Cuộc
chiến ở Đài Loan có thể sẽ là chiến tranh hạt nhân
Stacie
L. Pettyjohn và Becca Wasser - Foreign
Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
26/05/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/05/26/cuoc-chien-o-dai-loan-co-the-se-la-chien-tranh-hat-nhan/
Trò chơi chiến
tranh tiết lộ cho chúng ta xung đột Mỹ-Trung có thể leo thang đến thế nào.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã làm dấy lên
lo ngại về chiến tranh hạt nhân, bởi vì Tổng thống Nga Putin đã đặt lực lượng hạt
nhân của mình ở mức báo động cao, và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực can thiệp nào
từ bên ngoài cũng sẽ dẫn đến “hậu quả mà các người chưa bao giờ chứng kiến.”
Hành động khiêu khích quân sự này đã xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo
và thu hút sự chú ý ở Washington. Nhưng trong trường hợp Trung Quốc cố gắng chiếm
Đài Loan, và Mỹ đứng ra hỗ trợ cho Đài Bắc, thì nguy cơ leo thang thậm chí còn
có thể vượt xa tình hình căng thẳng hiện nay ở châu Âu.
Gần đây, một trò chơi chiến tranh – do Trung
tâm An ninh Mới của Mỹ và chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của đài NBC phối hợp thực
hiện – đã giúp minh họa mức độ leo thang nhanh chóng của xung đột Mỹ-Trung. Trò
chơi sử dụng một cuộc khủng hoảng giả định xảy ra vào năm 2027, nhằm kiểm tra
xem Mỹ và Trung Quốc sẽ hành động như thế nào trong một số điều kiện nhất định.
Kết quả đã chứng minh rằng việc hiện đại hóa quân sự và mở rộng kho vũ khí hạt
nhân của Trung Quốc – chưa kể đến việc Bắc Kinh đề cao nhiệm vụ thống nhất với
Đài Loan – có nghĩa là, trong thế giới thực, một cuộc chiến giữa Trung Quốc và
Mỹ rất có thể trở thành chiến tranh hạt nhân.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một nước cộng hòa ly
khai. Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định xâm chiếm hòn đảo, các
nhà lãnh đạo nước này có lẽ sẽ không thể chấp nhận thất bại mà không làm tổn hại
nghiêm trọng đến tính chính danh của chế độ. Do đó, ĐCSTQ có thể sẵn sàng chấp
nhận rủi ro đáng kể, để đảm bảo rằng xung đột kết thúc theo những điều kiện mà
ĐCSTQ thấy là có thể chấp nhận được. Điều đó có nghĩa là phải thuyết phục được
Mỹ và các đồng minh của họ rằng chi phí bảo vệ Đài Loan cao đến mức không đáng để
nhóm này phản đối cuộc xâm lược. Dù Trung Quốc có nhiều cách để đạt được mục
tiêu đó, theo quan điểm của Bắc Kinh, sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là phương
tiện hiệu quả nhất để giữ người Mỹ không can dự vào xung đột.
Chuẩn bị cho cuộc
chiến
Suốt những thập niên vừa qua, Trung Quốc đã nỗ
lực biến Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thành cái mà Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình gọi là “quân đội đẳng cấp thế giới” – có thể đánh bại bất kỳ bên thứ
ba nào tham gia bảo vệ Đài Loan. Chiến lược chiến đấu của Trung Quốc, có tên gọi
là “chống tiếp cận/chống xâm nhập,” được dựa trên khả năng triển khai sức mạnh
quân sự thông thường trong phạm vi vài nghìn dặm, nhằm ngăn chặn quân đội Mỹ chống
lại một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan. Trong khi đó, kho vũ khí hạt
nhân ngày càng lớn sẽ cung cấp cho Bắc Kinh một đòn bẩy cưỡng chế, cũng như khả
năng chiến đấu mới, từ đó làm tăng nguy cơ chiến tranh và leo thang.
Trước đây, Trung Quốc chỉ sở hữu vài trăm vũ
khí hạt nhân mặt đất. Nhưng, vào năm ngoái, các chuyên gia hạt nhân tại Trung
tâm Nghiên cứu Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân James Martin và Liên đoàn Các nhà
khoa học Mỹ đã xác định được ba hầm chứa tên lửa đang được xây dựng ở khu vực
Tân Cương. Tờ Financial Times đưa tin rằng Trung Quốc nhiều khả năng đã
tiến hành các vụ thử tên lửa siêu vượt âm như một phần của hệ thống tấn công vốn
có thể né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa và đưa vũ khí hạt nhân tới thẳng các
mục tiêu ở lục địa Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có
khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân có thể sử dụng – nhiều hơn gấp ba lần con số mà
nước này hiện sở hữu. Dựa trên những dự báo này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có
thể tin rằng, sớm nhất là 5 năm kể từ bây giờ, PLA sẽ có đủ sức mạnh quân sự
thông thường và hạt nhân để có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong cuộc
chiến nhằm thống nhất với Đài Loan.
Trò chơi chiến tranh gần đây – trong đó các
thành viên Quốc hội, cựu quan chức chính phủ, và các chuyên gia đảm nhận vai
trò người ra quyết định an ninh quốc gia cấp cao ở Trung Quốc và Mỹ – đã minh họa
rằng: một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang nhanh chóng. Nó cho
thấy rằng cả hai nước sẽ phải đối mặt với các động cơ về mặt tác chiến, khuyến
khích tấn công lực lượng quân sự trên lãnh thổ của nước còn lại. Trong trò
chơi, người ta dự kiến những vụ tấn công như vậy sẽ được hiệu chỉnh để tránh
leo thang; cả hai bên đều cực kỳ thận trọng khi chỉ tấn công các mục tiêu quân sự.
Vậy nhưng những cuộc tấn công này vẫn vượt qua lằn ranh đỏ của cả hai quốc gia,
và tạo ra một chu kỳ tấn công ‘ăn miếng trả miếng,’ liên tục mở rộng phạm vi và
cường độ của xung đột.
Ví dụ, trong mô phỏng, Trung Quốc đã phát động
một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương. Cụ thể thì họ tấn công Guam, vì đây là căn cứ chỉ huy
quan trọng đối với các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á, và vì nơi này chỉ là
lãnh thổ (territory) chứ không phải một tiểu bang (state) của Mỹ, nên phía
Trung Quốc tin rằng việc tấn công nó sẽ ít gây leo thang hơn tấn công các mục
tiêu khác. Đáp lại, Mỹ nhắm mục tiêu vào các tàu quân sự của Trung Quốc tại hải
cảng và các cơ sở xung quanh, nhưng không tấn công vào đại lục. Tuy nhiên, cả
hai bên đều coi những động thái này là tấn công vào lãnh thổ của họ, đồng nghĩa
với việc vượt qua một lằn ranh quan trọng. Thay vì thừa nhận rằng cả hai bên đều
lo ngại các cuộc tấn công vào lãnh thổ, mỗi bên đều biện minh rằng các đòn tấn
công ban đầu là hành động quân sự cần thiết, vốn có bản chất giới hạn, và sẽ được
bên còn lại nhìn nhận theo đúng bản chất ấy. Tuy nhiên, phản ứng đối với các cuộc
tấn công ban đầu chỉ làm tình hình leo thang hơn nữa, khi đội Mỹ đáp trả động
thái của Trung Quốc bằng cách đánh vào các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục, và
phía Trung Quốc đáp trả các cuộc tấn công của Washington bằng cách tấn công các
địa điểm ở Hawaii.
Kỷ nguyên mới
Một phát hiện đặc biệt đáng báo động từ trò
chơi chiến tranh này là Trung Quốc nhận thấy cần phải đe dọa hạt nhân ngay từ đầu,
để ngăn chặn sự ủng hộ từ bên ngoài đối với Đài Loan. Lời đe dọa này đã lặp đi
lặp lại trong suốt trò chơi, nhất là sau khi Trung Quốc đại lục bị tấn công.
Đôi khi, những nỗ lực làm xói mòn ý chí của Washington để nước này rút lui khỏi
cuộc chiến còn được đội Trung Quốc quan tâm nhiều hơn là bản thân cuộc xâm lược
Đài Loan. Nhưng Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục phía Mỹ tin rằng
lời đe dọa hạt nhân của họ là đáng tin cậy. Trong thực tế, những thay đổi quan
trọng và gần đây của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân và sự sẵn sàng sử dụng
nó có thể ảnh hưởng đến quan điểm của các quốc gia khác. Đe dọa hạt nhân của
Trung Quốc thường không được coi là đáng tin cậy, vì họ chủ trương không phải
là người sử dụng vũ khí hạt nhân trước, ngoài ra còn vì họ có kho vũ khí hạt
nhân nhỏ hơn (nhưng đang lớn dần) và thiếu kinh nghiệm đưa ra đe dọa hạt nhân.
Chính điều này có thể thúc đẩy Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân trước, để củng
cố độ tin cậy cho lời cảnh báo của họ.
Trung Quốc cũng có thể biểu dương sức mạnh hạt
nhân của mình vì nước này bị hạn chế trong khả năng tấn công tầm xa thông thường.
Năm năm kể từ bây giờ, khả năng của PLA trong việc triển khai tấn công thông
thường vượt ra xa hơn các địa điểm trong “chuỗi đảo thứ hai” ở Thái Bình Dương,
cụ thể là Guam và Palau, vẫn sẽ cực kỳ hạn chế. Không thể tấn công đến lãnh thổ
Mỹ bằng vũ khí thông thường, Trung Quốc sẽ phải tìm cách khác để buộc người dân
Mỹ phải trả giá. Cho đến một thời điểm nhất định trong trò chơi, đội Mỹ vẫn cảm
thấy kho vũ khí hạt nhân lớn hơn của họ đủ để ngăn chặn leo thang, và không
đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa từ Trung Quốc. Do đó, đội
Trung Quốc cảm thấy cần phải leo thang đáng kể, để gửi đi một thông điệp rằng đất
Mỹ có thể gặp rủi ro nếu Washington không chịu lùi bước. Bất chấp chính sách hạt
nhân “không sử dụng trước” của Trung Quốc, trò chơi chiến tranh đã ghi nhận việc
Bắc Kinh cho nổ vũ khí hạt nhân ngoài khơi bờ biển Hawaii để làm ví dụ. Quyết định
này không gây nhiều thiệt hại, do xung điện từ chỉ làm hỏng thiết bị điện tử của
tàu thuyền trong vùng lân cận, chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến tiểu bang
Hawaii. Trò chơi chiến tranh đã kết thúc trước khi đội Mỹ kịp đáp trả, nhưng
nhiều khả năng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ Thế chiến II sẽ
dẫn đến đáp trả trong thực tế.
Các kịch bản dễ dẫn đến leo thang hạt nhân nhất
trong chiến tranh Mỹ-Trung là khác với các kịch bản thời Chiến tranh Lạnh. Liên
Xô và Mỹ lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn, bất thình lình, thứ sẽ dẫn
đến đối đầu chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu ở Đài Loan, Bắc
Kinh có thể sử dụng vũ khí hạt nhân theo cách hạn chế hơn, để thể hiện quyết
tâm hoặc để nâng cao cơ hội chiến thắng trên chiến trường. Không rõ cuộc chiến
sẽ diễn ra như thế nào sau khi phương án hạt nhân hạn chế đó được áp dụng, và
liệu Mỹ có thể tìm cách xuống thang trong khi vẫn đạt được các mục tiêu của
mình hay không.
Liệu pháp phòng ngừa
Bài học rõ ràng từ trò chơi chiến tranh này là
Mỹ cần tăng cường khả năng quân sự thông thường của mình ở Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương, để đảm bảo rằng Trung Quốc không bao giờ coi việc xâm lược Đài Loan
là một động thái chiến thuật thận trọng. Để làm được như vậy, Mỹ cần phải cam kết
duy trì ưu thế quân sự thông thường của mình bằng cách mở rộng kho dự trữ vũ
khí tầm xa, và đầu tư vào các khả năng hoạt động ngầm dưới biển. Washington
cũng phải có khả năng tiến hành các chiến dịch tấn công bên trong chuỗi đảo thứ
nhất và thứ hai ngay cả khi đang bị tấn công. Điều này sẽ đòi hỏi quyền tiếp cận
các căn cứ mới để phân bổ lực lượng Mỹ, tăng cường khả năng sống sót của họ, và
đảm bảo rằng họ có thể bảo vệ Đài Loan một cách hiệu quả trước các đợt tấn công
của Trung Quốc.
Hơn nữa, Mỹ cần phát triển một mạng lưới tích
hợp các đối tác sẵn sàng tham gia bảo vệ Đài Loan. Đồng minh là một lợi thế bất
đối xứng: Mỹ có, còn Trung Quốc thì không. Mỹ nên củng cố chiến lược và kế hoạch
tác chiến cùng những đối tác quan trọng, để gửi tín hiệu quyết tâm mạnh mẽ tới
Trung Quốc. Một phần của những nỗ lực này sẽ là việc Mỹ và các đồng minh cần
phát triển các chiến lược quân sự giúp họ giành chiến thắng nhưng không vượt
qua lằn ranh đỏ của Trung Quốc. Trò chơi đã làm nổi bật mức độ khó khăn của nhiệm
vụ này. Nhưng điều mà nó không làm nổi bật là mức độ phức tạp của việc phát triển
các chiến lược quân sự tích hợp các mục tiêu chiến lược và năng lực quân sự của
nhiều quốc gia.
Trong tương lai, các nhà hoạch định quân sự của
Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác của Washington, cần phải hiểu được thực tế
rằng, trong cuộc xung đột Đài Loan, Trung Quốc sẽ cân nhắc tất cả các lựa chọn
hạt nhân và thông thường. Và Mỹ đang cạn kiệt thời gian để tăng cường răn đe và
khiến Trung Quốc không tin rằng một cuộc xâm lược Đài Loan có thể thành công. Rủi
ro lớn nhất là Washington và những người bạn của họ quyết định sẽ không nắm bắt
thời cơ và hành động: chỉ thêm một hoặc hai năm nữa, mọi chuyện có thể đã quá
muộn.
---------------------------
Stacie L. Pettyjohn là nghiên cứu viên cấp cao kiêm
giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ.
Becca Wasser là nghiên cứu viên thuộc chương trình
quốc phòng, và là đồng trưởng Phòng Thí nghiệm Trò chơi tại Trung tâm An ninh Mới
của Mỹ.
.
Nguồn:
Stacie L. Pettyjohn và Becca Wasser, “A
Fight Over Taiwan Could Go Nuclear,” Foreign Affairs,
20/05/2022
No comments:
Post a Comment