Ai “đưa
cơm” cho người dám làm
Huy Đức
12/04/2023
https://baotiengdan.com/2023/04/12/ai-dua-com-cho-nguoi-dam-lam/
+ “Đốt lò” phải song hành cùng cải cách.
+ Cần tách bạch hành pháp chính trị với hành chính
công vụ ngay.
Hoàng Tư Giang vẫn
là nhà báo hiếm hoi hiện nay đặt ra các vấn đề thiết thực ở tầm vĩ mô. Nhưng,
khi nhắc tới “tinh thần Võ Văn Kiệt”, có lẽ, cũng cần tách bạch giữa hai vấn đề
và hai giai đoạn.
Ông Võ Văn Kiệt có một câu nói nổi tiếng (với
bà Ba Thi), “Chị cứ làm đi, miễn là không tư túi nếu có đi tù, tôi đưa cơm”.
Câu nói được đưa ra ở thời kỳ “xé rào”, thời kỳ người dân không có quyền ngay cả
quyền tự kiếm lấy ăn; thời kỳ “cơ chế” không chỉ trói buộc cán bộ mà trói buộc
mọi nguồn lực trong đất nước.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-17.jpg
Ông Võ Văn Kiệt (thứ hai từ phải qua) và bà Ba Thi, cùng ông Lữ Minh
Châu. Ảnh: Gia đình cung cấp/ báo Tuổi Trẻ
Thời kỳ thứ Hai là trong thập niên 1990s, khi
đất nước chuyển từng bước sang kinh tế thị trường, “cơ chế” mở ra là để phát
triển chứ không phải trói nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập. Ông Kiệt không “đưa
cơm” cho tù nữa, ông mang sâm – banh vào nhà tù uống mừng cựu bộ trưởng Vũ Ngọc
Hải ngay sáng hôm sau khi đóng điện thành công Đường dây 500kv.
Ít ai còn nhớ, “Công trình thế kỷ” Đường dây
500 kv gần như không được quyết toán vì có nhiều mắc mớ về thủ tục. Một hai năm
đóng điện sớm hơn [chờ thủ tục] của Đường dây 500 kv là sự thay đổi không thể hạch
toán của đất nước.
Trong Đại hội giữa nhiệm kỳ [tháng 1-1994],
ông Võ Văn kiện cảnh báo hai nguy cơ: tham nhũng và tụt hậu [trong 4 nguy cơ mà
Đại hội đưa ra gồm chệch hướng và diễn biến hòa bình]. Minh bạch và nhà nước
pháp quyền mới có thể chống tham nhũng. Xin nói sau về pháp quyền.
Việt Nam đã có một thập niên rưỡi [1992-2006]
thiết kế chính sách theo hướng cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm bớt thủ
tục cho người dân. Nhưng, do vẫn không tách bạch hành chánh công vụ với hành
pháp chính trị, khuynh hướng đúng đắn này đã bị đảo ngược kể từ 2008. Đó là thời
kỳ tham nhũng lên ngôi vì điều kiện kinh doanh càng vô lý, càng gắt gao, quan
chức càng dễ nhũng nhiễu [Vụ án đăng kiểm xe cơ giới và những ách tắc khi thực
hiện Nghị định 136 về PCCC là hai ví dụ mới nhất, điển hình].
Khi không tách bạch hành pháp chính trị với
hành chính công vụ, những hệ quả tiêu cực diễn ra ở cả hai giai đoạn: Giai đoạn
ban hành chính sách [lập pháp, lập quy] và Giai đoạn thực thi.
Ở giai đoạn ban hành chính sách, xu hướng tập
trung quyền lực cho ngành, đẻ thêm thủ tục trở nên một xu thế không thể chặn đứng.
Ở giai đoạn thi hành, không chỉ dân chúng bị nhũng nhiễu, bộ máy hành chính
công vụ có thể bị đình trệ khi người đứng đầu lo sợ nguy cơ hoặc đứng trước
nguy cơ đối diện với cơ quan chống tham nhũng [tách thì cho dù người đứng đầu
có phải vào lò, dịch vụ công vẫn làm thông suốt].
Không tách bạch hành chánh công vụ [hình thành
ở đó một đội ngũ viên chức hành chánh mẫn cán, tuyệt đối không tham gia vào tiến
trình ban hành chính sách, chỉ thi hành chính sách, chỉ tuân theo pháp luật chứ
không chờ hỏi ý kiến cấp trên] thì chống tham nhũng sẽ dễ xảy ra 3 kịch bản:
Lãn công [vì chống đối]; Đùn đẩy vì sợ trách nhiệm [cái gì cũng hỏi cấp trên, hỏi
trung ương, thậm chí hỏi cả C03]; “Ăn” nhiều hơn [Để “mua bảo hiểm” phòng khi bị
lộ, vụ kittest và “giải cứu” là ví dụ].
Không tách bạch hành pháp chính trị thì những
bộ trưởng mới, thường được điều từ địa phương lên, thì ngay sau khi ấm chỗ, việc
ưu tiên của họ không phải là đưa ra chính sách mới mà thay người mới của mình
vào những vị trí “có màu”, thường những vị trí đó là kỹ trị, đòi hỏi những người
am hiểu lĩnh vực, có thâm niên trong cơ quan công vụ.
Kinh tế suy thoái và có tới 72% doanh nghiệp
được hỏi nói rằng họ vẫn bị “nhũng nhiễu”[tỷ lệ kỷ lục trong hai chục năm qua]
đặt ra nhiều câu hỏi cho công cuộc chống tham nhũng. “Ăn” như vụ “kit test” và
“giải cứu” thì không thể không bắt. Nhưng bắt như thế mà vẫn “ăn” thì đâu mới là đích đến của công cuộc đốt lò.
Thời kỳ hiện nay không còn là thời kỳ “xé” những
hàng rào “quan liêu bao cấp” của ý thức hệ mà là thời kỳ phá bỏ những rào cản
nuôi dưỡng tham nhũng, lập ra để nhũng nhiễu dân. Tuy nhiên, cho dù thời kỳ nào
cũng cần những người “dám nghĩ, dám làm” nhưng phải tách bạch việc tuân thủ quy
trình, thủ tục của bộ máy hành chánh công vụ với quy trình ra quyết định lớn, ảnh
hưởng đến sự thay đổi đất nước, thay đổi một địa phương, của người đứng đầu.
Khi xem xét quyết định của những người đứng đầu
phải phân biệt đó là những quyết định bất chấp hiệu quả [chi ra hàng nghìn tỷ để
mang lại những đống sắt vụn như Vinashin, Gang thép Thái Nguyên, Ethanol, Sợi
Đình Vũ…] hay là những quyết định táo bạo làm thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn
nhưng chưa hoàn thiện về thủ tục.
Soi những sơ hở về thủ tục để kỷ luật, hạ bệ
cán bộ, hay đánh giá công tội dựa trên hiệu quả kinh tế xã hội mà quyết định của
người ấy mang lại, sẽ là một thông điệp có ý nghĩa chính trị nhất đối với những
người dám làm.
Kinh tế Việt Nam đang ở một trong những thời kỳ
tồi tệ nhất kể từ khi đổi mới. Tình trạng này vừa do chịu tác động của hậu
covid và chu kỳ suy thoái toàn cầu, vừa do chủ yếu các nguyên nhân nội tại. Đừng
nhìn suy thoái kinh tế chỉ ở những chỉ số, những nhà lãnh đạo có trách nhiệm là
phải nhìn thấy sau đó tình trạng doanh nghiệp phá sản, lao động thất nghiệp, ăn
xin, trộm cướp hành hoành.
Công cuộc đốt lò đã biến nhiều quan tham thành
củi, thành tựu đó vẫn cần được duy trì. Nhưng chống tham nhũng phải song hành
cùng cải cách. Chống tham nhũng là để môi trường kinh doanh “sạch” hơn chứ
không phải để gieo rắc sự sợ hãi, để bộ máy không dám làm hoặc làm thì nhũng
nhiễu hơn, vơ vét hơn.
Đừng để doanh nghiệp nuối tiếc, so sánh với thời
kỳ “sống chung với tham nhũng”. Đất nước, đặc biệt là nền kinh tế cần vận hành
trong một môi trường minh bạch chứ không phải vận hành trong một guồng máy dân
chúng buộc phải “bôi trơn”.
_____
Bài liên quan:
TPHCM cần bảo vệ cán bộ ‘dám nghĩ, dám làm’ để vượt qua khó
khăn
Gần 72% doanh nghiệp thừa nhận tình trạng cán bộ nhũng nhiễu (VNN).
No comments:
Post a Comment