Friday, January 14, 2022

VỀ TỊNH THẤT BỒNG LAI (Thích Thanh Thắng)

 



VỀ TỊNH THẤT BỒNG LAI  

Thích Thanh Thắng 

13/01/2022  18:57  

https://www.facebook.com/100007519574342/posts/3045009512426338

 

Đất nước thống nhất đã gần 50 năm, nhưng Phật giáo vẫn chưa “thống nhất”. “Thống nhất” ở đây có thể là dưới danh xưng một “Giáo hội” duy nhất hoà hợp, hay cũng có thể chẳng cần “Giáo hội” nào đại diện cho ai cả, chỉ cần đúng nghĩa Phật giáo Việt Nam thôi. Bởi vốn dĩ ngoài “Giáo hội” vốn là truyền thống của các tông môn, sơn môn, dòng tu, hệ phái…

 

Ở Việt Nam hiện nay tồn tại 2 Giáo hội Phật giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có trước 1975 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước cho thành lập năm 1981.

 

Đã nằm trong danh nghĩa “Giáo hội” thì đừng bỏ nó ra ngoài khái niệm “chính trị”. Tôn giáo (Giáo hội) và chính trị là sự kết hợp, thúc ước lẫn nhau khi mạnh khi yếu giữa thế quyền và thần quyền trong cùng một bộ máy cai trị.

 

Thời Phật còn tại thế không gọi là “giáo hội” mà gọi là Tăng đoàn. Tăng đoàn cũng không ra ngoài sự ủng hộ hay ngăn cản từ các vị quốc chủ (quốc vương). Nhưng cho dù được ủng hộ hay không thì Tăng đoàn cũng được thiết lập trên các nguyên tắc căn bản của giới luật.

 

Sau khi Phật nhập diệt thì lấy giới luật làm Thầy. Cho dù mang danh xưng Giáo hội nào thì căn bản tu hành vẫn là giới luật. Việc công nhận của nhà nước nào đó với một giáo hội, có giấy chứng nhận Tăng Ni hợp pháp hay không cũng không làm thay đổi bản chất của những giới luật mà một người xuất gia thọ nhận (5 giới, 10 giới cho đến 250 giới).

 

Một tu sĩ tu theo Giáo hội nào cũng được, miễn biết là tuân thủ và giữ gìn các giới luật đã được truyền trao. Việc tu sĩ có bằng cấp Phật học hay thế học cao thấp đến đâu chỉ là chuyện ứng thế nhập thế, nó không bao giờ thay thế được giới luật.

 

Do đó, xin nhắc lại, dù theo Giáo hội nào (được nhà nước công nhận hay không) thì căn bản vẫn theo truyền thống giới luật. Giới luật còn thì Phật pháp còn. Giáo hội có thể mất hay thay đổi danh xưng nhưng Phật pháp vẫn lưu truyền trên nguyên tắc giới luật được kế thừa truyền trao từ các dòng tu, tông môn, sơn môn, hệ phái…

 

Chính vì thế không thể có người tự xưng tu sĩ Phật giáo mà chưa từng thọ nhận giới luật Phật giáo (chú tiểu giữ 5 giới, sa đi giữ 10 giới, tỳ kheo giữ 250 giới).

…………

 

Nói dài dòng như vậy để liên hệ một chút đến tịnh thất Bồng Lai.

 

Cần xác định rõ, những thành viên Tịnh thất Bồng Lai không phải tu sĩ đạo Phật dù tự nhận hay không xét trên căn bản việc thọ nhận và truyền trao giới luật.

 

Chính vì vậy Giáo hội Phật giáo chỉ cần xác nhận họ không thuộc tăng sĩ Giáo hội quản lý là được, không cần bàn việc vi phạm giới luật hay không vì họ có phát nguyện giữ giới đâu mà bàn chuyện họ phạm giới.

 

Cũng cần nói thêm, họ không phải tăng sĩ theo truyền thống giới luật Phật giáo, nhưng họ là những người thờ Phật, tu Phật (dù tu tại gia cũng là tu).

 

Tu Phật có nhiều đường lối, phương pháp, đặc biệt đặt trong bối cảnh vùng đất Nam Bộ khi có rất nhiều “đạo nội sinh” thờ Phật, tu Phật như Hoà Hảo, Tịnh độ Cư sĩ hay ít nhiều liên quan đến giáo lý Phật giáo như Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa

 

Đặc biệt một nhánh “tăng sĩ” mang hình tướng tăng sĩ nhưng tu theo phái Cổ Sơn môn, họ cũng lập chùa, cạo đầu, đắp y áo như tăng sĩ nhưng có vợ, có con, đôi khi cả gia đình cùng cạo đầu đi tu. Nếu không y cứ giới luật mà chỉ nhìn hình thức bên ngoài thì họ không khác gì các tăng sĩ Phật giáo hiện nay.

 

Từ những liên hệ trên cho thấy, ông Lê Tùng Vân và các thành viên trong gia đình không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, còn việc họ tự tu tại gia theo Phật với cách nào là quyền tự do của họ, miễn là họ không xúc phạm các tôn giáo khác. Thực tế, qua hình ảnh, ông Lê Tùng Vân có cạo đầu, từng mặc áo hậu vàng, nhưng chưa thấy ông đắp y sa di hay tỳ kheo bao giờ. Việc cạo đầu tự tu ở Nam Bộ rất phổ biến. Còn các vị khác mặc áo nâu ngắn hay dài cũng là các bộ đồ người tu sĩ Phật giáo, người Phật tử tại gia hay người bình thường thường mặc.

 

Nhà nước cũng chưa có một văn bản luật nào cấm người dân bình thường ăn mặc hay giả dạng tu sĩ các tôn giáo, vì thế giáo hội chỉ có thể nêu vấn đề chứ không có căn cứ xử lý trong các tình huống giả dạng cụ thể. Việc giả dạng tu sĩ đi khất thực xưa nay vốn là một vấn đề nan giải ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh tăng sĩ Phật giáo.

 

Những cáo trạng làm căn cứ khởi tố vụ Tịnh thất Bồng Lai ở khía cạnh “loạn luân” hay “lợi dụng tôn giáo trục lợi” thì phải xem chứng cớ sai phạm đến đâu, sự thật ra sao. Khi chưa bị toà tuyên án, cần tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Còn tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ…”, thì xin lỗi, một cụ già 90 và các đệ tử, con cháu trong gia đình họ so với một “bà doanh nhân” ra rả suốt ngày nào đó thì thật oan ức cho họ ở cái tội danh này.

…………..

 

Ở một góc nhìn cá nhân, thật sự đồng cảm và thấy đáng thương cho một gia đình mà đa số các thành viên có kỹ năng ca hát, gây được tiếng vang. Bản thân tôi cũng từng nghe các “thầy” đó hát, họ hát hay và truyền cảm…

 

Một gia đình vui vẻ như thế bỗng cái con tan tác, không khỏi xót xa. Rồi những đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào khi đối diện với những tội danh gắn lên gia đình họ.

 

Đời người ai không lầm lỗi, nhưng chỉ cần có tâm tu Phật, một cái cúi đầu trước Phật cũng đã kết một thiện duyên vô ngã, niết bàn.

 

Lại nhớ câu chuyện trong kinh Phật kể, một tên thợ săn vì muốn đoạt được bộ lông vàng qúy giá trên mình con hổ mà đắp y giả dạng thầy tu ngồi trong rừng. Khi thấy con hổ đi ngang, hắn lén lấy cung tên ra bắn. Con hổ bị trọng thương, tuy nhiên sức của nó còn rất mạnh, có khả năng vồ chết tên kia. Dù đã phân biệt được thầy tu giả nhưng nó kịp nhớ ra hàng ngày ngồi nghe các vị tăng thuyết pháp trong rừng sâu, giờ nó có thể vồ chết tên thợ săn nhưng nó không thể làm tổn thương hình bóng chiếc y mà tên kia đang khoác, vì đó là chiếc y giải thoát. Rồi người ta không rõ sẽ nói con hổ vồ chết thầy tu…

 

Con hổ còn tha mạng cho kẻ giả tu, thì người tu sĩ Phật giáo cũng không cần lên tiếng kết tội tùy tiện, dồn họ vào đường cùng. Chuyện họ vi phạm pháp luật đến đâu chờ xem bằng chứng xét xử trước toà có thỏa mãn dư luận hay không.

 

Đức Phật dạy:

 

Mọi người sợ hình phạt,

Mọi người sợ tử vong.

Lấy mình làm ví dụ,

Không giết, không bảo giết.

Nam mô A Di Đà Phật

 

P/s: Ảnh ông Lê Tùng Vân và các đệ tử trên Internet

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3045008732426416&set=a.1667484103512226

 

.

454 BÌNH LUẬN

.

============================================

.

.

VỀ "VỤ ÁN TỊNH THẤT BỒNG LAI": PHẢI CHĂNG BÁO CHÍ/TRUYỀN THÔNG/MẠNG XÃ HỘI ĐÃ BỊ "HỐ"?!?   

Luật Sư Đặng Bá Kỹ

7/1/2022   04:20  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=631364001538453&id=110804830261042

 

Nhấn mạnh và Lưu ý: Như tiêu đề nêu trên, trong Bài viết này, Tác giả chỉ phân tích và đánh giá cách mà báo chí, truyền thông, mạng xã hội đưa tin, thông tin về "Vụ án Tịnh thất Bồng Lai". Do đó, Tác giả chưa đưa ra phân tích, đánh giá về những nội dung có liên quan đến vụ án này, vì với những thông tin ít ỏi có được, chưa cho phép Tác giả làm được điều đó. Với nguyên tắc "Trung lập - Khách quan": Trực giác nghề nghiệp, khiến Tác giả cảm thấy cần phải thận trong khi viết về Vụ án này. Và với những gì đang diễn ra, cảm nhận của Tác giả là hoàn toàn có cơ sở.

 

1. Ngày 05/01/2022 (Tức khoảng 03 ngày trước), nhiều Trang báo (VTV, Tiền phong, Pháp luật Tp.HCM, Người lao động, Dân trí.....) đồng loạt đưa tin (Đại ý): Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an tỉnh Long An, đã khởi tố vụ án, để điều tra 03 tội danh liên quan đến "Tịnh thất bồng lai", gồm các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Chủ thể khác, và đặc biệt là loạn luân.

 

2. Kể từ thời điểm trên, nhiều Trang báo và Mạng xã hội, đã xoáy sâu vào cái gọi là "tội danh loạn luân" của ông Lê Tùng Vân, trong đó có mô tả rất chi tiết, cụ thể, thậm chí vẽ luôn cả sơ đồ huyết thống để mô phỏng cái gọi là loạn luân giữa ông Lê Tùng Vân và các Con cháu của mình.......

 

3. Tuy nhiên - Đến sáng hôm nay (Tức ngày 07/01/2022), lại cũng rất nhiều Trang báo (Tuổi trẻ, Thanh niên, VoV.....) đã đồng loạt đăng tin (Đại ý): Vào ngày 03/01/2022 Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự; Và vào ngày 05/01/2022 đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng về tội danh "Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân".

 

4. Như vậy - Từ những sự kiện pháp lý nêu trên cho thấy rằng:

 

- Thứ nhất, vào ngày 03/01/2022: Cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án là Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Công an huyện Đức Hòa (Cảnh sát điều tra cấp huyện) mà không phải là Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an tỉnh Long An (An ninh điều tra cấp tỉnh) như một số Trang báo đã đưa tin vào ngày 05/01/2022 (Sai 1).

 

- Thứ hai, vụ án hình sự được khởi tố cho đến giờ phút này chỉ là "Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân", mà chưa hề có tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và đặc biệt chưa có tội danh loạn luân, như một số Trang báo đã đưa tin vào ngày 05/01/2022 (Sai 2).

 

5. Lần theo các bài viết vào ngày 05/01/2022 của các Trang báo (Pháp luật Tp.HCM, Người lao động), được truy cập kể từ trưa nay (07/01/2022), cho thấy các Trang báo này đã sửa lại tiêu đề và nội dung bài viết (Đại ý): Trước đây, các Trang báo giật tít là "Vụ Tịnh thất bồng lai, khởi tố 03 tội danh, trong đó có tội loạn luân" - Thì từ trưa nay, đã được sửa thành "Vụ Tịnh thất bồng lai, khởi tố để điều tra một số tội danh" hoặc "Vụ Tịnh thất bồng lai, khởi tố để điều tra tội lừa đảo, lợi dụng quyền tự do dân chủ....", hay nói cách khác tội loạn luân đã bay màu khỏi các tiêu đề bài viết. Riêng bài trên báo Tiền phong thì vẫn chưa sửa.

 

6. Một số báo chữa cháy bằng cách dùng cụm từ "Khởi tố tội lợi dụng quyền tự do dân chủ.... và điều tra thêm một số tội danh khác". Nhưng việc chữa cháy bằng cách dùng từ như vậy là không chính xác, không đúng chuyên môn, vì rằng chỉ có thể điều tra vụ án sau khi khởi tố vụ án, chỉ có thể điều tra bị can khi đã khởi tố bị can. Không thể điều tra khi chưa khởi tố, trước khi khởi tố chỉ có thế gọi là xác minh dấu hiệu tội phạm, mà không gọi là điều tra.

 

Nói tóm lại - Bà con Chúng ta không biết là ông Lê Tùng Vân có phạm tội loạn luân hay không, nên Chúng ta chưa dám kết luận có hay không. Nếu Cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu, có nghi ngờ, có chứng cứ, tất nhiên sẽ tiến hành xem xét theo quy định của pháp luật - Và đó sẽ là một câu chuyện của tương lai. Nhưng Bà con ta chắc chắn một điều rằng, cho đến giờ phút này, Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa hề khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội danh loạn luận đối với ông Lê Tùng Vân. Cho nên, việc một số Trang báo vài ngày trước đưa tin rằng đã khởi tố tội danh loạn luân, là hoàn toàn không chính xác, có dấu hiệu của việc đưa thông tin sai sự thật. Trong khi đây là một vụ việc, mà mọi thông tin, đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các Bên liên quan, nhất là các Em nhỏ. Con người ta có quyền lựa chọn cho mình nhiều thứ, trừ việc được quyền lựa chọn nơi mình sinh ra và ai là Cha mẹ mình. Và dù trong mọi hoàn cảnh, các Em luôn vô tội, đáng thương. Chính vì vậy, việc đưa thông tin trong trường hợp này, cần hết sức thận trọng, chính xác, có chọn lọc, nhất là khi vụ việc, còn nhiều vấn đề cần được Cơ quan chức năng làm rõ........

 

Viết tại Sài Gòn, ngày 07/01/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

.

305 BÌNH LUẬN   




No comments: