Saturday, January 22, 2022

JOE BIDEN PHẢI TẬP NGHỀ TỔNG THỐNG (Ngô Nhân Dụng)

 



Joe Biden phải tập nghề tổng thống

Ngô Nhân Dụng

20/01/2022

https://www.voatiengviet.com/a/biden-phai-tap-nghe-tong-thong/6404968.html

 

https://gdb.voanews.com/189A28A1-3F3D-4C29-8E92-0AED8B76449A_w650_r1_s.jpg

Ông Joe Biden không có “nghề” đóng vai tổng thống. Nghề chính trị của ông được đào luyện trong Thượng viện suốt 36 năm, 1972 - 2008.

 

Tháng 6 năm 1987, ông Joe Biden 45 tuổi, công bố ý định tranh cử tổng thống, sau khi đã làm nghị sĩ 15 năm. Đến tháng 9 thì ông rút lui. Từ đó, cứ 4 năm ông lại ra tranh cử lần nữa nhưng đảng Dân Chủ không chấp nhận. Năm 2012 ông đang làm phó tổng thống ông nên không tranh cử, bốn năm sau ông phải nhường cho bà Hillary Clinton.

 

Năm 2016 ông Biden may mắn. Đảng Dân chủ đưa ông ra vì biết nếu chọn Nghị sĩ Bernie Sanders thì sẽ thất bại. Dân Mỹ dồn cho ông 81 triệu trong tổng số 158 triệu lá phiếu, những con số cao nhất trong lịch sử, chỉ vì nhiều người không muốn ông Donald Trump làm tổng thống nữa.

 

Nói về thành tích thì trong một năm đầu ông Joe Biden đã thực hiện được nhiều điều hơn các vị tổng thống trước. Ông Obama chỉ để lại một đạo luật cải tổ y tế. Ông Trump chỉ ký được đạo luật cắt giảm thuế cho người lợi tức cao. Ông Biden đã ký đạo luật gần $2 ngàn tỷ đô la cứu trợ bệnh dịch Covid-19. Ông ban hành đạo luật $1.2 ngàn tỷ xây dựng hạ tầng cơ sở, mà ba đời tổng thống trước vẫn hô hào nhưng không ai làm được. Cả hai đều là những công trình lập pháp lớn, ảnh hưởng lâu dài, đến tất cả mọi người. Nhưng dân chúng Mỹ không quan tâm đến các đạo luật đó bằng những vấn đề trước mắt họ: lạm phát lên cao, bệnh dịch vẫn chưa hết, chính phủ bắt mọi người phải chích ngừa, mà Tối cao pháp viện cũng không đồng ý hoàn toàn, vân vân.

 

Sau một năm, số dân Mỹ ủng hộ ông Biden xuống thấp, chỉ còn 42%, kém ông Trump (44%) vào tháng Giêng năm 2018.

 

Tại sao ông Biden thất bại?

 

Hiểu được điều này thì chúng ta cũng hiểu tại sao ông Biden lận đận suốt 28 năm mới có cơ hội được đưa ra ứng cử tổng thống. Vì ông thiếu tay nghề!

 

Ông Joe Biden không có “nghề” đóng vai tổng thống. Nghề chính trị của ông được đào luyện trong Thượng viện suốt 36 năm, 1972 - 2008. Nghề đại biểu quốc hội cần những khả năng, phong cách, ngôn ngữ, thái độ khác hẳn nghề làm tổng thống. Càng ngồi lâu trong quốc hội thì những thói quen đó nhiễm càng sâu, rất khó thay đổi.

 

Các nhà chính trị đều phải là các diễn viên, luôn luôn lên sân khấu chinh phục khán giả. Trong số các chính trị gia, những người làm thống đốc được chuẩn bị để thích hợp với nghề tổng thống hơn. Vì họ cùng đóng cùng một vai trò, chỉ khác trên sân khấu lớn hay nhỏ. Các nghị sĩ không có dịp đóng vai trò tương tự; lại còn tập các thói quen trái ngược hẳn.

 

Các đại biểu quốc hội phải chinh phục cử tri trong đơn vị hay trong tiểu bang của mình, con số tương đối nhỏ. Công việc chính của họ là giao dịch với các đại biểu quốc hội khác. Ở Thượng viện, con số không lớn, thường chỉ cần vận động năm, bảy người then chốt. Họ phải biết ve vuốt, thuyết phục, tìm ra các nhược điểm của từng cá nhân đồng viện, đạt được những thỏa hiệp trong hậu trường, rồi biểu quyết thông qua các đạo luật. Lâu lâu gặp gỡ cử tri một lần họ chỉ cần kể ra thành tích đã làm được gì có lợi cụ thể cho dân địa phương.

 

Làm tổng thống thì khác. Lúc nào cũng phải đóng vai một nhà lãnh đạo trước mắt 160 triệu cử tri cả nước Mỹ. Đối với công chúng, điều quan trọng nhất là ông tổng thống mang hình ảnh một nhà lãnh đạo. Ông tổng thống cần thỏa mãn những tình tự yêu ghét của cử tri, hơn là thuyết phục họ bằng lý trí. Ông tổng thống phải biết cách thuyết phục hàng triệu người một lúc, đủ các loại người, chứ không phải như ông nghị sĩ chỉ cần nói chuyện thủ thỉ với năm bảy người cùng một trình độ và cách sống giống như mình.

 

Trong một năm, ông Biden chưa tập được các thói quen mới. Ông ít họp báo, không hay ra công chúng, tham dự các cuộc biểu tình của những người ủng hộ mình. Ông dành rất nhiều thời giờ gặp các dân biểu, nghị sĩ, tại Tòa Bạch Ốc hay sang trụ sở quốc hội. Cả những nghị sĩ mà ông biết trước họ sẽ không bỏ phiếu cho chương trình của mình, ông vẫn mời họp, nhiều lần chứ không phải một lần.

 

Một ông tổng thống cần cho người ta thấy mình cương quyết, mạnh bạo, gây được hình ảnh một nhà lãnh đạo biết mình phải làm gì và quả quyết rằng kết quả sẽ hoàn toàn tốt đẹp như mình muốn. Ông Biden không tạo được hình ảnh đó. Trong cuộc họp báo đánh dấu một năm cầm quyền, ông công nhận những sơ sót của mình; thí dụ, không thúc đẩy việc thử nghiệm (test) Covid sớm hơn. Ông còn xin lỗi khi tự nhận mình nói dài quá, hay nói ra ngoài câu hỏi.

 

Ngược lại, ông Donald Trump không bao giờ nói trước công chúng về các lầm lẫn của mình. Chưa thấy ông xin lỗi ai bao giờ mặc dù ông luôn luôn nói rất dài, nói ngoài đề và nêu ra các sự kiện không có thật. Đầu năm 2000, ông đã báo trước bệnh dịch Covid sẽ biến mất trong mấy tháng – như một phép lạ, ông quả quyết. Có lúc ông khuyên dân chúng chích hoặc uống thuốc sát trùng để trị loài vi khuẩn. Sau đó, ông không bao giờ nhắc lại và cũng không xin lỗi với ai rằng mình đã nói lầm. Cuối cùng, ông Trump vẫn củng cố được địa vị lãnh đạo của mình bên trong đảng Cộng Hòa. Ông biết rằng đảng Cộng Hòa không thể bỏ ông, khi ông vẫn được các cử tri nòng cốt ủng hộ. Ông chỉ cần chăm sóc thành phần cơ bản này là đủ.

 

Trong khi đó, địa vị của ông Joe Biden đang lu mờ, nếu không nói là vô hiệu lực, ngay trong đảng Dân Chủ. Hai dự án mà ông đang theo đuổi, tăng cường hệ thống an sinh xã hội và cải tổ luật bầu cử, đang bị tắc nghẽn chỉ vì hai nghị sĩ Dân chủ chống lại. Ông giống như một người đàn ông, có hai bà vợ mà không thể chiều ý cả hai. Trong đảng Cộng Hòa cũng có cảnh tượng đó, nhưng ông Trump biết cách, chỉ chiều ý một bà, bắt buộc bà kia phải theo mình.

 

Ông Donald Trump được đào tạo trong môi trường kinh doanh. Trong nghề địa ốc, ông biết cách chinh phục các ngân hàng để họ cho mình vay. Ông xây dựng một tòa nhà tráng lệ, từ cánh cửa đến thang máy cũng dát vàng. Ai thấy cũng choáng ngợp; các ngân hàng sẵn sàng cho ông vay, xây dựng các sòng bài, mấy năm sau ông tuyên bố phá sản. Ông đã thâu lại đủ cả vốn nhà, rất nhỏ, với tiền lương quản trị và cho thuê dùng nhãn hiệu Trump của ông. Các ngân hàng đành chịu, cố vớt lại đồng nào hay đồng đó.

 

Nhãn hiệu Trump bây giờ càng lên giá. Ông tiếp tục thâu tiền ủng hộ vào các quỹ tranh cử tương lai, lập công ty truyền thông cổ động cho các chủ trương của mình để nuôi quỹ tranh cử. Khi ông còn chưa nói dứt khoát năm 2024 sẽ tranh cử hay không, tiền còn tiếp tục đổ vào. Và đảng Cộng Hòa không thể bỏ được nhãn hiệu này.

 

Ông Joe Biden khó thay đổi những thói quen sau gần 40 năm làm nghị sĩ. Trong 8 năm làm phó tổng thống, vai trò chính của ông cũng là thay mặt ông Obama liên lạc với các nghị sĩ khác. Ông tương đối thành công khi vận động các đồng viện. Nhưng các kinh nghiệm trong nghề nghị sĩ không chuẩn bị cho ông làm nghề tổng thống!

 

Không biết rằng ở tuổi gần 80 ông Biden còn khả năng “đổi nghề” hay không, nhưng chắc chắn ông phải thay đổi. Làm tổng thống cần nhất là biết hô các khẩu hiệu ròn rã làm nức lòng người. Người dân bình thường không thích nghe những lý luận dài dòng, không suy nghĩ về các vấn đề trừu tượng, không nhớ được các con số. Dân cũng chỉ lo các vấn đề trước mắt, không nhìn trước các kết quả lâu dài quá xa. Chỉ một số ít người muốn biết và quan tâm đến những gì diễn ra trong hậu trường. Nếu ông Biden còn may mắn, như ông đã may mắn đắc cử năm 2020, thì bệnh dịch Covid sẽ tàn dần, kinh tế phục hồi và lạm phát thuyên giảm trong năm nay hoặc năm tới!

.

--------------------------------

.

.

Joe Manchin cứu Joe Biden?

Ngô Nhân Dụng

22/12/2021

https://www.voatiengviet.com/a/manchin-biden-bbb-du-luat/6365075.html

 

https://gdb.voanews.com/3C1D0166-4FFA-49A3-B7DE-E4AA15E1D3D8_w650_r1_s.jpg

Nghị sĩ Joe Manchin, nói chuyện với phóng viên tại đồi Capitol, Washington.

 

Tổng thống Joe Biden muốn thông qua dự luật BBB (Build Back Better) trước ngày lễ Giáng Sinh. Nghị sĩ Joe Manchin mới nói “No,” dập tắt hy vọng đó. Trong Thượng viện mỗi đảng có 50 nghị sĩ. Không có ông Manchin, đảng Dân Chủ sẽ chỉ còn 49 phiếu.

 

Ông Manchin giải thích, vì ông lo chi ra món tiền $1.75 ngàn tỷ mỹ kim quá lớn sẽ đẩy lạm phát tăng lên. Khoản chi tiêu mà ông chống mạnh nhất là kéo dài món tiền trợ cấp cho các gia đình nuôi con (child-tax-credit), $300 đô la một tháng cho trẻ em dưới 6 tuổi, $250 cho lớp tuổi 6 đến 17. Món trợ cấp này nằm trong đạo Luật Cứu Trợ nhân bệnh dịch Covid-19 với $1.9 ngàn tỷ, đã được thông qua từ đầu năm 2021, nhưng sẽ chấm dứt cuối năm nay. Dự luật BBB cho phép kéo dài khoản trợ cấp đó thêm một năm nữa.

 

Cơ quan Ngân sách của Quốc hội (CBO) ước tính tất cả dự luật BBB sẽ làm ngân sách khiếm hụt thêm $367 tỷ trong 10 năm. Đối với nước Mỹ, đó chỉ là một con số nhỏ. Khoản chi trợ cấp nuôi con sẽ khiến tỷ số lạm phát tăng thêm 0.1% trong năm 2022, thực ra không đáng kể.

 

Nhưng các ước tính này chỉ dựa trên những gì được ghi trong đạo luật. Ông Manchin biết rằng sự thật sẽ không phải như vậy.

 

Tòa Bạch Ốc lúc đầu đã tính BBB chi đến $3.5 ngàn tỷ, bị phản đối nên sau đó rút xuống dần, chỉ còn một nửa. Rút xuống bằng cách nào? Bằng cách cắt thời gian thi hành của nhiều khoản chi, từ 10 năm xuống còn 5 năm, 3 năm, vân vân! Khoản trợ cấp nuôi con (child-tax-credit) chỉ có hiệu lực trong một năm, sẽ chi ra $190 tỷ. Nhưng sau một năm, nếu Tòa Bạch Ốc đề nghị triển hạn thêm một, hai năm nữa, có đại biểu quốc hội muốn chống lại, trước ngày dân đi bỏ phiếu, hay không?

 

Cả hai đảng chính trị ở Mỹ đã quen dùng “thủ thuật” này khi đưa ra các dự luật, gọi tên là “mặt trời lặn” (sunset). Khi một vị tổng thống Cộng Hòa đưa ra luật cắt thuế cho những người lợi tức cao, hay khi một ông Dân Chủ muốn trợ cấp cho người nghèo, họ đều đề nghị chỉ áp dụng trong một thời gian mấy năm, rồi tắt, sunset. Nhưng trên thực tế, các khoản cắt thuế hoặc trợ cấp thường được triển hạn. Tổng thống Johnson tăng trợ cấp người nghèo, ông Nixon kế nhiệm không thể bỏ. Tổng thống Bush cắt thuế, qua thời ông Obama vẫn phải giữ nguyên. Khoản trợ cấp nuôi con nếu được triển hạn trong 10 năm, sẽ chi ra $1 ngàn tỷ đô la, không phải chỉ có $190 tỷ.

 

Nhưng sang năm đảng Cộng Hòa có nhiều hy vọng sẽ chiếm lại đa số ở Quốc hội, họ sẽ không cho triển hạn. Vậy tại sao ông Joe Manchin phải lo xa như vậy?

 

Vì ông là vị dân cử duy nhất thuộc đảng Dân Chủ trong Tiểu bang West Virginia. Dân ở đó thích đảng Cộng Hòa. Cứ 4 người dân thì 3 người chống dự luật BBB. Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump chiếm được 69% phiếu bầu của dân West Virginia; Tổng thống Joe Biden chỉ được 30%. Một cuộc nghiên cứu dư luận mới đây cho thấy ông Manchin được 60% dân chúng ủng hộ, gấp đôi ông Biden.

 

Ông Manchin ra tranh cử nghị sĩ lần đầu năm 2010. Ông đại diện đảng Dân Chủ nhưng vận động với những chủ trương giống hệt đảng Cộng Hòa. Ông chống phá thai, ủng hộ cắt giảm thuế cũng như quyền mang súng, và kêu gọi “Không cho chính phủ cưỡi trên lưng mình và thọc túi mình lấy tiền (thuế).”

 

Nhưng West Virginia cũng là nơi được trợ giúp nhiều nhất trong 50 tiểu bang ở Mỹ. Theo nghiên cứu của Đại học West Virginia, 24% ngân sách tiểu bang và 29% lợi tức cá nhân năm 2019 là do chính phủ liên bang cung cấp.

 

Làm nghị sĩ trong 11 năm, mỗi lần chống lại một dự luật ông Manchin chỉ nêu một lý do: “Cái này không tốt cho West Virginia!” Ngay trong khi soạn thảo dự luật BBB, ông đã đòi hỏi được nhiều khoản tiền chi cho cử tri của mình. Ông moi được cả tiền trợ cấp cho các mỏ than, công nghiệp lớn ở West Virginia mặc dù đang tàn lụi khắp thế giới.

 

Ngay sau khi ông Joe Manchin chống dự luật BBB, Nghiệp đoàn Công Nhân Khai Mỏ (UMWA) ở West Virginia đã lên tiếng yêu cầu ông đổi ý. Ông Manchin đã được phong làm “đoàn viên danh dự” của UMWA vào năm 2020. Theo Business Insider, ông cũng đầu tư hàng triệu mỹ kim trong các công ty khai thác mỏ than, thường đối nghịch với nghiệp đoàn

 

UMWA nêu lý do: Dự luật BBB có lợi cho các công nhân mỏ than, vì sẽ giúp các công ty chủ mỏ. Lãnh tụ nghiệp đoàn Cecil E. Roberts cho biết dự luật này sẽ trợ cấp các công ty khai mỏ tiếp tục trả tiền cho công nhân phải chữa “bệnh phổi đen” (Black lung disease), nếu không cuối năm nay sẽ chấm dứt. Dự luật BBB cũng giảm thuế cho các công ty mỏ than xây dựng thêm, tạo hàng ngàn công việc làm khác cho các công nhân bị sa thải vì bị máy móc thay thế.

 

Ông Manchin đã nói ông sẽ trở lại ủng hộ BBB nếu Tòa Bạch Ốc thay đổi những điều ông phản đối. Ông Joe Biden chắc sẽ phải thay đổi để dự luật được thông qua, dù nhỏ hơn. BBB là chương trình lớn thứ ba đánh dấu năm đầu tiên Biden làm tổng thống. Đầu năm, ông đã ký đạo luật với $1.9 ngàn tỷ đô la Cứu trợ Covid-19. Sau đó, là $1.2 ngàn tỷ xây dựng hạ tầng cơ sở. Số tiền tổng cộng cao gấp đôi tiền kích thích kinh tế và chương trình Y tế của cựu Tổng thống Obama.

 

Dự luật BBB sẽ kích thích kinh tế phục hồi sớm hơn trong năm tới. Ngay sau khi ông Manchin nói “No,” Goldman Sachs, một ngân hàng lớn, đã tiên đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm bớt từ 3% xuống 2% trong 2022 nếu không có BBB. Ông Biden có thể nhượng bộ, cắt bớt một số chi tiêu như ông Manchin đòi hỏi nhưng ông vẫn thắng. Các đại biểu đảng Dân chủ đành chấp nhận thà thắng một phần còn hơn mất tất cả.

 

Ông Joe Manchin cũng có thể tuyên bố thắng lợi. Ông đã biểu diễn cho dân West Virginia thấy ông đã chống thẳng tay, và Joe Biden phải chịu thua. Một điều ông có thể đem khoe là, vì ông là một nghị sĩ Dân Chủ tham gia việc soạn thảo dự luật, ông đã đem về rất nhiều tiền cho dân West Virginia! Hiện nay 90% trẻ em ở Mỹ được trợ cấp theo chương trình “child tax credit;” West Virginia có 93% trẻ em được hưởng. Nếu ông Manchin chấp nhận hạ thấp trợ cấp từ $300 xuống $200, $150 đô la, các cử tri của ông cũng vui!

 

Cố Dân biểu Tip O'Neil, từng làm chủ tịch Hạ viện Mỹ trong hàng chục năm, thường nhắc lại câu châm ngôn được các chính khách Mỹ học thuộc lòng: Chính trị tất cả là chuyện địa phương (all politics is local).Muốn tấn công một dân biểu hay nghị sĩ nào, hãy nhắm vào các cử tri sẽ bỏ phiếu cho họ. Các đại biểu quốc hội bàn việc quốc gia, nhưng không bao giờ quên phải làm sao chinh phục cử tri của mình. Năm 1982, ông O’Neil đề nghị một dự luật chi $1 ngàn tỷ đô la ở Hạ viện. Lãnh tụ đối lập Robert H. Michel phản đối. Ông O’Neil đã đến tận đơn vị đã bầu cho ông Michel, ở Peoria, Illinois, trình bày cho dân chúng thấy dự luật của ông sẽ giúp sửa sang những đường xá hư hỏng ở địa phương. Ông Michel đổi ý kiến.

 

Nhật báo Wall Street Journal, khuynh hướng Cộng Hòa, ngày 20 tháng 12 đã bình luận rằng “Ông Manchin đang giúp Đảng Dân chủ một cái phao cứu sinh.” Ông đã bắt họ đối diện với thực tế, biết rằng vị thế của họ rất mong manh; có thể nhượng bộ mà không mất thể diện. Ông Joe Biden sẽ phải đổi hướng, theo đường lối trung dung hơn.

 

Cựu Tổng thống Bill Clinton đã từng thay đổi như thế. Năm đầu tiên ông nhậm chức, 1993, dự án cải tổ y tế của ông phải hủy bỏ; năm 1994 đảng Dân chủ thua trong cuộc bầu cử quốc hội. Ông Clinton đã chuyển hướng, trung dung hơn. Năm 1996, ông lại được tái cử. Joe Manchin đã báo hiệu đảng Dân Chủ cần thay đổi. Liệu ông Joe Biden có học theo kinh nghiệm của Bill Clinton hay không?

 

==================================

 

 

Bài xem nhiều nhất

 

·         1

Ban Tuyên giáo, cụ Phan, cụ Trương, tên đường và nỗi đau

 

·         2

Sau một năm tan tác vì dịch, Việt Nam sẽ đón cái Tết ảm đạm?

 

·         3

Đảng Dân chủ không thể bãi bỏ filibuster, luật bỏ phiếu sụp đổ

 

·         4

Mỹ tìm cách tăng tốc bàn giao phản lực chiến đấu cho Đài Loan

 

·         5

Bộ đội Việt Nam bị bắt vì bán thẻ cư trú tại Nhật Bản





No comments: