Monday, January 24, 2022

MỘT SÔNG BĂNG Ở NAM CỰC NẾU TAN CHẢY CÓ THỂ LÀM MỰC NƯỚC BIỂN DÂNG THÊM 65cm (Thu Hằng - RFI)

 



Một sông băng ở Nam Cực nếu tan chảy có thể làm mực nước biển dâng thêm 65 cm

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 23/01/2022 - 15:33

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220123-mot-song-bang-o-nam-cuc-neu-tan-chay-co-the-lam-muc-nuoc-bien-dang-them-65-cm

 

Nằm ở phía tây Nam Cực, sông băng Thwaites, có diện tích tương đương với nước Anh hay bang Florida (Mỹ), ngày càng bị rạn nứt do biến đổi khí hậu. Nếu biến mất hoàn toàn, khối băng rộng 120 km, dài 600 km và sâu 3 km có nguy cơ làm mực nước biển dâng thêm 65 cm. Chính vì thế, sông băng Thwaites còn được gọi là « sông băng Ngày Tận thế ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/d7ae3d10-163e-11ea-bbd4-005056a99247/w:1024/p:16x9/d78dd5f5ee5b61b9c07110cdaf425760dcd09902_0.webp

Thwaites, một trong những sông băng lớn nhất thế giới có diện tích như nước Anh, nằm ở Nam Cực. © NASA/AFP

 

Một nghiên cứu gần đây phối hợp các dữ liệu vệ tinh, tầu lặn không người lái và thông số GPS cho thấy có nhiều vết nứt đáng ngại trên bề mặt sông băng này. Trả lời trang France 24 ngày 17/01, bà Catherine Ritz, giám đốc nghiên cứu tại Viện Khoa học Địa chất Môi trường Grenoble (Pháp), giải thích một số nguyên nhân.

 

Thứ nhất, « phần nổi của thềm băng bị sức nóng đại dương tấn công, trong khi chính phần nổi này, được coi như kiểu « nút chai », đang ngăn không cho phần băng còn lại trong khu vực chảy ra biển ». Thứ hai, « người ta biết từ lâu là sông băng này đã có vấn đề về khả năng dễ đứt vỡ do hình dạng của nó và cấu tạo của phần móng dưới lớp băng ». Yếu tố thứ ba, theo đo đạc của một robot thám hiểm, nước ấm đang chảy len lỏi từ mọi phía ở phía dưới và làm tan chảy phần băng dính vào đất khiến « sông băng thêm suy yếu ».

 

Nữ giáo sư Erin Pettit, người điều phối chính dự án ITGC (International Thwaites Glacier Collaboration) nghiên cứu sông băng này, có cách giải thích dễ hiểu hơn trên đài BBC : « Hãy hình dung hiện tượng này như một tấm kính ô tô và bạn thấy có vài vết nứt lan từ từ, rồi bỗng nhiên xe của bạn chạy qua một ổ gà và thế là tất cả bắt đầu vỡ tung ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/c012800e-7c5c-11ec-83c2-005056a90284/Thwaites%20Glacier.webp

Vị trí của sông băng Thwaites ở Nam Cực. Ảnh chụp màn hình Twitter The Antarctic Report. © Twitter / The Antarctic Report

 

Hàng năm, Thwaites đổ ra biển trung bình khoảng 50 tỉ tấn băng. Nhịp độ này không ngừng tăng từ nhiều thập niên qua do tác động của hiện tượng Trái Đất nóng lên và cũng làm thay đổi dòng chảy. Các nhà khoa học theo dõi Thwaites cho rằng vùng nổi của sông băng có thể tan chảy từ đây đến 5 năm nữa. Đây là điểm không thể cứu vãn được, kéo theo sự biến mất hoàn toàn của sông băng. Và nếu Thwaites biến mất, mực nước biển có thể dâng thêm 65 cm, theo cảnh báo của các nhà khoa học.

 

Ngoài ra, vì nằm ở vị trí chiến lược ở phía tây Nam Cực, nếu sông băng Thwaites tan chảy, hàng loạt sông băng khác cũng bị kéo theo và như vậy càng khiến mực nước biển dâng cao gây hậu quả kinh khủng cho vài trăm triệu người sống ở vùng duyên hải và các đảo quốc.

 

Trước thách thức này, việc theo dõi sông băng Thwaites được tăng cường trong những năm gần đây nhờ dự án của Mỹ và Anh ITGC (International Thwaites Glacier Collaboration). Hiện « có ít khả năng cho thấy Thwaites tách hoàn toàn từ nay cho đến cuối thế kỷ », theo nhận định của bà Catherine Ritz.

 

--------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

KHÍ HẬU - AMAZON

Rừng Amazon không còn là “lá phổi xanh” của Trái đất nữa

 

GROENLAND - BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Groenland, vùng đất báo hiệu cho thảm họa khí hậu

 

THIÊN TAI - THIỆT HẠI

Khí hậu: Thiệt hại do các thiên tai trong năm 2021 cao hơn bao giờ hết

 





No comments: