NỘI
DUNG :
Phan
Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký - hai đại trí thức Nam Kỳ cùng chung số phận
Winston Phan Đào Nguyên
Sách
mới: Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’
Winston Phan Đào Nguyên
Ban
Tuyên giáo, cụ Phan, cụ Trương, tên đường và nỗi đau
=====================================================
.
Phan
Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký - hai đại trí thức Nam Kỳ cùng chung số phận
Winston
Phan Đào Nguyên
22/01/2022
https://www.voatiengviet.com/a/phan-thanh-gian-truong-vinh-ky-tuyen-giao-trung-uong/6407031.html
Phan Thanh Giản và Petrus Trương Vĩnh Ký, hai nhà đại
trí thức của xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh, tuy có xuất thân rất khác nhau, nhưng lại có rất
nhiều điểm giống nhau.
Điểm giống nhau gần đây nhất là trong bản Công
Văn số 2274 của Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, với chỉ thị
cho các địa phương từ tỉnh đến thành phố không được dùng tên của hai nhân vật lịch
sử này để đặt cho đường phố hoặc các công trình công cộng - do còn “những ý kiến
trái chiều” về hai người này. Bản công văn nói trên được viết vào ngày 5 tháng
1, 2022 với chữ ký của Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Phan Xuân Thủy.
https://gdb.voanews.com/388467EF-C8BE-4BFE-AAD8-2ADAB5B8447F_w650_r0_s.jpg
Công văn của Ban
Tuyên giáo Trung ương ngày 5/1/2022. Photo Sachhiem.
Theo bản công văn, vì cho đến nay “các cơ quan
chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật lịch
sử Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam”, và Nghị Định
Chính Phủ số 91 năm 2005 đã quy định rằng với những “nhân vật lịch sử còn có ý
kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử”, thì không cho dùng
tên để đặt cho đường phố và các công trình công cộng. Do đó, chiếu theo Nghị Định
này, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký là hai nhân vật lịch sử đã được đặc biệt
nêu tên trong bản Công Văn, với chỉ thị “cụ thể” là không được dùng tên để đặt
cho đường phố tại các địa phương từ tỉnh tới thành phố.
Tóm lại, vì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký
là hai nhân vật mà còn có những “ý kiến trái chiều”, hoặc “ý kiến đánh giá
khác”, “chưa rõ ràng”, cho nên theo Nghị Định Chính Phủ số 91 và thực hiện bởi
bản công văn này, hai nhà đại trí thức Nam Kỳ đã được Ban Tuyên Giáo Trung Ương
ra lệnh đặc biệt cấm các địa phương không được dùng tên đặt cho đường phố.
Hai nhân vật lịch sử của thế kỷ 19 này đều là
người sinh quán ở tỉnh Vĩnh Long thuộc Nam Kỳ, và nay lại cùng thuộc địa phận tỉnh
Bến Tre. Một già một trẻ thuộc hai thế hệ khác nhau và hai xuất xứ hoàn toàn
khác nhau, nếu không muốn nói là đối nghịch nhau.
Phan Thanh Giản theo cái học cử nghiệp Khổng
Nho và là Tiến Sĩ đầu tiên của nhà Nguyễn xuất thân từ Nam Kỳ. Ông làm quan qua
ba triều nhà Nguyễn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Văn tài của ông đã được vua
quan nhà Nguyễn khen tặng là “cổ nhã”. Sự nghiệp làm quan của ông thăng trầm lắm
lúc, nhưng ông chính là rường cột và là triều thần được tin tưởng và trông cậy
duy nhất của vua Tự Đức để đối phó với Pháp, khi họ tấn công nước Đại Nam của
nhà Nguyễn vào thập niên 1860s.
Sau khi đại tướng Nguyễn Tri Phương đại bại tại
chiến lũy Chí Hòa vào năm 1861 và Pháp lần lượt chiếm hết ba tỉnh miền Đông Nam
Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, cộng thêm thủ phủ của ba tỉnh miền Tây là
tỉnh Vĩnh Long, thì con đường chống cự bằng quân sự của nhà Nguyễn đã trở thành
bất khả thi. Và vua Tự Đức lúc đó chỉ còn trông cậy vào Phan Thanh Giản với tài
ngoại giao của ông để cầm chân quân Pháp tại Nam Kỳ, ngõ hầu quân Nguyễn có thể
quay sang dẹp loạn Lê Duy Phụng ở Bắc Kỳ. Và Phan Thanh Giản đã thành công cho
mục đích này qua việc ký kết hòa ước 1862, hợp thức hóa việc mất ba tỉnh miền
Đông cho Pháp cũng như bồi thường chiến phí. Nhưng bù lại, vua Tự Đức được rảnh
tay ở Nam Kỳ để quay ra Bắc Kỳ dẹp loạn. Và hơn nữa, Phan Thanh Giản còn điều
đình để đòi lại được tỉnh Vĩnh Long theo điều số 11 của hòa ước 1862. Đây là một
thắng lợi về ngoại giao của Phan Thanh Giản mà không một sử gia nào nhắc đến.
Và chính vì những thành công về mặt ngoại giao
đó, Phan Thanh Giản đã được vua Tự Đức liên tiếp trao trọng trách qua Pháp để
điều đình về hòa ước 1862 nhằm lấy lại ba tỉnh miền Đông. Mặc dù đã gần 70 tuổi,
Phan Thanh Giản vẫn lãnh đạo phái đoàn nhà Nguyễn qua Pháp vào năm 1863 và đã
thương thuyết có kết quả. Nhưng những điều thương thuyết tại Pháp sau đó đã
không được Pháp thi hành, và người Pháp quyết định chiếm luôn ba tỉnh miền Tây.
Một lần nữa, vua Tự Đức đã phải nhờ đến Phan Thanh Giản với tài ngoại giao và
uy tín đặc biệt của ông đối với người Pháp khi cử ông làm Kinh Lược Sứ ba tỉnh
miền Tây Nam Kỳ, với hy vọng mong manh là có thể giữ được ba tỉnh. Nhưng với
quyết tâm của người Pháp và thế chênh lệch của hai bên, Phan Thanh Giản biết rằng
không thể chống cự được. Rồi để tránh nạn binh đao cho người dân Nam Kỳ đã bao
nhiêu năm khổ sở vì chiến tranh, ông đã viết sớ nhận tội với nhà vua và uống
thuốc độc tự tử.
Do đó, có thể
nói rằng Phan Thanh Giản chính là một người trung quân, và do đó, ái quốc tột bậc,
không còn gì để tranh cãi. Còn về mặt đạo đức của ông thì danh tiếng thanh liêm của ông, lòng
thương dân của ông đã vang lừng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Người thường dân Nam Kỳ
đã có thơ để khen ngợi ông, và toàn thể nhân dân Nam Kỳ lúc đó và cho đến sau
này cũng đều thương mến ông, chứ không hề có một “ý
kiến trái chiều” nào khác cả.
Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký lại có một xuất
thân hoàn toàn đối nghịch với Phan Thanh Giản. Ông là người theo đạo Thiên Chúa
và từ thuở nhỏ đã theo học tại các chủng viện ở Cao Miên rồi Mã Lai để trở
thành linh mục. Là một chủng sinh, học vấn của ông căn bản là Tân học, là cái học
của phương Tây, ngược lại với Phan Thanh Giản. Trương Vĩnh Ký nổi danh là một
thiên tài về ngôn ngữ, điều mà tất cả mọi người đều phải công nhận, mặc dù những
ngôn ngữ mà ông biết được phần nhiều là do tự học.
Năm 1858, khi từ Mã Lai trở về Việt Nam để chịu
tang mẹ thì Trương Vĩnh Ký đã bị triều đình nhà Nguyễn đưa vào một hoàn cảnh
không có sự lựa chọn: họ lùng bắt ông để bỏ tù, hoặc để xử tử, chỉ vì ông là một
giáo dân và hơn nữa là một người sắp trở thành linh mục. Ông phải chạy trốn cuộc
lùng bắt này từ Cái Nhum lên Sài Gòn và sau đó ra làm việc cho người Pháp trong
vai trò thông dịch viên. Nghĩa là triều đình nhà Nguyễn đã không hề cho ông có
một sự lựa chọn giữa họ và Pháp. Và Trương Vĩnh Ký cũng chưa bao giờ là một người
theo cử nghiệp với cái quan niệm vua là con trời, cũng như chưa bao giờ nhận ân
huệ của nhà Nguyễn như Tôn Thọ Tường. Có thể thấy rằng ông là một loại “du học
sinh” từ nhỏ đã rời xa xứ sở, và khi mới trở về thì đã bị chính quyền lùng bắt
chỉ vì tôn giáo của ông.
Nhưng mặc dầu như vậy, Trương Vĩnh Ký đã không
hề oán trách nhà Nguyễn với những nỗi gian khổ mà ông trải qua. Ông tin tưởng rằng
đó là những thử thách của Chúa dành cho ông. Nhưng quan trọng hơn cả, ông phản
đối việc quân Pháp đã mượn cớ cứu giúp các tín đồ Thiên Chúa Giáo để xâm lăng
Việt Nam. Ông luôn luôn tự hào mình là người “An Nam”, và ông chính là người Việt
đầu tiên đã nêu ra, đã thấy được cái “tình cảm dân tộc” hay cái “tinh thần dân
tộc” của người Việt, khi mà chủ nghĩa dân tộc hoàn toàn chưa được biết đến tại
Việt Nam. Cũng vì cái tinh thần dân tộc đó, ông đã kiên
quyết từ chối không vào quốc tịch Pháp, cho dù người Pháp đã lắm phen yêu cầu.
Và Trương Vĩnh Ký còn có một phương châm sống
vì người khác, sống để có ích cho những người chung quanh, hay nói đúng hơn,
cho đồng bào của ông, được thể hiện qua câu Latin “sic vos non vobis”. Ông là
người tiên phong trong việc dùng chữ quốc ngữ để dạy cho người Việt nhằm tiếp
thu cái học phương Tây được nhanh chóng hơn. Ông đã sưu tầm, khảo cứu và lưu lại
những tinh hoa trong kho tàng văn chương bình dân cũng như bác học của Việt Nam.
Ông là ông tổ của ngành báo chí Việt Nam. Ông cũng chính là sử gia độc lập
đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói ngắn gọn rằng ông chính là ông tổ của nền học
thuật tân thời nước Việt Nam.
Tóm lại, Trương Vĩnh Ký chính là người với chủ
trương “dân tộc” đầu tiên, và chính là người đã tạo dựng nên nền học thuật tân
thời của Việt Nam, với những đóng góp cực kỳ đa dạng về nhiều phương diện, từ
văn chương, báo chí, giáo dục, đến lịch sử, phong tục, đạo đức …
Nghĩa
là cả hai nhà đại trí thức xứ Nam Kỳ, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, tuy có
hai xuất xứ khác nhau, hai con đường tiến thân và trưởng thành khác nhau, nhưng
họ lại có một điểm chung rất lớn: đó là lòng thương mến đồng bào của họ và việc
họ đã làm hết sức trong khả năng để giúp đỡ và bảo vệ những người đồng bào này.
Cũng bởi điểm chung đó mà họ đã thông cảm
nhau, cho dù họ thuộc về hai phe đối nghịch nhau. Cần nói cho rõ rằng hai phe
nói trên là nhà Nguyễn (Phan Thanh Giản) và Pháp (Trương Vĩnh Ký), chứ không phải
là “nhân dân” Việt và thực dân Pháp.
Rồi hai đối thủ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh
Ký đã gặp nhau trong chuyến hải hành mấy tháng trời trên đường qua Pháp vào năm
1863, trong chuyến đi nhằm điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Đông của nhà Nguyễn.
Lão thần Phan Thanh Giản lúc gần 70 tuổi, với vai trò Chánh Sứ của phái đoàn Đại
Nam, đã gặp thanh niên Trương Vĩnh Ký, lúc đó mới ngoài hai mươi tuổi, trong
vai trò Thông Dịch Viên cho phái đoàn Soái Phủ Pháp, trên cùng chuyến tàu. Theo
những tài liệu còn lưu lại, Trương Vĩnh Ký đã đích thân thông dịch nhiều lần
cho Phan Thanh Giản khi ông trò chuyện với trưởng đoàn Pháp là Henri Rieunier tức
Lý A Nhi. Tại Pháp, tại Tây Ban Nha, tại Ý (Vatican), Trương Vĩnh Ký đã được
phái đoàn Việt tin tưởng và giao cho trách nhiệm thông dịch, cho dù ông là người
làm việc cho Pháp.
Cũng bởi cái tình tri ngộ đó mà sau này Trương
Vĩnh Ký đã viết như sau về cuộc đời Phan Thanh Giản:
“Thương vì làm tôi vua đã hết lòng ngay, giúp việc
nước đã hết sức bền, mà già không trót đời, chết không an phận ! Vì nước vì nhà
mà quên sống ! Tưởng được tử ấm thê vinh. Ai hay tội-lệ vấn-vương. Công-nghiệp
bấy lâu một phút phải rồi ! Mất hết mọi sự: chức-tước, ngôi-thứ, phẩm-hàm gì đều
bị lột ráo; lại còn phải mang án xử tử giam hậu nữa.
Hèn chi Trương-lương mà chẳng tính bề minh triết bảo
thân?
Làm người mà ham học, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm quan mà thanh-liêm, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm tôi vua hết ngay, ít có như ông Phan-lương-Khê,
Làm việc nước hết sức, ít có như ông Phan-lương-Khê.
Mà tội-lụy còn dường ấy ! thật đáng thương đáng tiếc!”
(1)
Không hiểu có phải vì Trương Vĩnh Ký thấy được
cái gương làm quan của Phan Thanh Giản cho nên đã học theo Trương Lương mà
“minh triết bảo thân”? Nhưng có một điều chắc chắn là hai nhà đại trí thức Nam
Kỳ đã có một sự thông cảm cho nhau.
Và hai nhà đại trí thức này có một điểm chung
nữa là cả hai đã được toàn dân Nam Kỳ thương mến, cho dù họ đứng ở hai phe đối
nghịch nhau, cho dù họ đi theo hai con đường khác nhau. Bởi, đối với người thường
dân Nam Kỳ, tức “nhân dân”, thì người nào có quyền chức mà thương yêu họ và lo
cho họ thì họ thương mến lại. Đó là lý do mà Phan Thanh Giản được người dân Nam
Kỳ làm thơ khen tặng. Đó là lý do mà Trương Vĩnh Ký được người dân lục tỉnh Nam
Kỳ góp tiền đúc tượng đồng, và đến 1945 khi toàn thể các tượng Pháp ở Sài Gòn bị
giật sập thì không ai đụng đến tượng của ông.
Thế nhưng cả
hai đều đã bị cuốn vào một cơn bão lốc chính trị sau năm 1954, khi chế độ miền
Bắc chủ trương viết lại lịch sử để lên án tất cả những điều không có lợi cho cuộc
chiến tranh với miền Nam của họ. Trong đó, hai đối tượng
quan trọng nhất cần phải bị hạ nhục chính là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký,
hai nhà đại trí thức miền Nam. Suốt hai năm 1963 và 1964, trong mấy chục bài viết
trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, cơ quan ngôn luận chính thức của Viện Sử Học miền Bắc,
hai nhà đại trí thức Nam Kỳ được toàn dân Nam Kỳ ngưỡng mộ đã bị các sử gia miền
Bắc đem ra đấu tố.
Và đó chính là nguồn gốc của những “ý kiến
trái chiều” về hai nhà trí thức này.
Nghĩa là chúng chỉ có từ những năm 1963-1964 tại
miền Bắc.
Do các “sử gia” miền Bắc chế tạo ra.
Trước nhất, với Phan Thanh Giản, vì không kiếm
ra được bằng chứng nào cho việc “nhân dân” đã lên án ông, ông Trần Huy Liệu, cựu
Bộ Trưởng Tuyên Truyền đầu tiên của nước VNDCCH, tức là tiền thân của Ban Tuyên
Giáo Trung Ương hiện nay, đã “sáng tạo” ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình
khí dân”. Ông tuyên bố rằng câu này đã được nghĩa quân Trương Định dùng để đề
lên lá cờ khởi nghĩa. Nghĩa là ông đã tạo ra cái tội “bán nước” cho Phan Thanh
Giản, và tạo ra cái “ý kiến trái chiều” này về Phan Thanh Giản.
Kế đến, với Trương Vĩnh Ký, các sử gia miền Bắc
đã tạo ra cái tội làm “gián điệp” cho Pháp của Trương Vĩnh Ký, qua hai chuyến
đi của ông. Chuyến đi thứ nhất ra miền Bắc năm 1776 và chuyến thứ hai ra Huế
năm 1886. Họ cho rằng Trương Vĩnh Ký đã sử dụng hai chuyến đi này để do thám
tình hình miền Bắc cũng như tình hình triều đình nhà Nguyễn. Trong khi vào năm
1776 thì Pháp đã chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất rồi trả lại cho nhà Nguyễn, và
được quyền đặt toà lãnh sự ở đó. Tức là người Pháp đã có mặt tại Bắc Kỳ thường
trực. Nhưng theo các sử gia miền Bắc thì họ phải sai Trương Vĩnh Ký làm một
chuyến ra Bắc để “do thám tình hình” và báo cáo! Còn năm 1886 khi Trương Vĩnh
Ký ra Huế thì kinh đô đã thất thủ và người Pháp đã lập vua Đồng Khánh lên làm
ông vua bù nhìn dưới sự bảo hộ của họ. Triều đình Huế sau đó còn phong chức
quan cho cả Paul Bert và Trương Vĩnh Ký để mua chuộc cảm tình. Và Trương Vĩnh
Ký còn được Paul Bert cử làm thầy của vua Đồng Khánh. Tức là người Pháp đã nắm
toàn bộ triều đình Huế. Họ chẳng có lý do gì mà phải cho Trương Vĩnh Ký làm
“gián điệp” để do thám tình hình.
Nhưng cũng giống như cách đối xử với Phan
Thanh Giản, các sử gia miền Bắc đã sáng tạo ra một tội danh nghiêm trọng để hạ
nhục Trương Vĩnh Ký. Nếu như Phan Thanh Giản bị họ gán cho cái tội “bán nước”
qua câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, thì Trương Vĩnh Ký bị gán cho
tội “gián điệp” qua hai chuyến đi nói trên.
Và đến khi một nhà nghiên cứu người Việt ở Mỹ
là ông Vũ Ngự Chiêu tuyên bố đã tìm được một lá thư do Trương Vĩnh Ký khoảng
năm 1858-9 viết và ký tên Petrus Key, kêu gọi người Pháp hãy đánh chiếm Việt
Nam vì tình hình của quân đội nhà Nguyễn lúc đó rất yếu kém, lá thư này đã lập
tức được nắm ngay lấy để làm bằng chứng cho tội làm “gián điệp” cho Pháp của
Trương Vĩnh Ký ngay từ thời gian đó.
Thế nhưng như tác giả bài viết này đã viết nhiều
bài báo và một cuốn sách để chứng minh, những tội danh “mãi quốc” và “gián điệp”
nói trên chính là những sự ngụy tạo để kết tội hai nhà đại trí thức Nam Kỳ là
Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Và hai tội danh nói trên đều có xuất xứ từ một
sự cố tình sáng chế và thao túng tài liệu lịch sử, nhằm hạ thấp uy tín của hai
nhân vật được kính trọng này.
Câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”
chính là một sản phẩm đã được tạo ra bởi ông Trần Huy Liệu, Viện Trưởng Viện Sử
Học, và cũng là cựu bộ trưởng đầu tiên của Bộ Tuyên Truyền, tiền thân của Ban
Tuyên Giáo Trung Ương. Bởi
một câu như vậy không thể nào lại được “nghĩa quân Trương Định” đề lên lá cờ của
mình như ông Trần Huy Liệu đã viết, với những điều kiện lịch sử trong thời gian
đó.
Còn hai chuyến đi của Trương Vĩnh Ký đã được tờ
Nghiên Cứu Lịch Sử của ông Trần Huy Liệu bóp méo cho biến thành hai chuyến đi
“do thám” của “đặc vụ” Trương Vĩnh Ký. Cũng
như lá thư ký tên Petrus Key đã được gán cho Trương Vĩnh Ký làm tác giả,
cho dù chữ viết và nội dung hoàn
toàn trái ngược với một lá thư khác do chính tay ông viết ngay trong thời gian
đó.
Nhưng chỉ với sự ngụy tạo ra hai tội danh này
thì các sử gia miền Bắc mới có thể hạ thấp được uy tín của Phan Thanh Giản và
Trương Vĩnh Ký. Cũng vì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” mà mặc dù
đã có hai cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản nhưng những người dân miền Nam, thậm
chí cả những cán bộ gốc miền Nam, đã không thể phục hồi danh dự lại cho Phan
Thanh Giản. Bởi ở cả hai lần hội thảo, mọi cố gắng minh oan hay phục hồi đều bị
dừng lại bởi cái câu được cho là “dư luận của nhân dân” nói trên. Trong khi đó,
cũng vì tội danh “gián điệp” cho Pháp mà nỗi oan của Trương Vĩnh Ký vẫn tiếp tục.
Một cuốn sách về ông, cuốn
“Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” đã bị cấm không được lưu hành.
Nhưng có một điều không thể chối cãi là cho dù
sau 60 năm trời ngụy tạo tài liệu sử học, bẻ cong ngòi viết để lên án hai nhân
vật lịch sử Nam Kỳ nói trên, đảng CSVN vẫn không thành công trong việc bôi nhọ
họ. Bởi những người miền Nam vẫn thương yêu kính trọng hai nhà đại trí thức này
và đòi hỏi công lý cho họ. Những sách báo nghiên cứu về hai nhân vật này vẫn tiếp
tục được viết, được in, cho dù bị cấm.
Và tên của hai nhà đại
trí thức Nam Kỳ này đã được tiếp tục dùng để đặt cho trường học, đường phố tại
các địa phương miền Nam. Có lẽ đó chính là nguyên nhân cho sự ra đời của bản
công văn số 2274 của Ban Tuyên Giáo Trung Ương.
Nếu như 60 năm trước, vì mục đích đánh chiếm
miền Nam, và khi cần phải lên án sự “chủ hòa” của Phan Thanh Giản và việc hợp
tác với Pháp của Trương Vĩnh Ký, cho nên những sử gia kiêm nhiệm vụ tuyên truyền
của Đảng đã phải ngụy tạo ra tài liệu để bôi nhọ hai nhà trí thức Nam Kỳ này -
thì đây là điều dù không thể chấp nhận được, nhưng có thể hiểu được.
Còn bây giờ đã 60 năm sau, và sau khi đã thống
nhất đất nước gần nửa thế kỷ, mà Ban Tuyên Giáo vẫn phải ra công văn cấm đặt
tên đường cho hai nhân vật này, chỉ vì còn “những ý kiến trái chiều”? Những ý
kiến mà do chính họ chứ không phải ai khác đã tạo ra từ mấy mươi năm trước và
đem vào nhà trường để dạy cho trẻ con?
Một điều có thể thấy rõ từ văn bản này là Ban
Tuyên Giáo đã nhắm chính xác đến hai nhân vật tiêu biểu cho trí thức miền Nam,
một cựu học, một tân học. Hai nhân vật mà tài đức đều được người dân miền Nam
công nhận từ bao đời nay. Bản công văn không nói đến bất kỳ một nhân vật lịch sử
nào khác, mà chỉ nói đến hai nhân vật đại diện cho trí thức Nam Kỳ.
Phải hiểu sự việc này như thế nào đây?
Chắc rằng người dân miền Nam đã thấy ra, đã
quá chán ngán với những sự giả dối ngụy tạo lịch sử kiểu như “ngọn đuốc sống”
Lê Văn Tám, và họ không muốn phải chấp nhận những điều giả dối đó nữa, nên họ
đòi hỏi phải được quyền đặt tên đường phố cho hai danh nhân, hai đại trí thức
miền Nam là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Giống như cha ông họ trược đây,
người dân miền Nam không cần phân biệt giữa “ta” là bọn phong kiến thối nát hay
“địch” là bọn thực dân xâm lăng. Họ chỉ biết rằng hai nhà trí thức nói trên là
hai người có tài, có đức bậc nhất tại Nam Kỳ, và họ kính trọng hai người đó.
Nhưng có lẽ Ban Tuyên Giáo thì lại chỉ muốn
dân miền Nam tin tưởng và sùng bái những “danh nhân” tưởng tượng như Lê Văn Tám
hay thuộc giai cấp bình dân như Võ Thị Sáu mà thôi. Còn những người Nam Kỳ thuộc
loại “có lý luận”, nhất là những đại học sĩ, học giả như Phan Thanh Giản, như
Trương Vĩnh Ký thì không thể chấp nhận được.
Chỉ có như vậy mới hiểu được lý do cho sự ra đời
của bản công văn 2274 do Ban Tuyên Giáo ký vào tháng 1 năm 2022.
Có thể là người viết bài này hiểu sai dụng ý của
Ban Tuyên Giáo. Nhưng nếu như vậy thì Ban Tuyên Giáo nên công bố rõ ràng lý do
và ý định của mình, kèm theo những chứng cứ và lý luận thuyết phục, chứ không
phải là những “dư luận trái chiều” do chính các cơ quan tuyên truyền miền Bắc
làm ra.
Winston
Phan Đào Nguyên
19/1/2022
(1) Miscellanées (Sự Loại Thông Khảo) No. 5 -
Sept. 1889 – No. 6 - Oct. 1889, Phan-Lương-Khê Tự Thuật Thế-Sự
------------
LIÊN QUAN
Sách
mới: Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’
Winston
Phan Đào Nguyên
10/08/2021
https://www.voatiengviet.com/a/phan-thanh-gian-lam-duy-hiep/5997290.html
https://gdb.voanews.com/E9664B64-3EDD-45E0-8DF7-84468B53B4FF_cx0_cy23_cw0_w650_r1_s.jpg
Hình bìa tác phẩm.
(Hình: Tác giả cung cấp)
Tác giả, nhà nghiên cứu Winston Phan Đào Nguyên vừa
xuất bản cuốn sách có tựa đề ‘Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’’ nhân
có cuộc Hội thảo và triển lãm về Phan Thanh Giản do Gia đình Cựu
Học Sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ tại Houston (713-385-8482) tổ
chức vào 1 giờ chiều ngày 15 tháng 8, 2021 tại Trung tâm Mai Vàng, 9525
Wilcrest Dr, Houston, TX 77099. Để giới thiệu nội dung của tác phẩm này, chúng
tôi được sự đồng ý của tác giả, đăng lại dưới đây phần Dẫn Nhập của cuốn sách,
là một công trình tóm tắt đầy đủ và sáng sủa những gì được trình bày trong
sách.
***
DẪN NHẬP
Có lẽ ít có nơi đâu trên thế giới mà một “câu” gồm 8 chữ và không có xuất xứ rõ
ràng lại được đem ra làm bằng chứng, mà lại là bằng chứng độc nhất, để buộc tội
“bán nước” cho một nhân vật lịch sử. Nhưng chính điều đó đã và đang diễn ra
trong sử học cận đại Việt Nam suốt 60 năm qua. Và cái câu 8 chữ nói trên
là “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Sử dụng câu
này liên tục từ thập niên 1950s đến nay, các sử gia tại miền Bắc Việt Nam đã
nhân danh “nhân dân” để kết tội bán nước cho hai đại thần triều Nguyễn là Phan
Thanh Giản (Phan) và Lâm Duy Hiệp (Lâm), với sự chú trọng đặc biệt vào Phan
Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.
Mặc dù không có xuất xứ rõ ràng, mặc dù không
biết tác giả của nó là ai, và mặc dù không biết cái câu gồm 8 chữ đó là câu đối,
câu thơ, câu phú, “khẩu hiệu”, hay thậm chí là một loại “vè”, nó đã được đem ra
để làm bằng chứng mỗi khi một “sử gia” nào đó tại Việt Nam muốn lên án Phan
Thanh Giản. Và do không hề có một bài viết hay một tác giả nào đặt vấn đề để gạn
hỏi một cách rõ ràng và có hệ thống về câu này, hiện nay ở Việt Nam hầu như tất
cả mọi người đều chấp nhận sự hiện hữu cũng như tính chất “lịch sử” của nó. Họ
dễ dãi cho rằng nó có gốc gác “trong dân gian”, đồng thời nhìn nhận rằng nó đã
nói lên tâm trạng của “nhân dân” thời đó, là lên án cả hai ông Phan, Lâm và triều
đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức.
https://gdb.voanews.com/E9664B64-3EDD-45E0-8DF7-84468B53B4FF_w650_r0_s.jpg
Hình bìa tác phẩm.
(Hình: Tác giả cung cấp)
Điển hình là bài viết sau đây về Phan Thanh Giản
trong Wikipedia:
“Ngày 5 tháng 6 năm 1862, Phan Thanh Giản, Lâm Duy
Hiệp có Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn đã ký với Bonard và Palanca một hiệp ước
gọi là Hòa ước Nhâm Tuất (1862), cắt đứt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, bồi thường
chiến phí trong 10 năm, mỗi năm 400 ngàn quan cho đại diện của Pháp ở Sài Gòn .
. . Do hành động này mà dân gian có câu truyền ‘Phan Lâm mãi quốc, triều
đình khí dân’ (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình bỏ dân chúng).”
Hay như một sử gia nổi tiếng của giới sử học
Việt Nam là ông Trần Quốc Vượng, đã phát biểu một cách rất thoải mái tự
nhiên về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” khi được phỏng vấn về một
đề tài không liên hệ:
“Về thất bại, có phải chỉ vì lực lượng giặc ngoại xâm hùng mạnh hơn, hay còn
nguyên nhân nào khác. Phải chăng do nguyên nhân nội tại - những thói tật trong
tính cách, tình cảm người Việt Nam ta? Vua Tự Đức, người nói câu Phan Lâm mãi
quốc, triều đình khí dân …”
Cách phát biểu tùy tiện như trên của giáo sư
Trần Quốc Vượng cho thấy rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã ăn
sâu vào tiềm thức của mọi người Việt, kể cả một vị giáo sư sử học uy tín như Trần
Quốc Vượng. Bởi nó đã được ông nói ra như một sự thật hiển nhiên không cần dẫn
chứng.
Nhưng đáng sợ hơn nữa là câu “Phan Lâm mãi quốc,
triều đình khí dân” này đã đi sâu vào kiến thức phổ thông của tất cả dân chúng
Việt Nam, chứ không phải chỉ được lưu truyền riêng trong giới nghiên cứu lịch
sử mà thôi. Điển hình là trên một trang mạng thuộc loại giải đáp thắc mắc về kiến
thức lịch sử phổ thông hiện nay nó đã được giải thích như sau:
“... Trương Định đã là (sic) cho Pháp khiếp sợ với
nhiều chiến thắng ở Gò Công, Rạch Giá (sic), Quý Sơn, Tân An…Trương Định còn
nổi tiếng với khẩu hiệu “Phan – Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”- nghĩa là (họ
Phan, Lâm bán nước, Triều đình bỏ rơi dân chúng) thiêu (sic) trên lá cờ “Bình
Tây đại nguyên soái”.
Nếu chỉ đứng riêng một mình thì có lẽ câu
“Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” không có nhiều ảnh hưởng như hiện nay.
Nhưng nó lại được gắn liền với một lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp tại miền Nam
vào thập niên 1860 là Trương Định, người đã được các sử gia Việt Nam coi như một
anh hùng dân tộc. Và Trương Định hay nghĩa quân của ông ta được cho là đã dùng
8 chữ này để lên án cả Phan Thanh Giản lẫn triều đình Huế bằng cách viết lên lá
cờ khởi nghĩa của họ. Vì lý do trên mà ngày nay nếu nói về Phan Thanh Giản tại
Việt Nam thì không thể không nhắc đến Trương Định, và ngược lại cũng vậy.
Chỉ có điều là đối với những
người đã từng sống tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 thì câu “Phan Lâm
mãi quốc, triều đình khí dân” kết tội Phan Thanh Giản nói trên không hề được
nghe nói đến, kể cả trong các nghiên cứu sử học chuyên sâu về Phan Thanh Giản
và Trương (Công) Định. Ngược lại, Phan Thanh Giản được mọi người kính trọng và
khen ngợi. Ở Sài Gòn, một trong những con đường lớn nhất thành phố mang tên
ông. Ở Cần Thơ, trường trung học lớn nhất thành phố cũng được mang tên ông.
Thế nhưng sau năm 1975 thì câu “Phan Lâm mãi quốc,
triều đình khí dân” đã được đem từ miền Bắc vào phổ biến ở miền Nam. Rồi từ đó, nó được coi như một sự thật lịch sử trong cả nước. Vì vậy,
cho dù đã có đến hai cuộc hội thảo ở Việt Nam về Phan Thanh Giản vào năm 1994
và năm 2003 với mục đích là để “đánh giá” lại nhân vật lịch sử này, cho dù đã
có nhiều người chất vấn về lai lịch của nó, nhưng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều
đình khí dân” vẫn được tiếp tục đem ra sử dụng như là một thứ sử liệu không thể
thiếu khi nghiên cứu về nhân vật Phan Thanh Giản. Và cho dù đã có đến hai cuộc
hội thảo nói trên, lai lịch của nó cũng vẫn mù mờ, không rõ lên thêm được chút
nào.
Giáo sư Phan Huy Lê, người được coi là một trong những sử gia muốn “nhìn lại” về nhân vật
lịch sử Phan Thanh Giản trong những năm gần đây, đã viết như sau về câu này
trong một cuộc hội thảo nói trên về Phan Thanh Giản:
“Nhưng lại có nguồn tin tương truyền rằng, Trương Định
lên án Phan Thanh Giản bán nước khi đề cờ khởi nghĩa "Phan, Lâm mãi quốc;
triều đình khí dân".
Ở đây chưa bàn về nguồn gốc và tính
xác thực của câu nói trên, nhưng sự tồn tại và lưu truyền dù trong giới hạn
nào, ít nhiều cũng phản ánh một thái độ lên án Phan Thanh Giản.”
Như vậy, ngay tại một cuộc hội thảo nhằm “đánh
giá” lại Phan Thanh Giản, ông Phan Huy Lê đã vẫn phải nhắc lại sự tồn tại của
câu này, đã phải nhắc lại “giai thoại” hay câu chuyện luôn luôn đi cùng với nó
- là anh hùng Trương Định từng dùng nó để viết lên lá cờ của mình nhằm lên án
bán nước cho Phan Thanh Giản. Nhưng rồi tiếp theo thì giáo sư Phan Huy Lê lại
“chưa”, hay nói đúng hơn là không chịu “bàn về nguồn gốc và tính xác thực” của
nó. Cho dù nó đã được lưu truyền trong giới sử học miền Bắc suốt mấy mươi năm
qua, và cho dù giáo sư đang nói về nó trong cuộc hội thảo - với tư cách một
giáo sư sử học uy tín hàng đầu cả nước đang tìm hiểu thêm và đánh giá lại về
Phan Thanh Giản!
Rồi bây giờ thì giáo sư Phan Huy Lê đã thành
người thiên cổ (1934-2018), và đương nhiên là chẳng còn có dịp nào để mà “bàn”
về nguồn gốc và tính xác thực của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”
này nữa.
Nhưng vẫn chưa hết. Năm 2003, trong cuộc hội
thảo có tên là “Thế Kỷ XXI Nhìn Về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản”, giáo
sư Đinh Xuân Lâm, người đứng đầu nhóm “tứ trụ” sử học ở miền Bắc, giống như
giáo sư Phan Huy Lê, lại một lần nữa xác định sự hiện hữu của câu “Phan Lâm mãi
quốc, triều đình khí dân” như sau:
“Bất chấp mọi thủ đoạn, Trương Định vẫn cương quyết ở
lại cùng nhân dân chống quân cướp nước, với danh hiệu “Bình Tây đại nguyên
soái”. .. Ở đây có vấn đề sáu (sic) chữ ‘Phan Lâm mãi quốc,
triều đình khí dân’ (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình bỏ
rơi chân (sic) chúng) trên lá cờ của nghĩa quân Trương Định, cho tới
nay vẫn chưa xác minh được việc đó có thật hay không … Nhưng dù có hay không thì
cũng phản ánh một luồng dư luận trong nhân dân thời đó đánh giá Phan Thanh Giản.”
Nghĩa là cả hai sử gia hàng đầu của miền Bắc,
và rồi của cả nước sau năm 1975, đã xác nhận giống như nhau, rằng câu “Phan Lâm
mãi quốc, triều đình khí dân” là “phản ánh” một “dư luận trong nhân dân”. Và họ,
dù là những sử gia hàng đầu, dù là những diễn giả cốt cán cho những cuộc hội thảo
nhằm đánh giá lại Phan Thanh Giản như vậy, lại không cảm thấy có trách nhiệm phải
giải thích hay ít ra là cho thấy họ đã có tìm tòi nghiên cứu chút nào về câu
này.
Và như vậy, tại Việt Nam hiện nay, từ
Wikipedia cho đến những trang mạng giải đáp thắc mắc phổ thông, từ những giáo
sư sử học nổi tiếng cho đến những người thường dân, câu “Phan Lâm mãi quốc, triều
đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó đã được chấp nhận như một sự
thật lịch sử gắn liền với hai nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản và Trương Định.
Nó liên kết hình ảnh của một kẻ “phong kiến bán nước” là Phan Thanh Giản như một
sự đối nghịch với hình ảnh của một người “anh hùng yêu nước” là Trương Định.
Mặc dù đây là một câu có nguồn gốc hết
sức mù mờ. Mặc dù từ trước đến nay chưa có ai xác định được xuất xứ, tác giả,
thời gian và hoàn cảnh ra đời của nó. Mặc dù nó ngược với sự thật lịch sử.
Do đó, trong bài nghiên cứu này, người viết
xin được trình bày với các bạn đọc quá trình tìm hiểu của mình về câu “Phan Lâm
mãi quốc, triều đình khí dân” nói trên. Bài viết được chia ra làm ba phần để
các bạn đọc tiện theo dõi.
Phần I, từ chương I đến chương
III, tìm hiểu về quá trình xuất hiện của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí
dân” tại miền Bắc Việt Nam từ sau năm 1954, đặc biệt là vai trò của nó và câu
chuyện chung quanh nó trong sự kiện các sử gia miền Bắc lên án “bán nước” và “đầu
hàng” cho Phan Thanh Giản tại một cuộc “đánh giá nhân vật lịch sử” - mà thực chất
là một phiên tòa đấu tố - trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963.
Chương I cho thấy rằng câu “Phan Lâm mãi quốc,
triều đình khí dân” không hề và khó có thể đã từng xuất hiện trên sách vở báo
chí bằng chữ Quốc Ngữ ở cả ba miền Việt Nam từ trước năm 1954, vì trong thời
gian đó mọi bài vở sách báo trên khắp nước cho thấy một sự kính trọng Phan
Thanh Giản.
Chương II xem xét vai trò chính yếu và nổi bật
của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó
trong phiên toà đấu tố buộc tội “bán nước” và “đầu hàng” cho Phan Thanh Giản
trong suốt nửa năm 1963 trên tờ báo Nghiên Cứu Lịch Sử của Viện Sử Học do ông
Trần Huy Liệu làm Viện Trưởng.
Chương III thuật lại quá trình xuất hiện của
câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” một cách dần dà tuần tự tại miền Bắc
như thế nào từ sau năm 1954 cho đến năm 1963. Quá trình này cho thấy một sự đồng
tình viết lại lịch sử Nam Kỳ - trong thời gian của Phan Thanh Giản và Trương Định
- của các sử gia miền Bắc. Theo đó, các sử gia nói trên, dẫn đầu bởi hai ông Trần
Huy Liệu và Trần Văn Giàu, đã phân chia các nhân vật và phe nhóm lịch sử của thời
gian này theo lập trường giai cấp và dân tộc cực đoan của họ, khi họ kể lại câu
chuyện lịch sử Nam Kỳ chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Phần II, từ Chương IV đến Chương
XI nghiên cứu các tài liệu lịch sử của thời gian đó và so sánh lại với câu
“Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cùng câu chuyện chung quanh nó để xem
câu này có đúng với sự thật lịch sử hay không. Các tài liệu lịch sử này cho thấy
những mối quan hệ giữa các phe phái và nhân vật lịch sử của Nam Kỳ vào thập
niên 1860 là rất phức tạp và chồng chéo chứ không đơn giản và trắng đen rõ rệt
như đã được thuật lại bởi các sử gia miền Bắc dựa trên lập trường giai cấp và
dân tộc của họ.
Chương IV giới thiệu với bạn đọc văn kiện
chính thức đầu tiên giữa triều đình Huế và Pháp trong cuộc chiến là hòa ước
1862. Chính xác hơn, một điều khoản cực kỳ quan trọng của hòa ước này là điều số
11, vì nó giải thích lý do tại sao các nhân vật và phe phái lịch sử thời gian
đó lại có những hành động để dẫn đến sự ra đời của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều
đình khí dân”.
Chương V nhìn lại tác phẩm “Lãnh Binh Trương Định
Truyện” của Nguyễn Thông để hiểu rõ thêm về cuộc khởi nghĩa Trương Định và mối
liên hệ giữa Trương Định và triều đình Huế cũng như mối liên hệ giữa Trương Định
với các nghĩa quân của ông ta.
Chương VI nói về bài “Hịch Quản Định”, tức lời
tuyên bố về lý do kháng chiến chống Pháp của chính nhân vật Trương Định. Bài hịch
này cho thấy mối quan hệ giữa triều đình Huế và Trương Định, để từ đó người đọc
suy xét xem Trương Định có thể là tác giả của một câu như “Phan Lâm mãi quốc,
triều đình khí dân” hay không.
Chương VII bàn đến hai bản tấu trình của Võ
Duy Dương, một lãnh tụ kháng chiến tại Nam Kỳ cùng thời gian với Trương Định.
Qua tài liệu này, việc triều đình Huế đã từng phong chức Bình Tây Tướng Quân
cho Trương Định cho thấy có một mối quan hệ mật thiết giữa hai bên sau hòa ước
1862.
Chương VIII nghiên cứu những lá thư được cho
là của Trương Định, qua bản dịch bằng tiếng Pháp, gồm hai lá thư gửi ông gửi một
người bạn đang làm việc cho Pháp và một lá thư/tuyên ngôn gửi đến các quan tỉnh
Vĩnh Long. Những lá thư này cho thấy mối quan hệ rất tinh tế và phức tạp giữa
Trương Định và triều đình Huế cũng như với Phan Thanh Giản.
Chương IX nghiên cứu bản báo cáo mật của một
lãnh tụ kháng chiến bên cạnh Trương Định tên là Phạm Tiến gửi cho triều đình Huế
để báo cáo về tình hình các tỉnh Nam Kỳ sau hòa ước 1862. Tài liệu rất quý hiếm
và rất nhiều chi tiết này cho thấy rõ thêm các mối quan hệ giữa các phe phái
cũng như giới thiệu thêm về nhiều nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đến những mối
quan hệ nói trên.
Chương X giới thiệu một tài liệu bằng thơ lục bát
là bài “Thơ Nam Kỳ”, được viết ra bởi những người thường dân vô danh Nam Kỳ về
cuộc chiến Pháp Việt, với những nhận xét trung thực về các nhân vật và phe phái
trong cuộc. Đây chính là tiếng nói của “nhân dân Nam Kỳ” với những cách dùng chữ
và cách suy nghĩ hoàn toàn “Nam Kỳ”.
Chương XI giới thiệu một tài liệu vừa được tìm
ra gần đây về cuộc đối thoại giữa Phan Thanh Giản và một sĩ quan Pháp tên là
Henri Rieunier. Tài liệu này được ghi lại bằng chữ quốc ngữ, và qua đó Phan
Thanh Giản nói ra mục đích của chuyến đi Pháp và mối quan hệ giữa hai nước
Pháp-Việt.
Phần III, từ Chương XII đến Chương
XVI, đi tìm nguồn gốc xuất xứ của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”
và dẫn đến kết luận ai là tác giả của nó, theo người viết.
Chương XII cho thấy có một sự cố ý làm sai với
những phương pháp sử học sơ đẳng của các sử gia miền Bắc và đặc biệt là ông Trần
Huy Liệu, khi sử dụng tiêu chuẩn ngày nay để xét đoán các nhân vật lịch sử thời
xưa cũng như khi không hề cho biết về xuất xứ của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều
đình khí dân”.
Chương XIII cho thấy có một sự cố tình im lặng
trước những vấn đề bất hợp lý rõ rệt về hình thức của câu “Phan Lâm mãi quốc,
triều đình khí dân”, như tại sao lại là “mãi” mà không phải là “mại” theo đúng
với ý nghĩa của nó.
Chương XIV cho thấy lý do của những sự cố ý
nói trên khi tìm hiểu về mục đích và sự cần thiết phải ra đời của câu “Phan Lâm
mãi quốc, triều đình khí dân”, do chính tác giả của nó tiết lộ.
Chương XV cho thấy lý do tại sao Phan Thanh Giản
lại trở thành nhân vật chính trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”
và là mục tiêu cho phiên tòa đấu tố trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963.
Chương XVI giới thiệu một tác phẩm của Phan Bội
Châu là Việt Nam Vong Quốc Sử và tầm ảnh hưởng của nó với các nhà cách mạng Việt
Nam. Tác phẩm này kết tội Phan Thanh Giản là “đầu hàng” người Pháp, giống như
phiên tòa năm 1963 đã làm.
Chương XVII giới thiệu một tài liệu đặc biệt
là bài thơ Việt Nam Chính Khí Ca, làm bằng thể thơ lục bát nhưng lại bằng chữ
Hán (Việt). Bài thơ này, giống như phiên tòa 1963, đã kết tội “bán nước” cho
Phan Thanh Giản. Chương này cũng sẽ xem xét độ chính xác của sự kết tội này và ảnh
hưởng của nó trong việc tạo nên câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Chương XVIII xét đến tôn chỉ về sử học của tác
giả câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và tài nghệ cũng như bản lãnh
sáng tạo của người này, từ đó dẫn đến lý do tại sao ông ta lại chế tạo ra câu
đó như được thấy ngày nay.
.
=================================
.
Ban
Tuyên giáo, cụ Phan, cụ Trương, tên đường và nỗi đau
21/01/2022
https://gdb.voanews.com/AE9F5A5E-F927-44C2-9C97-357FB57D52E8_cx7_cy0_cw81_w650_r1_s.png
Chân dung cụ Phan
Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Photo Báo Cần Thơ, Blogspot.
Sau một loạt các kiểm duyệt trong ngành xuất bản
liên quan đến các ấn phẩm viết về hai nhân sĩ lừng danh Phan Thanh Giản và
Trương Vĩnh Ký, nay Đảng Cộng sản Việt Nam lại ra công văn hướng dẫn các địa
phương “không xem xét lấy tên hai nhân vật nêu trên (Phan Thanh Giản, Trương
Vĩnh Ký) đặt tên cho đường, phố, công trình công cộng”. Giới nghiên cứu nhận định với VOA rằng văn bản này của Ban Tuyên giáo
Trung ương đi ngược lại sự thật của lịch sử và gây hoang mang trong nhân dân,
“sỉ nhục tiền nhân”, và “kỳ thị” trí thức miền Nam.
AUDIO : Ban Tuyên
giáo, Cụ Phan, Cụ Trương, tên đường và nỗi đau
by VOA
Phan Thanh Giản (1796-1867), một đại thần triều Nguyễn, làm quan trải qua 3 đời vua, Minh Mạng, Thiệu
Trị, Tự Đức, là một nhân vật lịch sử, nhà thơ, nhà sử học, đỗ Đại khoa tiến sĩ
đầu tiên của đất Nam Kỳ, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao trên nhiều lĩnh
vực chính trị, ngoại giao, văn hóa.
Trương Vĩnh Ký (1837-1898), là một nhà bác học, nhà ngôn ngữ học tiêu biểu của Việt Nam trong thế
kỷ XIX, người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực lịch sử, ngôn ngữ
học, văn học, báo chí.
Văn bản gây tranh
cãi
“Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa
làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật Phan Thanh Giản và
Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam”, công văn đề ngày 5/1 do Phó Trưởng
ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy ký, nêu lý do.
“Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá
khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì xem xét chưa đặt tên đường, phố
và công trình công cộng,” công văn có đoạn.
Hai nguồn tin thân tín với các cấp ủy trong
ban tuyên giáo ở các tỉnh, nơi tiếp nhận văn bản này, cho VOA biết rằng công
văn này là có thật.
Ban Tuyên giáo Trung ương chưa phản hồi yêu cầu
bình luận của VOA.
.
-------------------------
“Sự đánh giá này là sự đánh giá mang tính chính trị.
Dường như họ không đọc những nghiên cứu cả 100 năm nay về cụ Phan Thanh Giản và
Trương Vĩnh Ký và những đóng góp của họ đối với đất nước.
GS Ngô Vĩnh Long
https://gdb.voanews.com/388467EF-C8BE-4BFE-AAD8-2ADAB5B8447F_w250_r0_s.jpg
Công văn của Ban
Tuyên giáo Trung ương ngày 5/1/2022. Photo Sachhiem.
-----------------------
.
Có lẽ các cấp chính quyền và các bộ ngành đã
“quen” với việc tiếp nhận “chỉ đạo” kiểu này từ Ban Tuyên giáo Trung ương vì Đảng
Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo “toàn diện” và “sát sao”, cho dù có phần lấn át
vai trò của hội đồng nhân dân cấp tỉnh – cơ quan duy nhất có thẩm quyền theo luật
định ra nghị quyết về việc đặt tên đường, đổi tên đường ở Việt Nam.
Ông Ngô Vĩnh Long, Giáo sư khoa lịch sử của Đại học Maine, Hoa Kỳ, nêu nhận định với VOA
về công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương:
“Sự đánh giá này là sự đánh giá mang tính chính trị.
Dường như họ không đọc những nghiên cứu cả 100 năm nay về cụ Phan Thanh Giản và
Trương Vĩnh Ký và những đóng góp của họ đối với đất nước
“Có thể họ cho rằng Phan Thanh Giản ký hiệp định với
Pháp là bán nước, nhưng ông chỉ là người được vua cử đi đàm phán. Trong khi đó
ông Trương Vĩnh Ký là một nhà khoa học lỗi lạc, biết bao nhiêu thứ tiếng, dịch
nhiều sách và đóng góp rất lớn cho đất nước. Tại sao nói là “chưa rõ ràng”
Giáo sư sử học nhận định rằng Phan Thanh Giản không
thể tự mình làm trái ý vua, và vì vậy không thể quy tội “bán nước” hay “phản bội
Tổ quốc”.
“Rõ ràng đây là hành động chính trị chưa được suy
xét đàng hoàng. Nó làm mất mặt chính quyền hiện tại và mất mặt cho giới trí thức
Việt Nam, trí thức Việt Nam đã thực hiện biết bao nghiên cứu, bài viết về hai
ông mà họ bỏ qua hết.”
VIDEO : Tưởng nhớ học giả Trương Vĩnh Ký
Từ California, nhà giáo Nguyễn Trung Quân, cựu
hiệu trưởng trường Phan Thanh Giản ở thành phố Cần Thơ trước năm 1975, nói với
VOA rằng công văn của Ban Tuyên giáo vừa “không đúng đắn” về nội dung vừa
“không có tính lịch sử”. Ông nói:
“Đó là một điều phi lý. Cụ Phan Thanh Giản mất tính
đến nay là 155 năm, cụ Trương Vĩnh Ký mất tính đến nay là 124 năm, người Cộng sản
chiếm miền Nam tính đến nay là gần 47 năm. Vậy cái cơ quan đó làm cái chi mà
không làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật Trương Vĩnh Ký
và Phan Thanh Giản.
“Từ mấy mươi năm nay, qua các cuộc hội thảo ở Việt
Nam và ở ngoại quốc, chúng tôi đã có những nghiên cứu đề cập đến vấn đề đó. Viện
sử học Việt Nam trong văn thư ngày 20/1/2008 nói rất rõ rằng: Cụ Phan Thanh Giản
có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên lĩnh vực văn học, sử học. Về
nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu,
nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức để đánh giá một cách khách quan về cuộc
đời, sự nghiệp và những cống hiến của ông đối với lịch sử dân tộc. Với nhận định
mới trên quan điểm cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng
nhiều hình thức khác nhau.”
Nỗi đau xuyên thế
kỷ
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng chính quyền
cách mạng ở miền Bắc từ sau Hiệp định Gevene 1954 đã không có thiện ý đặt tên
đường mang tên Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, và quan điểm này cũng kéo
theo sự thay đổi tên đường, phá vỡ hay di dời tượng đài của hai nhân vật lịch sử
này sau khi chính quyền Nam Việt Nam bị mất năm 1975.
Thời Pháp thuộc, Hà Nội đã có đại lộ Phan
Thanh Giản từ năm 1949, và đến năm 1954 thành phố Hải Phòng cũng có đại lộ Phan
Thanh Giản. Tuy nhiên, sau khi miền Bắc “tiến lên” chủ nghĩa xã hội từ 1955 ở Hải
Phòng con đường này được đổi tên thành Cù Chính Lan, và tại Hà Nội con đường
mang tên Phan Thanh Giản cũng đổi tên thành Nguyễn Hữu Huân từ năm 1964.
Khi Đô thành Sài Gòn có tên mới là thành phố Hồ
Chí Minh thì những con đường mang tên Phan Thanh Giản cũng không còn. Vào tháng
8/1975, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định quyết định đổi tên đường
Phan Thanh Giản ở quận 3, có từ năm 1955, thành đường Điện Biên Phủ. Vài năm
sau đó, một con đường Phan Thanh Giản ở quận Gò Vấp bị thay đổi tên thành Nguyễn
Thái Sơn.
Tại Cần Thơ, từ năm 1917 đã có ngôi trường
trung học mang tên Phan Thanh Giản (dành cho nam sinh) tọa lạc ngay trên đường
Phan Thanh Giản. Sau năm 1975, trường này bị đổi tên thành trường cấp 3 An Cư
và đến năm 1985 lại đổi tên thành trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm.
https://gdb.voanews.com/B27B8EFA-288D-48CF-95CE-81BC16E064E9_w650_r0_s.png
Một góc trường Châu
Văn Liêm ở Cần Thơ vào năm 2018, trước đây là trường Phan Thanh Giản. Photo
Sunny Doan
Nhà giáo Nguyễn Trung Quân chia sẻ nỗi đau khi
ngôi trường mang tên Phan Thanh Giản do ông làm hiệu trưởng bị đổi tên và bức
tượng Phan Thanh Giản ở giữa sân trường bị chính quyền mới phá vỡ. Sự việc xảy
ra cách nay hơn 45 năm, nhưng đối với ông, “nỗi đau vẫn day dứt.”
“Từ khi những người cộng sản vào miền Nam vào tháng
4/1975, thì sang đến tháng 5/1975, họ đập vỡ tượng cụ Phan Thanh Giản ở giữa
sân trường của chúng tôi. Họ hạ bảng tên để đổi tên trường nhằm như rằng để dằn
mặt trí thức miền Nam.
“Lối hành động đó chúng tôi biết là sai, chúng tôi mấy
mươi năm nay đã liên lạc thẳng với họ chỉ rõ sự sai lầm lịch sử của họ... Chúng
tôi gửi văn thư cho chính quyền Cần Thơ, chính quyền Trung ương hơn 20 năm nay.
“Cụ Phan Thanh Giản là một người yêu nước, tuẫn tiết
để giữ vẹn chữ trung.
“Ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người cộng sản mà
còn tặng tượng cụ Phan Thanh Giản cho tỉnh Vĩnh Long để dựng tượng lên. Ông
cũng cho rằng cụ Phan Thanh Giản là người yêu nước.
“Còn chúng tôi và những học sinh gắn bó với trường,
chỉ yêu cầu làm theo đúng lịch sử - trả lại tên trường. Thế nhưng đến nay, họ vẫn
có thái độ lập lờ, bởi vì họ dùng chính trị, chứ không phải lịch sử, nhằm mục
đích hạ bệ cụ Phan Thanh Giản.”
Cũng sau năm 1975, đường Phan Thanh Giản ở Cần
Thơ bị đổi tên thành đường Phan Đăng Lưu và không lâu sau lại đổi tên thành đường
Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Từ thời Pháp, ở Sài Gòn có trường Lycée Pétrus
Trương Vĩnh Ký (Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký) được thành lập từ năm 1927,
còn được gọi là trường Pétrus Ký, là nơi mà các ông Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn
Sang... từng theo học, sau này đi theo cách mạng và trở thành những nhà lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam.
https://gdb.voanews.com/E6071660-828D-4D05-878C-8F55369A5F60_w650_r0_s.jpg
Lớp Đệ Tam C,
Petrus Ký, niên khóa 1957 – 1958. (Hình: Phạm Phú Minh cung cấp)
Năm 1937, nhân lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ
100 của Trương Vĩnh Ký, trường đặt tượng bán thân bằng đồng của ông tại giữa
sân trường. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc người Pháp, thực hiện từ năm
1889, khi nhà bác học Trương Vĩnh Ký còn tại thế, theo báo Tuổi Trẻ.
Sau biến cố 1975, trường bị đổi tên, thay tượng.
Tên mới của trường là Lê Hồng Phong, Tổng bí thư Đảng giai đoạn 1935-1936; và bức
tượng đồng của nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng bị dời đi.
Trong khi đó, một bức tượng đồng toàn thân của
cụ Trương Vĩnh Ký, đúc năm 1927, được nhân dân Nam Bộ góp tiền xây dựng nên và
đặt ở vườn hoa trước Dinh Độc Lập, gần đường Alexandre de Rhodes ở quận Nhất, đến
năm 1975 bị chuyển vào một góc hẹp ở Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhận định
rằng người có công đầu trong việc sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ là Alexandre de
Rhodes, nhưng để chữ Quốc Ngữ phát triển như hiện nay phải kể đến công lao của
Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Ông Trương Minh Đạt, chắt của Trương Vĩnh Ký, người quản lý và trông coi khu lăng mộ
Trương Vĩnh Ký trên đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, nói với Luật khoa tạp chí: “Người
ta luôn nghĩ ông Trương Vĩnh Ký là Việt gian, vì cái tên Petrus Trương Vĩnh Ký
nên người ta nghĩ Petrus là Pháp rồi nhưng thật sự theo đạo thì tên thánh đi
trước, chứ ông đi xứ với Phan Thanh Giản vẫn mặc áo dài khăn đóng bình thường,
ông không mặc đồ Tây. Pháp kêu theo quốc tịch Pháp vẫn không theo”.
“Ai công nhận thì cảm ơn, ai không công nhận thì
thôi. Xấu cũng được, tốt cũng được, người sau hậu thế sẽ nhận xét. Như ông
Trương Vĩnh Ký đã viết, về sau hãy để hậu thế nhận xét ông có tội hoặc không có
tội,” Trương Minh Đạt nói.
.
Sách
mới: Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’
.
Phan Thanh Giản
và vụ án “Phan Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân”
Luật sư Phan Đào Nguyên ở California, tác giả khảo cứu “Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan
Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân’”, nói với VOA rằng các sử gia tại miền Bắc
Việt Nam đã sử dụng câu này liên tục từ thập niên 1950 đến nay, nhân danh “nhân
dân” để kết tội bán nước cho hai đại thần triều Nguyễn là Phan Thanh Giản
(Phan) và Lâm Duy Hiệp (Lâm); với sự chú trọng đặc biệt vào Phan Thanh Giản, vị
tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.
Câu trên có nghĩa là Phan (Thanh
Giản), Lâm (Duy Hiệp) bán nước, Triều đình bỏ rơi dân chúng. Lâm
Duy Hiệp (1806-1863) là một quan đại thần triều Nguyễn.
Nghiên cứu của Luật sư Phan Đào Nguyên đưa ra
kết luận, sau năm 1975 thì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã được
đem từ miền Bắc vào phổ biến ở miền Nam. Rồi từ đó, nó được coi như “một sự thật
lịch sử trong cả nước”.
“Theo sự nghiên cứu của tôi thì “cái tội” lớn nhất
mà các sử gia miền Bắc đã gán cho Phan Thanh Giản là “tội bán nước”, và họ
dùng câu “Phan Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân” như là một bằng chứng mà
họ cho rằng nhân dân miền Nam đã gán cho Phan Thanh Giản sau khi ông ký hòa ước
Nhâm Tuất năm 1862.
“Theo nghiên cứu của tôi, câu “Phan Lâm mãi quốc,
Triều đình khí dân” không có nguồn gốc từ nhân dân miền Nam, và cũng không phải
đã được dùng để đề lên trên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định như các sử gia miền
Bắc đã nói, mà câu này là một sản phẩm được chế tạo ra bởi ông Trần Huy Liệu,
Viện trưởng Viện Sử học ở miền Bắc vào thập niên 1950-1960. Sau đó câu này được
đem vào nhà trường dạy cho trẻ con ở miền Bắc và sau 1975 thì được dạy cho khắp
cả nước.
Khi được hỏi liệu nghiên cứu của ông có phải
là nguyên nhân, hay một phần nguyên nhân, đưa đến văn bản gần đây của ban Tuyên
Giáo hay không, luật sư Phan Đào Nguyên nói, tám chữ nêu trên chính là nguồn
gốc cho sự lên án Phan Thanh Giản trong suốt mấy mươi năm qua, và là “căn bản
cho cái gọi là “ý kiến trái chiều” về Phan Thanh Giản”.
“Câu này đã tạo nên cái mà chúng ta có thể thấy
trong công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong đó có ghi “ý kiến trái chiều
hay những đánh giá khác” về Phan Thanh Giản,” ông
Phan Đào Nguyên nhận định.
Nhà giáo Nguyễn Trung Quân nêu nhận định tương tự:
“Quyển sách dài 384 trang của nhà nghiên cứu Phan
Đào Nguyên đã khiến cho họ không thể trả lời được. Nó cho thấy rõ gian kế của
người cộng sản và thực tế cách thức làm việc của người mà họ cho là “sử gia” miền
Bắc.
“Hai vị Phan, Trương là hai học giả lớn của miền
Nam, bị họ dồi dập lên xuống, rồi ra cái văn thư theo kiểu đòn thù thì thật
không xứng đáng với cách thức làm lịch sử. Mà thật vậy, họ làm chánh trị, chứ
không làm lịch sử.”
https://gdb.voanews.com/C5FD9292-A34A-4E8F-9682-C149CEA7B45F_w650_r1_s.jpg
Trường trung học tư
thục Phan Thanh Giản ở Đà Nẵng (1969 - 1975). Photo Thuong mai truong xua.
Làn sóng mới từ
sau Đại hội Đảng XII?
Tác giả Phan Đào Nguyên bắt đầu nghiên cứu về
hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký trong vài năm gần đây và biết rằng
chính quyền Việt Nam đã dùng “mệnh lệnh” miệng để cấm phát hành hai quyển sách
viết về hai nhân vật này.
“Có hai quyển sách về hai nhân vật lịch sử
này: Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ và Phan Thanh Giản –
Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời đã
được in ra ở bên Việt Nam nhưng rồi đã bị cấm, và theo tôi hiểu trong đó có quyển
bị cấm mà không có công văn gì cả.”
Vào tháng 8/2017, cuốn “Petrus Ký, nỗi
oan thế kỷ” do nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu chủ biên, một
công trình tập hợp các bài viết của nhiều tác giả xưa và nay, nói về học giả
Trương Vĩnh Ký (1837-1898), bị thu hồi khỏi các hiệu sách và bị cấm phát hành ở
Việt Nam.
Quyển sách trên được Cục Xuất bản cấp giấy
phép với đầy đủ các thủ tục giấy tờ và đã qua thời hạn lưu chiểu theo luật định
để lưu hành, được dự trù ra mắt tại Đường Sách Sài Gòn, nhưng đã bị hủy theo “một
chỉ thị miệng” và báo chí được tin nhận cảnh báo không đưa tin về cuốn sách
này, trang BBC dẫn lời tác giả Nguyễn Đình Đầu cho biết.
Cuối 2019 đầu 2020, cuốn sách “Phan
Thanh Giản – Nhà ái quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những
năm cuối đời (1862-1867)” của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ
và Pierre Ph. Chanfreau, do dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ từ tiếng Pháp, đã
phải tạm dừng phát hành, theo trang Người Đô thị.
Trang này dẫn nội dung công văn số 09/CV/XBHN
của nhà xuất bản Hà Nội viết: “Trong quá trình rà soát lại, NXB Hà Nội nhận thấy
một vài nội dung cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể chỉnh sửa cho phù hợp
hơn”, đồng thời đề nghị tạm dừng phát hành quyển sách công phu về nhân vật “gây
tranh cãi” Phan Thanh Giản để hai bên cùng thống nhất và tổ chức chỉnh sửa.
Cuốn sách này về Phan Thanh Giản từng được nhà
xuất bản L’Harmattan (Paris, Pháp) ấn hành vào năm 2002 có tựa đề “Phan
Thanh Gian: patriote et précurseur du Vietnam moderne. Ses dernières années
1862-1867”.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, tác giả trẻ Tôn
Phi, người có ấn phẩm phát hành trên mạng Amazon, nêu nhận định với VOA:
“Cho dù hai ông Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản có
như thế nào đi chăng nữa thì đó là những tên tuổi rất lớn, có nhiều đóng góp
cho lịch sử và tiến trình văn hóa của nước nhà.
“Việc đặt tên đường phải thực hiện theo nguyện vọng
của nhân dân và khi nhân dân yêu cầu trả lại tên đường thì chế độ cầm quyền buộc
phải trả lại tên đường, nhất là tên những con đường đó vô hại đối với văn hóa
xã hội.
“Ban Tuyên giáo Trung ương cố tìm mọi cách để thao
túng tâm lý của một bộ phận dân chúng, song ngày nay với sự tiến bộ của
Internet, không ai có thể giấu được bất kỳ điều gì, vì người dân đã rất ý thức
về điều này”.
https://gdb.voanews.com/870A4242-C23F-4092-A7B4-960EB82A64F7_w650_r0_s.png
Đường Phan Thanh Giản
ở Mỹ Tho, Tiền Giang, tháng 12/2021. YouTube Mytho Around.
Giữ nguyên trạng?
và ‘rút kinh nghiệm’?
Hiện tại ở miền Nam, vẫn có những ngôi trường
và con đường mang tên Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, nhưng hầu hết là trường
tư thục hay dân lập và là tên của những con phố nhỏ, ví dụ như đường Phan Thanh
Giản ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, hay đường Trương Vĩnh Ký ở thị xã
Lagi, tỉnh Bình Thuận.
Các nhân viên tại hai trường dân lập Trương
Vĩnh Ký ở Tp. Hồ Chí Minh và ở Đồng Nai nói với VOA rằng nhà trường không có kế
hoạch phải đổi tên và cũng không biết gì về công văn của Ban Tuyên giáo.
Có lẽ ngôi trường công lập duy nhất hiện tại
mang tên Trương Vĩnh Ký ở Việt Nam là một ngôi trường trung học ở xã Vĩnh
Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, sinh quán của nhà bác học.
https://gdb.voanews.com/7F8E3886-FBB8-4759-93DC-4C460316C0AB_w650_r0_s.jpg
Trường trung học
công lập Trương Vĩnh Ký ở Bến Tre. Photo Bao Dong Khoi
Trường được Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh
ra quyết định thành lập vào năm 2009, sau khi thừa nhận kết luận của một cuộc tọa
đàm của các nhà khoa học về những đóng góp to lớn của Trương Vĩnh Ký, đặc biệt
trong lĩnh vực văn hóa và ngôn ngữ. Vào cuối năm 2010, bức tượng đồng tạc nhà
bác học Trương Vĩnh Ký do tạp chí Xưa & Nay quyên góp, được khánh thành tại
ngôi trường này.
Trước đó, vào năm 2008, chính quyền tỉnh Bến
Tre thành lập giải thưởng mang tên Trương Vĩnh Ký, do hội khuyến học đề nghị, để
vinh danh các học sinh trung học xuất sắc trên toàn tỉnh.
Vào năm 2008, chính quyền tỉnh Vĩnh Long tổ chức
lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
– nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết. Pho tượng do cố Thủ tướng
Võ Văn Kiệt phụng hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85cm, nặng 250 kg, được tỉnh
Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh Miếu.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: “Tôi khẳng
định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn
phận, Cụ đã tự làm án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch,
thật đáng để lại gương soi cho hậu thế… Tôi đã về thăm mộ cụ Phan Thanh Giản và
đốt nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và
nhà thờ cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều.”
Một nguồn tin cấp ủy thân tín với ban tuyên
giáo nói với VOA rằng chính quyền có thể sẽ cho giữ nguyên trạng những gì đã
có, và sẽ “rút kinh nghiệm” trong việc lấy tên hai cụ để đặt tên đường, công
trình công cộng trong tương lai.
Với công văn mới này của Ban Tuyên giáo Trung ương, có lẽ trường THPT Trương Vĩnh Ký ở Bến Tre sẽ là ngôi trường công lập cuối cùng ở Việt Nam mang tên này, và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là lãnh đạo cộng sản nhất và cuối cùng chính thức tôn vinh công lao của nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Nhưng Thủ tướng Kiệt đã qui tiên cùng hai cụ Phan, Trương mất rồi!
No comments:
Post a Comment