Thursday, April 28, 2022

CÓ PHẢI HỌC SINH VIỆT NAM 'GHÉT MÔN LỊCH SỬ'? (Võ Ngọc Ánh, Hoa Kỳ)

 



Có phải học sinh Việt Nam ‘ghét môn lịch sử’?

Võ Ngọc Ánh

Gửi bài từ bang Washington, Hoa Kỳ

28 tháng 4 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61186196

 

Ý kiến nói cách viết và dạy sử ở Việt Nam bị chi phối nặng bởi chính trị, chiến tranh, chiến thắng nên khó hấp dẫn người học.

 

Cách viết và dạy sử ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn bị chi phối nặng bởi chính trị đã làm mất đi tính hấp dẫn với học sinh.

 

Chưa kể, lịch sử thay vì rút ra những bài học để hàn gắn người Việt thì lại tiếp tục gây rẽ.

 

Việt Nam: Dạy và học lịch sử – vì đâu nên nỗi?

30 tháng Tư nên trở thành Ngày Đoàn kết Quốc gia

 

Kiểu viết sử ở Việt Nam hiện nay vẫn theo kiểu biên niên sử, xoay quanh các sự kiện của chế độ, thể chế, mang tính ca tụng. Việt Nam đang làm sử không khác các triều đại phong kiến trước đây.

 

Tôi từng là nạn nhân của môn lịch sử

 

Khi đang học lớp 9 ở Việt Nam, năm 1992, trong một lần học bài kiểm tra một tiết môn lịch sử, tôi đặt ra câu hỏi đầu tiên về lịch sử cho chính mình. Tại sao trong lịch sử chỉ thấy toàn Việt Nam thắng?

 

Sự thắc mắc này thôi thúc tôi tìm đọc thêm những cuốn sách lịch sử ít ỏi thời đó ở quê lúc đó.

 

Trong hai năm cuối cấp hai, tôi là nạn nhân của cách nhận định lịch sử. Vì có tên là Ánh, nên bị bạn học gọi, "thằng Nguyễn Ánh bán nước". Trong sách giáo khoa và được thầy cô giảng dạy lên án vị vua lập triều nhà Nguyễn là rước quân xâm lược, mở đường cho thực dân Pháp chiếm Việt Nam.

 

30 tháng Tư nên trở thành Ngày Đoàn kết Quốc gia

30/04/1975: Sử mệnh, người Việt miền Bắc và miền Nam

 

Sau này tôi hiểu, với quan điểm của Đảng Cộng Sản, họ đề cao kiểu khởi nghĩa nông dân, chống ngoại xâm như Nguyễn Huệ. Điều này dẫn đến các sử gia của chế độ không có cái nhìn thiện cảm, phủ nhận công lao với Nguyễn Ánh.

 

Những năm gần đây xuất hiện những tiếng nói chuyên môn đánh giá lại công lao của Nguyễn Ánh. Tôi hy vọng, những học sinh có tên Ánh không phải chịu cảnh như mình trong quá khứ.

 

Chưa bao giờ ghét sử

 

Vì không thích ý thức hệ áp đặt từ trên xuống nên tôi chưa bao giờ là đoàn viên thanh niên, hay hội viên của bất kỳ tổ chức nào thuộc nhà nước trong suốt thời đi học và sau khi đi làm ở Việt Nam. Thế nhưng tôi chưa bao giờ mất hứng thú với lịch sử. Vì qua nó, tôi hiểu được về kiểu cai trị, văn hóa, tôn giáo, pháp luật, kinh tế… qua các thời kỳ tại Việt Nam và trên thế giới.

 

Sách về lịch sử là một trong những loại sách tôi đọc nhiều trong suốt bốn năm đại học và cả sau này.

 

Năm đầu đại học, lần đầu được nghe giáo viên dạy sử đưa ra một cách nhìn khác với những gì đã biết khiến tô vô cùng thích thú. Dù ông thầy cũng chỉ đưa ra những nghi vấn về lịch sử thời kỳ cổ đại và Bắc thuộc của Việt Nam.

 

Nhờ chịu đọc sách về lịch sử trước đó, sau này khi tiếp xúc với những cuốn sách lịch sử khác xuất bản trước 1975 ở miền Nam và cả ngoài nước sau này, đến các bài viết, phim ảnh trên internet tôi có những đối chiếu chéo để có được những phân tích, đánh giá riêng dựa trên các quan điểm khác nhau về những sự kiện, thời đại trong quá khứ.

 

Thú thật, tôi không thể nhớ hết được ngày tháng như trong lịch sử. Nhưng nhờ những gì đã đọc tôi không khó để tìm kiếm nó một cách đầy đủ hơn trên internet hiện nay lúc cần.

 

Các quan điểm, tranh luận về lịch sử với tôi luôn thú vị, hấp dẫn dù là khi ở Việt Nam hay đang ở Mỹ hiện nay.

 

Tất nhiên vì học ở Việt Nam nên trong không ít lần tranh luận ở Mỹ về lịch sử ở bên này, tôi bị nhận định, "bị cộng sản nhồi sọ nên không biết gì về sử?". Nhận định kiểu này không đáng để quan tâm.

 

Học lịch sử như giáo dục chính trị

 

Học lịch sử là để giáo dục ý thức về một dân tộc, cội nguồn, lòng yêu nước. Điều này không sai. Nhưng cách viết sử, dạy sử ở Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nền bởi quan điểm chính trị của một đảng phái duy nhất - đảng cộng sản. Điều này càng nặng nề hơn trong phần lịch sử hiện đại liên quan trực tiếp đến đảng này, hiện đang cầm quyền tại Việt Nam.

 

Lịch sử thời kỳ hiện đại chiếm dung lượng lớn trong chương trình giáo dục lịch sử phổ thông. Những gì thể hiện trong sách lịch sử suốt thời kỳ này là lên án, phủ nhận các lực lượng khác và ca tụng, chiến thắng của ĐCS.

 

Kiến thức lịch sử suốt thời kỳ phổ thông cũng chỉ dùng lịch sử hiện đại để đánh giá. Khi tôi thi đại học khối C cũng chỉ tập trung vào thờ kỳ lịch sử này.

 

Cuốn Việt Nam sử lược, của Trần Trọng Kim là cuốn đem lại cho tôi nhiều ấn tượng. Cách viết không kiểu ca tụng, có những dòng nhận định khai quát về tính cách người Việt thú vị, cách viết súc tích, đơn giản, dễ hiểu.

 

Tôi nghĩ, xong phổ thông, về lịch sử Việt Nam đến trước thời kỳ Pháp đô hộ, nắm được nội dung của cuốn sách này coi như không phí đèn sách với môn lịch sử.

 

30/4: VN nói đã kết luận 'khách quan' về tranh cãi Bùi Văn Tùng-Phạm Xuân Thệ

Ngày 30/04: Hãy chung tay để lịch sử không bị đánh mất

 

Học lịch sử từ tiểu học đến đại học, tôi nhận thấy học lịch sử mà như học chính trị đảng cộng sản và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Do đó, lịch sử trong sách giáo khoa phổ thông xuất hiện câu chuyện không thật, "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" gần đây được phơi bày.

 

Tôi nghĩ, không dưới 30% nội dung trong sách lịch sử VN mang tính tuyên truyền cho đảng cầm quyền, cho ý thức hệ kiểu Liên Xô cũ và lên án các lực lượng khác. Chính sự ca tụng, không phân định rõ ràng giữa lịch sử với chính trị, hoặc tuyên truyền làm cho lịch sử mất đi sự hấp dẫn.

 

Tại Mỹ, trong chương trình học tiếng Anh trước khi vào college, tôi cũng có các bài học về lịch sử Mỹ. Ông thầy đưa ra bài viết lịch sử về American Civil War - Nội chiến Mỹ. Yêu cầu sinh viên nói lên quan điểm về cuộc chiến này và ảnh hưởng của nó. Sinh viên không bị định hướng theo quan điểm nào.

Hôm sau, từng người đưa ra nhận định trong một bài thuyết trình 5 phút. Hoàn toàn không có kiểu ý nghĩa lịch sử như trong các bà học lịch sử tôi từng học ở Việt Nam. Điều này lần đầu mang đến cho người đến từ Việt Nam như tôi một cảm giác mới mẻ.

 

Xen thêm: Chương trình Đa chiều nhiều ý của BBC News Tiếng Việt hôm 26/4 về vấn đề học sử Việt Nam một cách khách quan.

 

Học lịch sử để hiểu nhau, hòa giải cớ sao người Việt lại chia rẽ

 

Ý thức của một con người về gốc gác, dân tộc không có thể tách rời khỏi lịch sử của một cộng đồng, hay quốc gia. Điều này không kém phần quan trọng hơn với những người gốc Việt đang sống xa Việt Nam như tôi.

 

Tuy nhiên, cách làm sử ở Việt Nam hiện nay rất khó được đa phần người Việt tại hải ngoại chấp nhận có thể truyền dạy cho con cái.

 

Lịch sử đáng ra nên là các bài học, kinh nghiệm cho một dân tộc để có thể hàn gắn, hòa giải. Cách viết lịch sử Việt Nam từ năm 1954 - 1975, trong nước và người gốc Việt tại các nước dân chủ không cùng nhận định.

 

Lịch sử đã khép lại, nhưng cách trình bày lịch sử từ trong nước tiếp tục gây chia rẽ với người Việt tại xa quê.

 

VIDEO : Xuân Lộc 1975: Nỗ lực phút chót trước giờ Sài Gòn thất thủ

              https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61186196

 

Điều này đã làm cho Việt Nam mất đi sức mạnh của người Việt đang có với cộng đồng rất lớn tại hải ngoại trong sự phát triển của quốc gia.

 

Ngoài ra, phải chăng cách giáo dục lịch sử tập trung nhiều vào việc đánh nhau, chiến thắng đang làm cho người Việt trở nên hung hăng hơn với nhau? Một vụ va chạm nhỏ thường có xu hướng dùng bạo lực xử lý thay vì nhờ vào luật pháp.

 

Cách nhìn nhận, thể hiện sự kiện lịch sử 30/04/1975, chưa bao giờ là sự "thống nhất". Nó vẫn tiếp tục tạo ra chia rẽ trong lòng người Việt.

 

---------------------

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, quê ở Quảng Nam, hiện đang sống tại Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

 

TIN LIÊN QUAN

 

Việt Nam: Dạy và học lịch sử – vì đâu nên nỗi?

27 tháng 4 năm 2022

 

Ngày 30/04: Nếu còn thiết tha hãy giúp một tay để lịch sử không bị đánh mất

30 tháng 4 năm 2021

 

Đâu là thách thức với giới sử học hiện đại Việt Nam?

8 tháng 5 năm 2021

 

30 tháng Tư nên trở thành Ngày Đoàn kết Quốc gia

26 tháng 4 năm 2022

 

Xuân Lộc: Trận lớn cuối cùng của VNCH trước 30/04

22 tháng 4 2020

 

Gần đến 30/4, Việt Nam nói đã kết luận 'khách quan' tranh cãi Bùi Văn Tùng-Phạm Xuân Thệ

19 tháng 4 năm 2022





No comments: