Tuesday, April 19, 2022

SỰC NHỚ LIÊN XÔ, NGA, UKRAINA TRONG CÕI LỜ MỜ / KỲ 3 (Nguyễn Thông)

 



Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 3)

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

18/4/2022  20:20   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1173702813463776&id=100024722048900

 

Những năm đầu thập niên 60, tôi hay theo bà chị cả ra đình xem thanh niên hát múa, tập văn nghệ. Ban ngày làm việc sà sã trên đồng, mệt bỏ cụ, nhưng tối họ vẫn phải kéo nhau ra đình sinh hoạt cho có khí thế đoàn thanh niên. Giống như bên Triều Tiên bây giờ. Nghe nói cha con, ông cháu nhà cu Ủn truyền đời nhau kinh nghiệm bắt dân ngày thì làm việc, tối phải nhảy nhót hát múa để lúc nào cũng bận, không còn có thời gian mà nghĩ ngợi, chống đối. Cái sự một trăm phần trăm dân một lòng theo đảng, tin tưởng đảng, ủng hộ đảng thường có căn nguyên kiểu như vậy. Ở bất cứ nơi nào chính thể do cộng sản cai trị chứ chẳng riêng gì Triều Tiên. Liên Xô, Trung Quốc... đều thế cả.

 

Ngôi đình làng Trà vốn có từ thời Mạc, được trùng tu nhiều lần qua thời Lê, thời Nguyễn, to hoành tráng, với những cột gỗ lim hơn vòng tay ôm người lớn, cao dăm bảy mét, khoảng vài chục cột, giờ được biến thành lớp học và nơi đoàn thanh niên sinh hoạt. Tồn tại qua mấy thế kỷ phong kiến cổ hủ thực dân đế quốc sài lang thì không sao, tới khi cách mạng thành công, đả thực bài phong, tiêu diệt tàn dư phong kiến, đình bị tuyên án treo. Tới năm 1965, chính quyền và hợp tác xã cho người phá đình lấy gỗ đá gạch ngói làm chuồng lợn trại chăn nuôi. Khi ấy tôi lên 10, chứng kiến từ đầu tới cuối cuộc phá đình, chỉ cảm thấy tiêng tiếc không còn chỗ chơi, nhưng sau này lớn lên mới hiểu rằng sự ngu dốt của con người mới xã hội chủ nghĩa là không có giới hạn.

 

Ngồi góc đình, tôi há hốc mồm nghe các anh chị nhớn hát, nhiều bài lắm, chỉ nghe thôi nhưng giờ nhớ như in. Các chị vừa hát vừa múa, về đất nước Liên Xô, thiên đường của nhân loại. Họ hát “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa/Đây bao la hương sắc hoa chan hòa/Hoa tươi trong mùa xuân nhân loại/Hoa vươn trong lòng người công nhân/… Đây Trung Hoa muôn đóa hoa tươi màu/Hoa lan sang Triều Tiên khói lửa/Hoa ươm trên đồng Việt Nam ta…”, nghe rất thích, sao mà ở Liên Xô sướng thế, chả vất vả đập nương tát nước cày bừa như mình, nông thôn thật đẹp, không nghèo nàn tăm tối như làng mình. Suốt bao năm, cứ tưởng bài hát này của Liên Xô được dịch ra tiếng Việt, mãi về sau mới biết do cụ Tý, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác, năm 1951, có tên “Mùa hoa nở”. Khiếp, không đi Liên Xô bao giờ mà ca ngợi cứ y như thật.

 

Lại còn bài nữa, cũng nhớ thin thít, bởi nó ám vào đầu. Chị Khoắn tôi bảo nó tên “Dân ca U cờ ren”. Nói cho công bằng, bài này rất hay, tha thiết, hơi buồn, buồn thì bao giờ chả hay, giống như thứ dân ca quan họ ở mình. U cờ ren là nước nào, không mấy ai biết, chỉ thấy bảo bên Liên Xô. Bà chị tôi, với mấy chị Vớ, Ga, Vén, Thượt, Thoan, Són, Thơ, Bé… đồng ca, chẳng khác gì tốp ca nữ đài tiếng nói Việt Nam, “Đồng xanh bát ngát mênh mông U cờ ren/Dòng sông lướt trôi trong xanh êm đềm/Bạch dương tươi tốt, lá xanh cành vươn bên bờ/Là nơi cố hương thân yêu thanh bình”... Cũng đâu biết ai sáng tác, vả lại dân ca thì làm gì có tác giả. Ấy vậy mà sau phát hiện ra gốc tích, sản phẩm của cụ Phạm Tuyên. Giời ạ, lại biết thêm U cờ ren tức là Ukraina, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô, anh em khắng khít với nước Nga, giờ thì răng đang cắn môi chí chết. Có thứ kỷ niệm hơi buồn buồn. Tôi cũng rất thích bài U cờ ren, khi học lớp 10 (ngang lớp 12 bi giờ) tập tán gái, từng hát cho “nó” nghe, chả thấy nó xúc động khen gì. Rồi “nó” cứ lảng tránh. Thế là tan, hát với chả hò. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

 

 

-----------------------

.

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 2)

Nguyễn Thông cùng với Nguyễn Thông Cào.

16/4/2022  20:40  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1172436473590410&id=100024722048900

 

Nói tới Liên Xô, có nhẽ ký ức xa nhất về nó là mấy tấm ảnh chân dung lãnh tụ trên bức tường đất nhà tôi. Nghe chị cả tôi kể, thày bu tôi hồi thập niên 40 tần tảo chịu khó, tiết kiệm, mua được mấy sào đất ven đường, làm căn nhà 3 gian, tường trình đất, mái rạ, cửa nẻo sơ sài. Gian giữa đặt bàn thờ tam sơn nhỏ, bát hương và đồ thờ cúng, nhưng trên tường lại dán 3 tấm ảnh to cỡ cuốn vở học trò. Khi tôi bắt đầu đi học lớp vỡ thình (tức lớp vỡ lòng, như lớp 1 bây giờ, ông Huy anh họ tôi đùa gọi là vỡ thình, giống như con chim non được chim bố mẹ chăm sóc, bao giờ vỡ cái bọng cứt (thình) thì mới mọc lông rồi tập bay, trẻ con muốn vào đời thì việc đầu tiên phải vỡ thình) năm 1961 đã thấy mấy ảnh ấy. Giữa là ảnh cụ Hồ, thì biết. Trẻ con mới nứt mắt đã biết bác Hồ, huống chi mình sinh viên hệ vỡ thình. Còn hai ông hai bên thì chịu. Hỏi thày, hỏi anh Uy, được giải thích ông bên trái trán cao là Mao Trạch Đông, ông bên phải mũi lõ là Bunganin. Ông Trung Quốc trái, ông Liên Xô phải, anh hai, anh cả của Việt Nam. Bunganin khi ấy giữ chức chủ tịch hội đồng bộ trưởng, như thủ tướng Phạm Văn Đồng bên ta. Chả hiểu sao cán bộ xã lại không phát cho nhà tôi ảnh Lênin hoặc Stalin mà lại là Bunganin. Ông tây Liên Xô này là đàn em Khrutsov (Khơ rút sốp), điếu đóm được vài năm thì bị Khơ đuổi. Khơ tại vị vài năm lại bị các đàn em đá đít. Đám trùm cộng sản Liên Xô là vậy, hại nhau giết nhau như ngóe, những tuyên truyền về sự đoàn kết của “anh cả” chỉ là nói phét. Hôm vừa rồi, mấy anh em trong nhà ngồi trò chuyện, ôn chuyện cũ, tôi kể nhà mình treo 3 ông đó, cứ nghĩ chỉ mình biết, nào ngờ cô em út sinh năm 1959 bảo em cũng thấy, mãi tới khi nhà mình vào hợp tác xã (1964) vẫn còn các kễnh ngự trên tường.

 

Chỗ này cũng nói thêm. Khi đã biết đọc, tôi còn thấy cái khẩu hiệu viết bằng nước vôi đã bị xóa còn lờ mờ trên tường “Cần lao, gia đình, tổ quốc”. Hỏi thày, thày giải thích đó là hồi Pháp chiếm đóng, họ bắt phải kẻ lên. Khi cộng sản thắng, cách mạng buộc xóa đi, treo mấy ảnh lãnh tụ phe xã hội chủ nghĩa thay vào đó. Dân cứ bị quay như chong chóng, hết thờ ông này lại thờ ông nọ.

 

Lại nhớ hồi thập niên 80 khi đọc báo Nhân Dân có chuyện đảo chính bên Thái Lan, tôi buột mồm cái xứ gì đâu cứ vài ba bữa lại đảo chính, hệt như chính quyền Sài Gòn trước năm 75, chỉ cộng sản là không đảo chính bao giờ bởi họ giữ gìn sự đoàn kết như con ngươi của mắt mình. Nghe vậy, ông Uy anh tôi từng học ở Kishinov (Mondavia, Liên Xô) về, cười bảo bọn cộng sản còn đảo chính nhiều hơn đám đế quốc vạn lần, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, chỉ có điều chúng khôn gọi thành chỉnh đốn đảng, hoặc giấu biệt chuyện nội bộ. Báo Nhân Dân hồi chiến tranh còn đăng chuyện biếm để cười cợt thể chế Việt Nam cộng hòa và những nước theo Mỹ, hình như cụ Thợ Rèn viết. Đại loại, hai người trò chuyện, một ông hỏi ông kia, có biết tại sao hầu như ở tất cả các nước tư bản đế quốc đều xảy ra đảo chính nhưng riêng Mỹ không bao giờ. Ông kia giả nhời bởi ở nước Mỹ không có tòa đại sứ Mỹ.

 

Lại nhớ thòng thêm, có lần thầy giáo Nguyễn Đức Tuấn bạn tôi dạy địa cùng trường dự bị đại học, nói các ông có biết tại sao Liên Xô gần như không bao giờ bị tai nạn hàng không, bị máy bay rơi không, chẳng phải máy bay của nó tốt đâu, Tu, An, IL thì làm sao đọ được Bô ing, E bớt, nó bị hoài, rớt đầy, nhưng chúng nó khôn, rơi là giấu biệt. Đỉnh cao nhân loại, thiên đường, thành trì của cách mạng thế giới, niềm mơ ước của phe xã hội chủ nghĩa thì làm sao có chuyện máy bay rơi. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

===================================

.

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

5/3/2022  06:00

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1144848806349177&id=100024722048900

  

Điều đầu tiên, nhà cháu phải thật thà khai báo, rằng chưa hề tận mắt thấy Liên Xô liên xiếc, Nga nghiếc, U ka u kiếc thế nào. Có được đi bao giờ mà thấy. Chỉ ra nước ngoài mỗn lần, rồi cái hộ chiếu để lâu không dùng mốc thếch hết hạn. Mấy lần anh Nguyễn Thế Khải giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ riết róng bảo chú làm lại hộ chiếu đi, anh sẽ bao chú một chuyến đi hẳn Mỹ, Canada, cả Cuba nữa. Nhà cháu dò hỏi, biết sẽ tốn hơn trăm triệu, nặng tiền của bác Khải quá nên cứ lần khân thoái thác. Năm nào bác cũng nhớ cũng giục, bác bảo chú nên biết rằng anh đã hứa là làm. Rồi đùng một cái, bác ấy bị Chúa triệu về đột ngột ngay khi dịch sắp vào đỉnh điểm hồi năm ngoái, đem cả lời hứa theo. Mà nói thật, bác có còn thì nhà cháu cũng không dám nhận, dù bác Khải nói rằng anh không đòi hỏi em điều gì, chỉ cần sau chuyến đi em viết chân thực những điều mắt thấy tai nghe. Mình là cái thá gì mà được hưởng quả phúc dồi dào như thế.

 

Hồi trước 1975, “quyền” đi Liên Xô thuộc về đám con ông cháu cha, họa hoằn lắm mới có con nông dân học giỏi (như Vương Đình Huệ chẳng hạn) được chiếu cố nhét vào đội ngũ lưu học sinh, học tiếng Nga 1 năm ở khu trường Mễ Trì gần ga tàu điện Thanh Xuân (Hà Nội). Đi Liên Xô là thứ quyền lợi đẳng cấp thượng lưu, còn con nông dân công nhân thị dân thì được ưu tiên đi… bộ đội. Từng có bài hát nhại (nhại Tiếng hát trên đường quê hương của nhạc sĩ Huy Thục): "Ai chả biết chồng cô đi bộ đội vào nam, qua đường 9 bị bom bi nó rơi vào đầu. Được tin cô đi thăm chồng, lên xe đạp đến trại thương binh, cô nhìn thấy chồng cô đang đứng trên vỉa hè"..., thương lắm.

 

Hồi đó, có câu thành ngữ mới “sướng như đi Liên Xô” để nói rằng chả cái gì sướng hơn. Đến nỗi người ta còn kể cho nhau nghe, đôi trai gái nọ ban đêm hì hục vất vả dưới bụi trúc đào trong công viên Thống Nhất (có một thời bị đổi thành công viên Lê Nin, sau nghe chướng quá, lại trả về tên cũ), nhẽ ra cứ giữ mồm giữ miệng thì không sao, nhưng lúc không kìm được, nàng hổn hển hỏi, anh ơi, có sướng không, chàng cũng hổn hển, phó phướng, phó phướng, sướng như đi Liên Xô. Đội cờ đỏ đã kéo qua một đoạn, nghe thấy bèn quay lại bắt quả tang, bắt mặc quần áo vào, về trụ sở công an khu vực (hồi đó chưa có phường) làm hộ chiếu đi… Liên Xô.

 

Không được nhìn Liên Xô tận mắt, nhưng nhìn qua mắt người khác thì có. Rõ nhất, thường xuyên nhất là qua họa báo. Thời ấy, những cuốn báo ảnh Liên Xô hoặc Trung Quốc, dân ta quen gọi nôm na là họa báo, khổ to bằng nửa tờ báo Nhân Dân, dày dặn nhiều trang, in màu rất đẹp, gần như là kênh duy nhất để người dân thường biết tới hai ông kễnh phe xã hội chủ nghĩa. Tinh những hình ảnh, cuộc sống, con người xứ thiên đường, niềm ao ước của nhân loại. Thời ấy những cuốn họa báo quý lắm, xem xong còn được tháo rời ra dán lên tường nhà như một thứ tranh trang trí. Học trò mà có cuốn họa báo để bọc sách bọc vở thì nhất hạng. Có một dạo, khi Trung Quốc thực hiện cái gọi là cách mạng Đại tiến vọt, ca ngợi Công xã nhân dân, họ đăng trên họa báo bức ảnh cánh đồng lúa chín vàng, hạt mẩy, bông lúa kín đặc, có mấy đứa trẻ trèo lên đứng trên thảm lúa mà ‘lúa vẫn vững vàng thẳng hàng đứng dọc ngang” (mình nhớ câu này trong bài Tiếng hát hậu phương của nhạc sĩ Thái Cơ), rất khiếp. Ai coi cái ảnh cũng lắc đầu lè lưỡi, dặn nhau nhanh nhanh tiến lên chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, Trung Quốc, lúa tốt như thế thì chắc không bị ăn độn khoai, không bị đói.

 

Tụi trẻ con hồi đó, chả biết do ai dạy, đứa nào cũng thuộc bài đồng dao (hơi tục một tí nhưng vui, đồng dao mà lị), nhà cháu vẫn còn nhớ: Ông Liên Xô, bà Trung Quốc/Ông đi guốc, bà đi giày/Ông nhảy dây, bà đá bóng/Ông đánh rắm, bà ngửi hơi/Ông đi chơi, bà theo gót/Ông nhảy nhót, bà múa ca/Ông đi qua, bà đi lại/Ông thì dại, bà thì khôn/Ông ăn (l)ồn, bà chấm muối/Ông ăn chuối, bà ăn dưa/Ông ăn dừa, bà ăn đậu/Ông hậu đậu, bà tinh ranh”… Hát xong, cười khơ khớ. Những ai sống ở miền Bắc thập niên 50 - 70 hầu hết đều biết bài ca hữu nghị này. (còn tiếp)

 

176 BÌNH LUẬN   





No comments: