Sunday, January 9, 2022

KHI CÁC CỤ 'HỌC GIẢ' CŨNG KHÔNG PHÂN BIỆT GIỮA "TRIÊU MỘ" và "CHIÊU MỘ" (Hoàng Tuấn Công)

 


Khi các cụ “học giả” cũng không phân biệt giữa “triêu mộ” và “chiêu mộ”    

Hoàng Tuấn Công
7 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ca-ke-chu-nghia/khi-cac-cu-hoc-gia-cung-khong-phan-biet-giua-trieu-mo-va-chieu-mo/

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/chieumo-800x450.png

 

Hai chữ này rất thường xuyên bị dùng sai. Ai yêu thích thơ Hồ Xuân Hương hẳn đều nhớ câu: Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng/ Một vũng tang thương nước lộn trời. Thế nhưng không ít “tiến sĩ”, “giáo sư” trong nước đều dùng loạn cào cào.

 

Đơn cử, trong bài “MINH” khắc trên quả chuông Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ông giáo sư  Vũ Khiêu viết rằng:

“… Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí

Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

 

Thực ra nói về hồi chuông sớm chiều, phải là triêu mộ 朝暮 mới đúng. Vì triêu  = sớm; mộ  = chiều.

 

Ví dụ: triêu tịch 朝夕 = sớm và tối; triêu dương 朝陽 = mặt trời buổi sáng; Triêu lệnh mộ cải  朝令暮改 = Lệnh ra buổi sáng, buổi chiều đã sửa lại.

 

Còn chiêu mộ 招募 [chiêu  = tuyển mộ; mộ  = tìm kiếm, tập hợp], lại có nghĩa là tuyển mộ.

 

Ví dụ: chiêu  trong chiêu hồn 招魂 (gọi hồn người chết về); chiêu binh mãi mã 招兵買馬 (chiêu mộ binh lính, mua sắm chiến xa); chiêu sinh 招生 (mời gọi, tuyển sinh khóa mới); chiêu tập 招集 (làm cho người ở nhiều nơi tập hợp lại); mộ  trong mộ línhmộ dân, v.v…

 

Ở đây dĩ nhiên không phải là quy ước chính tả hoặc liên quan cách phát âm vùng miền, giữa “triêu” hay “chiêu”, mà liên quan đến nghĩa từ nguyên.

 

Trong Hán tự thì chữ triêu  thuộc chữ hội ý, hình trong giáp cốt văn bên trái có bộ nhật và mộc ; bên phải có bộ nguyệt , biểu thị trăng chưa lặn hẳn mà Mặt trời đã nhô lên phía rặng cây, có nghĩa đó là buổi sáng sớm. Còn chữ chiêu  trong chiêu mộ 招募 lại có bộ thủ (cái tay), biểu thị dùng tay để vẫy gọi, tập hợp người lại.

 

Phải chăng đã có lỗi “đánh máy” trong bài “MINH” của “đại giáo sư” Vũ Khiêu chăng, khi triêu mộ bị “gõ” lầm thành chiêu mộ?

 

Không phải vậy. Cũng chính ông giáo sư “lẫy lừng” này, trong một quyển sách viết về Hồ Chí Minh (NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2004), đã cho ta biết rõ ràng như sau: “Ba hồi chiêu mộ nói lên ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều (chiêu là buổi sáng, mộ là buổi chiều)”.

 

Thật là vớ vẩn. Căn cứ chữ nghĩa và cách diễn giải của ngài Vũ Khiêu thì câu “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí” – không thể có nghĩa là “ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều” – như ông giảng, mà buộc phải hiểu thành Ba hồi “tuyển mộ” rung tâm trí mới đúng (!).

 

Ôi! Liệt sĩ đã yên giấc ngàn thu, ông Khiêu còn “chiêu mộ” vào việc gì nữa? Tóm lại, ông Vũ Khiêu đã không hiểu nghĩa gốc của từ, dẫn đến viết sai chính tả, triêu thành chiêu, hoặc đơn giản ông cứ ngỡ chiêu  có nghĩa là buổi sáng.

 

Mà không chỉ mỗi giáo sư Khiêu. Một số ngài giáo sư “đỉnh cao” khác cũng sai tuốt. Trong quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam (cuốn sách do chính ông Vũ Khiêu viết lời giới thiệu, và cho rằng đây là “một tác phẩm có giá trị mà cả xã hội mong đợi”), ngài giáo sư Nguyễn Lân đã giảng như sau:

 

Chiêu mộ • dt. (chiêu: sáng; mộ: buổi chiều) Sáng và chiều”. Thậm chí, ngài giáo sư đáng kính Nguyễn Lân còn dẫn hai câu thơ của Hồ Xuân Hương làm “minh họa”, và vô tình xuyên tạc câu chữ của người xưa: “Ba hồi chiêu mộ, chuông gầm sóng” (!).

 

Phải chăng chính cụ Vũ Khiêu đã tham khảo và đặt niềm tin tuyệt đối vào “cuốn từ điển sống” của cụ Nguyễn Lân, rằng chiêu mộ nghĩa là “sáng và chiều”!?

 

Điều đáng ngạc nhiên là cái sai này mang tính dây chuyền, khiến cả nhà phê bình Lê Xuân Đức (“chuyên gia số một” về thơ… Hồ Chí Minh) cũng lầm “triêu” thành “chiêu”.

 

Chuyện viết sai chính tả không hiếm trên sách báo. Tuy nhiên, một “bài MINH” viết sai chính tả, dùng từ sai hoàn toàn như vậy mà vẫn được khắc trên chuông đồng, thì có lẽ là trường hợp “xưa nay hiếm”.

 

Rồi “dĩ hư truyền hư”, vậy là “cái anh” Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cứ thế mà cho in và  báo chí cứ thế mà chép lại.

 

Trong bài “Âm vang Trường Sơn” (và hầu hết các bài viết về nghĩa trang Trường Sơn) chẳng hạn, tác giả đã noi theo “gương các cụ” mà chép lại nguyên văn “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí” của Vũ Khiêu, rồi tán phét:

 

Khi tôi vừa bước đến chân đồi nghĩa trang, tiếng chuông đã thỉnh lên như lời đánh thức hương hồn các liệt sĩ chào đón những người thân lên thăm. Đó là cuộc gặp gỡ của những người thân trở về thường ngày. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu được khắc lên thành chuông: ‘Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ. Dạt dào Đông Hải khí anh linh. Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí. Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình’. Đúng là tiếng chuông ngân bát ngát Trường Sơn” (trích bài viết của tác giả Lương Sử đăng trên báo Công An Nhân Dân ngày 8 Tháng Tám 2015).

 

Các “cụ” mà còn như thế thì bảo sao “các cháu” ngày nay cứ sai bét nhè và sai loạn cào cào!




No comments: