Saturday, January 15, 2022

THẾ GIỚI BUÔNG XUÔI TRƯỚC NGÓN ĐÒN 'ĐÔ HỘ BẰNG KINH TẾ' CỦA TRUNG QUỐC (Vann Phan / Người Việt)

 



Thế giới buông xuôi trước ngón đòn ‘đô hộ bằng kinh tế’ của Trung Quốc

Vann Phan/Người Việt

January 15, 2022

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/the-gioi-buong-xuoi-truoc-ngon-don-do-ho-bang-kinh-te-cua-trung-quoc/

 

SANTA ANA, California (NV) – Sau khi Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945) kết thúc và nhất là sau khi tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập hồi Tháng Mười, 1945, các chế độ thực dân và đế quốc đã khởi sự tàn lụi vì các đại cường như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Hoa Kỳ… lần lượt trả lại độc lập cho các thuộc địa của họ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/CCB-Trung-Quoc-do-ho-kinh-te-1-1068x724.jpg

Giày dép “made in China” tràn ngập một cửa hàng bán lẻ tại Los Angeles, California. (Hình: Mark Ralston/AFP via Getty Images)

 

Thế giới thở phào nhẹ nhõm khi nhiều quốc gia nhược tiểu thoát cảnh bị lệ thuộc về chính trị, kinh tế và quân sự vào các nước lớn, dẫn tới sự xuất hiện của nhiều quốc gia độc lập tại Á Châu và Phi Châu trong bối cảnh cuộc Chiến Tranh Lạnh giũa hai phe Tư Bản và Cộng Sản tiếp diễn mãi cho đến năm 1991 mới kết thúc.

 

Nhưng sự trỗi dậy khá bất ngờ của Cộng Sản Trung Hoa về cả hai mặt mặt kinh tế và quân sự, với viễn tượng một đế quốc mới, chẳng hề tôn trọng nhân quyền và không mấy khi coi trọng luật pháp quốc tế, sắp sửa làm bá chủ hoàn cầu là mối hiểm nguy trước mắt của một thế giới chỉ biết cúi gầm mặt xuống hưởng thụ những khoái lạc vật chất, thông qua hai miếng mồi béo bở là quyền lực và tiền bạc, mà chẳng hề đề cao cảnh giác.

 

Cộng Sản Trung Quốc, ngày nay, sẽ không tìm cách đô hộ thế giới bằng chính trị hay vũ lực như các đế quốc xưa cũ của hai thế kỷ 19 và 20 nữa mà họ sẽ dùng kinh tế để đô hộ thế giới, tức là “đô hộ bằng kinh tế.”

 

Các lãnh tụ Cộng Sản tại Trung Nam Hải thừa biết rằng chủ nghĩa vật chất đã làm cho cả Hoa Kỳ, Âu Châu, Á Châu-Thái Bình Dương, và Phi Châu dễ dàng bị người Trung Quốc “thôi miên” đến độ ngày càng tùy thuộc nặng nề về mặt kinh tế vào Trung Quốc.

 

Nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, con virus với khả năng thiên hóa, vạn biến, đang tàn phá các nền kinh tế lớn của thế giới, kể cả Hoa Kỳ, trong khi nền kinh tế của Trung Quốc, “công xưởng của thế giới” (“the world’s factory”), vẫn tiến triển gần như bình thường trong năm 2021, bởi vì họ hầu như là nơi duy nhất còn có hàng hoá bán ra cho thế giới tiêu xài.

 

Các bước giúp Trung Quốc thực hiện giấc mộng đô hộ thế giới bằng kinh tế

 

-Bước 1 là sản xuất hàng hóa rẻ mạt cho thế giới tiêu dùng. Hầu như trên thế giới ngày nay chỉ một mình Trung Quốc có được khả năng sản xuất hàng hóa với giá rẻ nhất cho người tiêu thụ khắp nơi xài.

 

Một là vì hàng hóa của họ vẫn được hưởng mức thuế suất thấp mặc dù hơn hai thập niên đã trôi qua sau khi họ được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) với quy chế một nước đang mở mang thay vì một quốc gia đã phát triển.

 

Hai là họ tha hồ sử dụng nhân công là các phạm nhân từ Tân Cương hoặc những người tù chính trị, trong đó có các tín đồ Pháp Luân Công bị coi là kẻ thù của chế độ, mà khỏi phải trả tiền công hoặc chỉ trả bằng đồng lương rẻ mạt.

 

Một lý do nữa là rất nhiều hãng, xưởng tại Mỹ và Âu Châu đã đua nhau dời sang Hoa Lục để đa dạng hóa các mặt hàng mà Trung Quốc sản xuất, dẫn tới tình trạng các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc gần như tràn ngập các cửa hàng tại những quốc gia Tây phương, chưa kể hàng Trung Quốc còn được gã khổng lồ Amazon của Mỹ rao bán giùm khắp nơi.

 

-Bước 2 chính là hậu quả của bước 1. Riết rồi các hãng, xưởng tại Mỹ đâm lười không chịu sản xuất hoàng tiêu dùng rẻ tiền nữa mà chỉ chuyên sản xuất những mặt hàng cao cấp và đắt tiền, cỡ xe hơi, máy bay hoặc vũ khí để xuất cảng.

 

Trong khi đó, công nhân ở Âu Châu thì chây lười, không chấp nhận làm việc 40 giờ một tuần như bên Mỹ, và họ cũng để cho các nhà máy ở Trung Quốc bao thầu sản xuất hàng tiêu dùng y như Mỹ đang làm, rồi lại còn lấy làm hãnh diện với kỹ nghệ du lịch mở rộng khắp nơi, chuyên bán quá khứ vàng son của các đế quốc Âu Châu xưa cũ để hốt bạc của các du khách mới phất lên từ Hoa Lục sang chơi. Và Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành “công xưởng của thế giới” hồi nào không ai hay.

 

-Bước 3 là cho các nước nào thiếu tiền vay nợ để tiêu xài. Nhờ buôn may, bán đắt khi hàng hiệu của Trung Quốc có mặt khắp hang cùng, ngõ hẻm của thế giới, các nhà tư bản đỏ của Trung Quốc lại mang bị bạc kè kè đi cho vay khắp thế giới.

 

Theo các số liệu được công bố vào ngày 29 Tháng Chín, 2021, của trung tâm nghiên cứu AidData thuộc Đại Học William & Mary ở Virginia, Trung Quốc đã cho khoảng 165 quốc gia trên thế giới vay một tổng số tiền là $843 tỷ, trong đó phải kể tới các nước Sri Lanka, Djibouti, Kyrgyzstan, Laos, the Maldives, Mongolia, Montenegro, Pakistan, và Tajikistan. Cả Hoa Kỳ cũng đang mắc nợ Trung Quốc nữa, với tổng số tiền nợ lên tới $1,100 tỷ, theo số liệu do Investopedia công bố hồi đầu năm 2020.

 

-Bước 4 là Trung Quốc cố tình giăng “bẫy nợ” ra cho các nước sụp chơi. Ngày nay, thế giới chẳng còn lạ gì với sự thể Trung Quốc đang là chủ nợ của rất nhiều quốc gia Phi Châu, nơi các nước tại Lục Địa Đen đang nóng lòng cải tiến các công trình hạ tầng cơ sở đã xuống cấp và canh tân nền kinh tế lỗi thời của mình cho kịp với tiêu chuẩn của một thế giới ngày càng mê mệt với chủ nghĩa vật chất xa hoa.

 

Dĩ nhiên, một số nước khác tại Á Châu, và cả vùng Northern Territory của nước Úc nữa, cũng đang cần đồng tiền của Trung Quốc, bằng cách vay nợ hoặc cho Trung Quốc thuê đất đai hoặc hải cảng để lấy tiền xài.

 

Vì thiếu nợ Trung Quốc, các chính phủ tại Pakistan, Sri Lanka và Djibouti đã phải nhường các hải cảng Gwadar, Hambantota, và Djibouti cho tư bản Trung Quốc khai thác tới 99 năm, trong khi đó chính quyền Northern Territory ở Úc thì hiện đang thương thuyết về kế hoạch cho Trung Quốc thuê hải cảng Darwin, cũng với hợp đồng kéo dài tới 99 năm.

 

Chiêu thức quen thuộc của Trung Quốc tại những quốc gia này vẫn là dùng tiền mua chuộc các nhà lãnh đạo địa phương, ngoài chuyện dùng “mỹ nhân kế” để đạt những mục tiêu khó với tới nhất.

 

Thay lời kết

 

Phải biết rằng dân tộc Trung Hoa là một trong những nhà tiên phong trong nghệ thuật dùng tiền bạc và của cải vật chất để mua chuộc và rồi sai khiến các đối tượng có chức, có quyền làm những gì họ muốn.

 

Trong ngôn ngữ của người Hán, cụm từ “tham quan, ô lại,” tức là quan lại tham ô, chỉ những kẻ có quyền thế sẵn sàng nhận hối lộ của dân để rồi, vô hình trung, thi hành đúng những đòi hỏi nào mà người dân thấp cổ, bé miệng muốn giới quan lại phải làm cho họ. Nói cách khác, người dân đưa hối lộ sai khiến được ngay cả giới quan lại đang cai trị họ nhờ đồng tiền bỏ ra.

 

Ngày nay, ngón đòn “đô hộ bằng kinh tế” của Cộng Sản Trung Quốc đối với thế giới rõ ràng là bắt nguồn từ tập quán hối lộ của người Hán ngày xưa.

 

Những sự kiện nêu ra ở các phần trên có thể dẫn đến những suy luận sau đây:


-Thứ nhất, ngoại trừ tại Biển Đông và Đài Loan, Trung Quốc, với chiêu thức “đô hộ bằng kinh tế,” sẽ không cần đến binh lực để chiếm đoạt lãnh thổ của nước nào cả – vì làm như thế là mang tiếng ác – mà vẫn ung dung làm chủ hoặc sử dụng được vùng đất nào, hải cảng nào và phi trường nào ở các nước khác mà họ muốn, ít nhất thì cũng trong khoảng thời gian 99 năm dài, tức suýt soát một thế kỷ. Các hợp đồng béo bở đó được hình thành phần lớn là do các đối tác của Trung Quốc đã lỡ vay tiền của Bắc Kinh với phân lời cao, khiến họ không đủ sức trả nợ.

 

-Thứ nhì, Trung Quốc vẫn không ngần ngại dùng tới võ lực đối với các nước nhỏ yêu hơn mình, cỡ Việt Nam hoặc Đài Loan hoặc ngay cả Indonesia, bởi vì cả ba đối tượng nói trên không ai có hiệp ước an ninh hỗ tương với một cường quốc nào đó để bảo vệ mình trong cơn nguy biến. Trong khi Đài Loan có nền kinh tế độc lập và vững mạnh, Việt Nam đang là nước bị Trung Quốc đô hộ bằng kinh tế nếu xét đến sự thể các hoạt động sản xuất và xuất, nhập cảng của “con rồng nhỏ” này tùy thuộc hết sức nặng nề vào sự hỗ trợ cả về vốn liếng lẫn thị trường tiêu thụ từ “con rồng lớn” kia.

 

Sự kiện các chuyến hàng trái cây của Việt Nam bị nhà cầm quyền Trung Quốc chận ngay tại biên giới chứ không được đưa vào Hoa Lục từ mấy ngày qua, để rồi bị hư thối dần, và tình trạng một số thương lái Trung Quốc cứ đặt hàng với các nhà sản xuất tại Việt Nam rồi đổi ý, không chịu mua nữa, khiến cho các nhà buôn Việt Nam phải bị cụt vốn, nói lên sự thế Trung Quốc đã và đang đô hộ Việt Nam bằng kinh tế khá nặng nề.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/CCB-Trung-Quoc-do-ho-kinh-te-2-1068x712.jpg

Hải cảng Hambantota của Sri Lanka đã thuộc về Trung Quốc kể từ năm 2013 để cấn nợ. (Hình: Paula Bronstein/Getty Images)

 

-Thứ ba, cho dù, một ngày kia, võ khí của Trung Quốc có tối tân bằng hoặc nhỉnh hơn Hoa Kỳ đi nữa, Bắc Kinh cũng không bao giờ muốn dùng võ lực để gây chiến với Washington (hay với các nước Liên Hiệp Âu Châu) chỉ vì các cường quốc nguyên tử trên trái đất này không ai lại dại dột mà đánh nhau cả để rồi đôi bên cùng “ôm đầu máu,” cho dù ai có thắng ai đi nữa.

 

Nhưng Trung Quốc rõ ràng là đang có lợi thế về mặt kinh tế so với Hoa Kỳ, bởi vì hầu như các nhà tài phiệt và các đại công ty Mỹ xưa nay vẫn cứ thích buôn bán, làm ăn với Trung Quốc, hoặc đưa hãng, xưởng của mình vào Hoa Lục để sản xuất đặng lợi dụng giá nhân công rẻ hơn bên Mỹ mà kiếm lời cho nhiều.

 

Vả lại, dường như các tỉ phú và các nhà đại tư bản Mỹ, vì quá say mê làm giàu, đã không hề quan tâm đến mối hiểm họa từ ngón đòn “đô hộ bằng kinh tế” của Trung Quốc, và họ cũng không nhất thiết cần có một quê hương như nước Mỹ để cảm thấy hạnh phúc khi họ lúc nào cũng thừa tiền, dư bạc để mua một hòn đảo, một tiểu quốc đâu đó bên ngoài Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ mà sống cuộc đời xa hoa, hoặc ngay cả di cư lên Sao Hỏa để hưởng thụ sự giàu sang trong cái thế giới dường như chỉ thuần vật chất ngày nay. (Vann Phan) [qd]







 

No comments: