Chẳng thứ gì thực sự có giá trị trên đời này
được cho không (kể cả thứ nhiều vô tận là không khí), vì thế, bạn muốn hưởng một
dịch vụ, thưởng thức một trò giải trí, thăm quan những di tích, nhà bảo tàng, bạn
sẽ phải chi tiền (Rút thẳng từ túi ra, hoặc dưới dạng đóng thuế). Đó không chỉ
là sự mua bán sòng phẳng, không chỉ công bằng, mà còn thể hiện trách nhiệm của
bạn với môi trường, với lịch sử và với phát triển xã hội.
Nghe thì có vẻ đầy tính giáo huấn, nhưng đó
luôn là sự thực.
Tuy nhiên, ngoài điều đã nói ở trên, mang tính
khế ước ra, vẫn còn những thứ quan trọng khác, trong đó có trí khôn và lẽ phải.
Khoan hãy bàn đến trí khôn, là thứ không thể định
lượng, mà hãy nói đến lẽ phải (là thứ luôn cao hơn pháp lý).
Hội An, từ trước đến nay,
vẫn được biết dưới hai danh vị: “Di sản kiến trúc, lịch sử” và “Khu đô thị”.
Chính xác thì phải thêm chữ CỔ, nhưng vì KHU ĐÔ THỊ CỔ không bao gồm toàn bộ Hội
An, vì thế tạm để nó sang một bên.
Tính di sản về kiến trúc và lịch sử (gắn với
thương mại, di dân…), là điều không phải bàn. Nhưng tính chất là “Một khu đô thị”,
lại càng không có gì phải bàn. Chỉ có điều, với Hội An, hai danh vị này không
thể tách ra, kiểu như Nhà hát lớn và quận Hoàn Kiếm, hay như Khu Văn miếu Quốc
tử giám và quận Ba Đình… Mọi người vẫn buôn bán, làm ăn, tán gái thoải mái trên
phố Tràng Tiền, hay đường Nguyễn Thái Học… mà chả ảnh hưởng gì tới Nhà hát lớn
hay khu Văn Miếu. Người ta có vào Nhà hát lớn nghe nhạc, vào Văn Miếu tham quan
hay không, chả chết bố con ai ở quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, hoặc nếu có ảnh hưởng
thì cũng không đáng kể, hoặc chỉ với một số người nào đó.
Nhưng không thể nói thế với Hội An. Trước hết,
đây là một vùng dân cư, sinh sống chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ cho khách
tham quan Khu đô thị cổ. Bất kể họ đến từ đâu, cư trú lâu hay mới, thì họ không
thể bị tách ra khỏi cái không gian sống ấy. Họ phải được “bảo tồn” đầu tiên!
Khách du lịch từ bốn phương trời là một nguồn cung cấp thu nhập rất lớn cho họ,
để trước hết họ sinh tồn và sau đó, nhờ sự sinh tồn ấy, khiến Khu đô thị cổ
không trở thành một KHU ĐÔ THỊ CHẾT và Di tích kiến trúc, lịch sử… không trở
thành HOANG TÍCH.
Nếu xét từ thực tế này, thì việc bắt khách vào
Khu đô thị, dù để tham quan Di tích kiến trúc, lịch sử phải mua vé, là tạo ra sự
ngăn trở việc kiếm sống chính đáng và đương nhiên cho hàng vạn người. Quyền cư
trú và kiếm sống chính đáng, rõ ràng là những thứ quyền Hiến định quan trọng nhất.
Một quy định rất nhỏ, không bao giờ được trái hoặc làm giảm hiệu lực của Hiến
pháp.
Tôi sẽ không vội bàn đến tính khả thi và công
bằng, cũng như tính hiệu quả thực tế của quy định bán vé cho khách, bởi ngay cả
ông Nguyễn Sự, một người được kính trọng ở Hội An về tài năng và đức độ, cũng
thể hiện sự lúng túng khi nói về việc phân biệt giữa khách tham quan và người
dân tại Khu phố, giữa người đến để ngắm cảnh, với người đến chỉ để ăn bát cao lầu
hoặc uống ly cà phê?. Nếu làm như ông Nguyễn Sự, thì số cán bộ soát vé ở Hội An
sẽ phải ngang với số cư dân đang sinh sống, buôn bán tại đó. Nhưng hậu quả xã hội
của giải pháp đó nếu nó được thực thi, thì thành thực là tôi không dám nhắc tới,
bởi nó không chỉ kinh khủng mà còn thê thảm.
Nếu bàn về trí khôn trong câu chuyện này, thì
chỉ xin nói ngắn gọn: Việc bán vé lợi chưa thấy đâu, nhưng gây hại thì rất lớn,
đến chính cái mục tiêu cần phải bổ sung và tăng thu ngân sách, của chính quyền
Hội An.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10226648121726813&set=a.10214678173885598
Một cảnh
quan Phố Cổ Hội An
.
No comments:
Post a Comment