Thursday, January 13, 2022

PHONG BÌ TRONG ĐÁM CƯỚI (Marko Nikolic, Nhà văn)

 



Phong bì trong đám cưới    

Marko Nikolic, Nhà văn

Thứ bảy, 8/1/2022, 12:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/phong-bi-trong-dam-cuoi-4413728.html

 

Ngày đó cuối cùng cũng đã đến, đem lại cho tôi nhiều niềm vui lẫn cảm nhận trái chiều.

Vợ chồng tôi tranh thủ lúc dịch lắng xuống để tổ chức hai tiệc cưới. Đám cưới đầu tiên diễn ra ở quê của vợ, vùng núi của tỉnh Nghệ An.

 

Ngôi làng nằm tại vùng sâu, vùng xa nên việc tổ chức tiệc cưới rất vất vả. Cả dân làng chung tay nấu đồ ăn cho 500 thực khách và sắp đặt bàn ghế, mắc rạp. Nhiều người đã phải thức cả đêm. Bản thân tôi rất may mắn vì không phải lo mọi việc. Đám cưới kéo dài hai ngày với đầy đủ các khâu, lễ theo truyền thống của dân tộc Thái. Cả làng đối xử rất thân thiện và hiếu khách với tôi và các bạn tôi đến từ Hà Nội.

 

Bữa tiệc chính khởi đầu lúc 10 giờ sáng. Trời nóng bức, tôi mặc bộ vest, vừa vã mồ hôi vừa đi chào lần lượt 90 mâm cỗ, mất một tiếng rưỡi để chúc rượu tất cả thực khách. Một số người mặc trang phục dân tộc đẹp bắt đầu nhảy múa và bữa tiệc vui nhộn kéo dài đến ba giờ chiều.

 

Khi tất cả kết thúc, mọi người đều cảm thấy rất hài lòng vì đám cưới đầy cảm xúc, ấm cúng. Bên cạnh đó, gia đình của vợ cũng thở phào nhẹ nhõm vì vừa trút khỏi một gánh nặng sau nhiều ngày mệt mỏi.

 

Chúng ta đều biết rằng đám cưới tốn rất nhiều công sức và gây nhiều áp lực. Chính vì gánh nặng này mà một số người chẳng mặn mà với đám cưới. Trong nhiều dịp dự đám cưới, tôi thấy khuôn mặt của cô dâu chú rể không còn rạng rỡ, họ cười ngượng và đói bụng vì chưa kịp ăn gì, thậm chí có người sụt cân vì nhiều ngày lo cho đám cưới.

 

Là ngày trọng đại ''cả đời chỉ có một lần thôi" nên người ta có thể kỳ vọng cực kỳ cao. Vì những lý do khác nhau, có khi sợ bị coi là keo kiệt hay vì muốn phô trương nên nhiều gia đình cố gắng hết mình để tổ chức một đám cưới thật hoàn hảo, thật hoành tráng. Họ mời mấy trăm khách, cả cơ quan, họ hàng, hàng xóm và những người không hề thân thiết. Nhưng chưa chắc người nào cũng thấy hứng thú trong lòng khi nhận được thiệp mời. Bởi công bằng mà nói, đối với một số người, cái thiệp mời chẳng khác gì một gánh nặng về tài chính khi mỗi tháng họ bị mời dự tới mấy đám.

 

Đám cưới phải thân tình vui vẻ, phải tràn đầy tình cảm và xúc động, tuy nhiên theo những gì tôi từng trải nghiệm, phần lớn đám cưới đều kết thúc rất nhanh và không thực sự đáng nhớ cho lắm. Thực khách đến, nhét phong bì vào hộp quà cưới, chụp một vài ảnh check-in trước phông cưới rồi ngồi xuống và ăn. Một tiếng sau mọi người đi về.

 

Không chỉ vậy, như luật bất thành văn, người được mời thường gửi quà là phong bì cho cô dâu chú rể ngay cả khi không dự bữa tiệc. Bản thân tôi thấy băn khoăn với thông lệ này. Người ta có thể gửi quà để thể hiện tình cảm hay tiếc nuối vì không thể dự đám cưới, nhưng nó sẽ đáng nhớ hơn nếu là một món quà ý nghĩa với cô dâu chú rể.

 

Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta quá chú tâm đến tiền bạc vật chất có thể làm hao mòn ý nghĩa tốt đẹp, thiêng liêng của lễ cưới. Ta đi đám cưới để chúc mừng sự kết hợp của cô dâu chú rể chứ không phải để mang tâm lý "trả nợ".

 

Chúng tôi đã tổ chức bữa tiệc thân mật dành cho tầm 70 bạn bè ở Hà Nội tại khu vườn của một nhà hàng. Chúng tôi dẹp hầu hết bàn ghế để bạn bè có thể giao lưu dễ dàng. Tôi cũng chuẩn bị một ice breaker - hoạt động làm quen. Mọi thực khách nhận được một dây đeo thẻ có màu và khi tham gia trò chơi, họ phải tìm và làm quen với một vài người lạ cùng màu. Tôi đã chia mọi người thành các màu sắc khác nhau dựa trên ngôn ngữ, tuổi tác và sở thích của họ. Tôi rất vui mừng khi thấy bạn bè trò chuyện và làm quen với nhau, nhảy tưng bừng và trông hớn hở.

 

Một số người tặng quà nhỏ, một số người tặng quà to, có người không đưa phong bì mà mang món quà như chai rượu vang, bức tranh, có người không tặng gì. Nhưng tất cả đều rất vui. Điều chính yếu là họ đã đến, đã có mặt tại đó bất chấp trời mưa bão. Tôi đã quyết định tổ chức tiệc cưới ở Hà Nội sau tiệc cưới ở Nghệ An để gặp lại những người tôi yêu quý. Và tôi thật vui khi được họ sum họp, cười và san sẻ niềm vui với vợ chồng tôi.

 

Lễ cưới là một nét đẹp văn hóa truyền thống, thế nhưng tôi không chắc rằng ông bà tổ tiên của ta đã tổ chức đám cưới tại những nhà hàng sang trọng, ăn nhiều món buffet, thuê nghệ sĩ trang điểm hay đi Bà Nà Hills để chụp ảnh cưới. Xã hội ta liên tục thay đổi và phát triển, và lễ cưới cũng thế, hoàn toàn có thể văn minh hơn.

 

Hà Nội cuối năm và hết giãn cách, mọi người đang tranh thủ tổ chức thêm đám cưới. Nhưng liệu cơm gắp mắm, không có công thức nào cả. Nếu kinh tế không dư giả thì bỏ qua tôm hùm trong thực đơn hay trang trí hoa đắt tiền cũng chẳng sao.

Đám cưới biểu tượng cho hôn nhân hạnh phúc nên nó phải tràn đầy cảm xúc chân thật. Dù lớn hay bé, hoành tráng hay khiêm tốn, bữa tiệc cưới chưa đảm bảo cho một sự gắn bó suốt đời của hai vợ chồng, nó chỉ là điểm khởi đầu của cuộc hôn nhân.

 

Tôi chỉ có một điều ước là, khi tổ chức đám cưới, các phụ huynh sẽ lưu ý đến nguyện vọng và sở thích cá nhân của cô dâu chú rể vì chính họ là trọng tâm của sự kiện. Còn phong bì, không có cũng chẳng nên buồn.

 

Marko Nikolic

(Nguyên tác tiếng Việt)





No comments: