Saturday, January 15, 2022

KHÔNG CÓ TỰ DO, DÂN CHỦ THỰC SỰ SẼ KHÔNG CÓ ĐƯỢC NHÂN TÀI (RFA)

 



Không có tự do, dân chủ thực sự sẽ không có được nhân tài

RFA
2022.01.14

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/without-freedom-true-democracy-will-not-have-talent-01142022113653.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/without-freedom-true-democracy-will-not-have-talent-01142022113653.html/@@images/f37211f0-9b66-493a-9cd8-5c6e417cb20d.jpeg

Ảnh minh họa chụp tại một kỳ họp quốc hội trước đây.  AFP PHOTO

 

Thủ tướng Việt Nam mới đây cho rằng muốn có cán bộ giỏi phải tổ chức thi tuyển. Ông Phạm Minh Chính phát biểu như vừa nêu khi tham dự Hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội hôm 12/1/2022.

 

Ông Chính cho rằng người tài quan trọng nhất là phải có tư duy, phương pháp luận tốt, họ có thể học ngành này làm ngành kia, nhưng vẫn tiếp cận rất nhanh. Theo ông, những người tài chỉ làm việc một vài năm, nhưng hiệu quả công việc đã bằng người khác làm 10 năm. Ông Chính cho biết thêm: ‘thi tuyển đã được cha ông đặt ra từ rất lâu và thế giới cũng đang thực hiện’.

 

Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 14/1 cho rằng, nếu cán bộ lãnh đạo do Đảng lựa chọn thì rất khó có được cán bộ giỏi dù cho là bằng bầu cử hay thi tuyển, vì rằng tiêu chuẩn số một là lòng trung thành với Đảng, với Mác Lê. Những người giỏi chân chính thường không có lòng trung thành ấy lại hay có ý kiến phản biện, họ đã bị loại ngay từ vòng đầu. Ông nói tiếp:

 

“Thủ tướng đề cao việc thi tuyển. Nó là cần, nhưng là công việc cuối cùng. Phải có nhiều người giỏi đã mới có nguồn để tuyển chọn. Người giỏi trước hết là do Trời sinh ra, rồi có môi trường thuận lợi để phát triển. Môi trường tốt là tự do dân chủ. Vậy để có nhiều người giỏi cho Đảng lựa chọn thì trước hết phải tạo ra môi trường tự do, quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do phản biện và phải bỏ tiêu chuẩn trung thành với lý tưởng của Đảng trong lựa chọn. Bóp nghẹt tự do tư tưởng, tạo ra dân chủ giả hiệu thì chỉ vùi dập nhân tài, tiêu chuẩn trung thành chỉ nhằm loại bỏ nhân tài. Đường lối cán bộ của ĐCSVN phạm một số sai lầm về phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Theo đường lối đó dù có tổ chức thi tuyển kiểu nào cũng chủ yếu chọn được bọn người cơ hội.”

 

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy... nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trong một bộ máy cồng kềnh, gồm ba lực lượng Đảng, Chính quyền, Mặt trận... chồng chéo , dẫm đạp lên nhau thì tinh gọn được chỗ này lại phình ra chỗ khác mà thôi. Vì vậy Giáo sư Cống cho rằng, trước hết cần tinh gọn cơ cấu, như vậy sẽ có hiệu quả hơn nhiều.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/without-freedom-true-democracy-will-not-have-talent-01142022113653.html/ba290e7f-f12f-4c85-bff3-9e947fce305b.jpeg/@@images/3183f3dc-dbe1-461b-909f-1ac36b27bcf4.jpeg

Ảnh minh họa: Giáo viên trường Chu Văn An tại Hà Nội tham gia khóa đào tạo công chức. REUTERS.

 

Luật Cán bộ, công chức Việt Nam năm 2008 quy định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Nhà nước hay của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Lâu nay Việt Nam vẫn tổ chức các kỳ thi tuyển công chức thường kỳ... Nhưng vì sao vẫn không tuyển được người tài như lời ông Nguyễn Minh Chính?

 

Trả lời RFA hôm 14/1 từ Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận định:

 

“Thi công chức cũng là một việc tuyển cán bộ cho Nhà nước, việc thi đặt ra thì tôi cho là đúng hướng. Nhưng thực thi của nó thì tôi cũng nghe ý kiến từ nhiều nơi, thậm chí người ta có thể tiết lộ đầu bài, hay chăn dắt trước theo kênh này kênh khác chẳng hạn, để tuyển dụng được người nhà vào... Nhiều ý kiến phản ảnh đến tai, là chuyện ấy vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Thành ra mặc dù đã chính thức có cuộc thi tuyển công chức, thậm chí cấp Vụ Trưởng, Vụ Phó cũng có thi tuyển.... những cũng có nhiều nơi thi không nghiêm túc, chấm trước rồi mới đặt ra câu hỏi, rồi mới đưa vào hội đồng... Nói chung là độ minh bạch còn thiếu.”

 

Thế nhưng theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, điều quan trọng hơn ngoài chuyện thi tuyển thì lương công chức phải tử tế hơn. Chứ lương công chức như hiện nay thì theo ông Võ là không thể làm giỏi được... Bởi vì ăn ít thì làm cũng chểnh mảng, theo kiểu đến uống nước là chính, rồi sau lại kéo nhau về chẳng hạn.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Văn Tất Thu khi trả lời báo chí trong nước cũng cho rằng, chừng nào đội ngũ cán bộ công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, khi đó chính phủ Hà Nội mới kỳ vọng có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, văn hóa công vụ, đạo đức công chức…

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhận định trên báo nhà nước rằng, tiền lương không phải nguồn thu nhập chính của cán bộ công chức, bổng nhiều hơn lương. Ông Thạo cũng cho rằng nhiều người thích vào công chức nhà nước vì có phần ngoài lương; còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào.

Nếu chỉ với đồng lương thực nhận, thì liệu giới lãnh đạo Việt Nam có thể có cơ ngơi như mọi người trông thấy, hay con cái họ liệu có thể có tiền để đi du học tại nước ngoài hay sống cuộc đời ‘vương giả’?

 

Trong khi việc tổ chức thi tuyển công chức được cho là còn nhiều kẽ hở thì việc đào tạo nâng cao trình độ công chức cũng còn nhiều bất cập.

 

Liên quan vụ bê bối trường Đại học Đông Đô cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều cán bộ công chức nhà nước cũng đã tham gia mua bằng giả. Đáng chú ý, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.

 

Nhiều người cho rằng, Bộ Nội vụ nên thay đổi cách tuyển dụng công chức và cần xem lại thay vì đào tạo tiến sĩ cho công chức thì công chức nên học chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công...

 

--------------------

Tin, bài liên quan

 

Bệnh ‘sợ trách nhiệm’ của công chức là do thể chế!

 

Công chức không học chính sách công mà lại học để lấy bằng tiến sĩ?

 

Giảm biên chế có giúp nâng chất lượng công nhân viên chức?

 

Công khai kết quả đánh giá có thực sự cải thiện chất lượng cán bộ?

 

Vào biên chế để hưởng ‘bổng’ chứ không phải lương: thực trạng Việt Nam!




No comments: