QUỐC HỘI ĐỪNG LÀM HỎNG TÂM LÝ DÂN TỘC BẰNG XÂY DỰNG LUẬT!
Quốc hội nhẽ ra phải nghĩ nhiều hơn tới mục tiêu hun đúc thêm cho sức mạnh
của dân tộc Việt Nam thông qua việc làm cho dân tộc ta có một tâm lý ngày càng
lành mạnh hơn và vững chãi hơn.
Nhưng cái “quyền anh, quyền tôi” trong luận bàn của Quốc hội quá lớn hiện
có thể đang lấn át hẳn cái mục tiêu cuối cùng của xây dựng đất nước mà Đảng đã
khởi xướng- đó là mục tiêu xây dựng xã hội “văn minh” trong một chuỗi các mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” kế tiếp nhau mà không
thể bị lược bỏ.
Một đất nước văn minh, một dân tộc văn minh nói lên tất cả, làm thỏa
mãn tất cả.
Song điều mơ ước ấy biết bao giờ trở thành hiện thực?
Ở đất nước ta hiện nay, ai dường như cũng có quyền làm phiền ai.
Nhìn vào giao thông đường bộ, nhất là ở các thành phố lớn, chúng ta thấy
ngay điều đó, và chúng ta cũng thấy ngay người Việt Nam chúng ta xử sự như thế
nào đối với cộng đồng, và cộng đồng của chúng ta phát triển theo chiều hướng
nào?
Người ta họp chợ ngay trên vỉa hè, lòng đường mặc cho xe cộ qua lại
đông như mắc cửi, kẹt cứng. Kệ mọi người!
Mấy công chức đi làm về đỗ xe ngay dưới lòng đường nhảy vào hàng gội đầu,
mua đồ, mặc cho xe cộ ùn ứ. Kệ mọi người!
Một nữ sinh mặc váy ngắn dừng xe máy ngay giữa cổng trường ghếch chân
lên cánh cổng nói chuyện điện thoại oang oang giữa giờ vào lớp. Kệ mọi người!
Chủ nhà đang xây tập kết vật liệu xây dựng ngay giữa lòng đường làm tắc
nghẽn giao thông. Kệ mọi người!
Thôi thì vô vàn câu chuyện như vậy xảy ra từng giờ, từng phút, ai mà
không biết?
Trước kia người ta còn nói nhau, cãi nhau, thậm chí đánh nhau về những
chuyện như vậy. Nhưng nay thì không, vì ai cũng có quyền làm phiền ai. Hòa cả
làng.
Ở những nước văn minh, câu “xin lỗi” luôn thường trực trên miệng vì
không ai muốn làm phiền ai. Chót ho một tiếng là kèm theo một câu xin lỗi. Đi bộ
nhanh vượt một người lạ trên vỉa hè cũng kèm theo một câu xin lỗi…
Ở những nước văn minh, một người đi bộ trên vỉa hè đặt một chân xuống
lòng đường ở bất kỳ đoạn đường nào, thì lập tức xe cộ dừng lại nhường đường để
tránh gây tai nạn. Còn ở nước ta, xe cộ vẫn lao vút vút mặc kệ người đi bộ qua
đường ở những chỗ có vạch kẻ giành cho họ.
Cái bầu không khí thiếu thân thiện trong cơ quan, công xưởng, nhà trường…,
cộng thêm cái tình trạng giao thông như vậy cùng với cái nóng nực, bụi bặm đè nặng
khủng khiếp lên tâm lý con người. Một giọt nước thêm vào có thể làm thành một
cơn lũ lớn phá phách điên cuồng.
Vậy nên chăng nghĩ giao thông đường bộ chỉ là sự di chuyển của con người
và phương tiện một cách đơn thuần trên đường?
Giáo dục văn hóa giao thông trong nhà trường có nỗ lực bao nhiêu thì
cũng chỉ bằng một cái xổ toẹt của luật lệ đi đường.
Ấy thế mà hiện nay xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ,
người ta vẫn cứ diễn đi, diễn lại cái câu chuyện “quyền anh, quyền tôi”, mà
không hề nghĩ tới giao thông đường bộ đã làm hỏng tâm lý dân tộc rồi, làm thế
nào để cứu vãn và làm thế nào để xây dựng xã hội Việt Nam “văn minh”.
Trước hết Quốc hội cần phải xem cơ quan công quyền nào có thể đảm trách
“trọn gói” vấn đề trật tự, an toàn giao thông.
Ở nước ta, người ta tranh công, đổ lỗi nhiều, người ta vì “quyền anh,
quyền tôi”, nên rất khó phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung. Do đó cần phải giao
đảm trách “trọn gói” một vấn đề quản lý nhà nước nào đấy. Hơn nữa giao việc như
vậy để nhân dân dễ giám sát và khó có chuyện tranh công, đổ lỗi.
Bộ Giao thông vận tải khó có thể đảm trách được vấn đề trật tự, an toàn
giao thông. Cứ nhìn vào các cảng hàng không, sân bay thì sẽ rõ.
Bộ mặt của đất nước, cái nơi nhẽ ra phải tỏ ra văn minh nhất, thì lại
khiến người ta vô cùng bức bối.
Bước ra khỏi nhà ga hành khách tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất hay cảng
hàng không Nội Bài, người ta thấy ngay cảnh xe cộ chen lấn tứ tung để đón
khách, nhất là ở khu vực đón hành khách bằng xe cá nhân, chưa kể đến cảnh người
ta chèo kéo hành khách để đi taxi.
Ra khỏi nhà ga nội địa của cảng hàng không Nội Bài, chúng ta dễ dàng nhận
thấy, ba đường đón khách khác nhau:
+ Ngay sát nhà ga là đường đón khách có đặc quyền đặc lợi (quan chức,
nhân viên sân bay). Xe đỗ thoải mái, tùy tiện. Quan chức nhiều đặc quyền, đặc lợi
như vậy đó. Thảo nào người ta đánh nhau để có tí chức, gây bất ổn định trong
khu vực công quyền, rồi lây lan ra cả xã hội.
+ Xa hơn nữa là đường đón khách bằng taxi khá ngay ngắn. Nhưng nhà chức
trách cảng vẫn để cho nhân viên điều phối của hãng taxi nào đó tham gia mời và
sắp xếp khách cho riêng hãng của mình. Như vậy là thiếu tổ chức thống nhất, dễ
gây lộn xộn.
+ Xa hơn chút nữa là đường đón khách bằng xe cá nhân. Thôi rồi! Lộn xộn,
chen lấn, ùn tắc xảy ra thường xuyên gây bức xúc vô cùng.
Ở trong bãi đỗ xe cũng rất tệ. Xe đỗ quay đầu, đuôi lung tung, ra vào
loạn xạ. Đó là chưa kể đến xe tải đỗ tràn đầy đường Nội Bài- Nhật Tân mỗi khi
vào ga hàng hóa bên cạnh để lấy hàng.
Thử hỏi có cảng hàng không nào trên thế giới như vậy không?
Một người mà không rửa nổi cho bộ mặt của mình, thì làm nên trò trống
gì?
Trước kia tôi đã từng đóng góp không quá nhỏ cho Bộ Giao thông, Vận tải
và Bưu điện mà nay còn khó thông cảm với bộ này, huống hồ là người khác.
Chế tài phạt vi phạm nhằm tác động vào ý thức của người tham gia giao
thông, có vai trò giáo dục rất lớn, nếu bị lạm dụng hoặc không được áp dụng
đúng đắn, đầy đủ và công bằng, thì giao thông đường bộ ở nước ta vẫn mãi là một
tệ nạn.
.
No comments:
Post a Comment