được cái gì của ai, nó sẽ treo cổ kẻ ấy bằng cái ấy.

 

Thực vậy, ngày nay Trung Quốc có thể tự chế tạo nhiều thứ và quay ngược lại cạnh tranh với Tây phương, người đã chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc hoặc bị Trung Quốc đánh cắp. Một món hàng “Made in China” được chế tạo bằng kỹ thuật Đức, nay bán rẻ hơn hàng “Made in Germany” thật. Hậu quả, hãng Đức sập tiệm.

 

Dẫu sao Trung Quốc đã trở thành một nước giàu mạnh từ vị thế một nước yếu kém từng bị Liên Xô chèn ép. Trung Quốc ngày nay hơn hẳn Nga về nhiều mặt.

 

Nước Nga ngày nay mờ nhạt. Nhắc đến Nga, người ta liên tưởng đến một nước sống được nhờ bán dầu khí và vũ khí là chính. Kinh tế Nga thua kém nhiều nước đàn em Đông Âu một thời yếu hơn mình: Đông Đức, Hungary, Ba Lan, Tiệp, Slovakia, Romania, Croatia, Latvia, Lithuania, Estonia, … [7]. Những nước nhược tiểu này nhờ thoát khỏi khối Cộng sản Liên Xô, đã có cơ hội hợp tác, giao thương với thế giới tự do và trở nên thịnh vượng. (Đây cũng là một lý do tại sao các nước yếu kém Xô viết cũ còn lại như Moldova, Ukraine, … có xu hướng xích lại gần thế giới tự do hơn với Nga).

 

Từ một siêu cường Cộng sản, nay Nga không bằng ai. Chắc chắn Putin đã nhìn thấy điều này và tự hỏi phải làm sao để lấy lại phong độ như xưa?

 

Ngày 21 tháng 2 năm 2022, người đứng đầu Điện Kremlin phủ nhận quyền tồn tại của quốc gia láng giềng Ukraine, đồng thời công nhận “Cộng hòa Nhân dân” tự xưng Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập. Putin đổ thừa nhà nước Ukraine là quốc xã, tay sai của Tây phương và tố cáo Tây phương muốn lôi kéo Ukraine vào mở rộng NATO để tiêu diệt Nga. Vài giờ sau, Putin gửi quân đội tới vùng Donbass. Nước Nga của Putin không tuân thủ luật pháp quốc tế, ngang nhiên chơi theo luật của mình, đánh Ukraine nhằm tái lập một “Nước Nga mới”.

 

(Còn tiếp)

 

Stuttgart, 16-4-2023

_______

 

Tài liệu tham khảo

 

[1] Dũng Vũ: Ukraine – Châu chấu đá xe – 4 phần:

https://baotiengdan.com/2022/11/12/ukraine-chau-chau-da-xe-phan-1/

https://baotiengdan.com/2022/11/13/ukraine-chau-chau-da-xe-phan-2/

https://baotiengdan.com/2022/11/13/ukraine-chau-chau-da-xe-phan-3/

https://baotiengdan.com/2022/11/13/ukraine-chau-chau-da-xe-phan-cuoi/

 

[2] Nicolas Hofer: Warum der Kapitalismus auch Profitismus heißen könnte https://videogold.de/warum-der-kapitalismus-auch-profitismus-heissen-koennte-nicolas-hofer/

 

Holger Lang: Kapitalismus versus Marktwirtschaft: oder warum der Kapitalismus keine Marktwirtschaft ist. 2016. Amazon

 

[3] Putin träumt von Großrussland – der Westen wacht auf. https://www.diplomatic-council.org/de/node/1034

 

[4] xem [1]

 

[5] Föderativer Staat Neurussland. Wikipedia.

 

[6] Isaac Deutscher: Stalin. Eine politische Biographie. Dietz Verlag, Berlin 1990

 

[7] Tổng sản lượng quốc gia thế giới 2021 (theo IWS): https://de.wikipedia.org/wiki/Liste_der_L%C3%A4nder_nach_Bruttoinlandsprodukt_pro_Kopf

 

----------------

1 COMMENT

 

Uoc Nguyen

profitism, profitismus. Vì có cái đuôi ism, nên có thể dịch là "chủ nghĩa duy lợi".

 

 

                                                      ***

 

 

Chiến tranh Ukraine và “Chủ nghĩa có lợi” (Phần 2)

Dũng Vũ

19/04/2023

https://baotiengdan.com/2023/04/19/chien-tranh-ukraine-va-chu-nghia-co-loi-phan-2/

 

Thái độ của quốc tế

 

Nga xâm lược Ukraine khiến dư luận quốc tế giận dữ. Liên Hiệp Quốc đã tổ chức biểu quyết lên án Nga đến 5 lần và mọi lần đều chiếm đa số, trong đó gồm cả những nước thân Nga.

 

Mặc dù lên án Nga nhưng ít ai nhiệt tình giúp Ukraine tự vệ. Những nước giúp Ukraine tự vệ đáng kể nhất là Mỹ, Anh, Ba Lan. Tính theo tổng sản lượng quốc gia (GNP), thì các nước “anh em” Đông Âu cũ (Ba Lan, Tiệp, Slovakia, Romania, Croatia, Latvia, Lithuania, Estonia, …) lại là những người giúp Ukraine nhiều hơn hết.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-24.png

Viện trợ quân sự cho Ukraine (tháng 1-2023). Nguồn: FOCUS online – Quelle: IfW Kiel 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/2-2.png

Viện trợ quân sự cho Ukraine tính theo GNP quốc gia (tháng 1-2023). Nguồn: FOCUS online – Quelle: IfW Kiel

 

Nhìn tổng quát, phần lớn các nước giúp đỡ Ukraine đều có giới hạn. Đáng ngạc nhiên là NATO, EU lẫn những nước lớn tiêu biểu như Đức, Pháp, Ý, … không tạo được ấn tượng giúp Ukraine tự vệ nhiệt tình như Mỹ. Tại sao?

 

Chủ nghĩa có lợi quốc tế

 

NATO tuy nằm sát Ukraine nhưng không dám viện trợ quân sự nhiều cho Ukraine vì sợ Putin xem mình là kẻ tham chiến và sẽ đánh. Sự giúp đỡ khá hời hợt, chậm chạp, gần như chỉ thông qua tư cách cá nhân của các thành viên.

 

Khối EU to lớn tựa vậy, xưa nay “làm ăn buôn bán kiếm lời” là chính, thỉnh thoảng chống kẻ chà đạp nhân quyền, áp bức thường dân chỉ bằng lời nói. Sự giúp đỡ Ukraine mang tính cách nhân đạo nhiều hơn quân sự nhưng cũng không bằng các nước Đông Âu dẫu họ nghèo hơn.

 

Những nước lớn EU (Đức, Pháp, Ý, …) cũng thụ động, nổi bật là Đức. Nước Đức được ví như đầu tàu của Âu châu và giữ một vai trò quan trọng đối với Nga, đáng lẽ phải tích cực giúp Ukraine tự vệ, nhưng không.

 

Cùng lối cư xử giống NATO, Đức không dám để Putin xem mình là kẻ tham chiến, nên chỉ giúp Ukraine vừa phải, miễn cưỡng và luôn luôn hỏi ý kiến đồng minh trước khi làm việc gì. Suốt một năm chiến tranh, ông Thủ tướng Scholz và đảng SPD của ông ta đã chăm chỉ đóng vở kịch “câu giờ” không muốn giao cho Ukraine loại chiến xa Leopard 2 mạnh mẽ, giúp Ukraine tự vệ tốt hơn, mặc cho dư luận quốc tế mãi khẩn nài. Khí giới dành cho Ukraine phần thì hư hỏng, phần thì lạc hậu, phần thì của Liên Xô lấy từ kho dự trữ của Đông Đức cũ. Vài ba loại vũ khí tối tân của Đức gửi cho Ukraine chỉ dùng để … thử nghiệm.

 

Đơn giản là có máu đổ ở Ukraine, chúng ta biết điều đó. Chúng ta đã bỏ rơi người dân Ukraine […] và đó là trách nhiệm của chính sách lừng khừng của ông Thủ tướng“, Wadephul, chính trị gia quốc phòng của đảng CDU đã chỉ trích Scholz như thế [8].

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-25-1024x614.png

Ảnh: Một người lính đang chờ đưa tới một bệnh viện gần Bakhmut, Ukraine. Nguồn: Anadolu Agency/Getty Images

 

Nhiều người tự hỏi, tại sao 20 năm qua, Đức có một mối quan hệ tốt đẹp với Nga, đùng một cái thì từ bỏ. 20 năm qua Đức đã làm gì với Nga?

 

Trên thực tế, Đức chỉ muốn xuất cảng nhiều qua Nga, đầu tư làm ăn và mua dầu khí rẻ. Những dấu vết còn đó là hai đường dẫn khí Nord Stream 1 và 2 vừa bị đặt bom. Cái chủ nghĩa có lợi của hai vị cựu Thủ tướng Đức Schröder và Merkel – như một con dao hai lưỡi mà Mỹ thường xuyên cảnh báo – dễ khiến Đức rơi vào bẫy lệ thuộc Nga nếu chỉ ưa chuộng dầu khí rẻ tiền có thể có lợi cho người Đức nhưng nguy hiểm cho người khác.

 

Quả thực, khi đồ án Nord Stream 2 vừa hoàn tất, bà Thủ tướng Đức Merkel vừa mãn nhiệm, Putin biết Đức đã sập bẫy, bèn đánh Ukraine ngay lập tức, với suy nghĩ chấp Đức là nước giàu mạnh nhất Âu châu, cũng chẳng làm được gì Nga. Đa số người Đức ủng hộ người Ukraine chống lại Putin, nhưng ông Schröder vẫn chung thủy với người bạn thân thiết Putin của mình, vẫn muốn Đức mua dầu khí rẻ của Nga. Người Đức không cần dầu khí của Nga nữa và muốn đảng SPD khai trừ ông Schröder ra khỏi đảng. Nhưng đảng SPD không làm.

 

Thật là thảm hại khi không chịu lắng nghe tiếng nói của những nước biết rõ [con người] Putin. Những kẻ được trao quyền như Gerhard Schröder đã khiến Âu châu lệ thuộc vào Nga và khiến cả lục địa gặp nguy hiểm“, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cáo buộc cựu Thủ tướng Schröder gây nguy hiểm cho sự tồn vong của Âu châu với chính sách thân Nga của ông ta như thế [9].

 

Cái chủ nghĩa có lợi của Đức còn có mặt ở nhiều nơi khác, điển hình là Trung Quốc. Đức luôn chỉ trích kẻ vi phạm nhân quyền và không muốn “làm ăn” với kẻ ấy nhưng Trung Quốc lại chính là kẻ ấy. Kẻ ấy đã thẳng tay cưỡng bức lao động, tẩy não, triệt sản người Duy Ngô Nhĩ nhưng Đức vẫn thoải mái “làm ăn”. Không những thế mà còn chấp nhận chuyển giao công nghệ. Hậu quả là sau bao năm, Trung Quốc nắm được kỹ thuật, tự chế tạo được nhiều thứ, để từ vị thế một đối tác, Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh khiến nhiều công ty Đức bị phá sản hay thua lỗ và bị Trung Quốc mua đứt. Càng nguy hiểm nữa là nhờ nắm được kỹ thuật, Trung Quốc ngày càng hung hăng và trở thành một mối đe dọa toàn cầu, đặc biệt là đối với vùng biển Đông và những nước láng giềng tại vùng Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.

 

Không những Đức, Pháp cũng là ông hoàng của chủ nghĩa chủ hòa và chủ nghĩa có lợi. Pháp nằm trong EU, tuy không hùng mạnh bằng Đức, nhưng muốn dẫn dắt Âu châu và biến Âu châu thành một “siêu cường” bên cạnh Mỹ và Trung Quốc theo lý thuyết “chiến lược tự chủ” (autonomous strategy) của Tổng thống Pháp Macron. Macron kêu gọi “làm ăn”, đặc biệt với Trung Quốc, đừng nên can thiệp vào chuyện nội bộ nuớc khác, ví dụ chuyện Đài Loan-Trung Quốc, chẳng có lợi lộc gì cho mình [10]. Điều đó cắt nghĩa tại sao Macron hời hợt với chuyện Nga xâm lược Ukraine. Dẫu vậy Macron vẫn tự tin mình có thể “khuyên nhủ” Putin để giải quyết vấn đề một cách êm thắm và ông đã tới tận Moscow, và được Putin tiếp chuyện bên một cái bàn bầu dục dài 6 thước, mỗi người ngồi mỗi đầu. Kết quả là con số không, Macron lặng lẽ ra về và tiếp tục gọi điện thoại “khuyên nhủ” Putin. “Khuyên nhủ” mãi nhưng Putin vẫn phớt lờ.

 

Suốt cuộc chiến Ukraine, Macron đã không tận tình giúp Ukraine tự vệ, giống Scholz, cũng không mong Ukraine thắng trận, nhưng mong nhận được nhiều hợp đồng tái thiết Ukraine sau chiến tranh.

 

Chủ nghĩa có lợi còn thấy ở các nước “trung lập” đã bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc, không lên án Nga xâm lược Ukraine, đi ngược lại số đông. Một trong những lý do chính là họ xem Nga là một “cây xăng giá rẻ” và cũng là nơi bán vũ khí “giá phải chăng”. Vài nước nhỏ, hoặc vì tình cảm, hoặc vì bị lệ thuộc vào Nga cũng bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam.

 

Những nước lên án và cấm vận Nga thừa biết mình cũng bị thiệt thòi lây nhưng vì lương tâm, họ chấp nhận và cảm thấy bất mãn đối với những nước thủ lợi. Điều này có thể dẫn đến một sự trừng phạt tai hại, đặc biệt cho các nước nhỏ đang cần buôn bán với Tây phương. Một cảnh báo cụ thể đã xảy ra cho Trung Quốc: Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen vừa tuyên bố, quan hệ giữa EU và Trung Quốc trong tương lai sẽ được quyết định tùy vào quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine [11].

(Còn tiếp)

________________

Tài liệu tham khảo:

 

[8] https://www.n-tv.de/politik/08-35-CDU-Politiker-Wadephul-Wir-haben-die-Ukraine-eine-gewisse-Zeit-lang-im-Stich-gelassen–article23143824.html

 

[9] https://www.welt.de/themen/mateusz-morawiecki/

 

[10] https://www.bqprime.com/politics/macron-says-europe-must-develop-its-own-autonomy-separate-from-us

 

[11] https://www.n-tv.de/politik/16-36-Von-der-Leyen-macht-Beziehungen-zu-China-von-Haltung-zum-Ukraine-Krieg-abhaengig–article23143824.html

 

                                                       ***

 

Chiến tranh Ukraine và “Chủ nghĩa có lợi” (Phần 3)

Dũng Vũ

20/04/2023

https://baotiengdan.com/2023/04/20/chien-tranh-ukraine-va-chu-nghia-co-loi-phan-3/

 

Chiến tranh Ukraine – Tham vọng tái bành trướng

 

Khi bắt đầu xâm lược Ukraine, Putin thường nhắc tới một nhân vật với đầy lòng ngưỡng mộ: Sa hoàng Peter I (1672-1725), mệnh danh là Peter đại đế.

 

Suốt 42 năm trị vì, Peter đã đem quân chinh phạt người Tatar, người Thổ ở phía Nam Đế chế Nga và đánh nhau với cường quốc quân sự Thụy Điển đang thống trị vùng biển Baltic ở phía Bắc. Sau 21 năm “chiến tranh phương Bắc”, Peter đại đế chinh phục vùng biển Baltic. Từ đó Nga có thể khẳng định mình là bá chủ Âu châu.

 

Chưa làm bá chủ Âu châu nhưng dường như Putin muốn ví mình như “Peter Đại đế” và mở màn bằng “chiến dịch quân sự đặc biệt”: Đánh Ukraine. Nói đúng hơn, Putin đã khởi động một cuộc tái bành trướng. Bành trướng bằng bạo lực.

 

Chủ hòa ngây thơ – Cứu cánh biện minh phương tiện

 

Bạo lực là một bí quyết người Cộng sản thường dùng để giải quyết vấn đề trong khi nhiều chính khách Tây phương thường mơ mộng về một triết lý “dĩ hòa vi quý”. Putin đã dùng bạo lực đánh Ukraine và bằng mọi cách phải đạt mục đích. Thế giới hẳn thấy quân Nga đã không ngần ngại bắt cóc trẻ em Ukraine, hãm hiếp phụ nữ, xua lính đánh thuê ác độc, tù nhân hình sự ra chiến trường, ném bom lân tinh, bom chùm hủy diệt hàng loạt, thẳng tay bắn vào thường dân, pháo kích vào chung cư, trường học, nhà thương, vườn trẻ, đường sá, nhà máy điện.

 

Người dân Ukraine đã phải trải qua một cuộc sống khốn cùng suốt mùa Đông lạnh giá, không điện nước, lò sưởi, trong khi dân Âu châu thụ hưởng một mùa Giáng Sinh an bình, ấm áp, vừa vui vẻ tiệc tùng vừa kêu gọi hòa bình, ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Nhưng vở bi kịch vẫn tiếp diễn, Nga vẫn tiếp tục dùng mọi kiểu cách, mọi “phương tiện” tồi tệ miễn đạt được “cứu cánh” (mục đích) đúng phương châm: “Cứu cánh biện minh phương tiện”.

 

Nga đánh Ukraine thì Ukraine phải tự vệ nhưng không thể bằng triết lý “dĩ hòa vi quý”? Sự “chủ hòa” ngây thơ không thắng nổi người Cộng sản. Từng là một nước Cộng Sản từ “lò đúc” Liên Xô, Ukraine thừa hiểu Cộng sản. Muốn chống Putin, buộc phải dùng bạo lực thì mới mong bảo vệ được quê hương. Và Ukraine đã chọn cách đó. Chỉ có điều vì thiếu vũ khí tự vệ, Ukraine cần quốc tế giúp đỡ.

 

Phải chi Ukraine còn sở hữu vũ khí hạt nhân như xưa để có thể răn đe kẻ thù mà bảo vệ mình khỏi bị xâm lược, nhưng tiếc là đã từ bỏ nó để đổi lại cam kết của Mỹ, Anh và Nga sẽ tôn trọng và bảo vệ chủ quyền của Ukraine theo giác thư Budapest (1994). Thế nhưng giờ đây Nga lại đem quân xâm lược Ukraine, phản bội lời cam kết.

 

Cựu tổng thống Mỹ Clinton đã lấy làm hối hận, thừa nhận sự sai lầm đã dẫn đến chiến tranh Ukraine: “Cá nhân tôi cảm thấy phải chịu trách nhiệm trong việc thuyết phục họ từ bỏ vũ khí hạt nhân […]. Khi cơ hội thuận tiện tới, Putin đã phá vỡ thỏa thuận và việc đầu tiên là chiếm Crimea. Thật khủng khiếp vì Ukraine là một quốc gia rất quan trọng“. Clinton nói, Mỹ và Âu châu phải tiếp tục ủng hộ Ukraine, không để Ukraine bị áp lực phải ký thỏa thuận hòa bình với Nga [12].

 

Được mất gì từ chiến tranh Ukraine?

 

1. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà Putin biết EU, NATO, Tây phương là những con “cọp giấy”, ích kỷ, chỉ biết thủ thân thủ lợi và Nga có thể tự do bành trướng, xâm chiếm nước yếu mà không sợ ai can thiệp. Một tiền lệ quá xấu nhưng có lợi cho Nga. Qua một năm, Nga đã chiếm gần hết vùng Đông Nam Ukraine; cộng với bán đảo Crimea vị chi gần bằng vùng “Nước Nga Mới” như dự tính. Nhưng chưa hết, Putin còn có thể tiếp tục bành trướng, đánh Moldova, nơi có nhiều người Nga sinh sống đòi tự trị, rồi Georgia, Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan, … [13].

 

2. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà Putin làm NATO ngừng bước về phía Tây. Tuy nhiên Putin lại làm Thụy Điển, Phần Lan lo sợ Nga xâm lược, nên đã từ bỏ vị thế trung lập và gia nhập NATO, vô hình trung làm nở rộng khối NATO (về phía Bắc). Phản tác dụng.

 

3. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà Putin cũng nhận ra rằng quân đội Nga, hậu thân của đoàn “Hồng binh Vệ quốc Liên Xô vĩ đại” từng chiến thắng Hitler, tưởng chừng hùng mạnh nhưng không, nó đang tự chứng minh mình là một đội quân tồi tệ cần được chỉnh đốn gấp.

 

4. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà Putin có thể gây khủng hoảng năng lượng, gây lạm phát, làm thiệt hại Tây phương nhưng mặt khác Nga cũng lãnh những đòn trừng phạt, cấm vận quốc tế và chắc chắn sẽ lao đao trong thời gian tới. Xưa nay Nga sống nhờ xuất cảng dầu khí và vũ khí nhưng đã đánh mất Tây phương, vị khách hàng tiêu thụ dầu khí lớn nhất của Nga. Vũ khí Nga cũng không còn dồi dào để xuất cảng vì đã bị tiêu hao nhiều qua cuộc chiến Ukraine. Hơn nữa Nga cũng cần dự trữ phần nào để phòng thủ. Khả năng sản xuất vũ khí hiện đại cũng bị hạn chế do thiếu phụ tùng, chip điện tử phải nhập cảng từ Tây phương. Thiếu thốn đến nỗi Nga phải tận dụng những thứ này từ những chiếc máy giặt, máy rửa chén.

 

5.Nhờ có chiến tranh Ukraine mà Trung Quốc rút được kinh nghiệm bành trướng của Putin và có thể an tâm áp dụng ở biển Đông, với Đài Loan, Phi Luật Tân, Việt Nam, Trường Sa, … vì biết rằng Tây phương không can thiệp. Trung Quốc mong Putin tại vị lâu bền và chiến tranh kéo dài để Trung Quốc có thì giờ phát triển nhiều quyền lực hơn Nga, học được ưu khuyết điểm vũ khí Nga và Mỹ (Starlink, Stinger, Javelin, HIMARS, …). Trung Quốc cũng mong Nga thắng trận và hợp tác với Nga nhiều hơn để tạo nên một “trật tự mới” [14].

 

6. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà Trung Quốc có thể mua dầu khí rẻ của Nga và gia tăng xuất cảng sang Nga, chiếm thị trường Tây phương đã bỏ đi. Nga đang cần Trung Quốc giúp đỡ; Tập Cận Bình và Putin thân nhau hơn; Trung Quốc trở thành đối tác quan trọng nhất của Nga. Điều này nguy hiểm cho Việt Nam vì một mai Trung Quốc gây xung đột ở biển Đông với Việt Nam, Trung Quốc có thể gây áp lực với Nga tạo bất lợi cho Việt Nam. Chắc chắn Nga sẽ đứng về phía Trung Quốc hơn là Việt Nam. Việt Nam mất chỗ dựa vào Nga, mất chỗ mua vũ khí. Và hậu quả sẽ khôn lường.

 

7. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà EU và NATO mới bừng tỉnh lo chỉnh đốn quân đội. Lâu nay EU cứ tưởng Putin là một chàng võ sĩ hiền lành chẳng bao giờ đánh ai. Cũng nhờ có chiến tranh Ukraine mà EU, NATO mới đoàn kết hơn, đồng thời cũng lộ ra những “con sâu” như Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

8. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà Đức học được bài học phải đối xử với Putin thế nào, phải biết lợi dụng nước nhỏ tốt hơn như thế nào để bảo vệ mình. Đức mong tái vũ trang để tăng cường năng lực phòng thủ và giúp đồng minh trong khối NATO hiện đại hóa quân đội (bằng cách mua vũ khí của Đức). Đức cũng muốn bớt lệ thuộc kinh tế vào một nước, cụ thể là Trung Quốc, và đang tìm cách mở rộng chuỗi cung ứng tại vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Phi Châu và Nam Mỹ.

 

9. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà Mỹ có thể bán thêm được vũ khí, đồng thời biết được thực lực của mình, thực lực của Nga, NATO, Âu châu, đặc biệt là biết được “bụng dạ” từng nước trên thế giới để định hình chính sách tương ứng đối với từng đối tượng trong tương lai.          Xa hơn nữa, Mỹ cũng cần một đồng minh mạnh mẽ, thiện chiến và đã tìm ra. Đó là  Ukraine. Chỉ có điều chiến tranh kéo dài có thể làm Mỹ và các nước viện trợ cho Ukraine ngày càng bị hao tổn và mất kiên nhẫn đến nỗi sẽ bỏ rơi Ukraine.

 

10. Nhờ có chiến tranh Ukraine mà các nước nhỏ vùng Baltic, Ba Lan, Tiệp, Slovakia … biết đoàn kết, không còn dám tin vào nước mạnh ích kỷ như Đức, Pháp…

 

Kết luận

 

Chiến tranh Ukraine nguy hiểm hơn người ta tưởng. Nó không đơn thuần là chiến tranh của Ukraine mà của toàn thế giới. Nếu thế giới không tích cực giúp Ukraine tự vệ, để Putin thắng, nó sẽ trở thành tiền lệ xấu cho nhân loại, khi các nước lớn ngang nhiên bành trướng bất chấp luật lệ quốc tế. Rõ ràng Nga đã tạo một tiền lệ xấu, nước lớn hiếp nước bé mà khối Tây phương chẳng muốn can thiệp chỉ vì chủ nghĩa có lợi hẹp hòi.

 

Thái độ ích kỷ, nhu nhược vì chủ nghĩa có lợi của Tây phương sẽ làm mất lòng tin của các nước yếu, khiến họ từ từ sẽ ngả về Trung Quốc, về Nga, và vô hình trung giúp Trung Quốc và Nga “bành trướng mềm”. Ảnh hưởng Tây phương sẽ bị thu hẹp lại như thời Chiến tranh lạnh.

 

Chưa kể một điều nguy hiểm nữa là một khi các nước lớn bành trướng, họ sẽ liên kết với nhau thành một tập đoàn bành trướng (tựa như thời thực dân, phát xít) tự do lộng hành khắp nơi. Những nước yếu, kể cả Việt Nam, sẽ là những nạn nhân đầu tiên, hoặc bị xâm lăng và phải đổ máu để tự vệ hoặc chấp nhận mất đất làm nô lệ.

 

Ukraine đang là nạn nhân của một cuộc bành trướng của một nước lớn như thế. Nếu Ukraine gục ngã, Nga sẽ tự đắc và càng xem thường Tây phương. Sự thụ động của Tây phương càng khuyến khích Nga tiếp tục gây hấn hoặc bành trướng sang các nước nhỏ (Moldova, Georgia…) kể cả các nước thành viên NATO. Đến lúc đó NATO, Âu châu phải trực diện với chiến tranh thay vì có Ukraine đang làm tiền đồn cho mình.

 

Cần lưu ý rằng trong thâm tâm Putin, kẻ thù chính của Nga là Mỹ, NATO và Âu châu chứ không phải Ukraine.

 

Càng đáng lưu ý nữa là một khi trật tự thế giới bị phá vỡ, chắc chắn Mỹ sẽ không đứng yên và “thùng thuốc súng” thế chiến sẽ bùng nổ.

 

(Hết)

________________

Tài liệu tham khảo

 

[12] https://www.n-tv.de/politik/Clinton-bereut-Ukraine-Deal-article24036286.html

 

[13] https://www.n-tv.de/politik/Putins-Umsturzplaene-fuer-die-Ex-Sowjetlaender-article24006602.html

 

[14] https://www.n-tv.de/mediathek/videos/politik/China-moechte-dass-Russland-diesen-Krieg-gewinnt-article24000179.html

 





No comments: