Wednesday, January 12, 2022

NGA GIA TĂNG ÁP LỰC TRƯỚC CUỘC ĐÀM PHÁN VỀ AN NINH VỚI NATO TẠI BRUXELLES (Trọng Thành - RFI)

 



Nga gia tăng áp lực trước cuộc đàm phán về an ninh với NATO tại Bruxelles

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 12/01/2022 - 11:51

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220112-nga-gia-t%C4%83ng-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-cu%E1%BB%99c-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-v%E1%BB%81-an-ninh-v%E1%BB%9Bi-nato-t%E1%BA%A1i-bruxelles

 

Sau đàm phán Mỹ - Nga tại Geneve, Thụy Sĩ, đến lượt khối NATO và Nga có cuộc đối thoại tại Bruxelles, Bỉ, hôm nay, 12/01/2021. Trước cuộc họp, Matxcơva gia tăng áp lực.

 

https://s.rfi.fr/media/display/59f8657e-7390-11ec-80ee-005056a90284/w:1024/p:16x9/AP22012345822135.webp

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (G) và thứ trưởng Ngoại Giao Nga Alexander Grushko, tới dự cuộc họp Hội đồng NATO-Nga tai Bruxelles, Bỉ ngày 12/01/2022 AP - Olivier Hoslet

 

Theo Reuters, quân đội Nga đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Ukraina hôm qua 11/01, một ngày sau khi Mỹ thúc giục Nga rút 100.000 quân ra khỏi khu vực này. Bộ Quốc Phòng Nga cho biết khoảng 3.000 binh sĩ tham gia tập trận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov một mặt khen ngợi các thảo luận hôm thứ Hai 10/01 với Mỹ đã diễn ra « cởi mở, thực chất và trực tiếp », mặt khác khẳng định hiện còn sớm để lạc quan về triển vọng.

 

Đứng đầu phái đoàn Nga trong cuộc đối thoại với NATO là thứ trưởng ngoại giao Alexandre Grouchko. Trưởng đoàn Nga khẳng định cuộc họp này là « thời khắc của sự thật » trong quan hệ Nga – NATO. Phía Nga bắn tín hiệu cuộc gặp này sẽ là dịp để quyết định có nên tiếp tục thương lượng hay chấm dứt. Hồ sơ chính sẽ được Nga đề cập hôm nay là yêu cầu khối NATO không được mở rộng sang Ukaina, và bất cứ quốc gia nào giáp biên giới với Nga.

 

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết cụ thể :

 

« Cuộc họp với NATO là thời điểm để khẳng định cần dừng lại hay tiếp tục các cuộc thảo luận, đó là thông điệp mà nhà thương thuyết Nga đưa ra. Có nhiều cơ hội để ngỏ cho khả năng xuống thang căng thẳng, kiểm soát tên lửa hay giảm nhẹ căng thẳng quân sự tại Ukraina. Tại sao không, nhưng thứ Tư này, đối với Nga, hồ sơ chính phải được đề cập đến, đó là đòi hỏi khối NATO không được mở rộng sang bất cứ quốc gia nào sát biên giới với Nga, sang Ukraina, hay sang Gruzia.

 

Nga muốn đạt được với NATO một cam kết chắc chắn « như bê tông cốt thép ». Chính quyền Nga thậm chí còn đưa ra một thời hạn đề ra cam kết này, đó là phiên họp toàn thể của khối NATO vào cuối tháng 6 tới.

 

Điện Kremlin hiểu rất rõ rằng đòi hỏi này sẽ không thể nào được các quốc gia NATO chấp nhận. Không có chuyện các nước thành viên NATO cũng như các ứng cử viên tiềm năng vào khối này sẽ chấp nhận các điều kiện của Matxcơva.

 

Giữa lập trường của hai bên là cả một vực thẳm. Tuy nhiên, vẫn có chút tia sáng lạc quan : hồi tháng 12/2021, Nga từng đòi hỏi cấm triển khai mọi lực lượng của NATO tại sườn đông châu Âu, sát biên giới phía Tây của Nga. Chính quyền Nga giờ không còn đề cập trở lại vấn đề này nữa ».

 

Mỹ nghi ngờ thực tâm đàm phán của Nga

 

Về phía chính quyền Kiev, hôm qua, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken. Trong cuộc điện đàm, ngoại trưởng Ukraina khẳng định các đàm phán tại Geneve cho thấy phương Tây thống nhất lập trường chống lại « tối hậu thư » từ Nga.

 

Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Paski, trong một cuộc họp báo bày tỏ nghi ngờ về thực tâm đàm phán của chính quyền Nga. Phát ngôn viên Nhà Trắng nêu khả năng Matxcơva có thể « lấy cớ các thương lượng thất bại » để tiếp tục các hành động « gây hấn ».

 

Việc NATO mở rộng về phía đông không chỉ liên quan đến Ukraina. Trước các đe dọa gia tăng từ Nga, đầu năm mới 2022, chính quyền Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố không loại trừ khả năng đề nghị gia nhập NATO để được bảo đảm về an ninh.

 

--------------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÂN TÍCH

Ukraina : Canh bạc bịp của tổng thống Nga Vladimir Putin ?

 

UKRAINA - NGA - HOA KỲ

Ukraina ít kỳ vọng vào đàm phán Nga-Mỹ

 

NGA - MỸ - NATO

Nga, Mỹ đàm phán ôn hòa nhưng vẫn căng thẳng về việc mở rộng NATO




No comments: