NỘI DUNG :
Cảnh sát đặc
nhiệm Thái Lan vào cuộc vụ blogger Đường Văn Thái nghi bị bắt cóc
RFA
.
Liên đoàn
Quốc tế Nhà báo quan ngại về trường hợp ông Đường Văn thái bị bắt cóc
RFA
.
HRW kêu gọi
Australia gây áp lực đối với Việt Nam về nhân quyền
RFA
====================================================
.
.
Cảnh sát đặc nhiệm Thái Lan vào cuộc vụ blogger Đường Văn Thái nghi bị
bắt cóc
RFA
2023.04.20
Lực lượng Cảnh sát Đặc nhiệm thuộc Cảnh sát Hoàng
gia Thái Lan đã vào cuộc điều tra vụ một người tị nạn chính trị Việt Nam bị mất
tích ở Bangkok nhưng sau đó lại đột nhiên xuất hiện ở Việt Nam và bị bắt.
Ông Đường Văn Thái. Hình từ YouTube Thái Văn Đường
Blogger Đường Văn Thái (YouTuber Thái Văn Đường),
người thường xuyên chia sẻ thông tin thuộc dạng “cung đình” của nhiều lãnh đạo
Nhà nước Việt Nam trên YouTube với gần 120 ngàn người theo dõi, bị mất tích ở gần
nhà trọ thuộc tỉnh Pathum Thani, Thái Lan, vào chiều muộn ngày 13/4.
Ba ngày sau, truyền thông Việt Nam đưa tin Công an huyện Hương Sơn, tỉnh
Hà Tĩnh, đã bắt giữ ông khi ông xâm nhập trái phép từ Lào vào chiều ngày 14/4.
Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Việt sống ở
Bangkok nhiều năm qua, cho biết người của Lực lượng Cảnh sát Đặc nhiệm đã liên
lạc với bà và nhóm bạn thân thiết của ông Thái để tìm hiểu thông tin về vụ việc
và khả năng ông bị bắt cóc và dẫn giải bởi mật vụ Việt Nam. Bà chia sẻ với Đài
Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 20/4:
“Cảnh sát đặc biệt (Special Forces) họ đã vào cuộc ngày hôm qua, họ
bắt đầu điều tra về vụ mất tích của Đường (Văn Thái- PV).
Tôi
nghĩ vụ này lớn hơn vụ của Trương Duy Nhất (bị bắt cóc ở Bangkok năm 2019-PV)
vì vụ ông Nhất nghi ngờ có những người thuộc cảnh sát Thái Lan giúp đỡ, nhưng
trong vụ việc này tôi nghĩ cảnh sát Thái không có dính líu, vì đã nói chuyện với
người trưởng Cảnh sát ở Bangkok này nhưng ông ta nói là không biết gì hết. Tôi
nghĩ vụ này Việt Nam tự làm lấy.”
Phóng viên RFA gửi email cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để kiểm chứng
thông tin trên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nhóm bạn điều tra dấu vết blogger mất tích
Bà Grace Bùi cho RFA biết song song với điều tra của cảnh sát Thái,
nhóm của bà bắt đầu thu thập thông tin, các đoạn camera an ninh về đường đi của
ông Đường Văn Thái trước khi bị mất tích để phản bác thông tin mà phía Việt Nam
đưa ra.
Mục tiêu của nhóm là lấy lại công bằng cho Đường Văn Thái, bảo vệ người
tị nạn Việt Nam ở Thái Lan, và cho thế giới biết rõ sự vi phạm nhân quyền của
Hà Nội cho dù quốc gia này đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc,
bà nói.
Nhóm đang cộng tác chặt chẽ với nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế để làm
rõ những gì đã xảy ra với nhà báo dũng cảm, người dám đưa tin về tham nhũng và
cấu kết của quan chức Việt Nam trong nhiều năm qua.
Hai ngày trước, nhóm đã báo cảnh sát địa phương về sự mất tích của ông
Thái và được nhà chức trách khu vực cấp cho giấy phép được thu thập thông tin từ
các camera công cộng trong khu vực mà blogger này có thể hiện diện trong ngày bị
mất tích.
Bà Grace Bùi cho biết, ông Đường Văn Thái vào ngày 13/4 đã rời nhà và
đi đến một tiệm bán cà phê ở gần đó để mua hai cốc cà phê rồi đi đến khu công
viên trong Đại học Công nghệ Rajamangala, cách Bangkok chừng 50 km về phía bắc.
Tại đây, ông uống cà phê cùng với một người tị nạn mới quen, Facebooker
Lộc AnHà. Sau đó, hai người chia tay, người bạn ở lại còn ông Thái đi về hướng
nhà trọ của mình và từ đó không ai liên lạc được nữa.
Phóng viên có liên lạc với Facebooker Lộc AnHà, tên thật là Nguyễn Khắc
Đình Lộc, và được người này cho biết thông tin bà Grace Bùi thu thập được là
chính xác.
Ông Lộc nói trong chiều hôm đó, Đường Văn Thái gọi điện cho ông và hẹn
ra công viên trốn nóng như nhiều ngày trước. Hai người uống cafe rồi blogger thực
hiện live stream nói về chuyến viếng thăm Hà Nội vào ngày hôm sau của Ngoại trưởng
Hoa Kỳ Anthony Bliken và vụ xử blogger Nguyễn Lân Thắng.
Khoảng 5 giờ 30, Đường Văn Thái kết thúc chương trình live stream và
quay trở về phòng trọ. Ông Lộc ngồi thêm một lúc rồi ra về.
Ông Lộc, một người hoạt động về tự do tôn giáo ở Bà Rịa-Vũng Tàu và thường
xuyên bị sách nhiễu bởi chính quyền địa phương, cho biết ông nhận được tin ông
Thái bị mất tích vào chiều hôm sau (14/4) khi đang chờ ông Thái qua để hai người
đi chợ phiên, như nhiều tuần trước đó.
Ông cho biết thông tin người bạn mình nhập cảnh trái phép từ Lào về Hà
Tĩnh là bịa đặt vì Đường Văn Thái không có ý định về Việt Nam, và không thể vượt
920 km đường bộ trong thời gian một ngày từ trung tâm Thái Lan đến biên giới
Lào-Việt được.
Hơn 300 người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan hôm qua ký một kiến nghị thư gửi
cho các tổ chức của LHQ, đặc biệt là Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn (UNHCR) ở
Bangkok, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế để yêu cầu điều tra vụ việc, thực
hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho họ, và đẩy mạnh việc định cư cho họ ở quốc
gia thứ ba.
Thư kiến nghị được đại diện những người tị nạn gửi cho văn phòng Cao uỷ
về người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok hôm 19/4.
Ngày 20/4, phóng viên gửi email cho UNHCR và Văn phòng Cao ủy về Nhân
quyền của LHQ nhưng chưa nhận được phản hồi.
VIDEO :
Hàng chục người tị nạn biểu tình "phản đối Việt Nam bắt cóc
blogger Đường Văn Thái" | RFA Tin tức
https://www.youtube.com/watch?v=Q6wDt67RsFM
==========================================
Liên đoàn Quốc tế Nhà báo quan ngại về trường hợp ông Đường Văn thái bị
bắt cóc
RFA
2023.04.20
Liên đoàn Quốc tế Nhà báo (IFJ), trụ sở chính tại Bỉ, vào ngày 20/4 lên tiếng
quan ngại về trường hợp nhà báo tự do Đường Văn Thái mất tích khỏi Bangkok và
nghi là bị bắt cóc đưa về Việt Nam.
Ông Đường Văn Thái
trong một buổi phát hình trên YouTube trước đây
YouTube Thái Văn Đường
IFJ nhắc lại tin xác nhận từ phía Công an Việt Nam việc bắt giam ông Đường
Văn Thái ba ngày sau khi có nghi vấn ông này bị bắt cóc ở Bangkok, Thái Lan hôm
13/4.
IFJ lên án biện pháp bắt cóc và giam giữ ông Đường Văn Thái; đồng thời
kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do ngay cho ông này.
Thông cáo ngày 20/4 của IFJ nêu rõ “Biện pháp bắt cóc ông Đường
Văn Thái cho thấy nguy cơ lớn lao mà các nhà báo Việt Nam phải đối mặt; cũng
như tạo một tiền lệ tồi tệ về sự an nguy của những người làm công tác truyền
thông ở nước ngoài. Những cách thức trừng phạt mang tính đàn áp và nặng nề tại
Việt Nam đối với truyền thông độc lập, phê phán có nghĩa ông Thái chắc chắn phải
đối mặt sự khủng bố do những việc đã làm.”
Ông Đường Văn Thái 41 tuổi trước khi bị bắt đã có cuộc livestream về
phiên xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng và chuyến công du Việt Nam của Ngoại
trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Trước đó, ông đưa nhiều tin về tham nhũng và đấu đá nội bộ của quan chức
trung ương hoặc lãnh đạo nhiều địa phương của Việt Nam lên các nền tảng mạng xã
hội, ông cũng là người đưa thông tin ông Võ Văn Thưởng thay ông Nguyễn Xuân
Phúc lên làm Chủ tịch nước trước khi chính thức nhậm chức cả tháng trời.
Trong số những cán bộ cao cấp bị ông Đường Văn Thái nêu tên trong các
bài nói chuyện trực tiếp trên kênh YouTube Thái Văn Đường, có Tổng bí thư Đảng
Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,
Bộ trưởng Công an Tô Lâm, và "ngôi sao công an" đang lên, Thiếu tướng
Đinh Văn Nơi.
Trong một video gần đây, ông Thái có đưa thông tin Giám đốc công an tỉnh
Quảng Ninh Đinh Văn Nơi có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ dẫn đến việc người
này có thai, và nhận đút lót để tha bổng cho nhiều người bị bắt vì đánh bạc,
Đài Á Châu Tự Do không có điều kiện kiểm chứng các thông tin này.
IFJ cho rằng ông Thái đang bị giam tại Hà Tĩnh.
=======================================
.
.
HRW kêu gọi Australia gây áp lực đối với Việt Nam về nhân quyền
RFA
2023.04.20
Tổ chức Giám sát Nhân quyền- Human Rights Watch
(HRW) vào ngày 20/4 ra thông cáo kêu gọi Chính phủ Australia cần sử dụng hoạt động
đối thoại song phương với Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được cam kết từ phía Hà Nội
nghiêm túc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tù nhân chính trị.
Công dân Australia gốc Việt Châu Văn
Khảm bị dẫn giải ra toà tại TPHCM hôm 11/11/2019. Ông bị tuyên án 12 năm tù với
cáo buộc tội khủng bố (minh hoạ). AFP
Thông cáo cho biết cuộc đối thoại nhân quyền song phương Australia - Việt
Nam lần thứ 18 sẽ diễn ra trong hai ngày 24 và 25/4 tới đây tại Hà Nội.
Trong thông cáo đưa ra ngày 20/4, Giám đốc HRW tại Australia - bà
Daniela Gavshon, nêu rõ:
“Chính phủ Australia phải chấm dứt tình trạng làm ngơ trước hồ sơ yếu
kém của Việt Nam và sử dụng đối thoại nhân quyền để khởi động quá trình trao đổi
nghiêm túc và có ý nghĩa về cải cách nhân quyền. Việc thiết yếu đối với
Australia là gây sức ép về phóng thích tù nhân chính trị, trong đó có một công
dân Australia, ông Châu Văn Khảm, và công bố với Hà Nội rằng, cho tới khi ông
ta và những người khác được tự do, sẽ không thể có chuyện làm ăn như thường.”
Ngoài trường hợp tù chính trị Châu Văn Khảm, HWR
cũng đề cập đến các trường hợp khác gồm Lê Văn Dũng (Dũng Vova), Lê Mạnh Hà,
Đinh Văn Hải, Bùi Văn Thuận, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm,
Trương Văn Dũng và Nguyễn Lân Thắng.
Theo HRW, trong năm 2022, Việt Nam còn đàn áp mạnh tay đối với những
nhà hoạt động thuộc các tổ chức phi chính phủ (NGO). Cụ thể, nhà báo Mai Phan Lợi,
nhà hoạt động về pháp luật Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị
Khanh bị án tù theo cáo buộc trốn thuế. Nhà hoạt động Hoàng Ngọc Giao bị bắt
vào tháng 12/2022 và Nguyễn Sơn Lộ vào tháng 2/2023.
Vào tháng ba vừa qua, HRW gửi một tờ trình tới Bộ Ngoại giao
và Thương mại Australia, kêu gọi Chính phủ Hà Nội tập trung vào ba điểm ưu tiên
ở Việt Nam gồm phóng thích tù nhân và can phạm chính trị; chấm dứt hạn chế quyền
tự do đi lại; và chấm dứt đàn áp quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng..
Chính phủ Australia cũng cần kêu gọi Việt Nam sửa đổi hoặc hủy bỏ các
điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự, thường được chính quyền Việt
Nam sử dụng để đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến. Việt Nam cũng nên sửa
đổi hoặc hủy bỏ các điều 14 (khoản 2) và điều 15 (khoản 4) của Hiến
pháp có nội dung cho phép hạn chế nhân quyền với các lý do an ninh quốc
gia, vượt quá giới hạn cho phép của công pháp quốc tế về nhân quyền.
Năm nay cũng là dịp hai phía kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại
giao. Vì vậy, HRW cho rằng các nhà lãnh đạo Australia cần vận dụng cơ hội này để
chuyển tải một thông điệp rõ ràng rằng tôn trọng nhân quyền là một phần hữu cơ
trong mối quan hệ của Australia với Việt Nam.
No comments:
Post a Comment