Saturday, May 14, 2022

NHÀ VĂN TRẦN ĐĨNH - NGƯỜI TIẾT LỘ NHỮNG CHUYỆN "ĐỘNG TRỜI" (Tuấn Khanh, RFA)

 



Nhà văn Trần Đĩnh - người tiết lộ những chuyện “động trời”

Bài bình luận của blogger Tuấn Khanh
2022.05.14

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/writer-tran-dinh-died-age-93-05142022094834.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/writer-tran-dinh-died-age-93-05142022094834.html/@@images/016d73a1-ee8b-4c27-b8b9-ab569fe3c525.jpeg

Tác giả Trần Đĩnh. Báo Người Việt

 

Giới văn chương không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, đã công khai bày tỏ sự thương tiếc với tin nhà văn Trần Đĩnh từ trần ngày 12 tháng 5 năm 2022 tại nhà riêng ở Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi. Trên các trang cá nhân, nhiều người đã viết những dòng kính trọng với một nhà báo, nhà văn suốt đời lận đận vì sự thật. Không thấy có dòng nào đưa tin về sự ra đi của ông trên báo chí nhà nước.

 

Tác phẩm gây sốc dư luận của nhà văn Trần Đĩnh, là bộ sách Đèn Cù. Trong một lần trò chuyện tại Sài Gòn, ông cho biết đã ôm ấp ý tưởng viết bộ ký lịch sử này, và thực hiện trong hơn 10 năm. Năm 1991, ông tạo những phác thảo đầu tiên và đến năm 2014, khi dàn khoan HD981 của Trung Cộng xuất hiện ở vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế thuộc Việt Nam, ông quyết định gửi đi tại Mỹ (nhà xuất bản Người Việt Books). Tức thì cuốn sách gây rúng động với những câu chuyện kể đời làm báo của ông, và những điều mắt thấy tai nghe liên quan đến nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Lao Động và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giải thích việc gửi ra nước ngoài in sách, ông Trần Đĩnh nói rằng “Tôi muốn nói rõ một điểm: tôi gửi in ở ngoài vì ở trong nước không ai in và phát hành cho tôi, không phải tại vì sách có nhiều bí mật. Hai lý do khác nhau.”

 

Cuộc đời của nhà văn Trần Đĩnh, người cầm bút hơn 70 năm, bắt đầu với công việc ký giả cho tờ Sự Thật – một tờ báo chủ đích tuyên truyền do Trường Chinh làm Tổng biên tập. Nhà văn Trần Đĩnh sinh năm 1930. Năm 16 tuổi ông tham gia Việt Minh theo lời kêu gọi yêu nước, chống Pháp. Do làm việc trong một cơ quan báo chí cao nhất của Đảng, ông có cơ hội gặp gỡ hầu hết các khuôn mặt của chế độ từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, tới Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Đỗ Mười… và những quan hệ này – như theo ông tâm tình trên BBC – đã giúp ông sớm nhận ra khuôn mặt thật của giới lãnh đạo cộng sản.

 

Trần Đĩnh thuộc lớp đảng viên tiên phong gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1948. Ông là người được tin cậy để được trao nhiệm vụ chấp bút tiểu sử của ông Hồ Chí Minh, chấp bút những tự truyện của nhiều nhân vật như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm, Nguyễn Đức Thuận… nên những gì ông kể trong bản văn Đèn Cù, là có thể tin cậy được.

 

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà bình do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đưa ra, theo Trần Đĩnh, ông đã ủng hộ lập trường của Khrushchev và chống tư tưởng Mao, nên bị ghép vào tội “chống đảng”. Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là Trần Châu, hay như những người khác như Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu vong như Nguyễn Minh Cần…, nhưng ông bị đày đi cải tạo lao động. Sau đó, tuy ông được xét làm báo trở lại nhưng với điều kiện: Không được ký tên Trần Đĩnh, chỉ viết về nông nghiệp, và không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp ủy cao. Cuối cùng là không được ở gần thanh niên, bởi sẽ gây tiêm nhiễm tư tưởng phản động cho thế hệ trẻ. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Bộ sách 600 trang của ông Trần Đĩnh đã tiết lộ nhiều chuyện “động trời”, trong đó, một trong những chuyện được nhiều người Việt trong và ngoài nước đọc qua, đã bàn tán không ngớt như chuyện ông Hồ Chí Minh và Trường Chinh cải trang đến tham dự buổi đấu tố cụ bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long): “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt.” (trang 84).

 

Đã có lần trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi là những điều ông kể có chứng cứ không, ông Trần Đĩnh đã bật cười nói “Nó là cuộc đời tôi, diễn ra chung quanh tôi. Rất nhiều người cùng thời với tôi chứng kiến nay đã chết, họ đã mang những chứng cứ đó xuồng mồ, nên tôi phải viết lại”.

 

Câu trả lời thú vị nhất của ông, là khi được hỏi ông viết cuốn hồi ký với nhiều chi tiết gây sốc này, với mục đích gì. “Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi”, nhà văn Trần Đĩnh nói. Ông mô tả rằng người ta làm và sống với những điều tự nhiên, như đau thì phải kêu, và thấy sự thật, phải kể lại. “Đến lúc tôi phải viết xuống vì không thể để ai bịa đặt hay muốn nói như thế nào cũng được”, nhà văn Trần Đĩnh nói.

 

Lúc sinh thời, trong thời gian sống và làm việc tự do ở Sài Gòn, nhà văn Trần Đĩnh còn là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học, như Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Ngầm của Murakami Haruki.

 

Sau khi sách Đèn Cù trở thành một cú chấn động trong đời sống của người đọc sách, người quan tâm chính trị, báo chí nước ngoài gọi điện thăm hỏi rằng ông có bị khó dễ gì vì bộ sách này hay không, ông trả lời “Tôi đã đến tuổi không còn thấy điều gì làm khó được mình”.

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

*

Tin, bài liên quan

 

Một ông Hồ khác


Thiệt là may phước cho ông Nguyên Ngọc

 

 

                 ===========================================

.

.

Vĩnh biệt nhà văn – nhà báo Trần Đĩnh, cộng tác viên thân thiết của Văn Việt

VĂN VIỆT

13 Tháng Năm, 2022

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/vinh-biet-nh-van-nh-bo-tran-dinh-cong-tc-vin-thn-thiet-cua-van-viet/

 

http://vanviet.info/wp-content/uploads/2022/05/image5.png

CÁO PHÓ

 

Được tin nhà văn – nhà báo Trần Đĩnh từ trần ngày 12/5/2022 tại nhà riêng ở Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), hưởng thọ 93 tuổi, Văn Việt xin gửi lời thành kính phân ưu tới gia đình nhà văn và cầu chúc hương linh ông sớm siêu thăng về cõi vĩnh hằng.

 

Trần Đĩnh bắt đầu làm báo từ cuối thập niên 1940 – đầu thập niên 1950. Khi còn rất trẻ ông đã là một trong những cây bút đầu tiên của báo Sự Thật của Đảng Lao Động Việt Nam. Ông bị kỷ luật rồi khai trừ khỏi Đảng do công khai ủng hộ đường lối chung sống hoà bình giữa hai phe xã hội chủ nghĩa – tư bản chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Liên Xô từ Đại hội XX (thường được gọi là đường lối “xét lại”). Ông là một trong vài nhân vật của nhóm “xét lại Việt Nam” còn sống đến năm 2022.

 

Trần Đĩnh nổi tiếng với hai cuốn hồi ký: Bất khuất của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận do ông chấp bút (năm 1965), Đèn cù, xuất bản năm 2014 tại Mỹ (nhà xuất bản Người Việt Books), kể chuyện đời làm báo của mình và những câu chuyện mắt thấy tai nghe liên quan đến nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Lao Động và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trần Đĩnh còn là dịch giả nhiều tác phẩm văn học, như Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Ngầm của Murakami Haruki.

 

Ông là một trong những cộng tác viên thân thiết ngay từ những ngày đầu của báo mạng Văn Việt.





No comments: