Thursday, January 20, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/01/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/01/2022

The Economist

Đỗ Dặng Nhật Huy, biên dịch

20/01/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/01/20/the-gioi-hom-nay-20-01-2022/

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson đứng trước áp lực từ chức xoay quanh câu chuyện tiệc tùng vi phạm phong tỏa ở Phố Downing. Trong một phiên họp quốc hội nảy lửa, nghị sĩ cấp cao của Đảng Bảo thủ và cựu bộ trưởng David Davis đã yêu cầu ông Johnson từ chức ngay lập tức. Trong khi đó nghị sĩ Christian Wakeford bỏ sang phe Công Đảng. Ít nhất 20 nghị sĩ được cho là đã sẵn sàng yêu cầu chọn lại lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Chỉ cần 54 trên 360 nghị sĩ đồng ý là sẽ có bầu cử.

 

Lạm phát giá tiêu dùng tính theo năm ở Canada lên 4,8% trong tháng 12, cao nhất kể từ 1991. Hàng tạp hóa tăng mạnh vì gián đoạn chuỗi cung ứng và thời tiết xấu ở các vùng sản xuất nông nghiệp. Trước đó, Anh báo cáo lạm phát 5,4% trong tháng 12. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất vào tháng 12 và sẽ họp vào ngày 3 tháng 2 để cân nhắc tiếp tục tăng.

 

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đánh bại mọi dự đoán khi công bố doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021. Thu nhập ròng tăng 37% so với năm trước lên 15 tỷ USD sau một quý cuối năm phát đạt. Mảng quản lý tài sản của họ hoạt động tốt, giúp khách hàng tăng khoảng 1 nghìn tỷ đô la tài sản lên 4,9 nghìn tỷ đô la. Ngoài ra 420 hợp đồng tư vấn đầu tư cũng giúp đẩy lợi nhuận.

 

AT&TVerizon đồng ý hoãn kích hoạt dịch vụ không dây 5G gần một số sân bay sau khi các hãng hàng không cho rằng công nghệ này gây nhiễu sóng thiết bị máy bay. Hiện nay có vài hãng hàng không quốc tế đã đình chỉ một số chuyến bay đến Mỹ. Đây là lần thứ ba các công ty viễn thông phải hoãn kế hoạch ra mắt 5G.

 

Ingrid Betancourt, một cựu tù nhân của nhóm du kích cánh tả FARC, đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống Colombia vào tháng 5 tới. Vị cựu thượng nghị sĩ trung dung này bị bắt cóc hồi năm 2002 khi đang vận động tranh cử tổng thống và bị giam giữ trong rừng hơn sáu năm trước khi được quân đội giải cứu. Ngoài ra còn có hơn 20 ứng cử viên khác.

 

Mỹ cho biết ngoại trưởng Antony Blinken sẽ gặp ngoại trưởng Nga vào thứ Sáu để tìm cách xoa dịu căng thẳng Ukraine. Ông Blinken đã đến Ukraine hôm thứ Tư để bày tỏ ủng hộ nước này. Theo Nhà Trắng, ông sẽ “thúc giục Nga ngay lập tức giảm thang.” Đến nay đàm phán Nga và phương Tây vẫn không có tiến bộ nào.

 

Úc báo cáo kỷ lục 77 ca tử vong vì covid-19 hôm thứ Ba. Biến thể omicron đã khiến nước này bị thiếu hụt lao động, dẫn đến việc chính phủ phải đề nghị du khách tạm thời giúp đỡ. Brazil và Đức cũng ghi nhận số ca nhiễm covid-19 trong ngày cao nhất từ ​​trước đến nay vào thứ Ba. Trong khi đó chính phủ Nhật Bản cho biết có kế hoạch áp dụng các biện pháp hạn chế mới, còn WHO cảnh báo đại dịch “còn lâu mới kết thúc.”

 

Con số trong ngày: một, là số ca tử vong do covid-19 ở Trung Quốc trong 12 tháng qua.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Ấn Độ cảnh giác hơn trước omicron

Ký ức kinh hoàng về biến thể delta khiến người Ấn Độ rất lo sợ khi omicron xuất hiện. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy họ không cần phải quá lo lắng. Số ca bệnh tại các thành phố lớn nhất của Ấn Độ, bao gồm Delhi và Mumbai, đã giảm mạnh trong tuần này. Quan trọng hơn, số người nhập viện và tử vong đều không tăng đột biến.

 

Điều này phần lớn là do omicron gây triệu chứng nhẹ hơn. Ngoài ra còn vì Ấn Độ đẩy mạnh chương trình vắc-xin, với độ phủ hai liều lên đến gần 50% dân số. Các quan chức cũng phản ứng tốt hơn ở lần này. Delhi, nơi bị thiệt hại nặng nề trong làn sóng dịch trước, đã tăng số giường bệnh ngay khi ca nhiễm bắt đầu tăng, trong khi ủy ban bầu cử cấm mít tinh, một yếu tố vốn góp phần gây ra thảm họa năm ngoái.

 

Dù vậy, các chuyên gia nói vẫn phải cảnh giác. Họ dự đoán số ca sẽ tăng cao khi biến thể lan rộng đến các thành phố nhỏ hơn. Và một số người tin rằng số ca thấp chỉ là do bị thiếu xét nghiệm.

 

Lạm phát cao trên toàn EU

Các số liệu lạm phát chính thức của khu vực đồng euro công bố vào thứ Năm này sẽ xác nhận một thực tế rõ ràng: lạm phát bao trùm. Lạm phát toàn khối có thể lên tới 5% trong tháng 12, cao hơn ba điểm phần trăm so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Một số nhà kinh tế dự đoán nó sẽ vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm, dù có thể giảm xuống còn 4,1% trong quý đầu và 3,7% trong quý hai.

 

ECB đang chịu áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ một khi biến thể Omicron thuyên giảm. Họ đã cho biết sẽ chấm dứt mua ròng trái phiếu theo chương trình ứng phó đại dịch 1,85 nghìn tỷ euro (2,1 nghìn tỷ đô la) kể từ tháng 3. Các quan chức ECB khẳng định khó có khả năng tăng lãi suất trong năm nay. Nhưng một số chuyên gia đang nghi ngờ, với dự đoán ngân hàng rồi sẽ phải tăng lãi suất sớm nhất trong tháng 9. Dự báo của ECB cho thấy lạm phát sẽ không quay đầu về mức mục tiêu cho đến năm sau.

 

Lạm phát tiếp tục hoành hành ở Thổ Nhĩ Kỳ

Một khách mời trên một chương trình tin tức Thổ Nhĩ Kỳ gần đây khi nhìn vào chỉ số lạm phát ở một số nước phương Tây đã hỏi: “Tại sao bạn lại cộng chúng vào ở cột dưới này?” Con số mà ông đề cập đến khi ấy, 36,1%, chính là lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Các gói kích thích đại dịch và gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá cả tăng vọt trên toàn thế giới. Song ở Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên nhân lại là các lý thuyết kinh tế kỳ cục của tổng thống Erdogan. Từ tháng 9 năm ngoái, Recep Tayyip Erdogan đã ra lệnh cho ngân hàng trung ương giảm lãi suất từ 19% xuống 14%, với niềm tin điều này giúp kiềm chế lạm phát. Hậu quả, như đã thấy, là lạm phát cao nhất kể từ 2002. Ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng, sẽ nhóm họp vào thứ Năm, đáng lẽ đã phải ngăn cản thử nghiệm điên rồ của ông Erdogan từ mấy tháng trước. Tuy nhiên các nhà phân tích dự đoán ủy ban sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay. Do đó lạm phát có thể sớm lên tới 50%.





No comments: