Chuyến
thăm Mỹ của ông Chính - Thấy vậy mà không phải vậy
Bình
luận của Nguyễn Đình Đăng
2022.05.14
Thủ tướng Phạm Minh
Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Washington DC hôm
13/5/2022. Photo: RFA
Báo chí Việt Nam mấy ngày nay rầm rộ đưa tin về
chuyến sang Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các tờ báo chính thống ra sức quảng
bá cho chuyến thăm Mỹ của ông Chính.
Điều đáng chú ý là cách các tờ báo Việt Nam
đưa tin về chuyến thăm của ông Chính giống như đây là chuyến viếng thăm song
phương Việt - Mỹ. Thậm chí tờ báo mạng của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) lúc đầu
còn đưa bài với cái tựa là “Thủ tướng gặp song phương với Tổng thống Biden”,
nhưng ngay sau đó đã phải thay một tựa bài khác (1).
Chuyến thăm Mỹ của ông Chính là để phục vụ cho
cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ từ ngày 12-13/5. Đây cũng là chuyến thăm Mỹ đầu
tiên của ông Chính dưới cương vị Thủ tướng. Trước chuyến đi của ông Chính, cũng
có một số đồn đoán cho rằng kỳ này, Việt - Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ.
Tuy nhiên, trong nghị trình của cuộc họp thượng
đỉnh kỳ này, không có cuộc gặp song phương nào, và quan hệ Việt - Mỹ vẫn chưa
có bước đột phá mới nào.
Ai thiếu sự chân
thành?
Trong bài phát biểu của ông Chính tại Trung
tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), ông ta có cho rằng: “Sự chân
thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những
vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. Chính sự thiếu vắng sự chân thành,
lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung
đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng
đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các
thách thức khu vực và toàn cầu.” (2)
Trong một bài viết trên tờ Foreign Policy, Brian
Eyler - Giám đốc chương trình Mekông Dam Monitor viết rằng: “Việc
nâng cấp quan hệ có thể và nên diễn ra vào thời điểm thích hợp. Trên thực tế, mối
quan hệ hợp tác hiện nay trong các lĩnh vực an ninh hàng hải cho thấy quan hệ Mỹ-Việt
thực chất đã là quan hệ chiến lược. Tuy nhiên, việc vội vã nâng cấp quan hệ
trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể phản tác dụng.” (3)
Cách lý giải của Brian Eyler cũng tương tự một
số quan chức và học giả Việt Nam khi luôn cho rằng Việt Nam cần thực chất hơn
là danh xưng.
Tác giả Khang Vu viết trên tờ The Diplomat cho
biết có sự “bất bình đẳng” đáng kể trong quan hệ hai quốc gia này, khi mặc dù Mỹ
là một siêu cường, còn Việt Nam, tuy là một quốc gia đang lên nhưng vẫn còn nhiều
hạn chế về vị thế chính trị, thế nhưng nhiều quan chức Mỹ tích cực coi Việt Nam
là một “chiến địa” tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phía Mỹ cũng rất
thiết tha đề nghị nâng cấp quan hệ hai bên lên tầm cao mới. Trong chuyến thăm
năm ngoái của Phó Tổng thống Harris, cũng như quan điểm không hề giấu diếm của
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Knapper trong cuộc họp báo đầu tiên dưới cương vị này của
ông ta, đều muốn Việt Nam trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” của Mỹ. “Tuy nhiên, các phản ứng của Việt
Nam đối với đề xuất của Mỹ rất mờ nhạt. Mặc dù hoan nghênh sự tiếp cận của
Mỹ, Việt Nam không đồng ý nâng cấp quan hệ thành quan hệ đối tác chiến lược.
Harris đã thất bại trong việc thuyết phục Việt Nam thay đổi quyết định trong
chuyến thăm của bà. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ mới được bổ nhiệm Nguyễn Quốc Dũng
cũng không coi việc củng cố “quan hệ đối tác chiến lược” như một mục tiêu trong
nhiệm kỳ của mình. Một số quan chức Việt Nam đã mô tả quan hệ đối tác là quan hệ
chiến lược về mọi mặt, ngoại trừ tên gọi và về mặt chính thức, Mỹ không phải là
một trong 17 đối tác chiến lược của Việt Nam, xếp sau Australia, Nhật Bản và Ấn
Độ, ba nước khác trong Nhóm đối thoại an ninh Bộ tứ.” (4)
Tác giả Khang Vu
cũng cho biết thêm: “Mỹ là bên đã nhượng bộ Việt Nam về các vấn đề lớn nhằm cải
thiện mối quan hệ song phương tổng thể, bao gồm cả việc phá bỏ nghi thức ngoại
giao để tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng vào năm 2015 và giữ
im lặng khi Việt Nam tiếp tục mua vũ khí của Nga, vốn trái với Đạo luật chống đối
thủ của Mỹ thông qua cấm vận. Điều đáng chú ý là Mỹ đã trừng phạt đồng minh hiệp
ước của mình là Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Tóm lại, Việt Nam dường như đang
nắm trong tay con át chủ bài trong quan hệ song phương dẫu cho Mỹ có sức mạnh lớn
hơn rất nhiều.” (5)
Một tác giả người Việt khác là Dien Luong
thì đưa ra lý giải rằng, trong chính trường Việt Nam có phe bảo thủ và phe cấp
tiến. “Phe bảo thủ đã nói xấu về mối đe dọa của một "diễn biến hòa
bình", ám chỉ đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với những người bất đồng chính
kiến ủng hộ dân chủ và đề cao các giá trị nhân quyền nhằm phá hoại hoặc thậm
chí lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam, để gieo rắc nghi ngờ về mối quan hệ chặt chẽ
hơn với Washington.
Sự ngờ vực đó đã làm lan rộng suy nghĩ của những
người cứng rắn với Việt Nam đến mức họ có thể đàm phán khó khăn và làm thất bại
tiến độ của một hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ cho đến năm 2000.” (6). Theo ý kiến của tác giả Dien Luong thì “Mỹ cần cố gắng
nhiều hơn để được lòng phe bảo thủ Việt Nam.”
Như vậy thì “sự chân thành” trong phát biểu của
ông Phạm Minh Chính dường như chỉ là một thông điệp “sáo rỗng”.
VIDEO :
Toàn văn bài
phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ
https://www.youtube.com/watch?v=JpuXngApXnA
Lời nói trái ngược
hành động
Ông Chính cũng phát biểu hùng hồn rằng:
“Thứ hai, giữa độc lập và phụ thuộc,
chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập
tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi
chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa
hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh
tranh, chúng tôi chọn hợp tác và nếu cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng,
tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau.” (7)
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, việc Việt Nam
né tránh việc nâng cấp quan hệ với Mỹ là do e ngại việc kích động Trung Quốc sẽ
gia tăng sự đe doạ với Việt Nam. Thế nhưng, đây cũng chỉ là một phần của vấn đề.
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đều duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ
và Trung Quốc mà đâu có sao, Singapore là một ví dụ điển hình.
Người ta còn nhớ chuyến thăm của bà Harris
sang Việt Nam, đường đường là một Phó Tổng thống của một siêu cường nhưng người
đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam (thực chất là nguyên thủ trong thực tế ở Việt
Nam là ông Nguyễn Phú Trọng) đã né tránh không tiếp đón bà Harris, trong khi trước khi bà Harris tới
Việt Nam, ông Phạm Minh Chính lại chủ động đến gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội
Hùng Ba để “báo cáo tình hình của chuyến thăm”.
Chính vì cách cư xử của Việt Nam như vậy đã dẫn
tới việc trong chuyến viếng thăm trụ sở Liên Hợp Quốc vào năm ngoái của Chủ tịch
nước Nguyễn Xuân Phúc, các nguồn thạo tin cho biết, phía Việt Nam đã nỗ lực tìm
kiếm một cuộc gặp song phương giữa hai nguyên thủ Việt - Mỹ, nhưng phía Mỹ đã lạnh
lùng từ chối với lý do “đề phòng COVID 19”.
Ông Phạm Minh Chính cũng khẳng định: “Trong
một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt
Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên
cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng,
tất cả cùng có lợi, cùng thắng.”
Tuy nói vậy, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn từ chối
lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Việt
Nam đã bỏ hai phiếu trắng và tất cả các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc về vấn
đề này và nhiều khả năng sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với
Moscow. Việt Nam cũng bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ Nga tại Hội đồng Nhân
quyền của LHQ, mặc dù các phát biểu của Việt Nam ám chỉ việc Nga tấn công
Ukraine là vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Cách
hành xử như vừa qua của Việt Nam cho thấy, chính sách đối ngoại của nước này dường
như là cố gắng “tận dụng” tối đa các lợi ích kinh tế từ Mỹ, trong khi đó lại tiếp
tục duy trì và bảo toàn nguyên vẹn các mối quan hệ truyền thống với Nga và
Trung Quốc.
Việt Nam luôn tự hào khi cho rằng chính sách đối
ngoại của họ là nhất quán và được hoạch định từ rất lâu, điều này cho thấy
không hẳn như suy nghĩ của tác giả Dien Luong, khi cho rằng có phe cấp tiến và
phe bảo thủ trong hàng ngũ các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Mà đúng ra phải
nói là toàn bộ Bộ chính trị Việt Nam đều có quan điểm giống nhau trong các quan
hệ với Mỹ và Trung Quốc, Nga. Chính vì vậy, việc phát triển quan
hệ Việt - Mỹ trong tương lai sẽ khó có sự đột phá. Mặc dù có tiến triển,
nhưng hết sức chậm chạp. Và có khi như một câu ngạn ngữ của phương Tây nhắc rằng
“Ai chậm chân thì lỡ tàu”.
____________
Tham khảo:
4. https://thediplomat.com/2022/04/why-vietnam-holds-the-trump-card-in-the-u-s-vietnam-partnership/
5. https://thediplomat.com/2022/04/why-vietnam-holds-the-trump-card-in-the-u-s-vietnam-partnership/
6. https://asia.nikkei.com/Opinion/U.S.-will-have-to-work-hard-to-win-over-Vietnam-s-conservatives
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Tin, bài liên quan
Vấn
đề Ukraine trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ
Ai
đã rải chông trên bước chân ngoại giao của Thủ tướng Phạm Minh Chính?
Thế
lưỡng nan của TT Phạm Minh Chính trước khi đi Mỹ
Phạm
Minh Chính: Thủ Tướng hay Chủ tịch huyện Việt Nam?
Trung
Quốc nghĩ gì về quan hệ Việt - Mỹ
No comments:
Post a Comment