Sunday, April 9, 2023

BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM LÀM THẾ NÀO ĐỂ "GIẢI CỨU" TÂN CHỦ TỊCH NƯỚC? (Trần Hiếu Chân, RFA)

 



Bộ Ngoại giao làm thế nào để “giải cứu” tân Chủ tịch nước?

Bình luận của Trần Hiếu Chân
2023.04.09

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-could-mofa-save-new-president-04092023090330.html

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa qua đã có lỗi lớn, đáng ra phải gạt bỏ ngay từ đầu ý tưởng (nếu có) – Không để tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu Toàn quyền Australia David Hurley xử lý “những người chống phá” Việt Nam từ nước ngoài.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-could-mofa-save-new-president-04092023090330.html/@@images/a088a2b7-2464-4177-9f53-f706b44905e8.jpeg

Toàn quyền Australia David Hurley và Chủ tịch Võ Văn Thưởng bắt tay ở Hà Nội hôm 4/4/2023.  AFP

 

----------------------

 

Sáng 6/4/2023, Toàn quyền Australia David Hurley và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Australia đã rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 3 – 6/4/2023. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Nguyên thủ nước ngoài tới Việt Nam trong năm 2023 và đây cũng là quốc khách đầu tiên mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đón tiếp trên cương vị mới. Chuyến thăm còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 – 2023).

 

.

Hai lỗi lớn của Ngoại giao Hà Nội

 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa qua đã có hai lỗi lầm lớn liên quan đến việc chuẩn bị nội dung cho ông Thưởng đón vợ chồng Toàn quyền Australia. Thứ nhất, trong tờ trình lên Văn phòng Chủ tịch nước, đáng ra phải gạt bỏ ngay từ đầu ý tưởng (nếu có), không để tân Chủ tịch Võ Văn Thưởng yêu cầu Toàn quyền Australia David Hurley xử lý “những người chống phá” Việt Nam từ nước ngoài. Lỗi thứ hai, nếu trong tờ trình không có kiến nghị ấy, mà đấy chỉ là sản phẩm của “các lực lượng thù địch” (có thể là cả ở trong lẫn ngoài nước), thì Bộ Ngoại giao phải “đánh tiếng” cho Ban Tuyên giáo chỉ đạo ngay các tờ báo từ trung ương xuống địa phương, phải ngay lập tức “đồng loạt ra quân” phản bác, “giải cứu” tân Chủ tịch nước.

 

Trong thời gian thăm Việt Nam, Toàn quyền Australia David Hurley đã có nhiều hoạt động quan trọng như đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự lễ đón chính thức và hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thăm Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, dự chiêu đãi chính thức (1). 

 

Trong buổi tiếp Toàn quyền Australia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao sự phát triển tích cực, nhiều mặt trong các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam – Australia thời gian qua, nhất là về thương mại và giao lưu giữa người dân. Tổng Bí thư nhất trí với phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh những kết quả đạt được trong triển khai quan hệ “Đối tác Chiến lược” Việt Nam – Australia là nền tảng để hai nước hướng tới những tầm cao mới hơn, trong đó có việc nâng cấp lên quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện”.

 

Tuy nhiên, khi hội đàm với Toàn quyền Australia, theo tin của RFA, tân Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã đề nghị Australia xử lý “những người chống phá” Việt Nam từ nước ngoài (2). 

 

Điều hơi lạ và có phần khó hiểu, nếu ông Thưởng đã “liều mình như chẳng có” như thế thì tại sao không một tờ báo “lề Đảng” nào ở trong nước công khai cho dư luận bên trong và bên ngoài Việt Nam biết được cái lập trường sắt máu ấy của chính quyền Hà Nội là: Không cho phép bất cứ ai trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại được đóng góp ý kiến hay phản biện đối với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước?

 

Nhưng có thật ông Thưởng hớ hênh đến như thế không? Đáng ra sau khi được tin này, báo chí “lề Đảng” phải làm rõ được cái tư tưởng chủ đạo, “rằng thì là mà” Chủ tịch của chúng ta, tuy là mới được bổ nhiệm thật đấy, thậm chí ăn bận cũng chưa đúng “mốt” của một Nguyên thủ quốc gia, nhưng ông ấy không thể ngây ngô về Luật pháp quốc tế. Tân Chủ tịch không thể đòi các chính phủ dân chủ phải “trục xuất” hoặc bắt đem giao nộp những người đấu tranh vì tự do và nhân quyền cho những chính phủ như Chính phủ Hà Nội, vốn đã khét tiếng về các thành tích đàn áp các nhà hoạt động xã hội.

 

Chúng ta thực sự không biết ngài Toàn quyền Hurley đã đáp lại đề nghị nói trên của tân Chủ tịch Thưởng như thế nào. Nhưng chúng ta biết, ngay trong ngày đầu chuyến công du Hà Nội của Toàn quyền David Hurley, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) tại Australia đã ra thông cáo kêu gọi Toàn quyền Hurley phải nêu ra với giới lãnh đạo Việt Nam các quan ngại về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cả công khai lẫn trong các cuộc gặp riêng.

 

Theo bà Daniela Gavshon, Giám đốc HRW, việc thảo luận tình trạng của hơn 160 người bị bỏ tù chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền con người, là thật thiết yếu. Toàn quyền Hurley cần phải thúc giục Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù chính trị. Ngài Toàn quyền phải ra kêu gọi đặc biệt đòi trả tự do ngay và vô điều kiện đối với công dân Úc gốc Việt 73 tuổi Châu Văn Khảm, cùng các nhà hoạt động khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Cấn Thị Thêu (3). 

 

Khi được báo chí Canberra quan tâm đến phóng sự nói về yêu cầu của ông Thưởng đối với ngài Hurley, người phát ngôn của Văn phòng Chính phủ Australia đã không trực tiếp trả lời câu hỏi, liệu Đại tướng Hurley có nêu ra trường hợp của ông Châu để đáp lại hay không. “Mặc dù chúng tôi không được cung cấp chi tiết cụ thể về các cuộc thảo luận giữa ngài Toàn quyền và các nhà lãnh đạo quốc tế, nhưng Ngài sẽ nêu bật một loạt vấn đề bao gồm mối quan hệ thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân mạnh mẽ giữa Australia và Việt Nam.” Được biết, sau chuyến công du Việt Nam của Toàn quyền Hurley, vòng “Đối thoại Nhân quyền Việt – Australia” lần thứ 18 sẽ được tiến hành ở Hà Nội vào cuối tháng tư này.

 

.

Châu Âu và Mỹ cũng quan tâm đến nhân quyền

 

Trong một tuyên bố khác, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết họ đã tận dụng mọi cơ hội để nêu vụ việc của ông Châu lên các cấp cao nhất của Chính phủ Việt Nam, đồng thời cho biết thêm các nhà chức trách cũng Việt Nam đã biết về "sự quan tâm sát sao" của Australia đối với trường hợp của ông này. Bộ Ngoại giao Australia đã 70 lần nêu yêu cầu với Chính phủ Việt Nam về trường hợp ông Châu Văn Khảm (4)

 

Một sự ngẫu nhiên đáng quan tâm, vào thời điểm Toàn quyền Australia thăm Việt Nam, từ ngày 4 đến ngày 6/4, một phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc Phân ban Nhân quyền viếng thăm Việt Nam, do Dân biểu người Đức Udo Bullmann, Trưởng ban Nhân quyền dẫn đầu. Kết thúc chuyến viếng thăm, chiều ngày 6/4, Phái đoàn đã mở cuộc họp báo ở Hà Nội để nói lên “sự quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ” tại Việt Nam. Đoàn đã chỉ trích những vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực xã hội và chính trị, đặc biệt là không gian tự do của xã hội dân sự bị thu hẹp, các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự được sử dụng để dập tắt mọi tiếng nói bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội bị sách nhiễu, tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, đặc biệt là ngôn luận trực tuyến, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bị hạn chế”. Phái đoàn kêu gọi Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, kể cả lãnh đạo các tổ chức phi chinh phủ (NGO), nhà báo và nhà hoạt động bảo vệ môi sinh (5).

 

Một phái đoàn khác, từ lưỡng viện Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu sẽ thăm Việt Nam vào cuối tuần này và tuần sau, với mục đích thúc đẩy quan hệ song phương và quan hệ đa phương với các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó sẽ nêu vấn đề nhân quyền và sự gây hấn của Trung Quốc. Mục tiêu của chuyến đi nhằm hỗ trợ các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ và tăng cường chủ quyền và an ninh của họ trước sự gia tăng gây hấn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các nhà lập pháp sẽ tham dự hơn 35 cuộc họp với các quan chức chính phủ Việt Nam và các nhà lãnh đạo ASEAN, cùng với đại diện của các tổ chức xã hội dân sự và giám đốc điều hành doanh nghiệp. Vậy là, không chỉ Australia, châu Âu và Hoa Kỳ cũng ngày càng quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam (6). 

___________

Tham khảo:

 

1. https://www.vietnamplus.vn/toan-quyen-australia-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-cap-nha-nuoc-toi-vn/855643.vnp

 

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-australia-look-to-upgrade-ties-to-comprehensive-strategic-04042023092651.html

 

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-australia-look-to-upgrade-ties-to-comprehensive-strategic-04042023092651.html

 

4. https://www.abc.net.au/news/2023-04-05/vietnam-governor-general-visit-50-years-diplomacy-chau-family/102186796

 

5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/european-mp-visiting-vn-criticize-human-rights-records-04062023155053.html

 

6. https://www.voatiengviet.com/a/doan-nghi-si-my-sap-tham-viet-nam-neu-van-de-nhan-quyen-trung-quoc/7040724.html

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 




No comments: