Báo
cáo nhân quyền khác với chính sách nhân quyền
03/04/2023
https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-nhan-quyen-khac-voi-chinh-sach-nhan-quyen-/7033876.html
Chính sách của Mỹ đối với tình trạng nhân quyền với
mỗi nước mỗi khác, dựa trên nhiều yếu tố và ưu tiên khác nhau, trong đó ưu tiên
nhất vẫn là an ninh và quyền lợi quốc gia mà địa chính trị đóng vai trò then chốt.
https://gdb.voanews.com/4AF7B8DC-7147-413A-9A46-A4ABEA88AF7E_w1023_r1_s.jpg
Tổ chức
Freedom House nói trong một báo cáo năm 2021 rằng Việt Nam không có tự do.
Trong tháng Ba này, ba bản báo cáo quan trọng
hàng đầu về tình hình nhân quyền trên toàn cầu được phát hành. Đầu tiên là bản
báo cáo do Freedom House phổ biến vào đầu
tháng Ba. Tiếp theo là do Bộ
Ngoại giao Mỹ phổ biến vào ngày 20 tháng Ba. Gần cuối tháng Ba thì có
bản báo cáo của Amnesty International. Ân xá Quốc tế có thực
hiện phiên
bản tiếng Việt cho phần Việt Nam. Bản báo cáo của Human Rights Watch thì đã phổ biến vào đầu năm nay, và cũng có phiên bản tiếng Việt.
Nói chung tình hình nhân quyền tại các chế độ
cường quyền không cải thiện đáng kể; có nơi còn tồi tệ hơn. Một phần vì bản chất
các chế độ độc tài không thay đổi. Phần khác sự thay đổi chỉ đến nếu phía đối lập,
phong trào dân chủ và xã hội dân sự đủ mạnh, đoàn kết và quyết tâm. Áp lực của
Mỹ hay quốc tế lên các chế độ này tuy có nhưng không đáng kể, hoặc có áp lực
nhưng kết quả khá giới hạn. Những gì xảy ra tại Nga, Miến Điện, Iran,
Bangladesh vv… cho thấy các thế lực cường quyền không ngần ngại xâm phạm quyền
con người nếu giá phải trả không cao. Nghĩa là nếu họ chỉ bị phê phán bởi Mỹ,
Tây phương, hay bởi các cơ quan truyền thông, các tổ chức nhân quyền hay xã hội
dân sự. Phê phán thôi làm họ mất mặt chút, rồi họ biết rằng rồi mọi chuyện cũng
đâu vào đó. Nói chung cái giá phải trả không đáng kể so với khả năng duy trì
quyền lực và quyền lợi.
Với trường hợp Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ ghi
nhận tình trạng vi phạm nhân quyền tồi tệ trong nhiều lĩnh vực. Bản
báo cáo năm 2022 cho biết cho đến tháng 9 năm 2022, có tổng cộng 173 người
trong đó 143 bị kết tội vì hoạt động chính trị hay nhân quyền, và 24 người bị tạm
giam trước khi toà kết án; từ ngày 1 tháng 1 đến 16 tháng 9 chính quyền giam cầm
19 người và kết tội 26 người chỉ vì họ thực hiện các quyền con người được quốc
tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội
(trang 10). Dữ kiện trong bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về Việt Nam cũng
không khác nhiều so với các nguồn hay báo cáo của các tổ chức nhân quyền khác.
Nhưng vì nhu cầu địa chính trị trong bối cảnh vừa phải đối phó với Nga, vừa với
Trung Quốc, hiện nay, nên có lẽ chính quyền Mỹ đã cân nhắc rằng không nên đẩy
Việt Nam gần hơn hai nước này trong lúc này. Cuộc điện
đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày
29 tháng Ba cho thấy nhân quyền chỉ là thứ yếu trong quan hệ Mỹ - Việt hiện
nay, đứng
sau bao nhiêu nhu cầu chiến lược của Washington lẫn Hà Nội.
Cần xác định rõ ở đây về khác biệt giữa báo
cáo về nhân quyền và chính sách về nhân quyền. Báo cáo về nhân quyền của Mỹ,
cũng như Tây phương nói chung, cần dựa trên dữ kiện, thông tin và phân tích
khoa học, nếu không thì nó chẳng có giá trị và khả tín gì. Cho nên những báo
cáo này phải phản ảnh những gì xảy ra trên thực tế. Nhưng chính sách về nhân
quyền thì luôn mang tính chính trị. Chính sách của Mỹ đối với tình trạng nhân
quyền với mỗi nước mỗi khác, dựa trên nhiều yếu tố và ưu tiên khác nhau, trong
đó ưu tiên nhất vẫn là an ninh và quyền lợi quốc gia mà địa chính trị đóng vai
trò then chốt.
Vậy mà vào ngày 21 tháng Ba, một ngày sau khi
Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo nhân quyền, Thời báo Toàn cầu (Global Times)
đã trích dẫn phát ngôn từ chính quyền Trung Quốc lên án nặng nề chính quyền Mỹ.
Bài báo này nói
rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định bản Báo cáo Nhân quyền của Mỹ,
với 198 quốc gia và vùng, riêng
về Trung Quốc dài 87 trang, là “đầy dối trá và thiên kiến về ý thức hệ,
và những lời sáo rỗng được lặp đi lặp lại năm này qua năm khác và thậm chí
không đáng để bác bỏ.”
Bài viết của Thời báo Toàn cầu cũng trích dẫn phản
ứng của Đặc khu Hành chính Hồng Kông (HKSAR) đối với báo cáo của Bộ
Ngoại giao Mỹ, bởi vì bản báo cáo của Mỹ trong những năm gần đây gộp Hồng Kông,
Ma Cao, Tây Tạng với báo cáo của Trung Hoa lục địa. Phát ngôn nhân của Hồng
Kông khẳng định rằng “bản báo cáo cố ý bôi nhọ tình hình nhân quyền và pháp quyền
ở Hồng Kông, phỉ báng luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông và hệ thống bầu cử
mới của thành phố, cũng như vu khống cách quản lý dựa trên luật pháp của chính
quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông”.
Sau khi trích dẫn những lời phát biểu trên, Thời
báo Toàn cầu đưa nhận định của Jia Chunyang, một nhà nghiên cứu, được
Thời báo Toàn cầu xem là chuyên gia, tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung
Quốc (China Institutes of Contemporary International Relations). Chunyang cho rằng
nhân quyền chỉ là công cụ để Mỹ và đồng minh dùng để đàn áp phía bất đồng quan
điểm. Chunyang cũng biện luận thêm rằng trong 50 năm báo cáo về nhân quyền của
Bộ Ngoại giao Mỹ, các nước bị Mỹ liệt vào danh sách "không thân thiện"
cũng như các đối thủ cạnh tranh, thường có tên trong danh sách, trong khi
"bạn bè" của Mỹ hầu như chưa bao giờ có tên trong danh sách này. Tờ
báo nhận định ‘Điều này chứng tỏ, đối với Washington, một quốc gia có “nhân quyền”
hay “dân chủ” hay không phụ thuộc vào việc họ có nghe lời Mỹ hay không, có hợp
tác với Mỹ về địa chính trị hay không.’
Trên thực tế Bộ Ngoại giao Mỹ, thể theo Đạo luật
Hỗ trợ Nước ngoài năm 1961 và Đạo luật Thương mại năm 1974, phải trình báo cáo
cho quốc hội theo định kỳ mỗi năm về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới. Họ
không chỉ thực hiện báo cáo về những quốc gia có hành vi chà đạp nhân quyền trầm
trọng. Mỗi năm Bộ Ngoại giao Mỹ phổ biến báo cáo cho gần 200 quốc gia như thế,
kể cả các nước Bắc Âu, nơi mà tự do, dân chủ và nhân quyền có chất lượng cao nhất
trên thế giới. Nước Úc và bao nước khác cũng được báo cáo hàng năm. Nếu ai chịu
khó đọc, không cần đọc kỹ, mà chỉ cần lướt qua phần tóm tắc dài một hai trang đầu,
thì hầu như mọi quốc gia đều có ít nhiều vi phạm nhân quyền. Chẳng hạn như Phần
Lan (Finland), nước được xem là dân chủ hàng đầu và có chỉ số hạnh phúc nhất,
thì bản
báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm nay cho biết không có vi phạm nhân
quyền nào đáng kể trong năm 2022. Hầu như mọi quyền chính trị và tự do dân sự
căn bản đều được tôn trọng. Không có tù nhân chính trị nào. Tuy nhiên bạo lực về
giới tính (gender-based violence) vẫn là vấn đề nhức nhối.
“Bạo lực về giới tính (GBV), bao gồm cả bạo lực
gia đình và bạo lực do bạn tình gây ra, tiếp tục là một vấn đề nhức nhối. Chi
nhánh địa phương của Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính có hơn 146.000 người bị GBV
hàng năm, 76% trong số đó là phụ nữ. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, chỉ có 10 phần
trăm các vụ việc này được báo cáo với chính quyền và hầu hết những vụ việc được
báo cáo không dẫn đến việc truy tố.” (trang 12)
Điều này cho thấy nhận định của chuyên gia
Trung Quốc, cũng như cách trình bày và lý luận của Thời báo Toàn cầu, không dựa
trên dữ liệu nghiêm túc. Sự phản ứng và phản bác của họ về báo cáo nhân quyền của
Mỹ hay của các quốc gia và tổ chức nhân quyền khác bộc lộ sự thiếu chín chắn, đứng
đắn, trung thực và khách quan. Họ không phân biệt được rằng báo cáo nhân quyền
cần trung thực và phản ảnh sự thật, nhưng chính sách nhân quyền luôn bị chính
trị hóa.
Thà im lặng chứ phản biện kiểu này phơi bày
nhiều nhược điểm và bí mật quốc gia quá!
No comments:
Post a Comment