Saturday, January 15, 2022

TẬP CẬN BÌNH PHẢI HỌC LÀM CHIP (Ngô Nhân Dụng)

 



Tập Cận Bình phải học làm chíp

Ngô Nhân Dụng

13/01/2022

https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-phai-hoc-lam-chip-chat-ban-dan/6395205.html

 

https://gdb.voanews.com/CA13DC48-1FDD-4748-A23F-F85588C81CBB_w650_r1_s.jpg

Công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing) sản xuất một nửa số chíp loại tân tiến nhất cho cả thế giới.

 

Thế kỷ trước, kinh tế muốn chạy được cần phải có dầu lửa; bây giờ thì ai cũng cần chất bán dẫn. Hiện Trung Quốc chỉ sản xuất được 17% chất bán dẫn cần dùng trong nước (semiconductors bên Trung Quốc gọi là ‘bán đạo ,’ chữ đạo nghĩa giống như dẫn). Kế hoạch 5 năm mới (2021-2025), nhấn mạnh, “Tự túc về kỹ thuật là điểm tựa chiến lược để phát triển quốc gia.”

 

Vì vậy ông Tập Cận Bình thúc đẩy việc chế tạo các chất bán dẫn tân tiến nhất. Năm 2014, Bắc Kinh đổ ra $22 tỷ đô la đầu tư cho các công ty làm chíp, năm 2019, lập thêm một quỹ $30 tỷ, các tỉnh và thành phố đều bỏ thêm tiền vào, theo Yoko Kubota trên nhật báo The Wall Street Journal ngày 10 tháng 1, 2022.

 

Với những ngân sách lớn như thế, trong 7 năm qua hàng chục ngàn công ty đã đăng ký chế tạo chất bán dẫn hoặc các công nghiệp liên hệ. Nhưng kết quả không đúng như Tập Cận Bình trông đợi. Trong ba năm vừa rồi, đã có 6 công ty lớn, sau khi được trợ giúp $2.3 tỷ mỹ kim, bắt đầu hoạt động rồi đóng cửa sớm, mà không làm ra một con chíp nào cả. Kubota tìm hiểu hai công ty quan trọng ở Vũ Hán (Wuhan, ) và Tế Nam (Jinan, 济南).

 

Công ty ở Vũ Hán mang tên là Hoằng Tâm (Hongxin, 弘芯, viết tắt HSMC) đã chính thức giải tán vào tháng Sáu vừa qua. Công ty ở Tế Nam là Tuyền Tâm (Quanxin, 泉芯, viết tắt QXIC), đã ngưng hoạt động chờ thanh toán.

 

Một người đã giúp cả hai công ty trên ngay từ đầu, có lúc đã đóng vai chỉ huy. Nhân vật này, Cao San (Cao Shan) kinh doanh trong ngành chất bán dẫn từ năm 2005, đã qua Đài Loan tuyển mộ các chuyên viên cho cả hai. Cao San là một tên giả, để đánh lừa chính phủ Đài Loan, họ vẫn theo dõi những hoạt động của Trung Cộng mua chuộc nhân tài kỹ thuật. Tân Trúc, bên cạnh Đài Bắc hiện là thủ đô chất bán dẫn của thế giới.

 

Công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing) sản xuất một nửa số chíp loại tân tiến nhất cho cả thế giới; số còn lại do Samsung (Nam Hàn) và các công ty Mỹ, Israel cung cấp. Các công ty Mỹ như Nvidia và Advanced Micro Devices cũng mua chíp của TSMC.

 

Cao San lôi kéo được nhiều người đã làm việc cho TSMC nhờ hứa hẹn lương bổng cao gấp bội. Có người được mời đứng đầu công ty Hoằng Tâm (Hongxin) ở Vũ Hán. Hàng chục kỹ sư đầy kinh nghiệm của TSMC qua đầu quân cho Tuyền Tâm (Quanxin) ở Tế Nam; giúp các kỹ sư trong lục địa có dịp học hỏi thêm.

 

Nhưng từ năm ngoái, thành phố Vũ Hán đã cho Hoằng Tâm ngưng hoạt động, nêu lý do vì thiếu tiền. Hai cơ quan lãnh đạo ở trung ương là Bộ Công nghiệp Tin học và Ủy ban Phát triển và Đổi mới không cấp thêm vốn. Thành phố Tế Nam đứng ra quản lý công ty Tuyền Tâm sau khi nhiều dự án chế tạo chất bán dẫn khác thất bại. Họ sa thải nhân viên, rồi ngưng hoạt động.

 

Tại sao những công ty được cấp vốn hàng tỷ, hàng trăm triệu mỹ kim, đã tuyển mộ được các chuyên gia quản lý và kỹ sư có kinh nghiệm từ Đài Loan về dùng mà phải đóng cửa?

 

Theo lời cựu nhân viên của công ty ở Tế Nam giải thích, thì các kỹ sư biết cách làm chất bán dẫn nhưng công ty không biết cách kết hợp những hiểu biết kỹ thuật của họ. Nhưng “không biết kết hợp” là thế nào?

 

Đó không phải chỉ là vấn đề quản lý.

 

Các công ty chất bán dẫn do các bộ, sở ở Bắc Kinh và các cán bộ thành ủy, tỉnh ủy tạo nên. Họ bổ nhiệm các hội đồng quản trị, ban giám đốc. Ở các nước tư bản, hội đồng quản trị và lãnh đạo các công ty chịu trách nhiệm với cổ đông, nhiệm vụ duy nhất là làm sao cho có lời. Các công ty quốc doanh không giản dị như vậy. Ban giám đốc có thể do các cơ quan chủ quản đề cử, và mỗi người phải lo làm đúng ý của giới lãnh đạo cơ quan mình. Việc bổ nhiệm cấp điều hành cũng như những người chỉ huy về kỹ thuật ngay từ đầu có thể đã thiên lệch, căn cứ vào quan hệ chính trị hơn là khả năng hoặc thành tích.

 

Chất bán dẫn là một sản phẩm mới, các công ty thành công như Intel ở Mỹ, TSMC ở Đài Loan hay Samsung ở Nam Hàn đều trải qua những quá trình thử thách khó khăn. Những công ty lâu đời như AT&T, General Motors đã thử bước vào ngành chất bán dẫn rồi thất bại. Các nước Pháp, Nga, Italy đều đã khuyến khích làm chất bán dẫn nhưng vẫn chưa thành. Năm 2014 Trung Cộng đã đưa ra Chương trình Toàn quốc “National Integrated Circuit Plan” với ngân sách $150 tỷ đô la, nhưng chưa tới đâu. Trung Cộng có thể mua những người đã làm việc cho TSMC ở Đài Loan, nhưng họ cũng chỉ có kinh nghiệm về công việc trong một bộ phận của công ty chứ không biết tất cả.

 

Tiền nhiều quá, tung ra nhanh quá cũng là một vấn đề; vì rất nhiều người muốn nhảy vô để chia phần hưởng. Trong số hàng ngàn công ty làm chất bán dẫn ra đời từ năm 2014, Kubota cho biết, có những công ty xưa nay chỉ sản xuất xi măng hay mở tiệm ăn (dựa trên dữ kiện của Thiên Nhãn Tra (Tianyancha, 天眼), là nơi ghi danh tất cả các xí nghiệp trong nước). Những người này không những thiếu hiểu biết, kinh nghiệm, mà còn một nhược điểm lớn: Nếu công việc thất bại, họ không lo mất vốn của mình.

 

Cán bộ kinh tế, trong các cơ quan chủ quản, các thành phố cũng mang tâm lý “tiêu tiền chùa” này. Không thể phát động một cuộc cách mạng kỹ thuật trong mô hình doanh nghiệp nhà nước.

 

Một lý do quan trọng là quy trình làm ra chất bán dẫn rất phức tạp; không phải cứ đổ vào hàng tỷ mỹ kim là có kết quả.

 

Sản xuất chất bán dẫn tân tiến không giống như chế tạo xe hơi hoặc đầu máy xe lửa; chỉ cần làm đúng những gì mà các công ty Âu, Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn đã làm trong hàng trăm năm qua. Vì làm chất bán dẫn cần những máy móc cũng tân tiến nhất với các chuyên viên biết sử dụng các thiết bị đó. Cần những nhà máy đặc biệt, trong nghề gọi là “fabs” làm ra những chíp nhỏ dưới 10 nano-mét (một phần triệu của một mét); như các chíp từ 5 đến 7 nano-mét có thể ráp trong những điện thoại, máy vi tính, hoặc dụng cụ viễn thông thế hệ 5G.

 

Chính phủ Mỹ không cho phép TSMC bán các loại chip nhỏ nhất này, công ty Huawei không làm được hàng để bán. Trong năm 2020, Trung Quốc sản xuất nhiều chíp nhất thế giới, nhưng thuộc loại rẻ tiền; vẫn phải nhập cảng $380 tỷ chíp tối tân từ Đài Loan, bằng 18% trị giá số cần dùng, theo tin Bloomberg.

 

Làm những con chip nhỏ, cần kỹ thuật mới. Muốn sản xuất loại 10 nano-mét trở xuống thì cần phương pháp “chụp in” (photolithography) dùng “tia tử ngoại cực nhỏ” (extreme ultraviolet light) hay EUV. Công ty Hòa Lan, ASML, hiện độc quyền chế tạo loại máy dùng EUV. Nhưng ASML phải mua quyền sử dụng các bằng sáng chế từ các nước khác, nhất là các khám phá khoa học ở Mỹ. Vì thế khi TSMC (Đài Loan) dùng máy của ASML (Hòa Lan) với kỹ thuật EUV để làm ra những chíp nhỏ dưới 10 nano-mét, chính phủ Mỹ, lấy lý do an ninh quốc gia, có thể cấm bán các con chíp này cho Trung Cộng. Trong năm 2020, Trung Quốc cũng mua các máy móc dụng cụ để sản xuất các thứ chíp mới từ Nhật, Nam Hàn và Đài Loan, trị giá $32 tỷ; nhưng không thuộc loại dùng EUV mới nhất. Các nhà khoa học Trung Quốc có thể sẽ tìm ra cách tạo được kỹ thuật photolithography sử dụng EUV, chưa biết bao giờ mới thành công.

 

Nếu Trung Cộng đánh chiếm Đài Loan, làm chủ công ty TSMC luôn, thì có thể giải quyết được vấn đề này hay không?

 

Năm nhà máy (fabs) của TSMC đều nằm trong khu Tân Trúc, được phi đạn chống hỏa tiễn Patriots bảo vệ. Chỉ cần mấy trái bom thì các cơ sở đó cũng tiêu tan. Ví thử gián điệp Trung Cộng đánh cắp được các kỹ thuật và bắt cóc được các kỹ sư, công nhân Đài Loan đem về Trung Quốc, thì họ có thể dựng lên được các nhà máy trong nước giống như TSMC hay không?

 

Chắc cũng thất bại. Một cơ xưởng làm chíp khác với một nhà máy làm xe hơi hay máy bay. Vì mỗi cơ sở sản xuất chíp đều nằm trong một mạng lưới, gồm các dây chuyền tiếp liệu trải khắp hoàn cầu. Đứt một đường dây là đứt hết. Đặc biệt, có những đường dây vô hình. Nó nằm trong đầu óc mọi người, do quan hệ với nhau bên trong và bên ngoài hệ thống. Các công thức chế tạo có thể đánh cắp được, cái đầu những người áp dụng các công thức đó thì không. Những bộ óc quen làm việc trong tự do khi bị dùng trong bầu không khí khác thì tự nó cũng thui chột!

 

Kinh nghiệm các công ty Hoằng Tâm (Hongxin) ở Vũ Hán và Tuyền Tâm (Quanxin) ở Tế Nam có thể cho giới lãnh đạo Bắc Kinh thấy rằng cứ đặt mua các con chíp từ Đài Loan còn đỡ tốn kém hơn. Chỉ có điều, muốn mua các con chíp nhỏ dưới 10 nano-mét thì phải chịu theo các điều kiện của Mỹ, làm mất mặt cả đảng Cộng sản.

 

Có lẽ ông Vương Tiểu Đông (Wang Xiaodong, 王小) có lý. Trong một bài trước chúng tôi đã kể, ông Vương Tiểu Đông khuyến cáo Cộng sản Trung Quốc không nên tự cô lập, vì sẽ không thể nào đuổi kịp Mỹ về kinh tế và kỹ thuật. Ông nói thẳng rằng dù bị mất mặt Trung Quốc cũng phải tránh đừng để bị cô lập.

 

=======================

 

LIÊN QUAN

Đối phó lâu dài với Tập Cận Bình

Tập Cận Bình muốn kiểm soát cũng không được

Người Trung Quốc mang mặc cảm tự ti?

Bài học Lithuania với Trung Cộng

 




No comments: